Các nhà văn đang bỏ trống văn học sinh thái

PGS.TS Ngô Văn Giá| 20/01/2021 11:29

Vài ba năm gần đây, trong đời sống nghiên cứu, phê bình ở ta đã nhắc đến khái niệm “phê bình sinh thái”, “văn học sinh thái” và cũng đã có một số hội thảo khoa học được tổ chức. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn hoạt động nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn học, hầu như chỉ có phía nghiên cứu phê bình ít nhiều hưởng ứng, còn giới sáng tác ít có cộng hưởng.

Các nhà văn đang bỏ trống văn học sinh thái

Trước nhất, xin nói vắn tắt về lai lịch và khái niệm “phê bình sinh thái” và “văn học sinh thái”. Như chúng ta biết, vấn nạn tàn phá, hủy hoại môi trường đã diễn ra trên quy mô toàn thế giới từ lâu, đặc biệt từ khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần hai, ngay sau thế chiến thứ nhất. Lúc này, tư duy kinh tế đi theo con đường duy lợi, bất chấp tất cả. Điều này làm thay đổi tư duy, biến con người rơi vào chủ nghĩa kinh tế thuần túy, duy lợi, kỹ trị.

Đi cùng với nó là những cuộc khai thác đất, nước, biển, núi, bầu trời một cách điên cuồng của con người. Kéo theo hệ lụy: Mẹ Trái đất bị hủy diệt từng ngày, gây ra ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, khí thải CO2, lũ lụt, động đất, cháy rừng, nước biển dâng, bụi mịn… 

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, đứng trước nguy cơ môi trường bị tàn phá và hủy diệt hàng ngày hàng giờ, các trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ phương Tây đã cùng nhau gióng lên tiếng chuông cảnh báo về thảm họa môi trường, thức tỉnh nhân loại và chính phủ các quốc gia trên toàn hành tinh hãy nhận thức lại về môi trường, thay đổi tư duy, điều chỉnh chính sách quản lý và phát triển xã hội. Xét trong bối cảnh đó, lý thuyết “phê bình sinh thái” ra đời, cùng với nó “văn học sinh thái” cũng ra đời như một cặp song sinh, đặt vấn đề không chỉ trong nhận thức, trong hoạt động nghiên cứu, phê bình mà còn đối với cả hoạt động sáng tác. 

Về “phê bình sinh thái” (ecocriticism), nữ GS người Mỹ Cheryll Glotfelty là người đầu tiên nêu lên định nghĩa: “Phê bình sinh thái là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên” (1970). Từ bấy trở đi, ý thức phê bình sinh thái dần phát triển, đến những năm 90 của thế kỷ 20, phê bình sinh thái trở thành một trào lưu phê bình văn học, rộng ra là văn hóa, có mặt cùng với các trường phái phê bình khác.

Theo đó, khái niệm “văn học sinh thái” (ecoliterature)  cũng được đặt ra nhằm để chỉ các sáng tác văn chương lấy ý thức phê bình sinh thái làm điểm tựa lý thuyết và nguồn cảm hứng cho mình. 

Nhìn chung, tuy nhiệm vụ khác nhau, nhưng cả phê bình sinh thái và văn học sinh thái đề cập mấy khía cạnh như: đều tiến hành phê phán tinh thần lấy nhân loại làm trung tâm (chủ nghĩa nhân loại trung tâm - Anthropocentrism). Đây là một cái nhìn tồn tại đã có từ rất lâu trong lịch sử tinh thần nhân loại, đặc biệt khi chủ nghĩa Phục hưng phương Tây (đề cao con người là tối thượng) và tiếp theo là chủ nghĩa ánh sáng thế kỷ 18 ra đời (đề cao chủ nghĩa duy lý); ngoài ý nghĩa tích cực, mặt trái của nó là đẩy con người đến đỉnh cao của sự kiêu ngạo đối với thiên nhiên, biến thiên nhiên  là đối tượng khai thác, cho phép ứng xử đối với thiên nhiên một cách bất chấp, bằng mọi giá để thỏa mãn khoái lạc vật chất. Cần có một nhận thức lại rằng con người và thiên nhiên, vũ trụ phải cùng chung sống hài hòa, trở thành bầu bạn của nhau, tùy thuộc lẫn nhau, chứ không cho phép cái nào cao/ thấp hơn cái nào.

Theo đó, phê bình sinh thái và văn học sinh thái cùng đề cao tinh thần sinh thái nhân văn, ở mọi nơi mọi lúc, đối với bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia dân tộc nào. Theo đó, văn học cần phê phán những mặt trái của nền văn minh hiện đại: chống rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt không có khả năng phân hủy, hạn chế dùng túi nilon, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật/ thực phẩm, vấn đề rác/ nước thải công nghiệp, khí thải CO2; chính sách phát triển công nghiệp sạch, chính sách năng lượng…

Đề cao tinh thần trách nhiệm đối với sinh thái, phê bình và văn học sinh thái nhấn mạnh “nơi chốn” và “ý thức nơi chốn” mà con người sinh ra, lớn lên, gắn bó; thể hiện khát vọng về lý tưởng sinh thái và cảnh báo nguy cơ sinh thái… Tất cả những điều này, có thể gọi bằng khái niệm “đạo đức sinh thái”. Một người có đạo đức sinh thái, phải biết đau xót và nổi giận trước những sự hủy hoại sinh thái của con người, phải biết tìm cách lên tiếng để phản đối, ngăn chặn những sự hủy diệt sinh thái bằng mọi giá.

Nhìn vào văn học Việt Nam, nếu lấy mốc năm 2000, có thể nói chúng ta chưa hề có phê bình sinh thái, và càng chưa có văn học sinh thái. Đương nhiên, bằng một cách tự phát, chúng ta cũng có ít nhiều tiếng nói đề cập đến vấn đề sinh thái. Thí dụ, căn cứ vào lòng yêu thiên nhiên, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa cảnh và tình… thì chúng ta đã có một truyền thống lâu dài từ văn học dân gian đến văn học trung đại. Đến thời văn học chiến tranh sau 1954, bên cạnh truyền thống đó, văn học của ta còn lên tiếng tố cáo tội ác hủy diệt của kẻ thù về phương diện sinh thái: sử dụng chất độc da cam, hủy diệt các cánh rừng, nguồn nước, nguồn đất, nguồn không khí, gây ra biết bao thảm cảnh và hậu quả lâu dài cho người dân nước Việt. Sau này, khi đi vào văn học đổi mới, một số rất ít các nhà văn trong nước được xem như những người đầu tiên có ý thức về vấn đề sinh thái, suy tư về nó và đặt ra một cách hết sức nghiêm túc, có chiều sâu, đó là nhà văn Nguyễn Minh Châu với “Sống mãi với cây xanh” (1983), “Phiên chợ Giát” (1987), Nguyễn Huy Thiệp với “Muối của rừng” (1987), Trần Duy Phiên với “Trăm năm còn lại” (1996)…

Từ bấy đến nay, hầu như chúng ta chưa thấy có tiếp tục một gương mặt văn học sinh thái nào đáng kể. Đây là điều rất tiếc. Những ngày vừa qua liên tục các cơn đại hồng thủy ở miền Trung, thiệt hại về người và của là vô cùng thảm khốc, hậu quả còn lâu dài. Lúc này, tôi thấy một tiếng nói tuy đơn lẻ thôi, nhưng rất quý, đó là bài viết của nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Tâm với nhan đề: “Khi môi trường sống rơi vào khủng hoảng: văn chương đã ở đâu”. Ở bài viết này, sau khi lập luận về tính cần thiết phải có trách nhiệm nhập cuộc của các nhà văn về vấn đề môi trường, anh đề nghị cần phải có một nỗ lực “nghiên cứu xanh”, “viết xanh” trong nền văn chương của chúng ta.

Mẹ Trái đất vốn rất nhân từ, đời đời che chở con người. Ấy thế mà đã nhiều lúc phải nổi giận vì sự vô ơn của chính những đứa con của mình. Đã đến lúc tất cả chúng ta cần thức tỉnh, trong đó những văn nghệ sĩ, trí thức cần phải dẫn đầu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Các nhà văn đang bỏ trống văn học sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO