Bài 4: Công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC

Nhóm PV| 09/09/2021 12:54

Xác định công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC là một biện pháp phòng ngừa xã hội và là hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, cần có sự phối, kết hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân. Do vậy, ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới, lực lượng Cảnh sát PCCC đã không ngừng đổi mới phương pháp, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và phát động phong trào quần chúng PCCC.


Ngoài các hình thức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn…; tổ chức tuyên truyền lưu động; phát hành khuyến cáo, tờ rơi về PCCC; treo, gắn pa nô, khẩu hiệu về PCCC trong các dịp Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN). Vào dịp 4/10 hàng năm…, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú như tổ chức các cuộc thi tác phẩm báo chí, thi sáng tác tranh, ảnh về PCCC, tổ chức liên hoan phim truyền hình, sân khấu hóa các hoạt động PCCC, tổ chức chương trình tuyên truyền cổ động trực quan…     

Cảnh sát PCCC phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phản ánh và thông tin kịp thời các vụ cháy, các hoạt động PCCC của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; lồng ghép nội dung PCCC vào các chương trình trò chơi trên truyền hình như ”Chiếc nón kỳ diệu”, “Ở nhà chủ nhật”, “Ai là triệu phú”, “Đấu trường 100”… Tổ chức tuyên truyền đậm nét vào dịp “Ngày toàn dân PCCC’, dịp mùa hanh khô và Tết Nguyên đán, dịp diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước… bằng các phóng sự, chuyên đề cảnh báo nguy cơ cháy và hướng dẫn các biện pháp PCCC, các đúp tuyên truyền, cổ động nhắc nhở người dân PCCC; tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại về PCCC…


Xây dựng phong trào toàn dân PCCC


Lực lượng cảnh sát PCCC đã vận dụng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác PCCC là: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC. Trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính và mọi hoạt động PCCC trước hết phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Trong những năm qua, phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng phát triển sâu rộng. Đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 369/TTg ngày 04/6/1996 lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày PCCC toàn dân”. Theo đó, cứ đến dịp này tại các địa phương trên cả nước, hàng vạn quần chúng nhân dân đã nô nức tham gia các hoạt động PCCC như: Mít tinh, diễu hành biểu dương lực lượng; hội thao, hội thi PCCC; tham gia ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ và khu dân cư…; việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác PCCC được nhiều địa phương hưởng ứng như TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nội…. Công tác xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về PCCC được chú trọng duy trì, hàng năm các địa phương đã xét và công nhận được hàng trăm đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC;  mô hình “Cụm dân cư an toàn PCCC”, “Câu lạc bộ chiến sỹ PCCC trẻ tuổi” tiếp tục được nhân rộng, đặc biệt Hải Phòng đã nghiên cứu triển khai và duy trì hiệu quả mô hình “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC” trên địa bàn. Hiện Nam Định và Thái Nguyên đang vận dụng kinh nghiệm này vào thực tiễn địa phương mình.

Việc xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ trong điều kiện kinh tế thị trường mặc dù gặp nhiều khó khăn, song theo thống kê, cả nước hiện đã xây dựng được trên 65.000 đội PCCC cơ sở và dân phòng với trên một triệu đội viên, hàng năm lực lượng này đã phát hiện và tổ chức dập tắt kịp thời trên 60% tổng số vụ cháy, góp phần ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.


Thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC và quản lý vật liệu nổ công nghiệp


Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra; tăng cường công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC theo quy định. Đổi mới công tác kiểm tra, trong đó nhiều địa phương đã tranh thủ đề xuất Đại diện Hội đồng nhân dân, lãnh đạo UBND địa phương tham gia chủ trì kiểm tra trực tiếp và giải quyết một số vấn đề bức xúc về công tác PCCC trên địa bàn. Từ đó đã có tác động tích cực đến người đứng đầu đơn vị, cơ sở trong việc đảm bảo an toàn PCCC trong cơ quan, đơn vị mình.


Hàng năm đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra theo chuyên đề (chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, nhà cao tầng, các cơ sở xăng dầu, dầu khí, vật liệu nổ công nghiệp…) vào các dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, dịp mùa hanh khô và bảo vệ Tết Nguyên đán. Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị cơ sở và cơ quan, tổ chức khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót và vi phạm quy định về PCCC.


25 năm qua, toàn lực lượng Cảnh sát PCCC đã kiểm tra và phúc tra về PCCC được 1.845.213 lượt cơ sở, lập 1.762.319 biên bản kiểm tra; phát hiện và hướng dẫn khắc phục trên 4.500.000 thiếu sót, tồn tại về PCCC.


Về công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp đã tích cực chủ động phối hợp với các lực lượng trong ngành Công an và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, cung ứng, sử dụng của các đơn vị có hoạt động về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN). Tại các kho đầu mối trên cả nước, trung bình mỗi cơ sở được kiểm tra an toàn PCCC ít nhất 2 lần/năm. 


Công tác quản lý, cấp phép vận chuyển VLNCN được đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định và có những bước chuyển biến rõ rệt về các thủ tục hành chính, giảm thời gian nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận chuyển.


Trong 25 năm qua, với nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC đã góp phần không để xảy ra 1 sự cố cháy, nổ và mất cắp VLNCN tại các kho đầu mối, đảm bảo an toàn các sự kiện quan trọng của đất nước.

(Còn nữa)…

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO