Ảnh nude đã có giấy thông hành

Chu Chí Thành| 17/08/2018 09:06

Ảnh nude đã có giấy thông hành...

Ảnh nude đã có giấy thông hành
Đỗ Thùy Mai - Đường nét tạo hóa.


Những  ngày ảnh nude “không có quyền công dân”

Năm mà Thái Phiên chuẩn bị bộ ảnh nude để triển lãm ở Hà Nội, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã thẩm định ảnh, và Hội đã làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền xin phép mở triển lãm. Thái Phiên đã cầm giấy phép trong tay, ngày giờ khai mạc và địa điểm trưng bày đã xác định. Anh ấy mừng ra mặt. Nhưng đùng một cái có chuyện trái chiều, nhà triển lãm cáo với tác giả là không có chỗ cho triển lãm, vì phải phục vụ một việc quan trọng hơn. Liền sau đó giấy phép bị thu hồi, vì cấp trên không đồng ý. Khi ấy có nhiều nhà báo trong nước và nước ngoài phỏng vấn tôi, vì tôi là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.  Họ xoáy sâu vào chuyện:

- Có văn bản nào chính thức cấm chụp ảnh nude (ảnh khỏa thân) và cấm triển lãm ảnh nude không?

Tôi trả lời:

- Không! Tôi không có trong tay văn bản nào cả.

- Vậy tại sao ông Thái Phiên lại bị rút giấy phép triển lãm?

- Tôi chịu, không rõ lý do!...

Chuyện ấy cách đây đã hơn 10 năm rồi...

Còn bây giờ, ảnh nude của Thái Phiên và của 9 tác giả khác đã đàng hoàng đứng trong Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Các nhà báo, mấy cây viết lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đều hỷ hả tấm tắc khen Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã dũng cảm, mở đột phá, xóa rào cản cho thể loại “ảnh nhạy cảm” này. Ngay ông Cục trưởng cũng chia sẻ với báo giới rằng mình phải lấy tư cách thủ trưởng để quyết định thì cuộc triển lãm này mới được ra mắt công chúng. Như vậy quả là căng thẳng không kém gì các đội bóng đá phải lội ngược dòng và giành cú phạt đền ở phút 89! Tôi là người đã từng trong cuộc cùng các vị ấy, có thể hiểu điều này. 

Ảnh nude đã có giấy thông hành
Lê Quang Châu - Vũ điệu.
Những năm trước 1975, có những ý kiến cho rằng ảnh nude là “độc hại”, là “đồi trụy”, không được coi là nghệ thuật gì cả. Người chụp ảnh nude là thiếu lành mạnh, phải xem lại quan điểm, lập trường... Mai Nam phóng viên báo Tiền phong, Trần Thành Công nhà nhiếp ảnh làm việc trong Xưởng vẽ Quân đội và một số người khác chụp ảnh nude đã gặp những “rắc rối” khi đến với thể loại ảnh này. Sau ngày giải phóng miền Nam, tới tận năm 2000, Trọng Thanh, báo Ảnh Việt Nam có liên quan tới tình ái và ảnh nude, không may bị ngộ sát. Thế là công an đến nhà khám xét, và toàn bộ phim, ảnh nude của ông bị tịch thu, đến giờ gia đình cũng chưa được nhận lại. Các con ông Thanh nói: Bố cháu mất rồi, đòi lại phim ảnh làm gì! Thật đáng tiếc, nếu các anh ấy còn sống đến giờ có lẽ sẽ được phiên án. Như vậy vào những năm trước, ảnh nude không được nằm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, dù chỉ chụp cho người mẫu và cho mình thôi, không xuất bản, không phát hành, cũng bị đẩy sang khung hình sự rồi! Gần đây, có người vẫn cho rằng ảnh nude là “gợi dục”, là tổn hại đến thuần phong mỹ tục...  Xem ra từ ngữ có phần nhẹ hơn trước, nhưng lập trường không thay đổi. Quả thực lúc đó có nhiều nhà nhiếp ảnh ngao ngán, có cả người “sợ” nữa. Nhưng lạ thay, vẫn có những  người bền bỉ theo đuổi thể loại ảnh này. Trần Huy Hoan từng có 4 ảnh nude được Ban tổ chức chọn trưng bày tại nhà triển lãm Tràng Tiền, nhưng khi tổng duyệt đã bị gỡ xuống. Tuy vậy ông vẫn sáng tác thể loại này đến nay. Lê Thanh Đức kín kẽ hơn, kèm ảnh nude với các ảnh khác trưng bày tại Trường Đại học Mỹ thuật mới được yên (chắc người quản lý cho rằng, địa điểm này khuất trong sân trường, và ở đấy nó được coi như tài liệu nghiên cứu hẹp cho sinh viên)! 

Mươi năm đầu thế kỷ XXI này, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có triển lãm ảnh nude xen kẽ với các loại ảnh khác, thậm chí có cả giải thưởng cho ảnh nude, nhưng chưa được phép tổ chức một triển lãm ảnh nude  độc lập. Nói chung, người ta vẫn lùng nhùng trong cái lưới “thuần phong mỹ tục”, nhưng nội hàm là gì chẳng có qui định cụ thể. Mặc dù tinh thần “cởi trói” cho văn nghệ đã được Đảng khởi xướng từ năm 1986 của thế kỷ trước, và sự đổi mới văn hóa văn nghệ còn được văn bản hóa trong Nghị quyết VI của Trung ương. 

Mãi đến gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã âm thầm mở cửa cho ảnh nude, không giấy phép, không kiểm duyệt, không biên giới..., nhiều thứ “không” vượt tầm tay người quản lý. Ảnh nude cứ ngồn ngộn phô bày trên mạng. Không chỉ ảnh nude của nước ngoài tràn lan, mà ảnh nude của Việt Nam cũng lan tỏa khắp toàn cầu, dòng chảy không ngớt, đẹp có, xấu có, nghệ thuật có, phi nghệ thuật có. Ai hãm được các sao, các người mẫu, diễn viên, ca sĩ, người đẹp... rằng họ không được tự đưa ảnh khỏa thân của mình lên Facebook cá nhân? Quyền riêng tư của con người mà! Thông tư 01 của Bộ VH - TT&DL quy định về việc cấm người mẫu, người đẹp đoạt giải tại các cuộc thi sắc đẹp chụp ảnh “nude” và phát tán trên mạng được ban hành ít ngày rồi lại tự thu hồi. 

Chỉ riêng ảnh của  các “sao”, các người đẹp này đã làm choáng ngợp thế giới mạng. Do đó ảnh của các tay máy có  nghề như Thái Phiên, Dương Quốc Định, DZũng Art Nguyễn... đã trở  nên ít ỏi, nhỏ nhoi so với số lượng ảnh tự do đó. Và cũng đừng coi thường chất lượng nghệ thuật ảnh nude của các “sao”. Họ có thể thuê các tay máy nổi tiếng chụp mà không đề tên tác giả, thì có tội tình gì? Hợp đồng kinh tế thị trường, được thanh toán sòng phẳng là xong! Báo chí từng lên tiếng phê phán, hướng dẫn... nhưng rốt cuộc cũng chỉ là tiếng nói thoảng qua. Cái mà lớp trẻ hiện nay và lớp trẻ kế tiếp quan tâm không phải là ảnh về họ được mệnh danh “nghệ thuật, hay không nghệ thuật”. Cái mà họ quan tâm là họ thích, họ khoe  để được nhiều người biết đến. Hơn nữa họ coi đấy là kỷ niệm của thời thanh xuân, là sự tồn tại của bản ngã con người được khẳng định. Và thực dụng hơn, đấy còn là một cách “quảng cáo” hấp dẫn của các “sao”...

Mười tác giả, mười cái nhìn đẹp và trong sáng

Ban giám tuyển chọn đã kỹ, Bộ trưởng Bộ VHTT - DL cũng tỏ ra yên tâm với 52 tác phẩm sạch. Đấy là thành công của triển lãm về ảnh nude nghệ thuật vừa được tổ chức tại nhà triển lãm 28 Hàng Bài. Tại sao chúng ta lại làm được như vậy? Bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội có gì khác so với cách đây mười năm? Chưa có gì xáo trộn cả. Tác giả, tác phẩm, người thẩm định vẫn thế. Vậy nên mới đáng suy ngẫm. Cũng có ý kiến chê còn những ảnh thiếu ý tưởng, thiếu sáng tạo, tên ảnh không ăn nhập với hình tượng trong ảnh... Tránh sao khỏi! Tại buổi gặp gỡ báo chí trước giờ khai mạc triển lãm, có người đã chia sẻ rằng, bộ ba móc xích: người quản lý và người giám tuyển; tác giả và tác phẩm, nhà phê bình và cả người xem đã tiến đến trình độ “chín mùi”, họ gặp nhau và đã tạo ra “đột phá”...! Đó thật là một lời ru bùi tai làm mát lòng tất cả!

Ảnh nude đã có giấy thông hành
Trần Nhân Quyền - Hoa hạ.
Nhưng đâu phải như vậy! Đến hôm nay, ảnh nude ở Việt Nam, không phải mới “chín mùi”, mà cũng chẳng có gì là “đột phá” cả. Thực sự nó đã “chín nẫu” từ lâu dưới sự né tránh được khiêm tốn gọi là “quản lý lỏng lẻo, kém hiệu quả”. Giờ đây, nếu các nhà quản lý không tự tháo gỡ những “lá bùa mặc định” ấy, những “lá chắn mơ hồ” ấy thì về danh nghĩa, ảnh nude Việt Nam vẫn tiếp tục không được công khai thừa nhận. Nhưng thực tế lại khác. Vì nó có cuộc sống ở các salon ảnh trên thế giới đã nhiều năm không phải chui lủi, mà còn được tôn vinh với các giải thưởng danh giá. Nó có cuộc sống trên mạng internet sôi động và hấp dẫn chẳng ai cản nổi.

Nếu không cho triển lãm, tức là không có ảnh để mọi người xem. Vậy hãy hỏi trong tay không có sản phẩm thì quản lý cái gì? Lấy gì ra soi để gọi đấy là “thanh” là “tục”, là “thánh thiện”, là “nhục dục”?. Chính vì vậy đã đến lúc phải thừa nhận “quyền công dân” của ảnh nude. Việc cấp giấy thông hành cho ảnh nude là không thể chần chừ được nữa. 

Loại trừ một số ảnh “thường thường bậc trung” như một số báo nhận xét, theo tôi, còn lại đa số ảnh tại triển lãm là khá chững chạc, mà cần lưu ý trong đó có nhiều ảnh được sáng tác cách đây hàng chục năm trước. Tức là những tác phẩm ảnh đó được sinh ra trong giai đoạn “bóng tối” bị cấm đoán, và phần lớn người mẫu cùng người chụp ảnh phải giấu diếm công việc của mình. Nếu các tác giả và người mẫu không có khát khao cái đẹp, không có niềm tin vào chính mình và lẽ phải, không tự vươn lên, không bỏ qua dư luận trái chiều thì làm sao có kết quả hôm nay. Ảnh nude của Thái Phiên thì bốc lửa, tràn đầy nhựa sống, của Dương Quốc Định thì ngọt ngào và kiêu sa, của Trần Nhân Quyền thì thanh thoát và trẻ trung, của Dzũng Art Nguyễn thì hồn nhiên và mộc mạc... Có một nét đặc biệt thuộc về tác giả nữ - Đỗ Thùy Mai, với cái nhìn hoàn toàn khác cánh mày râu.

Đó là nét đẹp hình thể người phụ nữ nhìn từ phía sau. Một cái gì đó là lạ tròn trịa, thanh thoát hoàn hảo, thoát tục đầy nữ tính mà ít người  nhìn ra. Cùng với Đỗ Thùy Mai còn có Đỗ Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh), Tuyết Minh (Hà Nội) và nhiều tay máy nữ khác chưa trưng bày tác phẩm của họ tại triển lãm này. Phụ nữ nhìn về vẻ đẹp của phụ nữ và về nam giới nữa “rất độc” đấy. Nên có một cuộc trưng bầy ảnh nude của các tay máy nữ. Tại sao không? Trong bài này, chúng ta không thể điểm hết từng ảnh của từng tác giả, mong các bạn thông cảm. Tuy nhiên có thể nói: “Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”. Vì rõ ràng đây là cuộc chơi sòng phẳng, không có thương mại, mà ở đó nhân cách, danh dự và năng lực người nghệ sĩ tự nó được bộc lộ rõ nhất. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Triển lãm kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa
    Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), sáng 19/4/2024, đơn vị sẽ tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất” nhân kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).
  • Trường Tiểu học Nam Thành Công tổ chức mô hình điểm Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
    Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” là đợt sinh hoạt truyền thống lịch sử, nhằm tạo nên bầu không khí thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm sôi nổi trong toàn liên đội; qua đó biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
  • MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng trong năm 2024
    Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo MB đã chia sẻ những mục tiêu kinh doanh trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ngân hàng (04/11/1994 – 04/11/2024) cùng nhiều nội dung nổi bật khác.
Đừng bỏ lỡ
Ảnh nude đã có giấy thông hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO