Ba Vì - Vùng đất huyền thoại chuyển mình mạnh mẽ

Lệ Quyên - Nguyên Hương| 07/08/2018 15:14

Ba Vì mảnh đất đẹp giầu Danh lam thắng cảnh lắng sâu nơi này Khoang Xanh, Bằng Tạ, Suối Hai Hai dòng sông lớn ôm hoài ngàn năm

Ba Vì - Vùng đất huyền thoại chuyển mình mạnh mẽ
Chúng tôi về Ba Vì vào một ngày nắng của tháng 7, trong bầu  không khí khẩn trương, tất bật chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập huyện. Trải qua 50 năm ấy, mảnh đất địa linh, nhân kiệt, vùng đất của huyền thoại đã có những bước chuyển mình lớn, đặc biệt là từ sau khi sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết XV của Quốc hội (ngày 1/8/2008)


Vùng đất địa linh, nhân kiệt, sơn thủy hữu tình

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 60 km về phía Tây Bắc, Ba Vì là vùng đất địa linh, nhân kiệt, một vùng đất tối cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, độc đáo, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh - Mường - Dao với những phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng biệt. Nhắc tới Ba Vì là nhắc đến một nền văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể độc đáo. Huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh - bản anh hùng ca hùng tráng nhất về sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ dựng nước. Đó là truyền thuyết về vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức ngàn đời người dân đất Việt - Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ, vị Thần đứng đầu trong Tứ bất tử.

Sức sống ngàn năm của vùng non Tản còn thể hiện ở sự quy tụ của một vùng non xanh nước biếc với số lượng di tích lịch sử dày đặc. Quanh núi Ba Vì, nhiều tên đất, tên làng, tên vạt đồi, dòng sông, khe suối, đình, đền, miếu mạo… vừa gắn liền với tên tuổi Đức Thánh Tản cũng vừa là những dấu tích kết nối truyền thống xưa và sự phát triển hôm nay. Theo thống kê của phòng văn hóa huyện Ba Vì thì khu vực núi Ba Vì hiện có gần 100 ngôi đình, đền thờ Tản Viên Sơn Thánh như cụm di tích đền Hạ, đền Trung, đền Thượng trên núi Ba Vì; các đền Đá Đen, Vật Lại, Măng Sơn, Khánh Xuân, các đình Yên Nội, Tây Đằng, Đông Viên, Quan Húc, Phú Thứ, Thanh Hùng, Thụy Phiêu… Trong đó, đáng chú ý nhất là đình Thụy Phiêu, một trong những ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI. Đình được xây theo hình chữ "Nhất", hướng Đông Bắc, tựa lưng vào núi Ba Vì. 

Ngoài kho tàng văn hóa vật thể đó, Ba Vì còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với hàng chục khu du lịch nổi tiếng như Ao Vua, Thác Đa, Khoang Xanh - Suối Tiên, Hồ Tiên Sa… 

Phát huy tiềm năng, tạo đà phát triển

Đất Ba Vì không chỉ ghi dấu lịch sử với những huyền thoại, di tích mà vùng đất thiêng này còn được biết đến bởi những sản vật có sự hòa quyện gắn kết của thiên nhiên và nỗ lực con người. Người dân nơi đây đã tận dụng những lợi thế đó để phát triển kinh tế. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho hay: Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Ba Vì hệ thống cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như núi rừng, hồ, thác, sông suối; trong đó có nhiều danh thắng gắn liền với truyền thuyết “Sơn Tinh Thuỷ Tinh”. Giữa vùng sơn thủy hữu tình nổi lên các địa danh Ao Vua, Khoang Xanh, suối Mơ, Thác Ngà, vườn quốc gia Ba Vì, hồ Suối Hai, hồ Cẩm Quỳ, rừng nguyên sinh Bằng Tạ, đồi cò Ngọc Nhị, suối khoáng nóng Thuần Mỹ. Đó chính là thế mạnh để phát triển ngành du lịch và được  xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Không chỉ có du lịch, Ba Vì còn có lợi thế phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nổi tiếng như chè và sữa. Ngày nay, nhắc đến vùng đất Ba Vì nhiều người liên tưởng ngay đến những đồi chè trải rộng và nguồn sữa tươi mát lành. Nghề nuôi bò sữa đang giúp cho nhiều hộ dân ở Ba Vì thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ba Vì đã và đang triển khai mô hình Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp cùng xây dựng, phát triển thương hiệu sữa và chè Ba Vì. Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ góp phần thúc đẩy nông nghiệp địa phương mà qua đó còn góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa cùng sông Đà, núi Tản.

Vận dụng một cách sáng tạo những lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, đặc biệt  10 năm sau khi sáp nhập về Hà Nội, Ba Vì đã gặt hái được những thành tựu đáng trân trọng. Khi được hỏi về nhưng thành tựu ấy, ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Trước kia, Ba Vì là huyện miền núi vô cùng khó khăn lạc hậu. Nhưng từ khi sáp nhập về Hà Nội huyện đã được thành phố quan tâm, đầu tư. Đến nay, diện mạo của huyện đã thay đổi hoàn toàn, sự thay đổi ấy thể hiện rõ ở sự tăng trưởng trên mọi mặt kinh tế - xã hội – an ninh, quốc phòng, giáo dục, văn hóa, y tế. 

Năm 2017, tổng giá trị sản xuất đạt 23.795 tỷ đồng đạt 98% kế hoạch, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế theo giá trị sản xuất: Nhóm ngành dịch vụ - du lịch chiếm 40,6%; nông, lâm nghiệp chiếm 37,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21,6%. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch đạt được kết quả rất cao, doanh thu năm 2017 ước đạt 276 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm, tăng 6.1% so với năm 2016. Tổng lượt khách ước tính đạt 2.665.000 lượt, tăng 2.5% so với năm 2016, đạt 102% kế hoạch. Công tác xây dựng chuơng trình nông thôn mới cũng đạt những kết quả đáng mừng, hiện nay huyện đã có 13/31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 43,3 xã trên toàn huyện. Con số này so với một số quận, huyện khác của thành phố còn chưa cao nhưng đó cũng là nỗ lực và phấn đấu rất lớn của lãnh đạo, nhân dân huyện Ba Vì. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục, y tế cũng được huyện đầu tư quan tâm. Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao. Công tác thu chi ngân sách trên địa bàn cũng đạt được kết quả cao. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện năm 2017 là 250.448 triệu đồng đạt 189% kế hoạch thành phố giao, đạt 150% kế hoạch huyện giao, tăng 18,55% so với năm 2016. Thu ngân sách huyện xã được hưởng sau điều tiết là 158.864 triệu đồng, đạt 256% kế hoạch thành phố giao và đạt 164% kế hoạch huyện giao. Các công tác về xây dựng cơ bản, quản lý đô thị cũng được quan tâm chặt chẽ và đạt kết quả. Huyện cũng tập trung chỉ đạo triển khai các công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn nhân dân thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để hướng tới một Ba Vì phát triển toàn diện trong tương lai, vấn đề đặt ra là làm sao huy động được sức mạnh nội lực, tiềm năng, thế mạnh của huyện. Và câu chuyện đó không phải thực hiện trong một sớm, một chiều mà là cả một quá trình lâu dài và cần sự quyết tâm lớn của lãnh đạo, nhân dân huyện Ba Vì, cần sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố. Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chia sẻ những định hướng của huyện trong thời gian tới: Để thúc đẩy kinh tế của huyện chúng tôi đang có những chính sách để thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn như cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, mở các hội nghị kêu gọi nhà đầu tư. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và  hằng năm mở khai trương du lịch để thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư về du lịch. Chúng tôi có định hướng phát triển du lịch tâm linh gắn kết với du lịch sinh thái ở sườn Đông và sườn Tây. Đầu tư phát triển các khu du lịch chăm sóc sức khỏe ở khu suối nước nóng Thuần Mỹ. Tới đây, huyện cũng sẽ phát triển thương hiệu mật ong Ba Vì và thuốc Nam của đồng bào Dao, tập trung phát triển nông nghiệp sạch để phục vụ cho du lịch. Ông Đỗ Mạnh Hưng cũng nhấn mạnh: Chúng tôi tin tưởng rằng du lịch phát triển sẽ kéo theo kinh tế Ba Vì phát triển lớn mạnh.

Hiện nay trên địa bàn huyện còn một số dự án chậm tiến độ, chưa được triển khai gây lãng phí về tài nguyên trong đó phải kể đến dự án Du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên do Công ty PVR của Tập đoàn Dầu khí làm chủ đầu tư. Huyện mong muốn thành phố chỉ đạo tháo gỡ để có thể triển khai được dự án góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn được thành phố mở thêm các tuyến xe hỗ trợ về giá để giúp việc đi lại giữa trung tâm đến các khu du lịch của huyện được thuận tiện hơn. Tiềm năng lớn là thế nhưng khó khăn cũng không ít, khối lượng công việc sắp tới của huyện sẽ rất nhiều, cần sự quyết tâm cao độ, chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân để xây dựng Ba Vì thành một vùng đất xanh – phát triển năng động trong tương lai.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì - Vùng đất huyền thoại chuyển mình mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO