Ám ảnh chiến tranh - Kỳ I: Gặp những di tích lịch sử...

Lê Hoài Nam| 13/09/2018 10:59

Bây giờ mà người cầm bút cứ hay nói đến đề tài chiến tranh có vẻ như nặng về hoài cổ, không hợp thời lắm, tự tôi cũng đôi khi mang mặc cảm như vậy, bởi cuộc chiến gần nhất cũng đã trôi qua ngót một nửa thế kỷ rồi. Nhưng khi về tỉnh Bình Phước, chứng kiến những di ấn của cuộc chiến, tôi lại nhận thấy cái sự “ám ảnh chiến tranh” dường như vẫn còn. Những di tích chỉ là bề nổi, những gì mà nó gây ra còn hằn sâu trong tâm can con người mới là điều đáng nói.

Ám ảnh chiến tranh - Kỳ I: Gặp những di tích lịch sử...
Khu bảo tàng văn hóa sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: Lê Hoài Nam
Tỉnh Bình Phước, một vùng đất có vị trí địa lý khá đặc biệt, là vùng giáp ranh giữa miền núi Tây Nguyên và miền đồng bằng Nam Bộ, nơi cuối cùng của đường Trường Sơn, phía Tây là 260, 433km đường biên giới với ba tỉnh Mondulkiri, Karatie, Tabong Khmum của  Campuchia; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, là một trong những cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn xưa, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Phải thế chăng mà trong chiến tranh chống Mỹ, những trận đối đầu giữa ta và địch trên mảnh đất này luôn là những trận đánh lớn, giằng co, hao tổn rất nhiều xương máu cho cả hai bên. Thế nhưng với những người viết văn như chúng tôi, Bình Phước còn khá xa lạ. Cái buổi chiều Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức giao lưu văn học và liên hoan gặp gỡ đoàn chúng tôi, Đại tá Vũ Tiến Điền, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự nói: “Lần đầu tiên tỉnh Bình Phước tiếp đón một đoàn nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam về đây tìm hiểu thực tế sáng tác”. Đúng thế thật. Tôi, một người lính từng đi qua cuộc chiến, cũng lần đầu đến đất này. Những gì tôi bắt gặp ở đây đều rất mới mẻ và không ít những bất ngờ. Hàng loạt các địa danh, di tích, chứng tích lịch sử đều thu hút sự chú ý và gây ấn tượng mạnh với tôi.

Di tích Phú Riềng Đỏ, huyện Bù Gia Mập, là một trong những nơi có phong trào công nhân đầu tiên tại Việt Nam được phát động bởi các công nhân cao su của đồn điền Phú Riềng, Biên Hòa (nay thuộc địa phận tỉnh Bình Phước). Phong trào này đã gây tiếng vang lớn trong lịch sử và là cái mốc mở đầu cho các phong trào công nhân khác chống lại sự áp bức bóc lột tàn tệ của thực dân Pháp trong thập niên 1930 như cuộc đình công khổng lồ tại nhà máy sợi Nam Định và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Di tích nhà tù núi Bà Rá do thực dân Pháp xây dựng năm 1925, một nhà tù lớn dưới chân núi để giam cầm những chiến sĩ cách mạng và những tội phạm. Nỗi thống khổ của những tù nhân Bà Rá không sao kể xiết. Lao động khổ sai, ăn uống như súc vật, đau ốm không thuốc men, bị tra tấn, đánh đập rất dã man. Vì vậy, trại tù trở thành nơi cho những nhà cách mạng hoạt động. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tù nhân Bà Rá đã nổi dậy đập tan xiềng xích trở về chiến khu, hoặc trở về quê hương góp phần giải phóng đất nước... 

 Khu bảo tàng văn hóa sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Xã Bom Bo hầu hết thuộc dân tộc S'tiêng làm nghề canh tác ruộng đồng, nương rẫy. Thời điểm năm 1962 - 1963, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa dồn dân vào ấp chiến lược nhưng đồng bào cả sóc Bom Bo kiên quyết chống lại và bị đàn áp rất nặng nề. Đến giữa năm 1963, hơn 100 người dân của sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ "Nửa Lon", bên dòng suối Đăk Nhau và Đăk Liêng để lập ra sóc mới cũng mang tên sóc Bom Bo. Từ đó sóc Bom Bo một lòng một dạ hướng về cuộc kháng chiến. Một lần nhạc sĩ Xuân Hồng hành quân cùng quân giải phóng dừng chân bên sóc nghỉ qua đêm. Khuya lắm ông vẫn còn nghe tiếng chày giã gạo nuôi quân, những âm thanh thậm thịch mà rộn ràng ấy đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ sáng tác nên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, được đoàn văn công quân giải phóng hát và ngay lập tức trở thành nổi tiếng. Nhờ bài hát mà sóc Bom Bo càng được nhiều người biết đến hơn. Hiện nay khu bảo tàng đang làm dở dang nhưng nó đã báo hiệu là một nơi tham quan rất thú vị cho khách du lịch gần xa.

 Khu di tích nhà giao tế Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, là ngôi nhà xây dựng năm 1911, làm văn phòng làm việc của công ty cao su Xét – Xô của Pháp, công ty chuyên khai thác mủ cao su trong những cánh rừng Lộc Ninh. Công trình được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên nhân dân trong vùng vẫn quen gọi là “nhà Cao Cẳng”. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972) ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Tháng 3 năm 1973, trước nhu cầu công tác trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chọn vị trí nền ngôi nhà Cao Cẳng xưa để xây dựng trụ sở, với bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát  – Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngôi nhà dùng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong và ngoài nước nên được đổi tên là nhà giao tế từ đó. 

Tại tòa nhà này năm, mùa xuân  năm 1973 đã diễn ra hội nghị quân sự bốn bên, gồm: Đại diện phái đoàn quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đại diện phái đoàn quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện phái đoàn quân đội Hoa Kỳ; đại diện phái đoàn quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hội nghị bốn bên bàn về các điều khoản đã được ký trong Hiệp định Paris 27/1/1973 dưới sự giám sát của Ủy ban quốc tế ICCS, gồm bốn nước thành viên Ba Lan, Canada, Hungary và Indonesia. Ngày 12 tháng 12 năm 1986, nhà giao tế đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, là một trong năm di tích lịch sử quốc gia trên đoạn cuối đường Trường Sơn. Năm 2008, trước sự hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng của di tích nhà giao tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp di tích này.

Đón đọc kỳ tới: Trận đánh tại thị xã An Lộc
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh chiến tranh - Kỳ I: Gặp những di tích lịch sử...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO