Bánh ngọt quê nhà

Hoàng Khánh Duy| 13/11/2017 15:31

Ấu thơ của tôi là những mùa kẹo ngon bánh ngọt. Mẹ nuôi tôi bằng bát cơm đầy dẻo thơm, bà nuôi tôi bằng vị bánh quê đơn sơ mà đậm đà tình nghĩa. Ngày ấy bình yên như chim trời, vui thì chạy nhảy nói cười, buồn lại về nhà úp mặt vào lưng bà nũng nịu để chiều bà lại lom khom sau bếp làm một món bánh nào đó cho dịu lòng trẻ thơ.

Tôi cứ mãi nhớ vòng quay đều của chiếc cối đá xay bột nằm tư lự dưới gốc mít sau vườn. Chiếc cối ấy không biết có từ bao giờ, còn tôi thì biết nó từ khi tôi bắt đầu biết mình. Mỗi dịp tết đến hay cúng giỗ, hàng xóm đến nhờ bà chiếc cối đá rồi ôm thúng gạo nếp ra đó vừa xay, vừa rôm rả nói cười. Gió trời lồng lộng, không gian lặng vắng chỉ có âm thanh lá khô xác xao rơi, tiếng hai mặt cối đá cọ vào nhau lạo xạo làm nhuyễn hết mớ gạo nếp đã ngâm sẵn từ hôm trước để lại những dòng bột mềm mịn, trắng tinh, thoang thoảng hương lúa nếp cuối mùa.

Bánh ngọt quê nhà
Nhớ biết bao những trưa hè lộng gió. Con đường quanh co rợp bóng cây mát rượi tâm hồn. Tôi xách rổ đi hái lá mơ thơm về giã nhuyễn cho bà làm bánh. Thương lắm bà tôi, bờ lưng cong cong, bàn tay gầy gò trổ đầy những nốt đồi mồi run rẩy xay gạo trộn với lá mơ tạo thành một thứ bột đen sì, thơm phức. Bà khéo léo nắn bột thành những phiến dài to bằng bàn tay rồi hấp chúng trong nồi nước sôi reo sùng sục trên bếp. Tôi ngồi chăm chú nhìn bà, chốc chốc lại lấy tay quệt một nhúm bột rồi bôi lên bàn tay của bà để rồi bà lại mắng tôi bằng một câu yêu thương dí dỏm. Đến chừng bánh chín, miếng bánh lá mơ bột nếp trong vắt sực nức mùi gạo thơm lẫn mùi lá mơ dại non mơn mởn, bà khéo léo xếp bánh ra đĩa, chan một lượt nước cốt dừa béo ngậy với đậu phộng rang giòn. Cắn một miếng mà nghe sừn sựt ở đầu lưỡi. Vị thanh của bột, vị béo ngọt của nước cốt dừa khiến lòng tôi xuyến xao khó tả.
Bánh quê nhà thì nhiều lắm! Toàn những thứ bánh dân gian được làm từ nguyên liệu dễ tìm, trên đồng hay trong khu vườn nằm nghe mưa nắng. Chỉ mất một buổi là có ngay món bánh thơm nóng hôi hổi ăn vào miệng, vừa ngon vừa bổ, vừa thanh sạch như chính những thức quà quê mỗi dịp gửi về thành phố. Bà tôi thuộc nằm lòng những công thức làm bánh từ đơn giản đến phức tạp. Ngày còn trẻ bà cũng làm bánh rồi gánh đi rong xóm bán buôn, ngoài bãi chợ hay trước cổng trường mỗi lúc học sinh tan học. Tiếng rao ấy đọng mãi vào lòng tôi từ thuở thiếu thời cho đến lúc trưởng thành, cho đến khi tôi rời xa mái nhà tranh yêu thương để về nơi phố thị. Bánh chuối hấp ngọt tận ruột gan, bánh đúc sền sệt thơm mùi lá dứa, bánh ú lá tre nếp dẻo hay bánh tét nhân mỡ thơm lừng mỗi dịp xuân về Tết đến. Bánh của bà làm ngon mà không cần đến bất cứ một chất hóa học nào, bởi thế lũ trẻ con trong xóm rất thích. Khoái chí hơn khi lần nào chúng đến mua bánh cũng được bà tôi… cho thêm. Hàng bánh ấy, bà nuôi tôi trọn những tháng năm đầu đời. Sáng bà gánh hàng đi bán, đêm về tần tảo bên ngọn đèn dầu vừa làm bánh vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích năm nào. 

Cuối thu, tôi trở về quê nội. Con đường quen, xóm làng thân thuộc. Dòng sông xanh uốn lượn muôn đời. Nhà tranh liêu xiêu nép mình dưới hàng dừa thăm thẳm. Bà ra trước nhà, tóc bạc lưng còng ngóng vọng đứa cháu xa về thăm bà sau những tháng ngày lênh đênh đất phố, bận rộn với chuyện công việc, học hành. Bây giờ bà không còn ngồi hàng giờ xay bột, gói bánh được nữa, căn bệnh tim khiến sức khỏe bà tôi ngày một yếu hơn. Cối đá nằm lặng thinh buồn, phủ xanh một màu rêu gió. Nhớ lắm vị bánh ngọt năm nào. Nhớ sao dáng bà nhọc nhằn bên bếp lửa khói bay lơ đãng sương chiều. Nhớ quá tuổi thơ ơi, quê nghèo đơn sơ, bình dị mà thanh yên như mây gió.

Tôi nghe có tiếng gọi quê hương sâu thẳm trong lòng… 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bánh ngọt quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO