Ba người thầy của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân

06/06/2017 10:38

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân là người thầy mẫu mực đạt cả hai tiêu chí tài và đức. Ông là một trong những cây đại thụ đương đại của nền giáo dục Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám 1945. Giáo sư có 8 người con hầu hết đều có học hàm, học vị cao trong đó có ba người được nhà nước phong tặng nhà giáo nhân dân.

Ba người thầy của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân

Đây là một gia đình đại trí thức - các con của cụ hầu hết là chuyên gia đầu ngành có tên tuổi và uy tín. Không chỉ là nhà giáo, cụ còn là một nhà văn, năm ngoài hai mươi tuổi cụ đã viết tập tiểu thuyết "Cậu bé nhà quê" với bút danh Từ Ngọc, một nhà giáo dục học, từ điển học ngôn ngữ, ngữ pháp học với ngót chục cuốn như: "Vài đề nghị về việc cải cách chữ quốc ngữ" (1948), "Vấn đề thống nhất cách phát âm tiếng Việt" (1956), "Vấn đề nguyên tắc chính tả" (1961), "Góp ý kiến xây dựng quy tắc viết hoa" (1963), "Vì sao tôi yêu tiếng Việt" (1976), "Cần giữ gìn tinh thần trong sáng của tiếng Việt" (1993), "Một số trở ngại trong sự thống nhất chính tả của ta" (1994) cùng các cuốn “Từ điển tiếng Việt”, “Từ điển chính tả phổ thông”. Đặc biệt là cuốn từ điển cuối cùng là "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" dày 2111 trang hoàn thành lúc cụ ở tuổi 95. Mười cuốn từ điển trên cụ đều viết trong lúc nghỉ hưu.

Khi về nghỉ hưu cũng như lúc sinh thời cụ Nguyễn Lân sống thẳng thắn, luôn luôn có nghị lực vươn lên và rèn luyện. Sáng cụ dạy từ 4h 30 đến 5 giờ tập thể dục, giữ gìn sức khoẻ và cường độ làm việc đều đặn 8 tiếng một ngày. Vì vậy cụ thọ tới 97 tuổi. Khi qua đời cụ vẫn ở trong căn hộ 13 mét vuông ở tầng hai khu tập thể Kim Liên được phân phối đã mấy chục năm trước. Các cụ ta xưa thường nói "Trọng thầy mới được làm thầy". Điều này thể hiện rất rõ tâm đức của cụ Nguyễn Lân trong một bài viết "Tình nặng nghĩa sâu" đăng trên báo Giáo dục thời đại ra vào dịp 20-11 nhân đại hội lần thứ 8 của Đảng: "Ngày 20-11-1988, khi tôi được Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, tôi có đọc bài thơ "Tình nặng nghĩa sâu" để tỏ lòng biết ơn ba ông thày đã nêu cho tôi từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành các gương sáng của những bậc thầy tiêu biểu cho tinh thần "Học mà không chán, dạy người không mỏi". Đó là cụ Đồ Cự, giáo sư Dương Quảng Hàm và cụ Bùi Kỷ”.

Theo giáo sư Nguyễn Lân, cụ Đồ Cự quê làng Phù Lưu Tế, phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) là người thầy dạy giáo sư từ nhỏ. Cụ Đồ Cự là người phúc hậu, thực sự coi học trò như con, dạy trò như dạy con đẻ của mình. Trong một bài hồi ký, giáo sư Nguyễn Lân viết: "Chúng tôi là vài học sinh lau chau trạc tuổi tôi, được ngồi trên hai chiếc chiếu liền trải ở dưới đất trước cái bàn của cụ. Khi chúng tôi đã ngồi yên chỗ thì cụ từ trên nhà đi xuống, bao giờ cụ cũng chít khăn lượt và mặc áo the thâm. Nhìn thấy cụ chúng tôi đứng cả dậy. Với giọng nói nhẹ nhàng, cụ nói: “Các con ngồi xuống” rồi cụ ngồi phản, tay cầm một cái roi dài, nhưng không phải để đánh học trò mà để chỉ chữ cho chúng tôi...". Hôm nào cụ Đồ Cự cũng bắt đầu gọi tên từng học trò và bắt đọc thuộc lòng bài hôm trước, ai đọc thuộc thì cụ khen, ai không thuộc thì cụ gọi lên đứng bên cụ và cụ hỏi: "Tại sao con không thuộc bài?", rồi cụ bảo "ngày mai con phải đọc thuộc nếu không thầy sẽ mách bố mẹ con đấy". Cụ Đồ Cự là một người thầy gương mẫu mọi mặt. Năm 1975 khi viết tiểu thuyết đầu tiên "Cậu bé nhà quê" có nhân vật Nghè Nhân, giáo sư đã lấy nguyên mẫu cụ Đồ Cự.

Người thứ Hai, giáo sư Nguyễn Lân coi là thần thượng trong đời mình là giáo sư Dương Quảng Hàm. Hồi cụ Nguyễn Lân học trường Bưởi được giáo sư Dương Quảng Hàm dạy. Cụ Lân nhớ lại: "Khi nghe tiếng trống vào lớp bao giờ tôi cũng thấy giáo sư đứng trước cửa lớp, nhìn chúng tôi xếp hàng vào chỗ ngồi, chưa lần nào giáo sư đến chậm một phút. Vào lớp khi chúng tôi đứng dậy chào thầy, giáo sư đứng nghiêm trên bục, nói câu tiếng Pháp. "Các anh ngồi xuống" miệng nở một nụ cười đôn hậu rồi lớp học bắt đầu ngay". Hai cuốn "Việt Nam văn học sử yếu" và "Việt Nam thi văn hợp tuyển" của giáo sư Dương Quảng Hàm đã ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ và yêu tiếng mẹ đẻ sau này của giáo sư Nguyễn Lân.

Người thầy thứ Ba là cụ Bùi Kỷ (sinh 1876) đỗ Phó bảng năm 24 tuổi, từng dạy ở trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Năm 1929 giáo sư Nguyễn Lân học tại đây 3 năm, được cụ Bùi Kỷ dạy môn Việt Văn. Trường này năm ấy có hơn chục người Pháp giảng dạy, riêng chỉ có cụ Bùi Kỷ là người Việt. Cụ Bùi Kỷ là người thông kim bác cổ am hiểu sâu rộng văn học Trung Quốc, Pháp với kiến thức đồ sộ. Về cụ Bùi Kỷ giáo sư Nguyễn Lân viết: "Trong khi cụ lên lớp chúng tôi thấy cụ như có ý thức truyền thụ tất cả vốn quý báu ấy cho chúng tôi. Bản thân tôi luôn luôn nghĩ rằng sở dĩ tôi đã có ít nhiều đóng góp về văn học cũng như về ngôn ngữ học phần lớn là do đã tiếp thu được những tri thức mà cụ Bùi Kỷ đã trau dồi cho".

Cụ Đồ Cự, cụ Bùi Kỷ, giáo sư Dương Quảng Hàm là ba người thầy của giáo sư Nguyễn Lân Họ là những người thầy có tâm, có tài và có đức. Rõ ràng sự ảnh hưởng của thầy đã tác động lớn đến sự thành đạt của trò. Sau này giáo sư Nguyễn Lân cũng có những đức tính và tài, tâm như ba người thầy xưa của mình.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ba người thầy của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO