Áo mút

Nguyễn Minh Hoa| 11/01/2021 11:48

Áo mút

Đông về, dẫu chưa se sắt thì chị em cũng đã sẵn sàng đón đợi mùa. Trước tủ quần áo chật cứng, tần ngần chia tay với những tấm áo còn mới, có khi chưa khoác một lần để nhường chỗ cho những tấm áo mới mua từ độ giao mùa... chẳng biết có ai còn nhớ đến “áo mút” năm xưa. Những cái áo mút dệt trơn, những cái áo mút đan tay, những cái áo mút Thái, mút Lào trong mùa cưới…

Xưa, áo len còn quý, quý lắm, người đi thoát ly, người giàu, người diện có khi mới có, chứ mùa đông về đa số vẫn chỉ có áo sợi, áo mút. Áo sợi được đan hay dệt bằng sợi bông, lõng tõng. Mẹ mặc rồi con mặc, chị mặc ngắn rồi cho em mặc đến rão và trơ lì. Khó khăn đến nỗi, nhiều khi khuỷu tay rách, có bà mẹ lấy vải vá vào đó cho con mặc tiếp, cốt là có áo mặc ấm, chứ chẳng ai nghĩ phải “sang sợi” cho đẹp. Những cuộn sợi thô, se tay không đều chỗ to, chỗ nhỏ, màu nhuộm thủ công vẫn được các chị, các cô tìm mua, gửi cánh khéo tay đan hộ, hay gửi ra tỉnh thuê dệt. Có khi cả tháng hoặc hơn thế áo mới về đến tay. Cả nhà hân hoan mặc thử, thế là mùa đông có áo mới, Tết cũng mặc luôn. Nhiều bức ảnh đen trắng xưa, các chị các mẹ mặc quần đen, áo sợi đan hay dệt trơn vừa khít, lộ eo thon thật đẹp.

Đấy là áo sợi, còn áo mút thì chuyện dài hơn, mút đẹp và tốt hơn sợi nhiều. Sợi mút đều, nhiều màu đẹp, sắc nét, nhẹ và bông tơi. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tên gọi “mút” bắt nguồn từ đâu. Chỉ biết, thời đó -  thời 7X đổ về trước - áo mút thông dụng, ai có cái áo mút là được coi là diện, nhất là đằng áo mút dệt, hàng nhà máy. Áo mút thường đường dệt trơn, cổ lọ hoặc cổ 3 phân. Áo đàn ông thường có các màu xanh, xám, tím than, áo cho phụ nữ thường có thêm các màu xanh, đỏ. Phải công nhận áo mút bền, bó sát người, nên mặc ấm. Có lẽ do áo bó sát người nên được gọi là áo mút cũng nên? Tôi đã từng nghĩ thế. Ai có áo mút mặc bên trong áo đại cán, coi như yên tâm. Cứ mùa đông thì đem ra phơi nắng hết ẩm rồi diện, mùa hè giặt sạch, phơi kĩ rồi cất đi. Chị em phụ nữ mặc áo mút cổ 7 phân, cổ 3 phân có thể mặc bên trong áo khoác hoặc áo sơ mi đều được cả. Những chiếc áo mút xanh, vai giếc - lăng bạc màu theo thời gian, những mái tóc cặp gọn bằng cặp ba lá lỏng dần và điểm bạc. 

Lại có những cuộn mút sợi một, đan bao giờ cho xong tấm áo, mẹ con, chị em ngồi cuộn chập ba, chập bốn để đan áo. Vắt mũi đan mùa này, mùa năm sau mới có áo mặc, bên những ngọn đèn dầu hỏa ngai ngái mùi hay những bóng điện đỏ quạnh, đôi vạt áo còn vương tóc, người đan vô tình hay cố ý đan cả vào. Những tấm áo mút ấm sực, cùng chủ nhân đi quá cái giá buốt của mùa đông, khi mà gạo còn thiếu, mỡ có khi còn được tính là thức ăn tươi. Nhiều người sau này còn gói gém cất kĩ cái áo mút đan, quắt dính, bé tí trong hòm như một kỉ vật. Kỉ vật giàu tình yêu thương, dẫu thế nào người ta vẫn nắm chặt tay nhau nhìn con cái khôn lớn, trưởng thành, cái bàn học nhỏ bên cái tủ gỗ bạc thếch theo tháng năm vẫn kê góc ấy. Và rất lâu sau này, con cái mới nhận ra, không nhắc mẹ vứt bỏ đi, con mua cho bà cái tủ mới. Có những cái áo mút sau ngày mẹ về miền cực lạc, chị cả lại đem về, cất cùng những vòng xuyến mới tinh, các con mua cho bà sau này, bà chẳng còn dám đeo vì sợ mất.

Có một thời áo mút tưng bừng nhất, có lẽ là mút Lào. Khi len Sài Gòn, len Vĩnh Thịnh đã có mặt ở xứ Bắc, nhưng là của quý không dễ mua thì mút Lào về đến Việt Nam. Đầu tiên phải Hà Nội và chợ tỉnh mới có, sau vì là làng tôi có chợ lớn, vài xã vẫn đi phiên chợ này thì cánh buôn vải vóc ở chợ làng tôi cũng buôn về. Áo mút đỏ, gấp nếp, trong giấy bóng kính, thơm sực mùi xà phòng ca - may, phấn bông lúa, hay con én, cùng phảng phất mùi hăng hắc của son gió. Đồ cưới của chị em những năm đó là quần sa tanh, áo sơ mi trắng may cổ Đức, nẹp bong, áo mút đỏ sẽ được mặc bên trong, nếu như trời gió lạnh. Những chiếc áo mút đỏ tươi ấy, theo chị, theo em về nhà chồng, vài vụ sau bạc thếch, quắt lại, con chị cũng đã lon ton theo mẹ, mùa đông má nẻ hây hây, rõ yêu.

Cứ đến mùa cưới, những chiếc áo mút đỏ ngoài chợ tỉnh vẫn được sắm về làng, theo cô dâu mới về nhà chồng, đố ai mà chịu thiếu. Cả một quãng thời gian khá dài, khi có mốt áo kẻ 7 màu hay có áo phao đỏ về làng thì áo mút đỏ vẫn được chị em chọn mua.

Tôi cũng có áo mút, đầu tiên là cái áo mút màu xanh, có 2 sọc trắng trước ngực, dệt trơn. Tôi mặc lại của chị gái, đến khi về tôi nó đã hơi bạc màu ở vai. Mùa đông tôi mặc áo đông xuân cộc tay, rồi đến áo mút xanh ấy, khoác áo sột soạt Liên Xô tài trợ đi học ở trường làng. Mùa đông hôm nào có nắng chị tôi lại đem áo ra giặt sạch sẽ, phơi khô. Gần Tết, những tấm áo đẹp nhất này sẽ được giặt để mặc Tết, vì nhà con đàn, không phải năm nào bố mẹ tôi cũng sắm được hết cho các con áo mới. Tôi còn nhớ, tôi bận áo mút xanh đi chơi Tết rồi chụp bức ảnh đen trắng ở cửa hàng nhiếp ảnh Ngọc Ký ngoài phố làng tôi. 

Sau đó, tôi còn có một cái áo mút đỏ, lót bông, không phải mút Lào như các chị gái trong làng mua dịp cưới. Mà là cái áo mút dầy bịch, có lớp lót sợi ở mặt trái. Mẹ tôi mua về và bảo:

- Cái áo mút này có lớp lót sợi giặt bao giờ khô, chị em ngồi gỡ đi mà mặc. 

Chị tôi lấy kéo, cắt sát chân, còn chúng tôi lấy kim, móc và cả nhíp nhổ, để rứt đi từng chân sợi dệt vào tấm mút. Cả mùa đông đầu tiên hăm hở mấy chị em làm mới chưa hết hai ống tay. Năm sau, làm thêm được một mảng thân, năm sau nữa cũng được thêm mảng nhỏ. Cái áo mút xanh của tôi đã chật, tôi cũng mong có cái áo mút đỏ này thay thế, tôi định bụng cứ thế mặc cho xong, nhưng khi tôi mặc thử, cổ cái áo mút quá chật làm tôi đỏ mặt mới chui vào được, khi cởi ra thì càng khó, tóc lại rối bù, tôi đâm ra chán. Bố tôi còn bảo:

- Cái giống áo mút nó thế, rét quá thì phải mặc thôi, nó không biết tính khi may hay không biết chiết cổ, nên thành ra khó mặc, khó cởi.

Bẵng đi, các chị tôi đến tuổi lấy chồng, đều diện váy cưới xinh đẹp. Không chị nào còn sắm áo mút đỏ hay sơ mi trắng như gái làng trước đó nữa. Mốt áo mút đỏ cũng nhạt dần rồi hết từ độ đó thì phải. Cũng có thể do bố mẹ tôi thoát ly, các chị tôi lại đi học, đi làm, nên không sắm sửa đồ cưới như con gái trong làng, nên tôi chỉ nhớ áo mút Lào đến độ đó. 

Tôi vào đại học, ăn diện theo chúng bạn, mua những áo len thụng mốt nhất và chẳng mấy khi nhớ đến áo mút. Bỗng có ngày nghỉ, lục tủ thấy một bọc mút trắng, anh tôi gửi từ Liên Xô về cho mấy chị em gái. Tôi tần ngần phần vì nghĩ lại những cái áo mút xưa, phần vì không biết đan, bỏ thì tiếc. Em gái đứa bạn nhận lời đan hộ. Nó vót đôi đũa thành đôi kim đan và bắt đầu chập hai cuộn mút vào bắt đầu đếm mũi đan gấu. Mùa đông năm sau tôi có cái áo mút trắng đan phối đặc quả trám và vặn thừng. Mặc thay đổi cũng được, nhưng so ra với những áo len cánh dơi, áo len thụng thì cái áo mút trắng quả là không hấp dẫn mấy. Nhưng tôi cũng giữ áo đó khoảng đôi ba năm. Và rồi, hình như tôi đã bỏ cái áo mút trắng đó trong một lần chuyển nhà.
Bạn bè tôi cũng quên áo mút từ lâu, đến mẹ tôi cũng không còn mặc cái áo mút gi - lê dệt mắt na nữa. Mẹ tôi có vài cân len Vĩnh Thịnh cất trong tủ, tôi đi hỏi người thợ dệt ngoài tỉnh, dệt cho mẹ tôi hẳn một đôi, kiểu cổ Nhật lại pha kim tuyến. Tết năm đó mẹ tôi diện, ai cũng trầm trồ khen. Tủ nhà tôi không còn cái áo mút nào từ đó.

Đông về, gió rít ngoài kia tôi lại nhớ bà tôi, năm đó bà mặc áo cánh nâu, rồi đến cái áo mút xanh si-lâm gi-lê bó vào người, hai tà áo từ túi đến gấu lộ hết ra ngoài, vấn khăn nhung the đen nhánh. Bà nhai trầu bỏm bẻm ngồi riu lửa kho nồi cá ăn Tết. Bà bảo:

- Mẹ mày mua cho bà áo mút mới, mặc ấm lại gọn nhẹ, dễ làm lụng, không như khi mặc áo bông chần, nhiều khi vướng ướt hết cả cổ tay.

Bà tôi ngồi lần xem từ gấu đến từng cái cúc nhựa màu xanh tròn xoe, vẻ hài lòng. Đầu mùa đông năm sau, bà mới kịp phơi áo mút xanh hôm đượm nắng, chưa kịp mặc thì bà đã “về trời”. 

Nhớ bà, tôi cũng riu lửa kho cá như bà hồi xưa, kí ức ùa về khiến tôi nhớ tới áo mút, nhớ nhất là cái áo mút xanh si-lâm ủ ấm bà tôi từ mùa đông năm ấy cho đến mãi mãi. Không vì cái áo mút xanh của bà, chắc tôi cũng quên khuấy “áo mút”  trong bạt ngàn kiểu mốt thời trang như hiện nay, và nữa cái áo mút đỏ cũng không trong hành trang cô dâu của mấy chị em tôi hay chị dâu tôi. Nhưng tôi tin là khi tôi nói về áo mút sẽ có nhiều người nhớ, nhớ “áo trắng, quần sa tanh, áo mút đỏ, xe phượng hoàng, 2 đồng vàng nhà đẻ tặng lúc giao dâu’’… lấy chồng làng hay làm dâu thiên hạ mà có hành trang như thế là mơ ước của bao cô gái làng. 

Với dấn vốn ấy, họ đã gây dựng nên những gia đình đầm ấm trong làng, ngoài bãi. Giờ họ đã lên bà cả rồi, tôi biên lại đôi dòng về “áo mút” cũng là để cùng nhau nhớ cho ấm lòng, thây kệ những cơn gió bấc nối nhau về. 
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
  • Quận uỷ Tây Hồ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây
    Sáng 27/3, Quận ủy Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây. Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tham mưu, giúp việc cho Quận ủy, UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
  • Quy hoạch Phong Hòa: Phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị di tích lịch sử
    Định hướng Quy hoạch phân khu xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thành lập phường đến năm 2045 và phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử kết hợp giữ gìn cảnh quan sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích.
Áo mút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO