Cảm thức về mùa thu Thăng Long - Hà Nội trong thơ Đỗ Trung Lai

PGS.TS Trần Hoài Anh| 05/10/2021 10:03

Cảm thức về mùa thu Thăng Long - Hà Nội trong thơ Đỗ Trung Lai

1. Tự ngàn xưa, mùa thu đã là đề tài muôn thuở của thi ca nhạc họa. Song, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa một phạm vi phản ánh cuộc sống, mùa thu còn là mỹ cảm, là nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh tạo nên dự phóng sáng tạo của người nghệ sĩ. Vì vậy, không lạ gì, trong âm nhạc Việt Nam đã tồn tại những tình khúc về mùa thu như: Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong; Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh; Thu cô liêu, Buồn tàn thu của Văn Cao; Thu vàng của Cung Tiến; Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn… Hay trong thi ca như: Thu ẩm; Thu vịnh; Thu điếu của Nguyễn Khuyến; Cảm thu - tiễn thu của Tản Đà; Tiếng thu của Lưu Trọng Lư; Đây mùa thu tới của Xuân Diệu; Nắng thu của Nam Trân; Thu của Chế Lan Viên; Cây bàng cuối thu của Nguyễn Bính… Thế nên, không phải ngẫu nhiên, trong Khúc ngâm mùa thu, Đỗ Trung Lai đã viết những câu thơ với xúc cảm khá tinh tế, thể hiện niềm khắc khoải, ưu lo về sự hiện hữu và tồn sinh của mùa thu mà khi đọc lên ta không khỏi thấy nao lòng: “Ngàn năm xưa đã thu rồi/ Ngàn năm sau nữa đất trời còn thu/ Chỉ lo lòng đất không mùa/ Làm sao nghe được tiếng thu dịu dàng!/ Tìm đâu cho đủ hoa vàng/ Để ta kết chuỗi trang hoàng cho thu”?. 

Như vậy, đề tài mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai, không phải là điều mới lạ. Song, điều mới lạ ở đây là cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai mang những nét suy tưởng riêng, thủ pháp riêng, thể hiện nét độc đáo trong cá tính sáng tạo mang dấu ấn Đỗ Trung Lai, không lặp lại ai và cũng không lặp lại chính mình. Cảm thức về mùa thu Thăng Long - Hà Nội trong thơ Đỗ Trung Lai vì vậy, là một sáng tạo riêng có của thi nhân. Đó là một bức tranh đa sắc màu, đa chiều kích, mà ở mỗi bài thơ, mỗi câu thơ viết về mùa thu của anh đều thể hiện một cảm thức, một cái nhìn riêng về thiên nhiên, con người trong cõi nhân sinh đầy những biến động khôn lường. Mùa thu đã trở thành một không gian văn hóa, một thế giới nghệ thuật ám ảnh tâm thức thi nhân. Thế nên, chỉ với ba tập thơ xuất hiện những năm gần đây của Đỗ Trung Lai như: Thơ - 30 (2013); Ơ thờ ơ (2013); Bảo dông dài ừ dông dài… (2019) đã có 18 bài thơ viết về mùa thu, chưa kể những câu thơ nói đến mùa thu trong các thi phẩm khác như: Khúc ngâm mùa thu; Thu cảm;  (Thơ - 30); Môi dịu dàng, ta gọi: “Bắc Giang thu!”; Thu tàn Tam Cốc; Tìm một mùa thu cũ;  Mùa thu uống rượu bên hồ Thiền Quang; Một chiều thu; (Ơ thờ ơ); Thu vào chơi Yên Tử; Thu qua cửa Bắc; Tết trùng cửu, cùng thu qua chùa Hương; Thu, nhớ Lưu Trọng Lư; Thu, nhớ Quang Dũng; Thu về với sông Thao; Thu sớm; Đêm thu, dắt cháu vào phố cổ; Nhời thu đã cạn (Bảo dông dài ừ dông dài…). Có thể nói, mỗi bài thơ viết về mùa thu là một thi giới thể hiện một nhãn quan, một mỹ cảm riêng của thi sĩ, kết tinh thành cảm thức thu vừa truyền thống, vừa hiện đại trong thơ của Đỗ Trung Lai mà các bài thơ nói trên là một minh chứng.

2. Điều dễ nhận biết khi giải mã cảm thức về mùa thu Thăng Long - Hà Nội trong thơ Đỗ Trung Lai đó là sự hoài niệm về không gian văn hóa thu của Thăng Long hiện hữu từ ngàn năm, có thể mất đi bất cứ lúc nào trước sự thờ ơ, vô cảm của chính những con người đã/ đang/ sẽ sống ở đất kinh kỳ như một lời tự vấn đến tê buốt!?: “Có một Thăng Long xa lắm/ Lối xưa, xe ngựa, hồn thu…/ Có một Thăng Long đang thở/ Bên ta từng phút từng giờ/ (…) Có một Thăng Long răng trắng/ Cắn vào quả sấu đầu thu” (Thăng Long). Hoài niệm về những ký ức lịch sử, văn hóa Hà Nội hiện hữu trong thơ viết về mùa thu của Đỗ Trung Lai còn là sự cảm nhận từ tinh thần của mùa thu cách mạng tháng Tám năm nào khi “Tám mươi năm vong nô/ Giờ thành dân độc lập/ Lòng ai không mở cờ/ Tái sinh cùng giời đất”, để rồi: “Nay cùng thu bình thường/ Dạo bên thành Cửa Bắc/ Nhớ về thu năm xưa/ Lòng tự nhiên hành khúc” (Thu, qua cửa Bắc). Hay là cảm thức hiện sinh về sự hiện hữu của mùa thu qua hình ảnh có tính biểu tượng: “một chiếc lá bàng vàng mơ… trở về cuối thu…” và những suy niệm giàu chất triết luận qua hàng loạt diễn ngôn mang tính chất vấn về những vấn đề nhân sinh không dễ trả lời: “Ông ơi! Lá vàng tên gì?/ Lá vàng tên là hữu hạn/ Ông ơi hữu hạn là gì?/ Nghĩa là rồi xa muôn dặm (…) Là cháu không còn ông dắt!/ Sao cháu lại không còn ông” (Đêm thu, dắt cháu vào phố cổ). Và, cuộc “đối thoại” giữa “ông - cháu” đó cũng là cuộc “đối thoại” giữa hai thế hệ, kết thúc bằng một câu thơ bất ngờ nhưng hợp logic và thú vị: “Kìa! Khéo lá vàng bay mất!”… Thông điệp của bài thơ đã rõ: Hãy biết trân quý những gì hiện hữu dù đó chỉ là “chiếc lá vàng” cuối mùa thu còn lại, không nên đi tìm những gì viễn mơ, chẳng có ích cho cuộc sống. Tâm thức hiện sinh nhân bản cũng bắt nguồn từ những điều bình dị ấy!

Luận bàn về phẩm tính của nhà thơ, Friedrich Schiller xác quyết: “Tiềm thức hợp với suy tưởng, tạo thành nhà thơ”.1 Như vậy, tiềm thức có vai trò quan trọng trong sáng tạo thi ca và đây là một điều thể hiện khá rõ ở cảm thức về mùa thu Thăng Long - Hà Nội trong thơ Đỗ Trung Lai, khi phần lớn các bài thơ viết về mùa thu của anh luôn bắt nguồn từ trong “tiềm thức và suy tưởng” mà cảm thức hiện sinh mang màu sắc triết luận là một bình diện thể hiện khá sâu sắc vấn đề này. Đó là không khí Phật đài mang sắc màu huyền ảo và thiền định ở bài thơ Tết trùng cửu, cùng thu qua chùa Hương: “Gác gió, chuông chùa buông đủng đỉnh/ Sơn Thủy đồng sàn cùng vô thường/ Phật điện đồng môn tam - tứ phủ/ Tục lụy xa dần, gần thiên lương…”. Là những hoài niệm đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa xưa và nay với những lời tự vấn đầy trăn trở trong Mùa thu uống rượu bên hồ Thiền Quang, một danh thắng của Hà Nội ngàn năm: “Thiền Quang xanh dưới thấp/ Da trời xanh trên cao/ Thu phân rồi đấy nhỉ? Người xưa giờ ra sao?“, để rồi, điều còn lại trong tâm cảm thi nhân là những hoài vọng xa mờ về quá khứ: “Ly này ai vừa rót/ Ta rót vào hồ thu/ Người xưa là chiếc bóng/ Ngày xưa là sương mù”.

3. Không hiểu mùa thu có một ma lực huyền nhiệm như thế nào, mà luôn ám ảnh tâm thức của các văn nghệ sĩ và Đỗ Trung Lai khi viết về mùa thu cũng không đi ra ngoài từ trường mỹ cảm này. Vì vậy, cảm thức bao trùm trong thơ viết về mùa thu Thăng Long - Hà Nội của Đỗ Trung Lai vẫn là những hoài niệm, những nuối tiếc về thu xưa với những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử của dân tộc quyện hòa trong tình yêu làng quê, gia đình cùng những giá trị nhân văn làm nên phẩm tính văn hóa Việt mà thi nhân lo sợ sẽ mất dần trong xã hội hiện đại như chia sẻ của thi sĩ trong Khúc ngâm mùa thu: “Tìm đâu đủ khói lam mờ/ Thả vào đồng đất bãi bờ, rừng cây?/ Tìm đâu vài hạt mây bay/ Để trời bớt nỗi ngày ngày thiên thanh?/ Tìm đâu ra lá sen xanh/ Để còn bọc cốm cho mình gửi ta/ Tìm đâu móc với sương sa/ Để vai mình lạnh, để da mình mềm?/ Tìm đâu lá lạc bên thềm/ Để than van những nỗi niềm biệt ly?”. Điều mà Đỗ Trung Lai khao khát đi tìm là những tín hiệu mỹ cảm làm nên cảm thức về mùa thu Thăng Long - Hà Nội trong thơ của thi nhân nhưng đó cũng chính là những hệ giá trị văn hóa truyền thống làm nên vẻ đẹp của tâm hồn Việt, văn hóa Việt. 

Cảm thức về mùa thu Thăng Long - Hà Nội trong thơ Đỗ Trung Lai, vì thế không chỉ là những khát khao tìm về những mỹ cảm của mùa thu xưa để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng của một nghệ sĩ mà đó còn là khát khao tìm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để nuôi sống tâm hồn của một công dân nước Việt. Cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai là những mỹ cảm mang tính khai phóng, nhân bản, dân tộc, nên có ý nghĩa dự báo khá sâu sắc. Bởi, trong tâm cảm thi nhân luôn hiện hữu một tâm hồn Việt Nam mà ở đó: “Có một Thăng Long thương nhớ/ Người đi mở cõi mơ về/ Có một Thăng Long thon thả/ Khép hờ vạt áo ngoài kia”. Cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai là những cảm thức mang niềm trắc ẩn khôn nguôi về đất nước quê hương mà anh đã tự nguyện dấn thân trong tư cách một người lính - một công dân - thi sĩ.
.........................................................
(1) Đoàn Thêm, Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.189
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cảm thức về mùa thu Thăng Long - Hà Nội trong thơ Đỗ Trung Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO