Bùi ngùi khói bếp ngày xưa

Đinh Hạ| 15/10/2020 14:09

Bùi ngùi khói bếp ngày xưa

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

(Bếp lửa - Bằng Việt)

Cứ mỗi lần dạy cho học sinh bài thơ này, lòng tôi lại không khỏi bùi ngùi thương mùi khói bếp ngày xưa. Hình ảnh của bà, của mẹ của bếp quê hiện lên gần gũi, thân thương gợi nhắc cả một thời gian khó. Thường là thế, kỷ niệm hiện về từ quá khứ rất xa lại có sức ám ảnh rất lớn, có khi thao thiết cả đời người.

Cũng như bếp lửa bập bùng dưới mái nhà tranh, kí ức cũng khi mờ khi tỏ lúc da diết bâng khuâng, lúc xót xa thương mến. Mùi khói bếp ngày xưa ngỡ như đang cay xè nơi sống mũi về một thời vất vả của mẹ cha, của gia đình, nhất là những khi tháng ba ngày tám.

Bếp lửa, nơi gian nhà tranh bốn bức vách bám đầy bồ hóng, nơi kiềng ba chân luôn đặt phía hướng Tây đỏ rực than hồng, mẹ kể chuyện Táo quân để nhắc nhở con về lẽ sống nghĩa tình chung thủy. Có phải vì thế mà đã sớm chiều nhen nhóm ngọn lửa tình yêu để mẹ chờ cha năm tháng dài đằng đẵng chiến chinh. Nơi góc bếp là bồ trấu, là đống củi bên cạnh những nồi niêu xoong chảo, cái chạn bát đĩa, cái mươn cơm rồi thúng, mủng, dần, sàng là cả gia tài mẹ tần tảo gánh “giang sơn” nhà chồng. 

Bếp lửa, nơi mẹ lui cui từ tờ mờ sáng để chuẩn bị bữa ăn cho cha kịp ra đồng cày nốt ruộng ải, cho con kịp theo tiếng gọi của bạn đến trường. Ánh lửa chờn vờn trong sương sớm gợi nhắc con điều giản dị đơn sơ về hạnh phúc gia đình. Người xưa bảo: “Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp” để rồi chợt thương nhà ai bếp lửa quạnh quẽ khói vờn. 

Thì có gì đâu ngoài nồi cơm độn khoai, rổ rau luộc, nồi cá kho, xoong cám lợn... mà mẹ tất tả từ sớm đến khuya. Ta nhớ những ngày mùa đông rét tái tê từ những cơn gió mùa Đông Bắc - thuở áo quần chưa đủ để giữ ấm, chưa đủ đầy chăn ấm nệm êm thì bếp lửa là nơi sưởi ấm cho cả gia đình. Thuở trẻ con chưa bị mê hoặc bởi công nghệ 4.0 thì bếp lửa là nơi sinh ra những ngày xửa ngày xưa. Những câu chuyện cổ tích men theo miền kí ức làm sống dậy cả một thời thơ dại. Những củ khoai, bắp ngô nướng nhem nhuốc tro than mà ngỡ như ngon hơn cả sơn hào hải vị, để rồi cho ai đó khi lập nghiệp xứ người hay vời vợi quê chồng không nguôi nhớ về. Ngọn khói lam chiều vấn vít nơi chái bếp nhà mẹ trở thành ngọn hải đăng dẫn lối yêu thương.

Để giữ cho mái nhà bập bùng ánh lửa, chị ta đã miệt mài ngày tháng lên mãi Nhà Đũa, Động Mồng Gà hay nơi nào xa lắm để chặt về. Những bó củi khô đầy đặn, ngay ngắn xếp dài ngoài bờ rào trở thành biểu tượng cho sự đảm đang tháo vát của thiếu nữ thôn quê. Để giữ cho nhà mình ấm cúng là một nắng hai sương của cha với đồng Dòng, đồng Búng, Mạ Lốc trở trăn cùng hạt lúa củ khoai. Mẹ vun quén, lo toan để bữa ăn được tràn ngập tiếng cười...

Bếp lửa đâu chỉ đơn giản là nơi chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình mà trở thành linh hồn của ngôi nhà, thành biểu tượng của làng quê Việt. Bây giờ, cuộc sống càng hiện đại, những mái nhà tranh, những bếp củi xưa cũ đã được thay thế bằng bếp gas, bếp điện. Sự nấu nướng cũng không còn vất vả như trước nữa. Cuộc đời của người phụ nữ cũng đâu chỉ quanh quẩn bên chái bếp sau lũy tre làng. Vậy mà lòng ta sao vẫn cứ không nguôi nhớ về căn bếp ẩm thấp đầy tro trấu. Ta chợt nhớ chiều mùa đông nào lùa trâu về tới ngõ, nghe mùi thơm lừng của nồi cá Thửng (Mối) kho để biết tết sắp về. Nhớ những đêm cuối năm được ngồi thức cùng cha canh nồi bánh chưng. Nhớ cả tiếng râm ran chuyện trò quây quần của cả nhà đông vui bên bếp lửa...

Nhớ để rồi nhận ra rằng bếp lửa đâu chỉ được nhen nhóm từ rạ rơm, củi gộc... nhiên liệu bên ngoài; mà nó còn được nhen bằng cả tấm lòng của người giữ lửa và truyền lửa. Để rồi có khi nào trong mùi khói cay xè hoài niệm, trong chập chờn ánh lửa, lòng chợt bâng khuâng tự hỏi: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?!”
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bùi ngùi khói bếp ngày xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO