Các cây thuốc mang tên Chó

Anh Hùng| 19/02/2018 16:49

Hầu hết các bộ phận từ cơ thể chó đều có tác dụng y dược tích cực, chế được thành thuốc bồi bổ sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh. Hơn nữa, do là vật nuôi phổ biến, có ảnh hưởng sâu rộng, đa dạng tới lĩnh vực ngôn ngữ nên hình tượng chó (cẩu) còn thấy trong tên hiệu của những vị thuốc và nhiều loài thực vật, đặc biệt là các cây thuốc giá trị.

Các cây thuốc mang tên Chó
Cây lưỡi chó


Cây bọ chó (tên khoa học: Buddleja asiatica Lour.) còn gọi là chìa vôi. Cây nhỏ, cao tầm 1-2 m. Cành có lông thưa màu vàng nhạt và lông tuyến. Lá mọc đối, hình trứng thuôn, gốc hẹp, đầu nhọn. Hoa trắng, mọc thành cụm dài, quả nang, hình con bọ chó, dài 5-6 mm. Hạt hình thoi, có cánh.

Cây bọ chó ưa ánh sáng, mọc nhanh, thường mọc lẫn với các cây cỏ khác ở khắp vùng núi và trung du. Hoa (lúc chưa nở), lá non, cành và rễ dùng làm thuốc. Hoa và lá có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, có độc, có tác dụng tán hàn, tiêu đờm, tán kết. Chúng dùng chữa ho, hen, sốt rét, sưng lách, hóc xương cá, ứ máu bầm tím, ra máu xấu sau khi sinh đẻ; dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột, mỗi ngày 1-2 g.

Cây cẩu tích(tên khoa học: Cibotium Barometz J. Sm.) còn gọi là cây lông culi, cây lông khỉ, cây cù lần, cây cù liền, cây kim mao. Cây thân rễ mọc đứng, thường ngắn to, phủ lông mềm màu vàng nâu. Khi cắt hết lá chỉ còn lại những gốc cuống thì thân rễ lúc này trông giống con culi hoặc chó nằm cuộn (cẩu tích nghĩa là dấu tích, hình dạng con chó). Lá kép dài 1-2 m, chia làm nhiều lá con xếp dạng lông chim.

Cây phân bố tập trung ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; ưa ẩm, mọc thành từng đám ven rừng hoặc bờ ao hồ, sông suối. Thân rễ và lông cẩu tích đều có thể phơi sấy khô làm thuốc. Chúng vị đắng ngọt, tính ấm, tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, tiêu trừ phong thấp. Thân rễ cẩu tích có tác dụng trị thấp khớp, tay chân nhức mỏi, đau lưng, đau dây thần kinh, đi tiểu nhiều lần, phụ nữ bị khí hư bạch đới hoặc có thai đau khắp người; ngày dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc (những người bị bệnh thận hư nhiệt, nước tiểu vàng không nên dùng). Thân rễ cẩu tích cũng được dùng làm thuốc bổ, thuốc giun. Còn lông cẩu tích dùng đắp các vết thương, vết đứt chân tay để cầm máu rất hiệu quả.

Cây chân chó(tên khoa học: Crai biodendron Stellatum.) còn gọi là cây cước thảo, cây hoa khế, cáp mộc hình sao. Cây gỗ vừa, cao 4-6 m. Lá hình bầu dục, mặt dưới có tuyến nhỏ và gân phụ làm thành mạng hằn rõ, có lông mịn. Hoa màu trắng, hình chuông. Quả nang có 5 cạnh tròn, 5 ô; hạt có cánh.

Cây chân chó mọc ở vùng núi cao các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng. Vỏ và rễ cây tươi được thu hái để làm thuốc. Rễ dùng chữa bệnh phong thấp, viêm đau khớp xương; ngâm với rượu hoặc sắc uống, mỗi ngày 12-16 g. Vỏ sắc đặc dùng để tẩy rửa, khô săn và sát trùng vết thương.

Cây lưỡi chó(tên khoa học: Illigera rhodantha Hance.) còn gọi là dây xanh, đáp hy, dây chẽ ba. Dây leo bằng thân quấn. Cành có cạnh khía phủ lông vàng nhạt. Lá mọc so le, thành từng cụm 3 lá nhỏ. Hoa màu tím đỏ. Quả có 4 cánh/tai.

Cây có ở hầu hết các tỉnh miền núi, mọc tập trung nhất ở các vùng núi đá vôi miền Bắc. Rễ, lá có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hay sấy khô, chữa ho ra máu, mụn nhọt, đi tiểu nước vàng, sài giật ở trẻ em. Dùng thân cây tươi, chặt thành khúc, đốt cháy sém lớp vỏ rồi tước thành sợi, cho vào dung dịch cồn 70o đã đốt nóng, để xoa bôi chữa ghẻ rất hiệu quả, sát trùng và có mùi thơm đặc biệt.

Cây máu chó(tên khoa học: Knema globularia Lamk./Warb.) còn gọicây huyết đằng, hồng đằng, dây máu, si đỏ. Cây vừa, thân thẳng, cao 6-10 m, khi chặt có nhựa đỏ chảy ra nên gọi cây máu chó. Cành non mang lông tơ màu hung đỏ; cành già nhẵn có khía. Lá mọc so le hình mác hẹp, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn. Hoa đơn tính màu nâu nhạt. Quả hình cầu với vỏ vàng và cùi đỏ. Hạt nhẵn, màu xám nâu với đường vân sẫm.

Cây máu chó có ở hầu hết các tỉnh miền núi, nhiều nhất là ở miền Trung (từ Thanh Hóa đến Tây Nguyên), là cây chịu bóng, thường mọc nơi rừng rậm. Hạt máu chó được thu hái vào mùa hạ, phơi khô, có tác dụng sát trùng. Dùng hạt máu chó chế thuốc chữa ghẻ lở, hắc lào rất công hiệu (công thức phổ biến là giã nhỏ 2 phần hạt máu chó, 1 phần quả bồ hòn, 1 phần hạt củ đậu rồi nấu thành dung dịch hỗn hợp để bôi). Cũng có thể lấy hạt máu chó giã nhuyễn trộn với dầu lạc, dầu vừng hoặc rượu trắng (30-40o), đun sôi nhỏ lửa, tạo thành dung dịch để bôi xoa.

Cây óc chó(tên khoa học: Juglans regia L.) còn gọi là hạnh đào, hồ đào, lạc tây. Cây to, cao đến 20m, sống lâu năm. Vỏ thân màu xám tro, có vết nứt dọc song song. Lá kép kiểu lông chim lẻ, mọc so le, mỗi cụm 5-9 lá nhỏ hình trứng, vò ra có mùi thơm đặc biệt. Hoa đơn tính, cùng gốc lá, màu vàng xanh. Quả hạch, đường kính 3-4 cm, vỏ dày và cứng, nhân có rãnh nhăn nheo trông như óc chó, chứa nhiều dầu béo.

Cây óc chó được trồng ở một số tỉnh miền núi và trung du phía bắc có khí hậu ôn hòa như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ. Chúng có vị ngọt, hơi chua chát, tính ấm, có tác dụng bổ gan thận, mạnh lưng gối, thu liễm phổi, hạ suyễn, cố thận, sáp tinh. Nhân óc chó được dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể, trừ đờm chữa ho, dùng cho người lao lực sinh ho, hen, suyễn, lưng đau mỏi, chân yếu, thuốc dưỡng da, đen tóc, lợi tiểu tiện, chữa trĩ; ngày 10-20 g, dạng thuốc sắc hoặc viên. Dầu óc chó bôi ngoài chữa bỏng, lở chàm hoặc nhuộm tóc đen. Lá và vỏ quả óc chó là thuốc săn da, sát trùng, khử lọc máu (hãm theo tỷ lệ 20g trong 1 lít nước để uống). Y học hiện đại còn chế nước sắc lá để súc miệng; chữa khí hư, thụt âm đạo. Chất juglon trong óc chó dưới dạng thuốc bôi dẻo được dùng chữa nhiều bệnh ngoài da (chốc lở, vảy nến, eczema, ngứa…).

Cây tậu chó(tên khoa học: Costus speciosus Koenig/Smith.) còn gọi là mía dò, cát lồi, đọt đắng, sẹ vòng, cây chót. Cây thảo, cao 1-2 m (có khi tới 3 m). Thân rễ to, nạc, mọc bò ngang, phần non có vảy bao bọc. Thân xốp, ít phân nhánh. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, đầu nhọn, gốc tròn có bẹ. Hoa màu đỏ. Quả nang hình trái xoan có 3 cạnh màu đỏ sẫm, chứa nhiều hạt màu đen.

Cây tậu chó ưa ẩm, mọc hoang rải rác khắp nơi, thấy nhiều ở Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Chúng có vị chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chống viêm. Ngọn hay cành non đem nướng, rồi vắt lấy nước nhỏ chữa đau mắt, đau tai. Thân rễ chữa sốt, tiểu buốt, nước tiểu vàng, viêm bàng quang.; ngày dùng 5-10 g dưới dạng nước sắc, cao lỏng hoặc cao mềm; còn đem giã chữa được rắn cắn. Cây tậu chó dùng riêng hoặc phối hợp với lá lành ngạnh chữa bí tiểu; với mộc tặc chữa tiểu đục; với cỏ xước, cà gai leo, thổ phục linh chữa tê thấp, nhức xương.

Cây vú chó(tên khoa học: Ficus hirta Vahl.) còn gọi là cây vú bò, cây óc chó, sung ba thùy. Cây nhỏ, cao 1-2 m, ngọn non có lông; thân ít phân cành, lá mọc dày. Lá mọc so le, đầu thuôn nhọn, thường phân làm 3 thùy. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Quả phức, hình cầu có dạng như đầu vú chó, khi chín màu vàng.

Cây ưa sáng nhưng chịu được bóng và khô hạn, mọc rải rác khắp nơi. Rễ vú chó có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng khử phong thấp, tráng gân cốt, khử ứ, tiêu thũng, sinh tân. Rễ vú chó đã sao vàng với dây đau xương, rễ sung, củ ráy tía, rễ bạch hoa xà, rễ gối hạc, thiên niên kiện, đem sắc nước, thêm chút rượu, dùng uống đặc trị bệnh thấp khớp mãn tính. Rễ vú chó sắc nước rồi thêm chút rượu uống cũng chữa hiệu quả bế tinh, sau khi đẻ ứ huyết đau bụng. Dùng rễ vú chó (5 phần) với tô mộc, hồi đầu, ngưu tất, mộc thông (mỗi thứ 2 phần) sắc uống chữa dạ dày sa đau, viêm tinh hoàn, lòi rom, sa tử cung. Nhựa mủ trắng trích từ cây vú chó trộn với bột nghệ vàng, chế thành viên, uống chữa bụng trướng đầy, táo bón. Còn lá hoặc quả vú chó giã nát, chưng với rượu rồi đắp chữa, làm tan được ứ máu bầm tím do ngã dập, bị thương.

Cỏ chó đẻ(tên khoa học: Phyllanthus urinaria L.) còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, diệp hà thái, lão nha châu. Là loài cỏ dại, thân thấp, dưới lá có hạt tròn xếp thành hàng. Chó khi đẻ xong hoặc bị bệnh thường tìm ăn loại cỏ này.

Cỏ chó đẻ mọc hoang khắp nơi. Chúng có vị đắng, tính mát, tác dụng tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết, điều kinh, thạch can nhiệt, làm sáng mắt, hạ sốt, lợi tiểu. Dùng dưới dạng tươi hoặc phơi sấy khô, sắc uống, là thuốc chữa hiệu quả viêm da, ung nhọt, phù thũng và đặc biệt là các bệnh về gan (xơ gan, viêm gan…).

Cỏ đuôi chó(tên khoa học: Heliotropium indicum) còn gọi là cây vòi voi, cẩu vĩ trùng. Loài cỏ thấp, thân mềm, có nhiều hoa nhỏ mọc trên một cuống lá dài 5-8 cmtrông như đuôi chó hoặc vòi voi.

Cỏ đuôi chó mọc hoang ở nhiều nơi. Chúng đem nấu cao, pha thành cao rượu, đắp ngoài trị sưng đau, viêm da, áp xe, ung nhọt, nhức khớp xương. Còn lá tươi giã đắp chữa viêm tấy, mụn cóc, ung nhọt. Tuy nhiên, cỏ đuôi chó có chất độc cho gan, làm giảm bạch cầu, tiểu cầu, có thể gây sẩy thai, ung thư nên không được dùng dưới dạng thuốc uống.

Cỏ gan chó(tên khoa học: Dicliptera javanica Ness.) còn gọi là cây gan lợn, lá diễn. Loại cỏ cao 30-80 cm. Thân và cành 4 cạnh. Lá hình trứng, mọc đối. Hoa màu tím hồng. Quả nang ngắn có lông tơ ở phía đầu; hạt dẹt.

Cỏ gan chó mọc hoang nơi ẩm ướt và cũng được trồng để lấy lá nấu canh ăn hoặc làm thuốc. Chúng có vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, làm mát máu, sinh tân dịch. Dùng 30-60g khô hoặc 60-120g tươi sắc uống, trị cảm mạo, sốt cao, viêm phổi nhẹ, viêm ruột thừa cấp, viêm kết mạc, viêm gan cấp, viêm ruột, lỵ, phong thấp, giảm niệu. Còn nếu dùng lá tươi giã nát, bôi xoa ngoài, chữa được bỏng rạ, rôm sảy, mụn nhọt, lở sưng.

Củ cu chó(tên khoa học: Balanophora sp.) còn gọi củ gió đất, củ ngọc núi, hoa đất, cây không lá, tỏa dương, xà cô, ký sinh hoàn. Cây thảo, nạc mềm, trông như cái nấm, màu đỏ nâu, sống ký sinh trên rễ cây to khác. Thân thoái hóa thành củ nguyên hoặc phân nhánh với nhiều dạng khác nhau, sần sùi, không có lá. Hoa đơn tính khác gốc, mọc thành cụm dày trông như bộ phận sinh dục chó đực (cu chó).

Mọc rải rác ở các tỉnh thành miền Trung và Nam, củ cu chó được dân địa phương dùng làm thuốc bổ, kích thích ăn ngon miệng, chữa đau bụng, nhức mỏi chân tay, nhất là dùng cho phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy chóng lại sức. Dạng dùng phổ biến là thuốc rượu: hái về rửa sạch, thái mỏng, sao qua, rồi ngâm rượu (tỷ lệ 1/5) không dưới 1 tháng; rượu có màu đỏ sẫm, vị hơi chát, đắng, ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần 30 ml. Y học hiện đại còn dùng củ chó làm nguyên liệu bào chế thuốc kích dục.

Dây xương chó(tên khoa học: Smilax china) còn gọi là cẩu cốt thích, kim cang đằng.Dây leo, thân hơi cứng có gai ngắn như xương sống chó. Lá so le, hình xoan, không gai.

Dây xương chó mọc hoang ở vùng đồi núi nhiều nơi. Chúng có vị nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, khu phong trừ thấp. Thân và rễ tươi hoặc khô đem sắc uống làm nhuận da, mát gan, thông tiểu, trị bệnh xương khớp, đường ruột. Lá non tươi dùng nấu canh hoặc xào ăn cũng có công dụng tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Các cây thuốc mang tên Chó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO