Cánh trăng - Nơi tụ hội ánh sáng

Mai Văn Phấn| 13/09/2018 10:39

Một chiều mùa đông cách đây hai năm, tôi nhận được “Cánh trăng”, tập thơ đầu tay của tác giả Đinh Trần Phương. Nhớ lúc ấy tôi đã mở hé từng trang, tựa như người đọc “chạc” trong hiệu sách để giữ cho cuốn sách luôn mới. Một cảm giác thanh tịnh, tinh khôi ùa vào tâm trí tôi lúc ấy.

Cánh trăng - Nơi tụ hội ánh sáng

Tôi giữ mãi cách đọc “mở hé từng trang” tập thơ “Cánh trăng” đến tận bây giờ. Cách đọc tập thơ này cho tôi liên tưởng mình đi qua một chiếc cửa tự động xoay tròn. Đôi khi, vô tình gặp một bài thơ, tựa như chỉ cần chạm tay là cánh cửa đã nhẹ nhàng bật mở:

Nỗi buồn của chiếc lá khô tôi mở xem ánh trăng
(trang 84)

Mỗi câu của bài thơ trên tựa một mặt của ngọn tháp có ba mặt, một công trình kiến trúc hoàn chỉnh. Trong chiếc lá khô kia cất giấu những “bí mật của khoảnh khắc” (chữ của Lê Hồ Quang). Ba câu thơ liên tiếp tạo thành hơi thở chánh niệm, nhiếp phục lại tâm ý, giúp ta cảm nhận được sự mầu nhiệm của giây phút hiện tại. Tôi thấy được sự huyền nhiệm của đời sống này khi biết “mở xem” một chiếc lá khô. Ba câu thơ tựa ba vật dụng tối giản, ba viên đá cuội để tôi tự do xoay đảo, nhìn phía nào cũng đẹp, vi diệu.

Tiếp theo, tôi lật lại trang 14 và gặp bài thơ này:

Mỏi rã rời cành cấy ấy bông hoa đầu đời

Bài thơ cho thấy trọn vẹn sứ mệnh một cái cây. Câu thơ đầu tiên - Mỏi rã rời - đã khai mở một hành trình cho cây. Trạng thái “mỏi” của nó làm người đọc liên tưởng tới phận người, phận đời hơn là phận cây. Và lần thứ 3, trong bài viết nhỏ này, bạn đọc hãy cùng tôi đến bên cánh cửa xoay kia để nó tự động mở ra trong một thời điểm khác:

Chiếc bút chì gãy rơi trong hốc tường màu ruột đỏ thắm

Vật dụng này có thể đã nằm ở hốc tường kia từ rất lâu mà ai đó đã bỏ quên. Ai và khi nào? Điều ấy lại không quan trọng nữa. Điều lạ ở đây là nhà thơ đã nhìn thấy ruột của chiếc bút chì ấy có màu đỏ thắm. Trong ánh xạ của màu thắm đỏ này, nhà thơ đã để cho chiếc bút chì trong trạng thái bị gãy, giống như một trái cam, trái dưa hấu vừa được bổ ra cho bạn đọc thấy được từng lớp vỏ mỏng, nhân hạt, nước quả ngọt còn chảy ròng trên lưỡi dao sắc... 

Tôi vừa lật mở “Cánh trăng” gặp ba bài thơ, tựa ba lần chạm tay vào cánh cửa trong ba thời khắc, tưởng tượng những vần thơ của Đinh Trần Phương đang xoay quanh trụ một chiếc cửa tự động. Chiếc trụ của cánh cửa ấy, giờ đây, chính là cái gáy sách vuông vắn trong lòng tay tôi đang lưu giữ những ẩn mật của cõi nhân sinh, những nhiệm màu của thiên nhiên, vũ trụ chờ được giải mã. Đó là những bông hoa thủy tiên màu trắng đang trôi theo dòng suối nhỏ chạm được vào bóng trăng. Hay làn gió làm lay động rèm cửa mùa xuân cho ta nhìn thấy ánh sáng trong đó. Mưa xiên xiên/ đọng trên cánh lá/ từng giọt rơi (trang 27); Nắng đi vào trong hoa/ rồi quay trở lại/ hoàng hôn (trang 29); Mưa trong suốt/ nhanh hơn thường ngày/ hoa anh đào rơi (trang 30), Cầm lên cánh hoa/ thả rơi/ thêm một lần nữa (trang 35).

Thơ Đinh Trần Phương giải mã thế giới bằng những ám thị, ảo giác, dựa vào những xung động cá nhân - tiểu vũ trụ, để thấy được sự chuyển dịch mang tính biện chứng của thiên nhiên, hài hòa trong đại vũ trụ. Thủ pháp này đã rút ngắn khoảng cách giữa các vật thể trong một không gian lớn: Chân tay tôi dài ra/ chạm tới đầm vô hình/ tiếng ếch (trang 41); Gấp sách/ đường chân trời/ hai màu xanh lơ (trang 113). Nhà thơ thường kết hợp sự khao khát của bản ngã với những điều bình dị thường xảy ra trong đời sống hàng ngày, nhằm mang đến cho bạn đọc nhận thức mới về một cá thể và thế giới: Sóng/ mang các chàng trai lên bờ/ gần bên cô gái ngồi đọc sách (trang 68); Đêm đông/ tôi nằm úp xuống/ tiếng lá bàng rụng (trang 106)… 

Trong “Cánh trăng”, tác giả chuyển hóa những khái niệm thuộc lĩnh vực tâm lý, tâm trạng khó nắm bắt thành những hình tượng cụ thể để bạn đọc có thể hình dung, ước đoán được chúng bằng cảm xúc thơ. Sự cô đơn trong bài thơ sau đây cho thấy tác giả đã tạo ra một “dụng cụ” kỳ lạ để đo lường những điều tưởng chừng mơ hồ, bất khả: Không ngồi trên cây nữa/ mang theo/ sự cô đơn (trang 160); Tôi ngồi vào/ chiếc ghế trống/ và tôi trống không (trang 118). 

Trong “Cánh trăng”, theo tôi có một bài thơ phá cách khá mạnh mẽ so với những bài thơ khác trong tập: 

Cơ thể em nước xanh cửa sổ buồng tắm mở, cỏ nonhoa cúc trắng 
(trang 130)

Chuỗi hình ảnh (cơ thể em, nước xanh, cửa sổ buồng tắm, cỏ non, hoa cúc trắng) trong bài thơ chuyển động phức hợp trong một không gian mở. Ở những bài thơ khác, thơ Đinh Trần Phương thường tiết chế hình ảnh. Có lúc bài thơ chỉ có một hoặc hai hình ảnh chuyển dịch đơn tuyến. 

“Cánh trăng” được Đinh Trần Phương ghi trên bìa sách là thơ haiku. Tôi cũng từng làm nhiều bài thơ với thể thức gần giống thơ haiku của Nhật Bản. Mỗi bài thơ của tôi gồm ba dòng, và có đặt tên bài. Theo cá nhân tôi, phần lớn những bài trong tập thơ này của Đinh Trần Phương là thơ ba câu tự do, với ý tưởng gợi mở, không bắt buộc phải có từ chỉ mùa (kigo – quý ngữ). Như vậy, thơ ba câu tự do không cần tuân thủ niêm luật chặt chẽ như thơ haiku cổ điển. Vậy có nên gọi đó là thơ haiku? Do vậy, tôi muốn gọi những bài thơ trong “Cánh trăng” là thơ ba câu không đề, hoặc gọi đây là bài thơ liên khúc, có tên “Cánh trăng”. 

Tập thơ đã khai mở thế giới thơ Đinh Trần Phương, nói chính xác hơn, những bài thơ ngắn và tối giản đã đánh dấu buổi “trình làng” ấn tượng, thành công của tác giả. Với nội lực sáng tạo mạnh mẽ cùng cảm xúc tươi mới tràn đầy, bạn yêu thơ cũng như tôi mong đợi thơ Đinh Trần Phương sớm được khai phá thêm những miền đất mới với đa dạng thủ pháp, và thể loại thơ khác. 

Tập thơ “Cánh trăng” của Đinh Trần Phương đã góp phần làm phong phú, giàu có thêm thơ Việt đương đại. Nó khước từ sự cô tịch, trầm mặc, bi ai trong thơ haiku cổ điển để đến với sự thanh thoát, nhẹ nhàng, hiện đại. Đặc biệt, nó không cố ý ghìm nén biểu lộ cảm xúc mà chủ ý biểu đạt sự lãng mạn, tươi non, mở cho bạn đọc một thế giới thơ mới mẻ, trẻ trung, tràn đầy ánh sáng. Xin trích đoạn trong Lời kết tập thơ của Đinh Trần Phương, với tôi, đây là bài thơ văn xuôi khơi mở và giàu phức điệu, là độ mở của cánh cửa xoay, độ tương phản sáng tối của màn hình để những bài thơ trong “Cánh trăng” được sáng ý, rõ nét hơn: Tôi trở về nhà, đến ngồi với ông bà nhìn ra cửa sổ. Phía trước có một cái cây tán rộng. Tôi hỏi, ông bảo đó là cây hoàng quyên. Một con chim hoàng quyên bay qua bay lại rất vui vẻ. Tôi đoán con chim là linh hồn của cái cây kia, hoặc cũng có thể ngược lại, cái cây là linh hồn của con chim. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cánh trăng - Nơi tụ hội ánh sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO