Bố là nhà, bố là quê hương

Hà Thy Linh| 22/08/2020 18:06

Bố là nhà, bố là quê hương

Trong mắt bố mẹ, chúng ta mãi là những đứa trẻ, cần được chở che bao bọc. Có lẽ với bố, tôi luôn là cô bé bảy tuổi, mặc chiếc váy trắng tinh, vừa tan học là chạy như bay tới chỗ bố, để khoe rằng “hôm nay con không làm dây mực ra quần áo”. Nhưng vì vội vã, tôi vấp ngã, cả người lẫn váy lấm lem bùn đất. Thế là tôi òa khóc. Bố đang gỡ lưới bắt cá, thấy tôi chỉ lắc đầu, nhẹ nhàng hỏi “con có đau không”. Bởi tôi hậu đậu, mau nước mắt, nên lúc nào bố cũng thương tôi.

Bố đặt nhiều kỳ vọng ở tôi, vì tôi là chị cả. Tôi muốn gì bố cũng gắng mua cho, dù nhà tôi chẳng hề khấm khá. “Bố ơi, mua cho con đài cát-sét để con học tiếng Pháp và nghe đọc truyện bố nhé”, “Bố ơi, con đi học xa rồi, bố mua xe đạp cho con nhé”, “Bố ơi, bố đèo con đi thi học sinh giỏi nhé”… Mọi việc tưởng chừng khó khăn vào tay bố đều trở nên đơn giản. Bố giỏi sửa đồ, bố nấu ăn ngon, bố kể chuyện hay và hình như cái gì cũng biết. Nghe mẹ kể, ngày xưa bố học giỏi, nhưng vì nghèo nên phải nghỉ giữa chừng. Vì thế bố luôn cố gắng dành cho chúng tôi những điều tốt nhất.

Sau những thành công dù rất nhỏ của chị em tôi, luôn có bóng dáng âm thầm của người cha yêu thương con hết mực. Bố luôn tự hào về tôi, mặc dù tôi chưa làm được điều gì lớn lao cả. Bố luôn tôn trọng và ủng hộ tôi. Dù tôi rớt đại học bao nhiêu lần, bố vẫn động viên tôi thi tiếp. Và tôi đỗ đại học sau bảy lần đi thi. Dù tôi thất bại, bố vẫn luôn an ủi và đưa ra lời khuyên để tôi sửa sai và bắt đầu làm lại. Bố dạy tôi lạc quan, dạy tôi phải ngẩng cao đầu mà sống, bố bảo “thua người ta cái giàu sang, hơn người ta cái đàng hoàng”. Tôi luôn cố gắng để bố tự hào về tôi. Vì tôi là con gái rượu của bố mà!

Bố tôi vóc người nhỏ, làn da rám nắng vì quanh năm cởi trần lội ao. Bố yêu đàn cá giống, chăm chút chúng như con. Mỗi độ xuân về, chỉ cần thấy bố là thấy Tết. Vì bố sẽ sửa lại cái bếp, lợp lại mái nhà, quét vôi tường từ trong ra ngoài. Vì bố sẽ gói những chiếc bánh chưng ngay ngắn và đẹp mắt. Vì trước đêm ba mươi, kiểu gì bố cũng ra chợ và vác về một cây quất rồi trang hoàng lộng lẫy. Bố bảo có vậy mới là xuân.

Mỗi lần đi xa, bụng dạ tôi cồn cào, chỉ muốn về nhà thật mau, để được ăn cơm bố nấu. Chỉ là những món đơn giản, mà sao bố nấu thì lại ngon đến vậy. Mỗi khi xa Hà Nội, tôi thèm bát canh cua, thèm đĩa lươn rán và nhớ nồi cá kho của bố. Có những khi xa nhà vài tháng, tôi bỗng quay quắt nhớ giọng hát bố lúc ngồi chẻ lạt hay đan ống bắt lươn. Và khi đó tôi hiểu rằng, bố là nhà, bố chính là quê hương.

Nhưng bố lại ra đi quá sớm, khi tôi còn chưa thể báo đáp cho bố một cuộc sống đủ đầy. Ước gì thượng đế cho tôi thêm một chút thời gian, để tôi thực hiện những điều bố mong mỏi, để bố mãn nguyện trước khi nhắm mắt xuôi tay... Mỗi lần xem phim “Về nhà đi con”, tôi nghĩ tới bố mà hai mắt rưng rưng. Thấy bố từng ngày phải chiến đấu với cơn bạo bệnh, tim tôi đã đau đớn biết nhường nào. Giá mà tôi có thể chịu đau thay bố thì tốt biết bao!

Dẫu biết rằng “giá như” hay “nếu” chỉ dành cho những điều không bao giờ có thể, nhưng tôi vẫn ước bố trở về với mẹ con tôi. Để tôi có thể chăm sóc bố tốt hơn. Để tôi không cảm thấy hối tiếc vì những điều chưa thể làm cho bố. Để bố có thể tự hào rằng, đứa con gái mà bố đưa đi thi học sinh giỏi môn Văn ngày nào sắp ra mắt sách riêng. Để tôi có thể khoe với bố rằng, con gái rượu của bố đã đi công tác nhiều nơi - cả những nơi bố đã đi qua hay chưa từng đặt chân tới, đứa con gái mà bố vẫn bảo “nhìn như học sinh mẫu giáo” cũng ra dáng người lớn đáo để. Để nói với bố rằng, nhà mình lắp truyền hình cáp rồi, bố con mình tha hồ xem bóng đá. Để làm tất cả những điều bố con tôi từng hứa với nhau.

Con đã từng ước mơ làm được những điều thật vĩ đại, nhưng cho đến cuối cùng, điều con mong muốn nhất lại đơn giản chỉ là còn bố để được yêu thương. Ngày hôm nay, nghĩ về bố để con mạnh mẽ hơn. Chỉ hôm nay, con xin được yếu lòng một chút. Ngày mai, con sẽ lại là đứa con gái cứng cỏi và can trường của bố. 
Bố ơi, con nhớ bố rất nhiều!
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bố là nhà, bố là quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO