Bâng khuâng chiều cuối năm

Nguyễn Sỹ Đoàn| 14/01/2021 08:47

Bâng khuâng chiều cuối năm

Cái ngõ tôi ở chừng hơn hai chục nóc nhà nằm quay mặt vào nhau, cách một con đường nhỏ dài sáu, bảy chục mét, quanh co. Ngõ cụt. Ngày thường vắng lặng như chùa Bà Đanh. Có nhà cửa đóng suốt năm. Ấy vậy mà những ngày giáp Tết đông như làng vào hội. Toàn người đi làm ăn xa. Trông lôi thôi, lếch thếch đến buồn cười. Mệt mỏi và tốn kém. Ông bạn tôi, bảo: "Không về coi như không ăn Tết. Về để được thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên, cúng ông bà, cha mẹ. Về để thăm họ hàng, làng mạc sau một năm đi "chiến đấu bảo vệ xứ người". Khối người không về được, cứ đến chiều 30 Tết thấy lòng dạ cồn cào, da diết. Như người mắc lỗi. 

Đâu chỉ nhớ đào, nhớ mai mà nhớ cả cái giá buốt, mưa phùn thấm vào da thịt. Nhớ con đường lầy lội. Nhớ cành cây khô nghèo nhựa. Hóa ra dù ở đâu, gần hay xa, thành đạt hay thất bại, quê hương luôn là nơi vịn cho người ta đứng vững trước giông gió cuộc đời. Những ngày này bao nhiêu phiền toái, giận hờn, bao nhiêu lo âu, lộn xộn trong năm đều quẳng xuống sông, xuống biển hết. Vẫn là con ngõ ấy mà sao bừng sáng rực rỡ. Vẫn là những con người của hôm qua, hôm kia mà sao rộn ràng ân tình và đáng yêu biết nhường nào. Tôi cứ ao ước, giá như ngày nào cũng là 30 Tết, để tình người thêm đằm thắm, lời nói thêm dịu dàng.

Qua ngày ông Táo chầu giời, thời khắc như trôi nhanh. Không kịp níu giữ. Nhiều khi cuống lên. Đành rằng thời tiết tháng Chạp giúp người ta khỏe hơn những tháng khác trong năm. Nhưng tôi không hiểu điều gì đã giúp những người vợ công lên việc xuống nhiều như thế, tất bật như thế mà vẫn tươi như hoa vừa nở. Tài thật. Tự nhiên thấy các bà vợ đẹp trội hẳn lên, nhanh nhẹn hẳn lên. Đôi mắt sáng hơn. Đôi má cũng hồng hơn. Tại thương chồng thương con? Ờ mà có khi thế thật. Nhìn ra xung quanh, nhà nào cũng vội vã sửa sang dọn dẹp, mua bán. Đồ đồng, đồ gỗ, nền nhà được lau rửa rất kĩ. Trong nhà đã có chậu đào chậu quất. Nhà khá giả còn thêm chậu mai. Dường như ngày Tết mà không trang hoàng sắm sửa mỗi thứ một ít thì lòng dạ không yên. Những niềm vui đơn sơ bình dị ấy tưởng rất riêng mà hóa ra lại rất chung. 

Bờ đê cao ngang tầm mắt. Đám cỏ may già bạc tóc phất phơ. Bên kia đê là sông Thái Bình. Bên đây là những ruộng đào bát ngát và các loài hoa đang khoe sắc. Bất giác tôi nhớ nơi đây, bốn mươi tám năm trước, tháng 12 năm 1972, từng chịu nhiều trận ném bom khốc liệt của không quân Mỹ. Làng mạc tan hoang, đổ nát. Hố bom chi chít, liền liền. Hàng ngàn gốc đào bật rễ, dập nát. Màu đỏ của máu, màu đỏ của hoa đào, trộn lẫn. Day dứt và nhức nhối. Nhưng những vệt máu chưa khô chẳng làm ai sợ. Vừa dứt tiếng bom, khói lửa còn mù mịt, những người còn sống đã ào ra cứu chữa người bị thương, thu nhặt thi thể người xấu số. Cho đến tận sáng mới xong. Lại ra đồng làm cỏ bón phân cho lúa, lại xuống ruộng đào tuốt lá, uốn cành.

Người thành phố lạ thế. Một thời bom đạn đầy trời, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Lại đói cơm rách áo, nhưng vẫn không thể thiếu hoa đào ngày Tết. Dường như chẳng có tiếng bom gào, đạn xé nào, chẳng có cái đói, cái rét nào xảy ra trên từng cánh hoa đào. Rồi những năm binh lửa cũng qua. Màu xanh tỏa nhanh trên vùng đất chết. Chồi gai và hố bom lại biến thành ruộng đào. Ở đây, một con cá, một lá rau cũng hồng lên rực rỡ. như mời chào, như lạ lẫm.

Tôi yêu buổi chiều 30 Tết không để đâu cho hết. Thời tiết đong đưa, lòng người cũng đong đưa. Tiếng nói, lời chào sao duyên dáng, ngọt ngào đến thế, chất chứa bao nhiêu là nghĩa, là tình. Mọi người rủ nhau đi thăm viếng mộ phần gia tiên. Mời gia tiên về ăn Tết cùng cháu con. Đó là chuẩn mực, là riêng biệt, chỉ có dân tộc Việt mình mới có cái phong tục tốt đẹp này. 
Ngày cuối năm cũng là ngày mọi người đi lễ, hi vọng tìm một chút thanh thản trong lòng. Ai cũng khấn cầu quốc thái dân an, cầu người với người yêu thương nhau. Cầu cái ác, cái lọc lừa phản trắc mất đi hoặc giảm bớt. Tôi cứ nghĩ, nếu được như những lời khấn cầu của mọi người, thì cũng chẳng ngại ngần gì mà không cúng lễ. 

Tôi yêu những câu chuyện truyền kì, chuyện về sự tích thờ ông Công ông Táo, chuyện về ngày cúng tất niên, chuyện về sự tích hoa đào vì sao màu đỏ. Tôi yêu, yêu hết. Yêu luôn cả ngọn gió bấc buốt giá chiều 30 Tết, đến đám mây lãng đãng trôi ngang. Yêu tiếng chim gáy gù trầm ấm, đến tiếng chim chích chòe gọi bạn, mà nghe như Tết đến xuân về.

Tôi đi trên những con đường mới mở, tự nhiên thấy lòng man mác bâng khuâng. Những gương mặt của xóm làng, của phố phường, của con người. Phơi phới đầy ắp nét xuân. Cái khoảnh khắc mơ hồ ấy có thật mà như không có thật. Tưởng nắm được trong tay mà hóa ra không phải. Thật và mơ đan xen ngay cửa ngõ thành phố. Như hương thơm. Như gió thoảng. Mùa xuân ơi! Tất cả đang mở cửa sẵn sàng đón chào người.  
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bâng khuâng chiều cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO