Ả Nang phu nhân và Ả Nương phu nhân

Bùi Thị Thiên Thai| 14/03/2020 09:25

Xưa kia, vào thời Đông Hán, ở huyện An Lạc phủ Tam Đái, đạo Sơn Tây (xã Bồng Mạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Phúc Yên, nay là xã Bồng Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội), có một người họ Vương, húy là Hinh và vợ là bà Tạ Thị Long.

Ả Nang phu nhân và Ả Nương phu nhân
Đình Bồng mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội

Xưa kia, vào thời Đông Hán, ở huyện An Lạc phủ Tam Đái, đạo Sơn Tây (xã Bồng Mạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Phúc Yên, nay là xã Bồng Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội), có một người họ Vương, húy là Hinh và vợ là bà Tạ Thị Long. Ông bà vốn nghề trồng dâu nuôi tằm, suốt đời gắng sức làm việc thiện. Ấy vậy mà tuổi đã cao, ông bà vẫn muộn mằn đường con cái. Thường cùng nhau than thở rằng: dù có núi vàng, biển thóc cũng coi nhẹ như lông, như cỏ, chỉ có con thảo, cháu hiền mới đáng để coi trọng. Thế rồi, ông bà xuất tiền của để cứu giúp người nghèo, sùng tu Phật đạo, cùng xuất gia, đến tu ở chùa châu Bồng Mạc, đèn nhang hương khói mà tu tâm tích đức. Được một năm, ai ai cũng mến mộ đức độ của ông bà. Bỗng một đêm, bà Tạ thị nằm mộng thấy một người con gái nhan sắc tuyệt trần, nàng tự xưng: Ta vốn là tiên nữ Bồng Lai, ở tại Ly Cung, vị hiệu Ma Bà. Nhà khanh có đức lớn, vậy nên thiên đình sẽ cho thần nữ giáng sinh. Lại ban cho Tạ thị một cành đào có hai quả, bảo ăn xong sẽ có tin vui.

Trong thoáng chốc, thần tiên đã về trời. Tạ thị tỉnh giấc bèn kể lại cho chồng. Vương ông nói: tất là điềm lành. Thế rồi bà Tạ thị có mang, đến ngày mùng 8 tháng 2 năm Quý Mùi thì hạ sinh được hai người con gái, thiên tư yểu điệu, thể mạo khác thường. Biết đây là thần tiên giáng sinh nên ông bà vô cùng yêu quý, đặt tên hai nàng là Ả Nang và Ả Nương. Hai nàng được 3 tuổi đã biết kính nhường, nghe học mà biết, nghe âm mà hiểu. Chẳng may, mới 16 tuổi thì cha mẹ nối nhau qua đời. Ba năm mãn tang thì nghe tin có giặc Tô Định đem quân xâm chiếm, trăm họ lầm than. Khi ấy, cháu gái vua Hùng tên húy là Trắc, là một đấng nữ nhi hào kiệt, là bậc thánh thần trên cõi đời, đại lượng hùng uy, đã nổi lên chống giặc. Trưng nữ lập đàn cáo tế ở cửa sông Hát Môn, mật cáo với Tản Viên Sơn Thánh cùng chư vị bách thần rằng:

“Trải các đời thiên tử thánh minh, triều đình hữu đạo, yêu nước thương dân, đức lớn ban khắp, thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Nay lũ dê chó Tô Định quen thói điên cuồng, tàn sát dân ta, khiến cho thần và người đều căm phẫn. Thiếp đây là cháu gái vua Hùng, trước cảnh ấy không khỏi rơi lệ, quặn lòng… Nay muốn mượn điều nghĩa để trừ lũ tham tàn. Kính mong chư tôn thần linh cùng chứng giám, xin hết lòng phù giúp cho Trưng Nữ đem quân đánh giặc giữ nước cứu dân, khôi phục lại cơ nghiệp tổ tông, khiến cho muôn dân thoát khỏi cảnh lửa bỏng dầu sôi, đến được nơi no ấm. Ấy cũng là đền đáp được địa ân của hoàng thiên hậu thổ, khiến cho các bậc tiên hoàng và tổ tiên có thể ngậm cười nơi chín suối”. 

Tế xong, bèn truyền hịch đến khắp các đạo, châu, huyện để tìm người văn võ toàn tài ra tay chống giặc. Ả Nang và Ả Nương nghe tin bèn mộ binh được hai nghìn người rồi dẫn quân đến ra mắt Trưng Vương. Nhận thấy tài thao lược của hai nàng, Trưng Vương bèn phong cho làm Liệt Nữ tướng quân và điều đi tuần du tiền trạm hai ngả Tây, Bắc. Hai nàng phụng mệnh dẫn hai nghìn quân thủy bộ xếp thành các cơ, đội rầm rập tiến quân. Cờ quạt, chiêng trống ầm ầm như sấm động, vang khắp nghìn trùng. Một hôm tiến quân đến huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, trú quân ở chân núi So, hai nàng nghe dân chúng trong vùng kể rằng: Trên núi có giếng Việt thời Hùng Vương, lại có tiên Ma Cô có thuốc lạ chữa bệnh cứu người. Ả Nang và Ả Nương bèn tìm đến miếu Ma Cô để xin phù trợ. Vừa đến nơi thì đã thấy từ bên núi đi lại có một người con gái dáng tựa Hằng Nga, tự xưng là tiên Ma Cô, ân cần hỏi han và trao cho hai nàng hai chiếc áo. Tiên nói: “Ta sẽ cùng hai chị em đánh giặc, hễ ra trận thì mặc áo này vào, tất sẽ có phép tàng hình mà dễ bề chế ngự giặc!”. Nói xong thì biến mất. Ả Nang và Ả Nương rất đỗi vui mừng bèn tâu xin Trưng Nữ Vương đột nhập vào đồn giặc Tô Định phục sẵn, chờ đến nửa đêm sẽ mở cửa thành cho quân ta tràn vào diệt giặc.

Trưng Nữ Vương y theo kế ấy. Trong chốc lát, quân Tô Định bị trong đánh ra, ngoài đánh vào, thua chạy hỗn loạn, chánh tướng bị bắt sống, 65 thành trì lại trở về lãnh thổ nước Nam. Trưng Vương lên ngôi vua. Khi ấy là thượng tầng tháng 2, mùa xuân, sứ giả phụng chiếu thư đến nói rằng: Giặc Tô Định đã bị đánh dẹp, thiên hạ bình yên, mời hai nàng trở về, nhà vua mở tiệc mừng và gia phong cho tướng sĩ. Lại cho hai nàng trở về hưởng thực ấp ở bản quán. Phụ lão thôn Bồng Mạc nghe tin đều đến ra mắt và xin được làm gia thần. Hai nàng bèn ban cho 30 hột kim ngân để mua ruộng ao lo việc thờ phụng sau này. 

Rồi đãi yến tiệc, khao thưởng sĩ tốt, phụ lão thôn dân. Tiệc đang vui, bỗng đâu mây đen kéo đến mịt mù, ánh chớp lóe sáng, soi rõ xa giá theo mấy đến xứ Đồng Đáp trang Đường Bồng. Mây tan, hai nàng cùng hóa. Hôm ấy là ngày 20 tháng 8. Dân chúng kinh sợ làm biểu tâu lên triều đình. Vua sai trở về làm lễ tế cho làm hộ nhi, lập miếu thờ tự. 

Trải các đời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… các nàng đều có âm phù hộ quốc, nên đều được phong là Ả Nương Phu Nhân (phàm các tiệc tế tự đều cung thỉnh tiên Ma Cô cùng phối hưởng) và Ả Nang Phu Nhân. 

Đến đời Trần Thái Tông, giặc Mông – Nguyên xâm chiếm, kinh thành bị vây, Trần Quốc Tuấn phụng mệnh cầu đảo bách thần, được hai vị âm phù hiển ứng nên đánh dẹp được giặc. Vua Thái Tông liền bao phong mỹ tự cho hai vị là Cung Kiệm Ý Nhã Đoan Thần Đức Hạnh Trinh Tĩnh Nhu Thận Ả Nang và Ả Nương Đại Thần. Đến khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh dẹp quân Minh, dành được đất nước, lại gia phong cho hai vị là Phổ Tế Phù Dung Cương Nghị Anh Linh. Ba sắc cho Bồng Mạc trùng tu miếu điện để thờ phụng hai vị. 

Trong khi hành lễ, các chữ húy cấm dùng là Hinh, Long, Nương, Nang. 

Đình Bồng Mạc đã được đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ả Nang phu nhân và Ả Nương phu nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO