Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Cần thực chất và hiệu quả

kinhtedothi| 14/07/2020 16:06

Đây là khuyến nghị được đưa ra tại hội thảo, “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức cuối tuần qua.

Cải cách đang chững lại
Hiện nay, Việt Nam đã đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Theo Văn phòng Chính phủ, tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền. Đặc biệt, Cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn 5 tháng hoạt động đã tích hợp, cung cấp 408 dịch vụ công trực tuyến, có hơn 39 triệu lượt truy cập, tiếp nhận gần 6.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN… Dẫu vậy, các DN vẫn cho rằng còn nhiều rào cản về thủ tục hành chính. Và trong bối cảnh vừa trải qua "cơn thập tử nhất sinh" bởi dịch Covid-19, những rào cản còn sót lại sẽ khiến DN khó vực dậy.
Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 ra đời là chương trình cải cách toàn diện và tổng thể, hướng tới bãi bỏ tất cả các quy định từ điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính. Cho rằng thực thi các gói giải pháp hỗ trợ là vô cùng quan trọng nhưng theo Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, việc này không dễ dàng. "Trên Cổng dịch vụ công quốc gia có mục “Hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” nhưng vào trang web các bộ, ngành thì tìm mỏi mắt không thấy. Cần thiết lập đường dây nóng để DN có thể tương tác trực tiếp với cơ quan Chính phủ" - ông Phan Đức Hiếu cho hay.
Về tình hình cải cách điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý Nhà nước. Đơn cử, yêu cầu kiểm tra Nhà nước về an toàn lao động trước thông quan đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Bộ LĐTB&XH; kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; kiểm tra hiệu suất năng lượng… “Những bất cập này đang ngày càng tạo gánh nặng chi phí đối với DN trong khi không đạt hiệu quả về quản lý Nhà nước” - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) Nguyễn Minh Thảo nói.
Phải có chế tài rõ ràng
Các chuyên gia chỉ ra điểm yếu lớn của Việt Nam là triển khai các cam kết, chủ trương lớn của lãnh đạo trong toàn hệ thống đến các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ, lĩnh vực năng lượng, Chính phủ đã sớm xác định yêu cầu phát triển năng lượng bền vững, năng lượng sạch là bức xúc, cấp thiết nhưng đến nay nhiều dự án điện lớn chưa được phê duyệt. “Vấn đề này rất phức tạp, đòi hỏi Bộ Công Thương, ngành điện lực, Bộ Tài chính phải ngồi lại, đặt mình vào địa vị của DN để gỡ từng vướng mắc” - Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn thẳng thắn.
Trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa; hỗ trợ thiết thực các DN nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu; thúc đẩy phát triển mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ. Phát huy thế mạnh, sức lan tỏa của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch và thanh toán điện tử; sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều hơn vào yếu tố chất lượng, sáng tạo và bền vững, trong đó cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường khả năng kết nối DN, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
"Quan điểm là cần có chế tài đối với cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm chạp. Phải xây dựng các chế tài rõ ràng, đủ mạnh để công chức phải làm việc, phải có trách nhiệm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN. Nếu như không có chế tài, chỉ đôn đốc thì không mang lại thiết thực cho công cuộc cải cách” - PGS.TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM bày tỏ.
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 25/6/2020, Bộ nhận được báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của 18 bộ, ngành và 41/63 tỉnh, TP. Đa số báo cáo tương đối bám sát nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết. Tuy nhiên, một số báo cáo có hàm lượng thông tin ít thay đổi qua các quý, các năm. Hơn nữa, 6 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP có phần chững lại. Các giải pháp hỗ trợ nhìn chung chưa thực sự đáp ứng được sự mong đợi và cũng rất ít DN tiếp cận được các gói hỗ trợ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Cần thực chất và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO