Bài 2: Văn nghệ sĩ Thủ đô tích cực tư vấn, phản biện và giám định xã hội

NSND Quốc Chiêm| 08/06/2018 08:17

Với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của giới văn nghệ sĩ Thủ đô, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cùng với 9 hội chuyên ngành đã thực hiện nghiêm túc, phổ biến tới hơn 3400 hội viên nội dung của Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, cũng như chiến lược phát triển xây dựng văn hóa và con người Việt Nam theo yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Bài 1: Văn nghệ sĩ Thủ đô hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử (*)

Bài 2: Văn nghệ  sĩ Thủ đô  tích cực tư vấn, phản biện  và giám định xã hội
Hàng năm lãnh đạo thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt và lắng nghe góp ý của văn nghệ sĩ tiêu biểu Thủ đô. 
Có thể thấy rằng, nội dung của Nghị quyết 23 như tiếp thêm một luồng gió mới và khẳng định thêm một chân lý mà Đảng luôn nhấn mạnh đối với văn nghệ sĩ, đó là sự hữu cơ và cân đối giữa sự phát triển kinh tế và văn hóa với chiến lược lấy con người làm trung tâm, con người Việt Nam trong thời đại mới với yêu cầu phát triển toàn diện, hài hòa các mặt Trí – Đức – Thể - Mỹ, biết tôn trọng, gìn giữ mọi giá trị tinh thần cao đẹp của cha ông đồng thời biết tiếp thu những giá trị tốt đẹp nhất của tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh đề tài lịch sử và cách mạng, kháng chiến, những đề tài nóng hổi hơi thở của cuộc sống mới, với con người Hà Nội đương đại cũng được quan tâm và thể hiện khá sắc nét, cập nhật. Văn học nghệ thuật Thủ đô đã từng bước mở rộng tầm nhìn, đề cập đến các vấn đề phức tạp, đa diện của Hà Nội và cả nước với tâm lý tự tin, dám chịu trách nhiệm trước công chúng và những đề xuất, lý giải của mình trước hiện thực. Bản lĩnh cá nhân của từng văn nghệ sĩ được nâng cao đáng kể, đó là điều đem lại sự phong phú và sức sống thực sự cho các tác phẩm. Tác phẩm có thể gai góc hơn, sắc cạnh hơn, đi sâu vào nhiều khía cạnh phức tạp của đời sống hơn, nhưng không e dè và né tránh những vấn đề nhạy cảm mà xã hội đặt ra, đồng thời còn nỗ lực tìm cách lý giải. Vì thế có thể nói, các sáng tác của văn nghệ sĩ trong giai đoạn vừa qua đã bắt nhịp được với những động thái thay đổi và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, đã tìm được đến hơi thở của sử thi, vốn là một ưu thế rất mạnh của văn học nghệ thuật khi dám dấn thân hòa mình vào dòng chảy lớn của lịch sử với ý thức chủ động và tích cực.

Trong nhiệm vụ thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội góp phần xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, các văn nghệ sĩ của Thủ đô đã tham gia tích cực vào các công việc tư vấn, phản biện cho thành phố, thẩm định các Đề án, tham gia xét duyệt và thực hiện các chương trình văn hóa nghệ thuật lớn, góp ý kiến qua Hội đồng nghệ thuật thành phố về các công trình làm đẹp Thủ đô, hoặc chỉnh trang đô thị, quy hoạch kiến trúc như:

Tham gia các hoạt động triển lãm vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10), các triển lãm chuyên đề và triển lãm 1000 bức ảnh chọn lọc phục vụ Đại lễ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tổ chức các đợt biểu diễn phục vụ 10 ngày Đại lễ theo kế hoạch chung của Thành phố và biểu diễn tôn vinh các tác giả, tác phẩm có cống hiến xuất sắc đối với Thủ đô, khai thác và biểu diễn các điệu múa cổ của Hà Nội, tham gia đóng góp ý kiến cho các công trình, đề án làm đẹp Thủ đô như quy hoạch và xây dựng công viên Hòa Bình, Bảo tàng Hà Nội, kế hoạch tôn tạo và hoàn thành Nhà trưng bày hiện vật trong Hoàng thành Thăng Long, thực hiện đề án xây dựng Con đường gốm sứ ven sông Hồng… Các văn nghệ sĩ của Hội cũng tham gia tích cực vào việc xây dựng danh mục, tham gia biên soạn các đầu sách về văn học nghệ thuật và văn hóa Hà Nội, nhất là đối với 2 công trình lớn đó là bộ sách “Tổng tập văn hiến Thăng Long” gồm 17 chuyên mục lớn và “Tủ sách Thăng Long 1000 năm văn hiến”, gồm trên dưới 100 đầu sách lớn, trình bày hệ thống về văn hiến Thăng Long, Hội cũng tham gia biên soạn và thường xuyên góp ý kiến cho trang website Thăng Long – Hà Nội 1000 năm (lập trên internet) do Sở Thông tin và Truyền  thông Hà Nội chủ trì, với 2 công trình đã được nghiệm thu xuất sắc là: Cuốn “Cẩm nang tri thức 1000 năm văn hiến” và cuốn phim tài liệu nghệ thuật “Nguyễn Trãi với Thăng Long”. Ngoài ra, các hội chuyên ngành, cơ quan cấp 2 của Hội đã xuất bản nhiều vựng tập có giá trị về mỹ thuật và nhiếp ảnh, cuốn sách của giới kiến trúc sư về “55 năm quy hoạch và đô thị hóa Hà Nội ”, các tuyển tập về sân khấu và văn học, các tập nghiên cứu chuyên đề trên nhiều lĩnh vực thuộc kho tàng văn nghệ dân gian, các cuốn phim tư liệu nghệ thuật “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tỏa sáng ”, cuốn băng nhạc CD tuyển chọn các bài hát hay nhất về Hà Nội, bộ lưu ảnh mới về phong cảnh, danh thắng và sinh hoạt của Hà Nội…

Ngoài ra, các Hội chuyên ngành tiếp tục công tác tìm tòi và phục hồi các vốn văn hóa cổ của Thủ đô (các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, vốn văn nghệ dân gian), có kiến nghị sâu sát và cụ thể về kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tham gia vào Ban Chỉ đạo và Ban biên soạn (cùng Ban Thi đua Thành phố) tủ sách “Người tốt, việc tốt” xuất bản đều đặn vào dịp mùng 10/10 hàng năm; làm tốt công tác phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội trong việc xét các giải thưởng, tổ chức kỷ niệm, hội thảo, các triển lãm, các trại sáng tác chung, cũng như đóng góp ý kiến vào các văn bản của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các kiến nghị về chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ… để trình lên các cấp có thẩm quyền.

Có thể khẳng định rằng, với vị trí của một Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp có quy mô hoạt động khá lớn và khá đa dạng, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội luôn luôn giữ vững tính định hướng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, vươn tới các giá trị nhân văn trong hoạt động sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn và xây dựng Thủ đô đang lớn mạnh và đổi mới từng ngày. Hội đã thường xuyên trau dồi việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm gìn giữ và xây dựng lối sống người Hà Nội, phong cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử, phục vụ cho mục tiêu phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững. Nhiều hội viên của Hội đã được vinh danh là “Công dân ưu tú Thủ đô”, bên cạnh các giải thưởng chuyên môn của các tổ chức trong nước và quốc tế trong sự nghiệp văn học nghệ thuật. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cũng như Ban Chấp hành 9 Hội chuyên ngành đã nỗ lực rất lớn trong việc định hướng và tổ chức sáng tác cho hội viên, tổ chức các cuộc liên kết hoạt động và giao lưu trong nước và quốc tế để mở rộng tầm nhìn cho anh chị em, quan tâm sâu sát tới việc phổ cập các giá trị văn học nghệ thuật tới công chúng rộng rãi, gắng sức duy trì thị hiếu thưởng thức lành mạnh và đúng đắn tới độc giả và khán thính giả trong điều kiện kinh tế thị trường và nhu cầu thương mại hóa các hoạt động xã hội đang diễn ra.

Trong những năm qua, nhất là giai đoạn từ  2008 đến 2018, trong các sáng tác của hội viên chưa có sai phạm nào về quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cũng như chưa có biểu hiện nào cần uốn nắn về khuynh hướng sáng tác. Nền văn học nghệ thuật Thủ đô đã đạt được một số thành tựu đáng kể như: Sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tính nhân văn. Về cơ bản, giới văn nghệ sĩ đã bám sát và thể hiện được bằng hàng trăm tác phẩm đủ các thể loại đã được ra đời qua các cuộc vận động sáng tác hướng tới Đại lễ, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô... 

Các tác phẩm này đều đã được tôn vinh, được trao giải Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, các Hội chuyên ngành Trung ương và của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Với nhiệm vụ khuyến khích, tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng, đồng thời bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã làm rất tốt và tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, mở rộng thông tin văn học nghệ thuật nước ngoài, tạo điều kiện để anh chị em sáng tác, nhất là các tác giả trẻ có điều kiện tìm hiểu, trao đổi và thể nghiệm nhiều tìm tòi mới, được phép áp dụng nhiều phong cách sáng tác đạt được mục đích tối cao là tạo ra được món ăn tinh thần hữu ích, có tác động xã hội và hiệu quả thẩm mỹ lớn nhất cho công chúng, nhưng vẫn đảm bảo đúng quan điểm, đường lối chính trị của Đảng. 

Mặt khác, Hội luôn chú trọng đến các giá trị đạo đức của người Hà Nội, nỗ lực xây dựng những nhân vật chủ đạo trong tác phẩm là người Hà Nội hôm nay, nhất là những người thuộc thế hệ trẻ, và mối liên hệ hữu cơ của họ đối với các phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch văn minh, đã có từ xưa; Phát hiện ra những khía cạnh mới của người Hà Nội hôm nay trong lối sống, phong thái và cách ứng xử, người Hà Nội trong bùng nổ thông tin toàn cầu, người Hà Nội với tốc độ sống của đô thị hiện đại… Đặc biệt đề cao các tác phẩm về lý tưởng sống và những dự định tương lai của lớp trẻ Hà Nội, thái độ của họ đối với quá khứ… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Văn nghệ sĩ Thủ đô tích cực tư vấn, phản biện và giám định xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO