Ám ảnh chiến tranh - Kỳ cuối: Câu chuyện của một nhân chứng

Lê Hoài Nam| 28/09/2018 09:10

Bây giờ mà người cầm bút cứ hay nói đến đề tài chiến tranh có vẻ như nặng về hoài cổ, không hợp thời lắm, tự tôi cũng đôi khi mang mặc cảm như vậy, bởi cuộc chiến gần nhất cũng đã trôi qua ngót một nửa thế kỷ rồi. Nhưng khi về tỉnh Bình Phước, chứng kiến những di ấn của cuộc chiến, tôi lại nhận thấy cái sự “ám ảnh chiến tranh” dường như vẫn còn. Những di tích chỉ là bề nổi, những gì mà nó gây ra còn hằn sâu trong tâm can con người mới là điều đáng nói.

Ám ảnh chiến tranh - Kỳ cuối: Câu chuyện của một nhân chứng
Trung tá Dương Hà Cường và tác giả. Ảnh: Lê Hoài Nam
Bữa trưa, ăn cơm ở Ban chỉ huy quân sự thị xã, những người đồng đội mới cho chúng tôi biết Trung tá Dương Hà Cường có một cuộc đời khá giông gió. Anh không biết bố mẹ mình là ai. Khi trận chiến khủng khiếp mùa hè 1972 đó kết thúc, những người lính giải phóng còn sống sót rút lui khỏi thị xã, họ nhìn thấy một em bé trai  2 tuổi mặt mũi nhọ nhem đất cát khói bụi đang ngồi bên đống đổ nát vừa khóc vừa gọi mẹ. Những người lính biết chắc rằng bố mẹ em đã chết bom, họ liền bế em đi theo. Kể từ hôm đó, em là con nuôi của những người lính giải phóng, họ đi đâu em đi theo đó, như một người lính ít tuổi nhất đơn vị. Ai cũng thương em, quan tâm dạy dỗ em, coi em như con. Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, họ cho em ngồi trong xe tăng thần tốc tiến về hướng Sài Gòn. Để bảo toàn tính mạng cho em, khi đi qua Bình Long quê hương em, họ bàn giao em cho một gia đình có thiện chí với cách mạng nuôi giúp. Cặp vợ chồng này, chồng tên là Hà Nghĩa, vợ tên là Dương Thị Hường, họ lấy nhau đã lâu mà không có con. Họ rất thương quý thằng bé. Họ lấy họ Dương của người vợ, họ Hà của chồng để đặt họ và tên đệm cho đứa bé, thành Dương Hà Cường. Nhưng cậu bé cũng chỉ sống trong vòng tay yêu thương của cặp vợ chồng này khoảng một năm thì bão táp cuộc đời lại ập đến với em. Hà Nghĩa và Dương Thị Hường nhận thấy không hợp nhau, lại không sinh con được với nhau nên đã ly hôn. Họ để cho Dương Hà Cường ở trong túp nhà tàn tạ của họ rồi mỗi người một ngả. Trước khi đi họ nói với Cường: “Bây giờ bố mẹ đã chia tay, không có điều kiện bao nuôi con nữa, con phải tự lo kiếm sống vậy thôi. Cầu trời Phật ban phước cho con”. Kể từ hôm đó, cậu bé 5 tuổi bắt đầu vật lộn với miếng cơm manh áo, tự nuôi thân. Cậu đi nhặt ve chai và làm đủ mọi việc miễn là không bị chết đói. Lớn thêm lên chút nữa, cậu bắt đầu có ý thức rằng, cậu cần phải đi học, chỉ có điều ấy mới thực sự cứu được đời cậu. Cậu đến trường, cái ngôi trường có pho tượng Đức chúa Giêsu. Một buổi đến trường, một buổi lăn lóc trong những bãi rác, ghềnh sông, nhìn thấy cái gì ăn được là nhặt, là bắt. Nhiều đêm nằm co quắp trong căn nhà ghép tre nứa trống vắng, Cường nằm mơ thấy bố mẹ mình, mặt đầy máu me; hai người cứ giằng cậu ra khỏi vòng tay bố mẹ nuôi. Nỗi ám ảnh chiến tranh vẫn trĩu nặng trong tâm hồn cậu bé khiến đôi khi cậu sợ hãi. Đến năm cuối trung học phổ thông, áp lực học hành lớn quá, điều kiện kiếm sống cũng không còn dễ dàng, cậu đã vào chùa toan xuống tóc làm người tu hành, nhưng thật may, có một quý nhân xuất hiện đúng lúc. Đó là bác sĩ quân y Hà Tố Thiện, Phó chủ nhiệm hậu cần kiêm Chủ nhiệm quân y Học viện Lục quân II. Ông Thiện can thiệp với lãnh đạo đưa Dương Hà Cường vào học ngôi trường đào tạo sĩ quan này. Tình yêu thương của ông đã khiến Cường bớt đi nỗi ám ảnh sợ hãi. Cường trở thành quân nhân, coi quân đội là gia đình lớn của mình. Với bản tính chịu khó cộng với nỗi ám ảnh chiến tranh ghê gớm, Dương Hà Cường phấn đấu không biết mệt mỏi, trở thành một sĩ quan chỉ huy giỏi, sẵn sàng có mặt ở những nơi hiểm nguy nhất với tâm nguyện phải ngăn chặn bất cứ cuộc chiến tranh nào xảy ra trên đất nước, để đừng bao giờ có những đứa trẻ phải chịu cảnh bơ vơ không cha mẹ như anh… 

Bây giờ Dương Hà Cường đã có vợ và sinh hai con trai. Phạm Thị Hoa, vợ anh rất đảm đang và yêu chồng. Chị có một quầy hàng tạp hóa nhỏ cách ngôi nhà thờ xứ Bình Long một quãng. Cái cửa hiệu tạp hóa ấy của Hoa cùng với đồng lương của Cường là nguồn sống của gia đình anh chị.

Ám ảnh chiến tranh - Kỳ cuối: Câu chuyện của một nhân chứng
Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài - Bình Phước.
Di tích cuối cùng chúng tôi đến là bia tưởng niệm 35 liệt sĩ của Đồn Biên phòng 801 sát với cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Vào năm 1978, trong một đêm đang an lành, một tiểu đoàn lính Pôn-pốt đã bí mật đột nhập  sang đất ta bao vây đồn. Không kịp kêu gọi chi viện, cả đơn vị đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi anh dũng hy sinh, 35 sĩ quan và chiến sĩ không sống sót một ai. 

Trưa hôm ấy, chúng tôi về ăn trưa với đội công tác K72. Các tỉnh có đường biên giới với Campuchia đều có một đội này, được thành lập theo quyết định 810, ngày 23/11/2000 của Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ chuyên tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trong địa bàn của tỉnh và địa bàn được phân công bên nước bạn Campuchia. Từ ngày thành lập đến nay, đội công tác K72 của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã tìm kiếm, cất bốc được 2577 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia, trong đó 234 mộ có tên tuổi. Còn việc tìm kiếm mộ liệt sĩ từ năm 2013 trở về trước, theo đề án 1237 là nhiệm vụ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Sau năm 2013 mới giao cho K72, từ đó đến nay đội đã tìm được 54 mộ, trong đó 7 mộ có tên tuổi. Đại úy Vũ Văn Thọ, đội phó K72, người có thâm niên lâu nhất đội nói rằng, cả tỉnh Bình Phước hiện nay còn khoảng hơn 3000 liệt sĩ hy sinh chưa tìm thấy mộ, trong đó riêng Trung đoàn Bắc Sơn (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) là 1063;  sân bay Lộc Ninh, sân bay Phước Bình, sân bay Bù Đốp khoảng trên dưới 1000. Họ hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, các nhân chứng đều đã già hoặc đã mất nên rất khó tìm. Bên tỉnh Karachê của Campuchia do đội K72 đảm trách thì hầu hết là liệt sĩ hy sinh trong thời kì chống Pôn-pốt nên dễ tìm hơn. Tuy thế, trên mảnh đất này, dự đoán cũng còn khoảng hơn 1000 liệt sĩ chưa tìm thấy mộ.

Trong phạm vi một bài viết sẽ không thể kể hết những gian nan trong công việc của họ. Những câu chuyện họ trao đổi trong bữa cơm trưa hôm ấy, tôi đặc biệt ấn tượng và cảm động khi họ nói đến việc đi tìm mộ liệt sĩ Hoàng Minh Chính, tác giả bài thơ “Đi học”: Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp... Hương rừng bay trong nắng/ Nước dưới khe thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi... Hoàng Minh Chính quê ở xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Anh là con cháu của một gia tộc có những trí thức tiếng tăm. Là cháu họ của nhà văn Chu Thiên, tác giả tiểu thuyết lịch sử “Bóng nước hồ Gươm”; cháu ruột của nhà thơ – dịch giả Nhượng Tống, người đã chuyển ngữ thành công các tác phẩm “Nam Hoa kinh” của Trang Tử, “Tây Sương ký”, “Lý tao”... Tuổi thiếu niên, Hoàng Minh Chính theo cha lên Phú Thọ, nơi cha anh làm phó trưởng ty nông nghiệp tỉnh này, rồi đi học, rồi nhập ngũ tại đây. Trong một lần về phép, Hoàng Minh Chính sáng tác bài thơ “Đi học”, mang bản thảo xuống nhà xuất bản Kim Đồng, rồi anh đi trả phép, vào chiến trường. Người sĩ quan trẻ ấy chỉ huy đơn vị chiến đấu và anh đã ngã xuống trên đất bạn Campuchia. Khi hy sinh Hoàng Minh Chính chưa hề biết bài thơ được in, càng không biết nhạc sĩ Bùi Đình Thảo vô tình có bản in bài thơ ấy, ông đã phổ nhạc. Bài hát trở thành nổi tiếng, sống mãi với thời gian. 

Các anh trong đội K72 kể rằng, gia đình Hoàng Minh Chính, có cả cô bạn gái thời trẻ đã vào cùng với đội K72 ba lần sang Campuchia (một lần còn có nhà ngoại cảm đi theo) tìm mộ anh nhưng vẫn chưa tìm thấy. Các anh trong đội tỏ ra rất buồn. Còn tôi thì nghĩ: số phận của những người tài thường “đoạn trường” như thế, không suôn sẻ ngay cả khi họ về với cát bụi. Song có một điều không thể phủ nhận: chỉ có thể xác Hoàng Minh Chính là vùi trong cát bụi, còn trái tim quả cảm và tài năng văn chương của anh sẽ trường tồn, bất tử. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh chiến tranh - Kỳ cuối: Câu chuyện của một nhân chứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO