Bài 2: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC

Nhóm PV| 20/09/2021 21:26

Từ xa xưa, ông cha ta đã quan tâm và thực hiện các biện pháp PCCC. Từ thực tiễn của cuộc sống, ông cha ta đã từng tổng kết “Thủy, hỏa, đạo, tặc “hay” Giặc phá không bằng nhà cháy” để nói lên tác hại khôn lường của nạn cháy và nhằm nhắc nhau PCCC.

Để đối phó với nạn cháy, các triều đại của Nhà nước phong kiến Việt Nam đã ban hành luật lệ quy định về PCCC. Điển hình là Quốc triều hành luật có 3 chương quy định nhiều điều về PCCC.

Năm 1042 dưới thời vua Lý Thái Tông, bộ Hình thư được ban hành quy định: Cứ ba nhà hợp thành một “bảo” để kiểm soát lẫn nhau và cùng liên đới để chịu trách nhiệm về các tội, trong đó có trách nhiệm đảm bảo an toàn “hỏa hoạn”. Dưới triều vua Lê Thái Tông, Bộ luật Hồng Đức được ban hành trong đó có 5 quy định về phòng cháy chữa cháy tại các chương Cấm vệ, Đạo tặc và chương Tạp luật, như điều 58 trong chương Tạp luật có ghi: “Người thất lửa bốc cháy, nên đi báo mà không báo, nên đến cứu mà không đến cứu, thì xử nhẹ hơn tội đánh cháy hai bậc …”

Đảng và Nhà nước Cũng rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCCC.

Ngay từ khi giành chính quyền, công tác PCCC đã được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm. Tháng 12/1954, Bộ Công an đã ra quyết định thành lập đại đội cứu hỏa thuộc Ban trị an dân cảnh – Sở Công an Hà Nội. Đây là đội PCCC chuyên nghiệp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Năm 1954 khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong giai đoạn này, công tác PCCC được Đảng Nhà nước quan tâm và đưa vào phong trào bảo vệ trị an và thể hiện rõ nhất với khẩu hiệu 3 phòng: “Phòng gian – Phòng hỏa – Phòng tệ nạn”.

Ngày 27/9/1961, theo đề nghị của chính phủ, UBTV Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã thông qua Pháp Lệnh quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác PCCC. Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 53/SL-CT công bố ban hành Pháp Lệnh này, đồng thời Người đã đổi cụm từ “Phòng hỏa, cứu hỏa” thành cụm từ : “Phòng cháy, chữa cháy”.

Ngày 28/12/1961, Chính phủ đã ban hành nghị định số 220/CP quy định về việc thi hành Pháp Lệnh quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác PCCC. Nghị định này quy định chi tiết trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức tập thể, cơ quan, ban ngành… đối với công tác PCCC.

Năm 1991, khi đất nước ta đã bắt đầu mở cửa và chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì công tác PCCC ngày càng được quan tâm ở các cấp, các ngành. Vì vậy, ngày 31/5/1991 chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành chỉ thị số 175/CT về tăng cường công tác PCCC. Chỉ thị này cũng đã quy định lấy ngày 4/10 hàng năm là ngày toàn dân PCCC.

Nhằm chỉ đạo việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác PCCC ở các cấp, các ngành cơ sở; ngày 19/4/1996, lãnh đạo Chính phủ đã ký ban hành chỉ thị số 237/CT về việc tăng cường các biện pháp thực hiện công tác PCCC.

Trong kỳ họp quốc hội khóa X, Lần thứ IX, ngày 29/6/2001, Quốc hội nước CHXHCNVN đã thông qua luật PCCC. Sau đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký lệnh số 08/2001/L-CTN công bố luật PCCC. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/10/2001.

Ngày 4/4/2003, Thủ tướng chính phủ đã ban hành nghị định số 35/2003/ NĐ- CP quy định chi tiết một số điều trong luật PCCC.

Ngày 31/3/2004, Bộ trưởng Bộ CA đã ban hành thông tư số 04/2004/TT-BCA về hướng dẫn thi hành nghi định số 35/20003/ NĐ- CP.

Ngày 14/06/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

Tiếp đó, đến ngày 12/11/2013, Thủ tướng tiếp tục ký ban hành Nghị định số 167/2013/NĐ – CP” Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tê nạn xã hội; Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2013 và thay thế Nghị định số 52/2012/ NĐ-CP

Tại kỳ họp thứ 6 ngày 22/11/2013, Quốc hội khóa 13 nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, được Chủ tịch nước ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014

Ngày 31/07/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP” Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy ‘’.

Tiếp đó ngày 16/12/2014, Bộ trưởng BCA đã ban hành thông tư số 66/2014/TT-BCA về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Ngày 31/7/2014, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Đồng thời, cùng với việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC là hệ thống văn bản quy phạm kỹ thuật về PCCC bao gồm: Tiêu chuẩn, Quy chuẩn và các văn bản Quy phạm kỹ thuật do các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức có trách nhiệm ban hành như Quy chuẩn: QCVB 06: 2010/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; Tiêu chuẩn: TCVN 2622-1995: Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình; TCVN 3890-2009: Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình, trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng …

Điều đó thể hiện vị trí, tầm quan trọng và sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác PCCC.

(Còn nữa)...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO