Bong bóng ngoài mưa

Truyện ngắn của Cao Duy Sơn| 05/04/2018 08:57

Sấm sét như những loạt đại bác nã xuống mặt đất dữ dội. Bầu trời màu chì như bị giật tung bởi những tia chớp xanh lét.

Bong bóng ngoài mưa
Minh họa của Vũ Khánh

Mưa bắt đầu trút xuống. Chị lùi vào phía trong sảnh tránh mưa, đến ngồi xuống chiếc ghế băng kê sát tường chờ đợi. Chiếc đồng hồ đại đặt trên nóc nhà bưu điện điểm mười tiếng. Giờ làm việc buổi sáng đã sắp hết. Trong phòng, quanh ấm trà nguội, các quan tòa không giấu nổi ngao ngán. Tất thảy đều im lặng thả ý nghĩ trong khói thuốc cố tỏ vẻ thư thái một cách giả tạo.

Dãy núi Kỳ Sầm mờ mịt cơn mưa đang trút xuống như thác.

Thoắt đã bảy năm. Ngày đó cũng mưa thế. Cả hai cùng chạy vào một lán cắt tóc bỏ trống. Nước mưa làm ướt áo trắng, bết vào làn da trắng mịn của chị. Anh đắm đuối nhìn những đường cong đẹp đến mê hồn. Má chị bừng đỏ, vội nắm vạt áo kéo căng. Anh bối rối:

- Xin lỗi! Tôi chỉ tình cờ thôi.

- Sao cơ?

Chị vờ như không hiểu. Cặp môi đỏ mọng giấu nụ cười e thẹn. Tai anh như bị ai vò nóng bỏng. Yêu nhau từ đây. Thành vợ, thành chồng thỉnh thoảng hai người vẫn nhắc về cơn mưa ấy. Lòng thầm cảm ơn ông trời, cảm ơn cái lán cắt tóc ông thợ nào đó bỏ trống. Mỗi lần qua đó chị vẫn nhìn vào như muốn tìm lại kỷ niệm.

Gia đình chị đã chuyển về quê Hà Nội. Nghe người nhà khuyên chị cũng đã theo về. Thằng Páo ộp đã năm tuổi, đang sống với ông bà ngoại. Chị xin chuyển về dạy học tại một trường ngoại thành. Liên hệ được cho anh làm bảo vệ ở một cơ sở chuyên sản xuất cửa sắt hoa. Thấy anh do dự, chị bảo, tạm thôi, để vợ chồng sớm tối có nhau, sau sẽ tính tiếp. Rồi ngày nào đó anh sẽ trở lại với công việc của mình. Kỹ sư cơ điện. Với tấm bằng đại học xin việc chắc không mấy khó khăn.

Hai mùa hạ đã qua, anh vẫn ở lại Cao Bằng. Nghỉ hè chị mới được nghỉ, lên thăm. Thời gian ngắn ngủi bên nhau, chị lựa lời khuyên anh làm thủ tục chuyển về Hà Nội, để gia đình sớm đoàn tụ. Nghe chị tâm tình, anh khẽ thở dài, ái ngại nhìn về buồng ngủ. Gần hai năm mẹ anh đã nằm đó. Chân yếu, mắt mờ chẳng thể đi đâu. Chị hiểu anh đang nghĩ gì. Vắng chị, mọi việc trong sinh hoạt, cả chăm sóc mẹ nữa chỉ mình anh lo. Chị bảo:

- Đưa mẹ về dưới đó, vợ chồng mình càng có điều kiện chăm sóc tốt hơn, được không anh?

Anh gượng cười, khẽ lắc đầu. Có lẽ ngại nói ra những băn khoăn, nên anh chỉ im lặng.

Mẹ từng nói với anh những lời giản dị mà gan ruột, đất này tuy nghèo nhưng lành. Con hãy luôn nhớ, mẹ đã sinh ra con từ đây, lớn lên cũng từ đây. Cha con đã nằm xuống trên mảnh đất này. Mẹ biết mình sẽ không sống được bao lâu nữa. Nếu ngày đó đến, con hãy đặt mẹ  bên cha. Được thế lòng mẹ thỏa nguyện.

Anh thương mẹ và yêu quý ngôi nhà này. Ngôi nhà anh đã được sinh ra, và các con anh cũng chào đời từ đây. Thiêng liêng và ăm ắp kỷ niệm. Yêu thương đó đã níu kéo anh. Cái sự dùng dằng nửa ở, nửa đi đôi lúc cũng giằng co lắm, nhưng đành nén lòng. Ngày ngày đi làm, giờ nghỉ anh vẫn tranh thủ vào rừng chặt chuối, kiếm củi bán, phụ vào bữa ăn hàng ngày. Đã thế lương bổng chẳng bao nhiêu, vậy mà đều đặn hàng tháng vẫn gom góp gửi xuống cho hai mẹ con. Thiếu tay vợ vun vén, chăm sóc cuộc sống của anh trở nên khó khăn hơn. Mỗi lần nghĩ đến, chị buồn và thương anh quá đỗi. Nhiều khi tự hỏi, hay mình chưa thật hiểu hết con người anh, có khi còn là người ích kỷ cố chấp. Mong manh giận hờn. 

Thuyết phục, anh không chuyển, chị đã khóc:

- Không thể cứ thế này mãi được. Mọi việc đã xắp xếp đâu vào đấy cả, vậy mà anh không nghe. Đời người sống được mấy mà tự làm khổ thân, khổ nhau, khổ cả các con thế hả anh?

Anh cười độ lượng, nhưng mắt giấu nỗi buồn lặng lẽ:

- Để từ từ rồi tính em à! Ngay bây giờ thì chưa thể.

Chị giận bỏ về Hà Nội.

Một ngày đang trên lớp, bất ngờ chị nhận được thư anh. Mở xem. Vẻn vẹn mấy chữ: “Anh không muốn em và con phải khổ nữa. Phải rời xa đất này với anh là không thể. Hãy tin, anh vẫn mãi yêu em và con. Anh đã làm mọi người thất vọng, mong em hãy tha thứ. Để khỏi lỡ việc của mọi người, anh gửi lại cho em lá đơn em viết và gửi cho. Anh đã ký.”. Là đơn xin ly hôn của chị viết gửi cho anh. Chỉ để thử cho anh mau chóng quyết định chuyển về, nào ngờ anh đã ký. Không thể chậm chễ, chị xin phép nhà trường nghỉ vài hôm, rồi vội lên xe khách, vượt ba trăm cây số lên đây. 

Mặc nước mắt rơi, những lời nỉ non thuyết phục, chỉ nhận được từ anh ánh mắt lặng buồn. Mọi cố gắng đều thất bại. Chị buông tay trong đau khổ, tuyệt vọng. Chỉ tại mình nôn nóng mà đẩy hôn nhân vào tình cảnh chia lìa. Vậy là từ nay tất cả đã chấm dứt. Quá khứ, tương lai sẽ chẳng còn, Những tháng năm êm đềm hạnh phúc kia sẽ đi vào dĩ vãng. Cái ngày mai tươi sáng sẽ tan thành khói mây. Lát nữa thôi, khi anh xuất hiện hạnh phúc sẽ như bong bóng tan dưới mưa kia. Cơn mưa ấy, cái lán bỏ trống ngày ấy chị sẽ gói gém vùi vào lãng quên. Chỉ nỗi đau còn mãi.

Sấm chớp nối nhau như đổ cơn giận xuống mặt đất. Mưa như thác gầm núi lở. Lòng chị tái tê.

- Giờ này còn chưa đến, không khéo phải hoãn lại hôm khác mất.

Chị nghe có ai bâng quơ sau lưng.

Ngoài kia có ai đang đi đến cùng gánh củi trên vai. Hai bó củi sũng nước khiến lưng người gánh như còng thêm xuống. Cẩn thận tựa gánh củi vào bức tường ngoài cổng, người đó lặng lẽ bước vào. Là anh. Bắt gặp ánh mắt chị đang nhìn, anh thoáng do dự.

Mắt chị mờ nhòa. Ngực bỗng nhói buốt. Ân hận, xót xa khiến không cầm nổi lòng. Chị chạy ra ngoài sân, mưa táp vào người lạnh giá. Anh dừng lại. Đã gần nhau lắm. Chị nghe anh run run. Run vì lạnh hay lẽ gì mà khiến anh ấp úng:

- Anh đã đến muộn. Cứ nghĩ sáng nay trời nắng nên tranh thủ, lại gặp mưa. Anh xin lỗi vì đã làm em phải chờ. Trận mưa to quá! Em không...

Chị ngắt lời:

- Em không! - Hiểu anh định nói gì, chị bước đến gục đầu vào ngực anh – Sao có thể trách anh được chứ! Sẽ không có phiên tòa nào nữa! Hãy tha lỗi cho em vì đã làm anh khó xử. Em yêu anh và thương anh biết bao. Sẽ không có cuộc ra đi nào nữa. Em sẽ không để mất anh đâu. Em và các con sẽ về đây với anh, với ngôi nhà của chúng ta, sống bên nhau suốt đời.

Trong phòng đợi, bên ấm trà nguội, mấy vị quan tòa cùng nhìn ra ngoài, rồi quay lại nhìn nhau, khó hiểu. Trong mưa, bóng hai người dìu nhau qua phố. Những bong bóng nước dưới chân họ phồng lên như những mũ nấm rồi tan biến nhanh chóng. Đến bên cái lán cắt tóc bỏ trống họ cùng ghé vào. Chị nghe anh khe khẽ:

- Là chỗ này phải không em?

Chị ngước nhìn anh, mỉm cười:

- Chỉ cơn mưa thôi, còn cái lán thì chỉ hơi giống.

Chị nghiêng đầu khẽ lắc mái tóc. Nước mưa trên tóc chị rơi vào má anh mát lạnh. Chị kín đáo nắm vạt áo căng nhẹ. Anh vô tình nhìn sang. Chị thẹn thùng nép vào ngực anh, khe khẽ:

- Cứ hệt như ngày nào. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bong bóng ngoài mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO