Báo Người Hà Nội - thủa ban đầu thương nhớ ấy

04/06/2017 10:25

về làm báo “Người Hà Nội” vào khoảng giữa năm1985, lúc ấy số “Người Hà Nội” đầu tiên ( số 1) vùa phát hành ngày 1 tháng 5 năm 1985. Vào thời điểm ấy, tờ báo chính của Hà Nội là “Hà Nội Mới” chưa phát triển như sau này, các tờ báo nghành đều còn rất sơ sài, kiểu như đang vận động để thoát khỏi hình thức tờ tin nội bộ.

Việc một tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật của thủ đô ra đời dày dặn tới 16 trang, khổ lớn,  không chỉ làm nức lòng các văn nghệ sĩ Hà Nội mà nó còn được công chúng đón đọc và gửi nhiều kỳ vọng vào “diễn đàn” văn học nghệ thuật thủ đô, nơi đang tập hợp đông đảo nhất lực lượng văn nghệ sĩ hàng đầu cả nước. Cơ duyên cho tôi về với “Người Hà Nội” là việc một lần được dự họp cùng Nhà văn Tô Hoài, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, kiêm Tổng Biên tập “Người Hà Nội”. Ông đã đọc một vài truyên ngắn tôi viêt đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội , báo Văn nghệ…Biết tôi là giảng viên ngành văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội vừa về nhận công tác ở một tờ báo ngành của Thủ đô, ông bảo : sao cậu về một tờ báo văn mà làm?.

Nhà văn Tô Hoài bằng tuổi bố tôi, cũng như bao đứa trẻ khác sống ở Hà Nội những năm tuổi thơ, tôi có diễm phúc được đọc “Dế mèn phiêu lưu ký”của ông ngay những năm học cấp Một. Quê gốc tôi ở Phú Thọ , một vùng quê không ra đồi, không ra đồng bằng, không ra miền núi…Mãi gần đây mới được công nhận là tỉnh miền núi, một vùng thổ nhưỡng đã đến hồi cạn kiệt. Nổi tiếng nhất là “rừng cọ đồi chè” thì đều là các cây trồng không đem lại hiệu quả cao. Quê nghèo thế nhưng trong cải cách ruộng đất cũng đến lắm địa chủ cường hào. Bố tôi đi kháng chiến, mẹ tôi mù chữ chỉ biết cấy trồng trên mấy thửa ruộng chiêm và ủng hộ kháng chiến, vậy mà chẳng hiểu cơn cớ sao bà cũng được “ phong” làm cường hào đứng trong tốp đại gian đại ác bóc lột nông dân. Mới năm sáu tuổi đầu tôi đã bị ngược đãi , bị hành hạ, khinh miệt và cô lập, không được đi học vì là con  thành phần bóc lột. Thấy tôi ngang bướng, phá phách  bố tôi sợ để ở nhà sẽ bị các quan đội trừng trị nên đem tôi theo về Hà Nội ngay sau ngày ông tham gia tiếp quản thủ đô. Lúc đó ông được phân công phụ trách các rạp chiếu bóng của Hà Nội . Trụ sở chính của ông ở rạp Kinh Đô, 59 phố Của Nam. Tôi đã được theo ông đến tất cả các rạp chiếu phim thời đó như : Đại Nam, Mạjetic, Công Nhân, Hồng Hà, Tháng Tám, Đông Đô, Dân Chủ, Kim Đồng, Chuông Vàng, Bắc Đô…

Đó có lẽ là những năm tháng hạnh phúc nhất trong tuổi thơ của tôi. Tôi thi vào học lớp một trường Sinh Từ, thuộc phố chuyên bán dao kéo sinh từ, nay là phố Nguyễn Khuyến.Trở thành “cậu ấm” Thủ đô tôi mới được tiếp xúc với tri thức, mới được đọc truyện thiếu nhi và tác phẩm làm tôi say mê nhất đó là “ Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Hàng ngày tôi còn được xem tất cả các phim chiếu trong rạp Kinh Đô nơi hai bố con tôi tá túc trên tầng hai của ngôi nhà 59 Cửa Nam. Phim thời đó chiếu hai suất mỗi tối. Sau mỗi suất chiếu công nhân lại quyét  dọn rạp để đón khách xem tăng hai thì tôi tranh thủ nhặt que kem, vỏ quýt, hạt táo, những mẩu giấy báo gói lạc rang…mà khách bỏ lại trong rạp. Giấy vụn tôi để lại nhóm bếp. Que kem tôi rửa sạch phơi khô đem bán cho hiệu kem Long Vân cạnh hồ Hoàn Kiếm. Còn hạt táo, vỏ quýt  khi được nhiều đem bán cho các hiệu thuốc nam ở phố Lãn Ông. Vì thế đối với tôi Hà Nội là quê hương thứ hai, nơi cưu mang, nuôi dưỡng tôi những năm tháng quan trọng nhất của cuộc đời. Và với nhà văn Tô Hoài tôi ngưỡng vọng một cách đầy thành kính, cho dù  phải ngoài 30 tuổi tôi mới được gặp ông.

        Về với “ Người Hà Nội” tôi được  phân công làm trưởng ban Trị Sự kiêm phóng viên. Lúc ấy tôi thực sự lo lắng và thậm chí tự ti, khi mà những nhà văn , nhà thơ danh tiếng tôi từng đọc đang hiện diện cả ở cơ quan báo chí này như : Tô Hoài, Bằng Việt, Triệu Bôn, Phan Thị Thanh Nhàn, Tô Hà,…Còn cộng tác viên thì đều là những người danh tiếng như : Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Vũ Cao, Nguyễn Văn Bổng,Hoàng Cầm… các  họa  sĩ thường xuyên có tác phẩm cho báo là danh họa Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Mại Văn Hiến… Họ sẵn sàng làm bìa cho mỗi số báo, thậm chí không nề hà vẽ minh họa cho các truyện ngắn mà “Người Hà Nội” yêu cầu. Con đường dẫn tôi bước vào nghiệp văn có lẽ bắt đầu từ đây: mảnh đất văn chương “Người Hà Nội”.

        Những năm tháng sống ở “Người Hà Nội” tôi có thật nhiều kỷ niệm về nghề, về cuộc sống  trong thời điểm giao thời của đêm trước đổi mới. Tuy là nơi tập hợp những văn sĩ hàng đầu của thủ đô nhưng cuộc sống thì vô cùng gian khổ. Cứ mỗi khi báo phát hành hầu hết các gia đình cán bộ trong tòa soạn lại nhận một phần công việc lồng báo để có thêm thu nhập. Thời ấy tờ báo “ Người Hà Nội” dày 16 trang phải in thành 2 tay. Gọi là tay mầu và tay đen trắng. Máy không lồng được, Tòa soạn phải trở về 19 Hàng Buồm, lồng tay đen trắng vào trong mới đem phát hành. Tôi nhớ cả mấy chị con bác Tô Hoài cũng đến làm thêm việc này. Rồi để đỡ vất vả thỉnh thoảng Tòa soạn lại nhờ  người mua gạo từ Sài Gòn gửi theo tầu hỏa ra bán lại cho anh chị em với giá rẻ hơn mua ngoài chợ đen. Và cứ gần Tết Văn phòng Hội lại năng động tìm mua lợn về thịt . Cảnh chia phần thịt lợn Tết khiến hai đứa con tôi vẫn còn nhớ đến giờ. Vì chúng chính là đứa trực tiếp nhòm vào cân giám sát xem phần thịt nhà tôi có cân đủ hay không.

       Song có lẽ không một tờ báo nào không gặp phải những “tai nạn nghề nghiệp”. “Người Hà Nội” cũng vậy, nhất lại là một tờ báo văn chương. Bây giờ nghĩ lại thấy có vẻ buồn cười thậm chí khó hiểu nhưng cái thời ấy nó thế. Đầu tiên là việc số báo ra ngày 15 tháng 9 năm1985, trên trang nhất đăng chuyện ngắn “Đảo lộn sân cỏ” của nhà văn Trần Chiến  ở báo Hà Nội Mới viết về một trận đấu bóng đá. Nội dung câu chuyện chỉ có vậy. Ấy mà mấy hôm sau một vị quan tuyên huấn gọi điện xuống Tòa soạn phàn nàn kèm theo ý nhắc nhở rằng : đang trong tháng tháng 9 sao lại đăng “Đảo lộn sân cỏ”. Có ý gì vậy? Chuyện này sau đó tôi còn được một vị Tổng biên tập một tờ báo lớn cũng nhắc nhở như thế. Tôi giải thích tuế tóa cho qua, nhưng cú điện thoại trên thì tôi giấu nhẹm, vì lúc ấy vị quan nọ gọi nhầm vào số máy Ban Trị sự. Còn  tôi thì cho rằng nó thật buồn cười nên cũng không báo cáo Tổng Biên tập làm gì.Khi tôi không làm ở Ban Trị sự nữa, chuyển lên Ban nội dung, có lúc làm công việc của Thư ký tòa soạn , tôi càng hiểu sự các cớ của nghề làm báo.Lần ấy,  khoảng năm 1986, 1987 gì đó họa sĩ Thành Chương đang giúp “Người Hà Nội” phần trình bày báo; nhân chuẩn bị ra số Tết, Thành Chương vẽ bìa là một bông hồng đen tuyệt đẹp.

Thời điểm này “Người Hà Nội” đã chuyển sang in ở Nhà in báo Nhân Dân, phố Tràng Tiền. Cái đêm cuối cùng máy chạy, tôi, Thành Chương và cả nghệ sĩ Thanh Quý phu nhân của Thành Chương nằm vật vờ ở nhà in để theo dõi in. Họa sỹ Thành Chương đón Thanh Quý bằng chiếc xe đạp Liên Xô từ đoàn về và quẳng luôn vợ nằm ngủ trên đống giấy báo in hỏng để anh và tôi mi báo, theo dõi in. Phải nói đó là một ấn phẩm  xuân khá đẹp. Bông hồng đen  nổi bật trên trang bìa, gợi một vẻ kiêu sa, là lạ. Tôi thấy phấn khởi vì đã xong một ấn phẩm quan trọng nhất trong năm, từ nhà in  tôi về thẳng  tòa soạn, đem theo mấy tờ  đã in xong để  làm mẫu thì đã thấy nhạc sĩ Trần Hoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Hà Nội có mặt. Ông Trần Hoàn  cầm tờ báo trên tay lật xem từng trang, cuối cùng ngắm kỹ bìa báo , lộ rõ vẻ không hài lòng. Do chúng tôi biết nhau từ lâu và ông  quý tôi từ khi tôi làm Phó Tổng biên tập thường trực báo “Tuổi Trẻ Thủ Đô”, đôi lần ông có bài hát mới lại nhắn tôi đến nhà ông ở phố Phan Chu Trinh, tự ông đánh đàn piano vùa hát và tham khảo ý kiến tôi. Do mối quen biết ấy nên lúc này ông tỏ ra khá từ tốn. Tổng Biên tập Tô Hoài chưa có mặt ở cơ quan, cả nhà thơ Bằng Việt cũng chưa tới, Ông Trần Hoàn nói với tôi một câu  chân tình : Tân làm báo Tết nhiều năm rồi sao không góp ý cho anh Tô Hoài, Bằng Việt… Báo Tết mà lại in bông hồng đen? Sau khi trao đổi với nhà văn Tô Hoài, ông về còn chúng tôi  lập tức đến nhà in lột bỏ bìa báo và thay bằng tờ bìa khác. Do báo vẫn còn nằm ở nhà in nên mọi việc “chữa cháy” diễn ra êm nhẹ, chỉ có Thành  Chương là càu nhàu với tôi rằng mầu đen mới đẹp, mới sang. Ở Đà Lạt đầy hoa hồng đen! Còn tôi cũng không trách gì ông Trần Hoàn, ngồi ở cái vị trí ấy ông quyết định như vậy cũng phải. Cái thời ấy nó thế. Chỉ có điều tôi không hiểu làm sao mà thông tin đến tai ông ấy nhanh vậy. Còn nhiều “tai nạn” kiểu như thế, nhưng có lẽ mệt nhất là khi “Người Hà Nội” cho đăng truyện ngắn “Xem lụt”của một cây viết ở Xí nghiệp in báo “Hà Nội Mới”, tôi không còn nhớ tên tác giả nhưng tôi rất nhớ nội dung câu chuyện và nhớ cả nhà ông ấy ở phố Ngô Văn Sở.Tôi đã từng đến đó khi truyện ngắn của ông có “sự cố”. Tôi nhớ đại để  “Xem lụt” kể rằng :  “một năm lũ to, đê vỡ có một ông Bí thư tỉnh nọ đi ca nô thị sát vùng lụt. Giữa mênh mông nước trắng ấy chỉ còn lại duy nhất ngôi nhà xây gạch hai tầng của chủ nhiệm hợp tác xã đứng vũng. Sau khi ngỏ ý  bữa trưa muốn ăn gan chó nướng với lá quýt non, ông cho ca nô chạy thăm dân. Mấy ngôi nhà lợp lá đứng vật vờ  sau cơn lũ bị sóng của ca nô đánh cho đổ nốt. Ông Bí thư yêu cầu tập họp dân lũ lên nóc nhà chủ nhiệm để ông huấn thị. Ông yêu cầu bà con ngay sau khi nước rút phải nhanh chóng gieo mạ để cấy bù diện tích đã mất.Có ý kiến của một đảng viên  thưa rằng nếu sau lụt mà gieo mạ thì chỉ có để thành cỏ chứ không còn kịp thời vụ cấy  nữa. Ông Bí thư nghiêm mặt phê bình người vừa nói và bảo : “Thành cỏ cũng phải gieo. Tinh thần cách mạng tiến công của đồng chí ở đâu”…. Sau bữa liên hoan đúng khẩu vị ông trở về nhiệm sở và rủ cô phóng viên của Đài phát thanh và truyền hình vào công viên Tháng Mười chơi…”Đại ý câu chuyện là vậy. Báo phát hành được hai hôm thì liên tiếp có phản ứng từ Ban Tuyên Giáo thành ủy. Tôi không còn nhớ tên nhưng một vị Phó trưởng ban, người trắng trẻo rất bạch diện thư sinh  xuống 19 Hàng Buồm tỏ ra vô cùng giận dữ. Cả Tòa soạn nháo lên và phải trả lời ông ta mấy câu hỏi. Ông ta bảo câu chuyện này hàm ý bôi xấu cán bộ lãnh đạo. Thậm chí ông ta còn dọa Ban Bí thư đã chỉ thi tìm cho ra nguyên mẫu vị bí thư xem lụt là ai.Năm tỉnh có sông Hồng chảy qua có ai đi thị sát vùng lụt như thế…Lúc ấy chỉ  Hà Nội mới có Đài phát thanh và truyềh hình cùng một cơ quan. Công viên Tháng Mười có phải hàm chỉ công viên Lê nin hay không?.. Và ai là người biên tập truyện ngắn này và ai là người duyệt cho in….Phải nói  tôi rất run, lo lắng ,mệt mỏi. Nhưng đứng là bản lĩnh của người đứng đầu như nhà văn Tô Hoài những năm tháng đó thật không mấy ai bằng. Trong cơn cuồng nộ của cấp trên ông cụ thủng thẳng bảo : Thưa anh, đây là tác phẩm văn học. Không có một nguyên mẫu nào hoàn toàn như thế cả. Tác giả có thể nhặt từ vị này một tí, vị kia một tí để hư cấu làm nên tác phẩm. Toàn bộ trách nhiệm là thuộc về tôi vì tôi là Tổng Biên tập là người duyệt in truyện ngắn đó. Nếu có lỗi thì chỉ mình tôi chịu trách nhiệm , không việc gì đến anh em cả. Đề nghị anh về báo cáo với cấp trên như thế. Tình thế đang căng tự nhiên xẹp như trái bóng hết hơi. Vị nọ cụt ngủn  ra về và chúng tôi chờ hồi âm nhưng rồi mãi cũng chả thấy có ý kiến chỉ đạo gì thêm. Mọi chuyện trôi qua êm thấm, chẳng ai bị kỷ luật.  Tôi hiểu nếu không phải Tô Hoài phụ trách thì câu chuyện này không dễ bị cho qua nhẹ nhàng đến vậy.

         Đại khái những chuyện lặt vặt như thế trong những năm tôi sống với “Người Hà Nội” thì nhiều vô kể. Anh em chúng tôi quây tụ nhau trong một Tòa soạn văn nghệ thật đáng nhớ ở địa chỉ nổi tiếng 19 Hàng Buồm. Có lẽ trong lịch sử phát triển của báo “Người Hà Nội” đó là thời kỳ khó khăn nhất nhưng cũng đáng yêu đáng nhớ nhất. Thời kỳ mà nó quy tụ đông đảo các nhà văn nghệ sĩ tên tuổi của thủ đô và cả nước cho một ấn phẩm văn nghệ đầu tiên làm nền móng cho “Người Hà Nội” phát triển hôm nay.

        Đã tròn  một phần tư thế kỷ “Người Hà Nội” ra đời ,trong tôi vẫn nhớ tới lớp người đầu tiên khai sinh tờ báo.Lúc ấy văn phòng Hội cũng là văn phòng Báo. Bên cạnh các nhà văn, các phóng viên, biên tập viên,  họa sĩ còn cả một đội ngũ anh chị em phục vụ rất nhiệt tình như anh Khôi Viên, chị Nguyệt , cô Lộc đánh máy, cô Lê Thanh nhân viên ban Trị sự, các cô Lệ Chi, Bích Hà, Hồng Hà… Nay người còn người mất nhưng họ vẫn là những nhân vật của thủa ban đầu đáng nhớ ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Báo Người Hà Nội - thủa ban đầu thương nhớ ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO