Bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam ở nước ngoài

Đ. Viên (NLĐ)| 09/01/2018 14:09

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025" để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo dự thảo, Đề án sẽ xuất khẩu 57.095 lao động sang làm việc tại Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc với tổng kinh phí hơn 1.300 tỉ đồng. Đối tượng tham gia Đề án là những người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), trung cấp chưa tìm được việc làm, có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài theo đúng ngành đã học.

Bên cạnh đó, để nâng chất lượng hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB-XH đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, Bộ xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa để chỉ những doanh nghiệp (DN) thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, Luật NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng: Quy định cấp giấy phép có thời hạn 3 - 5 năm, hết thời hạn đó mà DN không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép; cho phép tạo nguồn lao động để chuẩn bị cung ứng cho hợp đồng do những quy định về tuyển chọn lao động như hiện nay có thể khiến DN bỏ lỡ hợp đồng do không có nguồn lao động sẵn có để đối tác tuyển.

Bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 1.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), thực tế, không ít NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài thiếu thông tin hoặc không tìm hiểu kỹ thông tin, dẫn đến việc bị các đối tượng cò mồi lừa đảo. Trong khi đó, NLĐ của ta phần lớn còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp nên còn nhiều hạn chế. Do đó, trong năm 2018, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài được đặt lên hàng đầu. Trong đó, các DN phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ do DN đưa đi. Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc, sẽ có các ban quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. 

Bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 2.

Đối với những nước không có ban quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Bên cạnh đó xây dựng các mô hình quản lý lao động phù hợp với từng thị tiếp nhận lao động, bảo đảm quản lý chặt chẽ, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; theo dõi, hỗ trợ và phát huy lực lượng lao động này khi về nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO