85 năm ngày ra mắt bút nhóm Tự lực văn đoàn - Kỳ II: Sự chuyên nghiệp và sáng tạo

Nguyễn Hương Giang| 22/07/2018 07:59

Những đóng góp của Tự lực văn đoàn vào đời sống văn học dân tộc từ đầu thế kỉ XX không chỉ thể hiện ở tôn chỉ mà còn ở cả những hoạt động nổi bật như hoạt động báo chí, xuất bản, giải thưởng và việc cổ vũ cho sự thắng thế của Thơ mới.

Từ những hoạt động báo chí, nhà xuất bản chuyên nghiệp...

Nền văn học hiện đại tất không thể phát triển, không thể được phổ biến rộng rãi nếu không có một nghề cực kì quan trọng và một phương tiện hỗ trợ cực kì hiệu quả: nghề in và báo chí. Bởi vậy, ngay sau khi xuất hiện ở Việt Nam, ba mươi năm đầu thế kỷ XX, thậm chí cho tới hết thời kỳ 1932 – 1945, báo chí  đã trở thành “bà đỡ” cho văn chương mới đang thành hình.

Thời gian này, các văn nhân hiện đại đã xuất hiện và trưởng thành trong môi trường báo chí. Xung quanh một số tờ báo lớn thời đó đã quy tụ những nhà văn, những nhóm nhà văn chủ chốt đương thời. Sáng tác của họ đều cơ bản xuất hiện trên báo rồi sau mới được các nhà xuất bản in lại thành sách. 

85 năm ngày ra mắt bút nhóm Tự lực văn đoàn - Kỳ II: Sự chuyên nghiệp và sáng tạo
Tự lực văn đoàn là nhóm đứng đầu về sự chuyên nghiệp nghề văn trong những năm 1930 - 1945.
Tính chất đặc biệt của báo chí giai đoạn này thể hiện ở chỗ nó không chỉ đơn thuần đưa tin mà có thể nói – là bách khoa thư. Trên báo có tất cả: dạy viết chữ quốc ngữ, phép chính tả, đưa tin, dạy viết văn làm thơ theo lối mới, lối cũ, đăng các tác phẩm văn học mới, dịch thuật (những kiệt tác về văn học và tư tưởng của cả phương Đông lẫn phương Tây), hình thành nên những thể loại văn học hiện đại… Một cách tổng quát, hai nhiệm vụ cơ bản của báo chí thời kỳ này là: Tổng duyệt những giá trị cũ làm nền tảng cho mai hậu và tiếp nhận những nguồn ảnh hưởng văn học mới từ phương Tây. 

Nhắc tới hoạt động báo chí của Tự lực văn đoàn người ta nhớ ngay tới tờ Phong hóa và Ngày nay. Chính qua tuần báo Phong hóa mới mà nhóm ra mắt quốc dân. Tờ báo nổ ra như một trái bom, mang lại cho xã hội Việt Nam khi đó một món quà người ta chưa hề được thưởng thức: Cái cười. Xã hội ta xưa vốn đã có những câu thơ trào phúng, những câu chuyện tiếu lâm song thường là những cái cười vụn vặt tài tử. Ở Phong hóa thì khác. Cái cười được hiện diện trong một chuyên tập, như một chuyên môn, do những người chuyên vắt óc nghĩ cách cù cho người khác cười. Nhất là không chỉ bằng những câu chuyện kể mà còn bằng những bức tranh khôi hài nhiều chân dung hí hoạ có khi động chạm đến cả những nhân vật tai to mặt lớn thời bấy giờ như Hoàng Trọng Phu trong loạt bài hoạt kê “Đi xem mũ cánh chuồn”. Báo trào phúng Việt Nam quả đến đây mới có.

Phong hóa hoạt động sôi nổi đến năm 1936 thì bị đóng cửa vĩnh viễn. Song song với Phong hóa nhóm Tự lực văn đoàn còn cho ra mắt một mặt trận nữa để chinh phục độc giả, đó là tờ Ngày nay (ra đời sau Phong hóa hai năm). Ban đầu Ngày nay chỉ chuyên về phóng sự điều tra với rất nhiều hình chụp có tính cách mỹ thuật tựa như những tạp chí ngoại quốc như Paris Match, News Magazine, Life… Sau khi Phong hóa bị thu giấy phép, nhóm tập trung vào tờ Ngày nay với hai phần chính là tiểu thuyết và “trông tìm”.

Đến cuối năm 1936 thời cuộc chính trị sôi nổi vì phong trào kiến nghị để chờ đón Ủy ban điều tra của chính phủ bình dân Pháp khai sáng, Tự lực văn đoàn lại cho tái sinh phần trào phúng nhưng giảm bớt so với Phong hóa, gọi là “cười nửa miệng” thôi. Ngày nay trong những năm 37, 38, 39 thường là nơi diễn đàn thời sự cho cây bút sắc sảo Hoàng Đạo đưa ra những vấn đề chính trị và xã hội đòi chính quyền thực dân giải quyết như vấn đề tự do của nghiệp đoàn, của báo chí, vấn đề đời sống dân quê trong mục “Bùn lầy nước đọng”, vấn đề công bằng và luật pháp trong “Trước vành móng ngựa”. Đây cũng là nơi diễn ra những cuộc bút chiến văn chương. Nhưng quan trọng hơn cả, Ngày nay còn là nơi mà đa số những mầm non nghệ thuật trong nước hướng vào như một thứ “hàn lâm viện”, với những giải thưởng văn chương công bố hàng năm. Với Ngày nay, Tự lực văn đoàn mở rộng cửa để đón thêm nhiều văn thi gia có giá trị khác như Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Huy Cận…

Không chỉ thế, ra báo Phong hóa được vài tháng, nhóm Tự lực được thành hình, Nguyễn Tường Tam nghĩ ngay đến sự cần thiết có một nhà xuất bản. Mới đầu ông nhờ người ngoài có vốn thành lập hội An Nam xuất bản cục. Mấy tác phẩm đầu tiên như Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên đều in ở đó. Sau để bảo toàn tính cách tự lập, văn đoàn mới dựng lên nhà xuất bản Đời nay. Những tiểu thuyết của văn đoàn thường đăng trên báo trước, sau đó mới xuất bản ra sách. Nếu báo bán rất chạy thì sách của họ in ra cũng không kém.

Sau 12 tháng làm việc, tính ra họ đã tung ra công chúng được 54 ngàn cuốn, tất cả đều là tiểu thuyết, trừ hai tập thơ của Thế Lữ và Tú Mỡ. Mới đầu, Đời Nay chỉ xuất bản những sách của nhóm Tự lực văn đoàn sau đó mở rộng ra, xuất bản những sách được giải thưởng Tự lực văn đoàn, hoặc sách của các nhà văn mà họ công nhận giá trị và thấy không sai ngược với tôn chỉ của mình, như tiểu thuyết của Nguyên Hồng, Nguyễn Khắc Mẫn, thơ của Anh Thơ, Tế Hanh. Mới đầu chuyên chú vào làm sách đẹp, sau để văn phẩm phổ cập đến những tầng lớp ít tiền, họ ra những loại cũng in những tác phẩm ấy nhưng bán rẻ hơn, loại Lá mạ, Nắng mới thường ra cuốn nào bán hết cuốn ấy. 

Không những văn chương được yêu chuộng, mà sách trình bảy dưới con mắt của Nguyễn Tường Tam cũng mới hẳn, có mỹ thuật, đẹp mắt, từ bìa ngoài đến trang trong, khác hẳn cách luộm thuộm cổ lỗ của các thư quán thương mại bấy giờ. Lần đầu tiên nước ta có một nhà xuất bản theo đuổi một mục đích văn học, làm việc dưới một tôn chỉ văn học, nó khác hẳn với một số nhà xuất bản thời đó chỉ chú trọng đến vấn đề thương mại, làm giàu, bắt chẹt những nhà văn mới vào nghề như Tân Dân.

Ở đây ta có thể nói Đời Nay đã mở ra môt kỉ nguyên mới cho cuốn sách trong lịch sử văn học Việt Nam đồng thời giúp văn đoàn họ truyền bá rộng rãi những tác phẩm cùng tư tưởng và quan niệm của văn đoàn. Đến năm 1940, tờ Ngày nay đóng cửa, song nhà xuất bản vẫn còn và tiếp tục công việc phổ biến các sách của họ.
Đến sáng kiến mở giải thưởng và cổ vũ cho sự thắng thế của Thơ mới

Công bằng mà nói, nếu nói về sự chuyên nghiệp làm nghề văn thì Tự lực văn đoàn là nhóm đứng đầu thời đó. Họ biết cách làm ăn, tôn trọng thị hiếu độc giả, một phần vì tiền nhưng một phần vì nghệ thuật văn chương, không chèn ép nhà văn, không chú ý đến lợi nhuận. Nhà xuất bản Đời Nay bên cạnh việc in sách của anh em Nhất Linh thì họ cũng đặc biệt ưu ái, “lăng xê” những tên tuổi khác như Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận… Không những thế, Tự lực văn đoàn còn có sáng kiến mở giải thưởng. Từ năm 1935, Tự lực văn đoàn mở giải thưởng hàng năm.

Tính đến 1939 họ trao 4 lần giải. Nhiều nhà thơ, nhà văn sau này nổi tiếng đều do họ chọn ra. Đỗ Đức Thu (Ba), Vi Huyền Đắc (Kim Tiền), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Mạnh Phú Tứ (Làm lẽ), Anh Thơ (Bức tranh quê), Nguyễn Bính (Tâm hồn tôi), Lê Đại Thanh (Hai người học trò), Tế Hanh (Nghẹn ngào), Trần Mai Ninh (Rạng đông), Cung Khanh (Cách ba ngàn năm)… Giải thưởng không chỉ có ý nghĩa trong việc phát hiện tài năng mà còn khích lệ những tài năng ấy tiếp tục cống hiến, sáng tạo nhiều hơn nữa. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao trước cách mạng nhờ có Tự lực văn đoàn mà thị trường sách của nước ta sầm uất hẳn lên.

Sự xuất hiện của Thơ mới là tất yếu khi xã hội Việt Nam va chạm với phương Tây, như Hoài Thanh đã xác nhận trong cuốn Thi Nhân Việt Nam: “Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng với hàng hoá phương Tây, cái mầm sau này sẽ nảy thành thơ mới”. Nhưng sự thắng thế của Thơ mới không thể không nhắc tới vai trò của báo chí, trong đó có hai tờ Phong hóa và Ngày nay của Tự lực văn đoàn. Điều này đã được tác giả Thi Nhân Việt Nam nói rõ: “Báo Phong hóa mới ra ngày 22/9/1932.

Ngay số đầu tiên đã có bài công kích thơ Đường luật và kết luận rằng: “Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng”. Từ đó cho đến cuối năm 1932 Phong hóa không đăng Thơ mới nhưng cũng không đăng thơ cũ. Phong hóa lại còn giễu thơ cũ bằng cách giễu Tản Đà - người đại biểu chính thức cho nền thơ cũ. Bài Cảm thu tiễn thu của Tản Đà đã làm đầu đề cho một bức tranh khôi hài của Đông Sơn và một bài hát nói khôi hài của Tú Mỡ. Họ so sánh cảnh thực với cảnh mộng trong trí tưởng tượng của thi nhân… Phá hoại rồi kiến thiết. Nhận được của ông Lưu Trọng Lư bức thư gửi cho ông Phan Khôi mấy tháng trước, họ trịnh trọng đăng lại trên Phong hóa số Tết ra ngày 24/1/1933 cùng với ít bài Thơ mới của Lưu Trọng Lư, Tân Việt, Thế Lữ. Tiếp theo đó Phong hoá luôn luôn đăng thơ mới của Lưu Trọng Lư, Tứ Ly, Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Huy Thông… Bước sang năm 1936, sự toàn thắng của Thơ mới đã rõ rệt… “Lưu Trọng Lư nở một cười kiêu hãnh, đăng trên Hà Nội báo (19/2/1936) một bài thơ thất ngôn sách họa kết bằng hai câu:

Nắn nót miễn sao nên bốn vế,
Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ.

Cái cười khinh mạn của người chiến thắng kể không có gì đáng ưa. Thế Lữ khôn hơn chỉ lẳng lặng nói chuyện với người đồng hương - những người trong làng Thơ mới. Từ mục “Lá thắm” của Tinh Hoa đến mục “Tin Thơ” của Ngày nay, từ tháng 5/1937 đến tháng 10/1938 Thế Lữ chăm chú dạy nghề thơ cho những ai nuôi giấc mộng một ngày kia trở nên thi sĩ” (Thi nhân Việt Nam. NXB VH, H-1999).

Trích dẫn hơi dài dòng nhưng cũng để thấy rằng trong cuộc đấu tranh dai dẳng, căng thẳng giữa Thơ mới và thơ cũ thì quan điểm của Tự lực văn đoàn rất rõ ràng là cổ vũ, ủng hộ cho Thơ mới vì Thơ mới cũng có chung tôn chỉ của họ. Chính việc đăng Thơ mới, phát hiện nhiều tài năng thi ca đã góp phần vào sự thắng thế của Thơ mới. Để rồi nhà phê bình Hoài Thanh phải ngỡ ngàng thốt lên đầy kiêu hãnh: “Tôi quả quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực như Xuân Diệu”.

Tìm hiểu về những đóng góp của Tự lực văn đoàn trong đời sống văn học dân tộc từ đầu thế kỉ XX chúng ta thấy lời nhận xét của những nhà nghiên cứu thật xác đáng “Tự lực văn đoàn không phải là nhóm sớm nhất, duy nhất nhưng lại là nhóm có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển văn học dân tộc”. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Quận Tây Hồ: đối ngoại nhân dân góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về công tác đối ngoại của Thủ đô
    Chiều 28/3, Quận uỷ Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2024 - 2025.
  • Trấn Bình Môn Kinh thành Huế như bị lãng quên
    Trấn Bình Môn là một cổng phụ trong 13 cửa của Kinh thành Huế nhưng ít người lui tới; như bị lãng quên, xuống cấp theo thời gian và tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai di dời dân để trả lại nguyên trạng cho di tích.
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
85 năm ngày ra mắt bút nhóm Tự lực văn đoàn - Kỳ II: Sự chuyên nghiệp và sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO