Bài 7: Vẻ vang những chiến công

Nhóm PV| 09/09/2021 12:58

Suốt chặng đườn g xây dựng và phát triển, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hỗ đã lập được nhiều chiến công vẻ vang được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1986, lực lượng PCCC đã chữa cháy nhiều vụ thành công, trong đó có vụ ở trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Đồng Giao, Ninh Bình ngày 8/6/1965 của đội PCCC Hoa Lư, Ty Công an Ninh Bình. Ngày 8/6/1965, máy bay Mỹ đánh phá trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Đồng Giao, Ninh Bình. Đơn vị PCCC Ninh Bình đã xuất 01 xe và 10 cán bộ chiến sỹ do đồng chí Mai Huy Bổng chỉ huy dùng sức mạnh của lăng A cắt đứt luồng nhiên liệu tên lửa đang bị cháy để chuyển tên lửa ra ngoài. Phương pháp chữa cháy này đã mở ra chiến thuật chữa cháy tên lửa và đã được nhiều đơn vị PCCC áp dụng có hiệu quả. Với chiến công đó, Đơn vị PCCC Hoa Lư, Ty Công an Ninh Bình được tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 01/01/1967.

Chữa cháy tàu Alecxandra của Liên Xô chở hàng viện trợ ở cảng Hải Phòng.
Tàu Alecxandra có trọng tải 12.000 tấn, mang quốc tịch Liên Xô cũ, neo đậu ở cảng Hải Phòng vào cuối tháng 7/1965. Chiều 5/8/1960, tàu Alecxandra chở khoảng 2.000 tấn phân đạm NO3NH4 bị bốc cháy tạo thành một cột khói màu da cam cao khoảng 50m. Sau đó, cột khói tỏa rộng trên bầu trời thành phố Hải Phòng và khu vực cảng. Ngay khi biết tin, Đội PCCC Sở Công an Hải Phòng đã điều động toàn bộ cán bộ chiến sỹ và phương tiện chữa cháy đến địa điểm tàu Alecxandra đang neo đậu. Tham gia cứu chữa còn có tàu cứu hộ của Liên Xô và bản thân tàu Alecxandra cũng tự cứu chữa bằng những thiết bị PCCC của mình. Nhờ tập trung lực lượng và phương tiện cứu chữa, 02giờ sau đám cháy được dập tắt. Trong trận chiến đấu này, hai đồng chí là Nguyễn Đình Thành và Đỗ Quang Thịnh, cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC Sở Công an Hải Phòng đã dũng cảm hy sinh.


Chữa cháy kho xăng dầu Thượng Lý, Hải Phòng năm 1972. 2h sáng ngày 10/4/1972, nhiều tốp máy bay đánh phá vào kho xăng Thượng Lý, Hải Phòng làm lửa bùng cháy dữ dội. Đội PCCC Sở Công an Hải Phòng đã điều động 03 xe chữa cháy và được sự hỗ trợ của một xe chữa cháy của Đội PCCC Ty Công an Hải Hưng để tập trung dập tắt từng bể xăng dầu dưới bom đạn máy bay Mỹ. Sau hai giờ vật lộn với khói lửa đạn bom, lửa tại toàn bộ kho xăng Thượng Lý đã được dập tắt. Đơn vị PCCC Sở Công an Hải Phòng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 02/9/1973.


Hai lần chữa cháy Tổng kho xăng dầu Đức Giang năm 1966 và 1972. Lần thứ nhất: lúc 12h, ngày 29/6/1966, không quân Mỹ đánh phá vào Tổng kho xăng Đức Giang làm một số thiết bị vỡ và một số bể khác bị mảnh bom xuyên thủng. Xăng dầu tràn ra làm thành một đám cháy dự dội. Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội chỉ thị phải bằng mọi biện pháp dập tắt đám cháy trong đêm, không để cháy sang ngày hôm sau. Phòng PCCC Sở Công an Hà Nội đã điều động 12 xe, Cục Cảnh sát PCCC huy động thêm 8 xe của Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng và Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy. Công tác chữa cháy ở đây chủ yếu sử dụng nước. Lực lượng chữa cháy dùng lăng A, B cắt các vòi xăng phun bị cháy, làm lạnh các bể đang cháy, bảo vệ chiến sỹ chữa cháy và chia cắt từng cụm dứt điểm, dùng dẻ, que gỗ nút các lỗ thủng trong điều kiện nóng rát, khói đen mù mịt. Đến 5h15phút ngày hôm sau, đám cháy lớn được dập tắt hoàn toàn, cứu được 12 bể xăng lớn và hàng ngàn phuy xăng với gần 25 triệu lít xăng dầu. Sau trận chiếu đấu này, lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong đó có 4 điều Người dạy đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC, đó là: Phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn, Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào, để bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân, Phải không ngừng học tập, nghiên cứu phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong việc PCCC, Phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.


Lần thứ hai: Hồi 15h ngày 16/4/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đến đánh phá kho xăng dầu Đức Giang và kho kim khí hóa chất Đức Giang. Phòng PCCC Sở Công an Hà Nội đã tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá Trưởng phòng Đinh Mười và Đại úy Phó Trưởng phòng Bùi Văn Hoàn. Bom bi của địch đánh trúng kho xăng làm nhiều bể bị nổ tung, xăng phun ra thành vòi lửa dài hàng trăm mét. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã dùng lăng A để cắt ngọn lửa. Đến sáng ngày hôm sau, đám cháy cơ bản được dập tắt.


Chiến đấu với giặc lửa trong 12 ngày đêm máy bay B52 đánh phá Hà Nội. Trong trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, máy bay địch tập trung đánh phá khu vực điểm Đông Anh, ga Yên Viên. Đội PCCC Lộc Hà Sở Công an Hà Nội do đồng chí Đào Văn Phê là đội trưởng đã ngày đêm chữa cháy liên tục, không quản hy sinh gian khổ. Đang chữa cháy, máy bay địch đánh trúng đội hình làm hỏng 1 xe chữa cháy, nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC đã dũng cảm chiến đấu cứu được nhiều xăng dầu và hàng hóa trong kho. Với những thành tích chiến đấu xuất sắc, đội PCCC Lộc Hà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 2/9/1973.

Vụ cháy lò vỉa 7 mỏ than Vàng Danh – Quảng Ninh. Ngày 3/3/1985, xảy cháy Vỉa 7 mỏ than Vàng Danh, Quảng Ninh. Đây là đám cháy lớn, phức tạp, có nguy cơ cháy lan toàn bộ vỉa 7 và lan sang các vỉa khác; điểm cháy nằm sâu trong lòng đất, cách cửa lò 520-580m, cách mặt nước biển +260m. Trước tình hình như vậy, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Điện than, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức chữa cháy, huy động 48 xe các loại và 222 người sử dụng hết 2.699m3 nước để chữa cháy. Chiến thuật chữa cháy: Ban đầu đưa ra phương án đánh sập lò, chờ khi lửa tắt thì khôi phục lại, đánh giá phương án này không khả thi và hiệu quả thấp nên đã quyết định phương án dùng mặt nạ phòng độc, đưa lăng phun vào tiếp cận ngọn lửa để chữa cháy, đây là phương án tối ưu nhất, rẻ tiền nhất lại nhanh chóng khôi phục sản xuất. Cuộc chiến đấu diễn ra không ngừng, lực lượng PCCC đã phun nước trực tiếp vào vùng cháy, đào bới than ra để chữa cháy đồng thời kết hợp sáng kiến bịt kín các cửa hút gió từ ngoài vào lò, đưa nước từ cửa thượng lò dẫn nước xuống vùng cháy. Để có nước chữa cháy các lực lượng tham gia chữa cháy đã phải ngăn một con đập để đưa nước suối rồi dùng máy bơm công suất lớn cung cấp nước cho xe chữa cháy. Sau 10 ngày chiến đấu, 5h sáng ngày 13/3/1985 đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Để dành được chiến công này đã có rất nhiều chiến sỹ bị ngất (không có ai bị thương).

Hiệu quả chữa cháy: không phải đánh sập lò, rút ngắn thời gian khôi phục lò, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, cứu được những vỉa than có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất của Việt Nam.

(Còn nữa)...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bài 7: Vẻ vang những chiến công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO