Cao Sơn Quế Anh

Văn Sáu (sưu tầm)| 25/06/2020 10:24

(Thần thành hoàng làng Mễ Trì Thượng - Hạ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội)

Cao Sơn Quế Anh
Đình Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. 
Đình làng Mễ Trì Hạ và Mễ Trì Thượng thờ năm vị thần thành hoàng:

Vị thần thứ nhất là Cao Sơn Quế Anh, tương truyền là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là anh em với Tản Viên Sơn Thánh từ thời Hùng Vương. Ông là một Lạc tướng của nước Văn Lang, đã có công đánh giặc giữ nước. Khi ông hóa, nhân dân nhiều nơi đã phụng thờ là Thành hoàng làng.

Vị thần thứ hai là Đỗ Tam Lang (Lý Lữ), vốn là người đã theo Đinh Bộ Lĩnh từ thủa cờ lau, dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, ông đã cùng chủ tướng là vua Lê Đại Hành đi đánh dẹp nhiều nơi, lập nhiều chiến công. Tiếp sau đó, ông lại cùng vua Lê chống quân xâm lược Tống. Một lần trên đường ra trận, ông bị thương phải nằm lại trên một mảnh đất ở làng Mễ Trì. Những giọt máu của ông đã nhuộm đỏ nơi đất ấy. Sau khi bình phục, ông tiếp tục lên đường đánh giặc. Do có công lao với đất nước, nên khi Đỗ Tam Lang mất, nơi thấm máu ngày xưa nhân dân Mễ Trì lập đền thờ. 

Vị thần thứ ba được phối thờ là Lý Bí. Ông là người học rộng, hiểu sâu, văn võ toàn tài. Tháng 1 năm 543, ông lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh quân xâm lược nhà Lương. Trước sức mạnh như nước vỡ bờ, thứ sử Tiêu Tư phải bỏ chạy về nước. Chưa đầy ba tháng sau, Lý Bí đã chiếm được toàn bộ các huyện và thành Long Biên. Sau đó, ông còn diệt toàn bộ quân tăng viện nhà Lương, làm chủ giang sơn. Năm 544, ông lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Do có công dựng nước và giữ nước, khi ông mất, nhân dân nhiều nơi đã thờ Lý Nam Đế làm Thành hoàng.

Vị thần thứ tư được phối thờ là Đông Hải Đại Vương, vốn con Thủy Tề. Truyền thuyết dân gian kể rằng, vùng Mễ Trì thủa hồng hoang có nhiều hồ đầm, ngòi, lạch. Thời ấy, tại đây có hai vợ chồng làm nghề đánh cá. Ông bà là người tu nhân, tích đức, luôn làm điều thiện, tuổi cao mà vẫn chưa có con nối dõi. Một hôm ông kéo vó trên đầm, kéo mãi chỉ được một quả trứng có màu sắc lung linh như ngọc. Ông liền đem về cho vào cái chum lớn thì lạ thay, khoảng 20 ngày sau trứng nở ra một con rắn trắng. Ông lão quý rắn lắm, coi rắn như con. Ông đi kiếm những bông hoa thơm về nuôi rắn, những lúc phải đi kiếm cá thì bà lão chăm sóc. Thế rồi khoảng 100 ngày sau, một đêm trời bỗng nổi giông tố, mây đen kéo đến đầy trời, sấm vang chớp giật và mưa ào ào trút xuống. Bỗng thấy con rắn bò ra khỏi chum và trườn về phía đầm. Không quản mưa to gió lớn, ông lão chạy theo gọi rắn, tiếng ông lão vang vọng trong mưa gió nghe đến não lòng, não ruột: “Rắn ơi về với ta đi! Ta hiếm hoi, cũng coi rắn như con, đừng bỏ ta mà đi rắn ơi!”. Mặc cho ông lão gọi đến khản tiếng vẫn không thấy rắn trở lại, ông đứng lặng bên bờ đầm và nghĩ: Chắc là con vua Thủy Tề đã được Long Vương gọi về thủy phủ, nên ông chỉ biết ngậm ngùi quay lại lều cũ. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, ông lão lại ra bờ đầm kéo cá. Đứng trên bờ đầm, ông lặng nhìn làn nước mênh mông, nước mắt lưng tròng, ông khấn: “Rắn ơi, nếu quả rắn là linh thần thì hãy phù trợ cho ta kiếm được nhiều cá”. Ông vừa dứt lời thì lạ thay, mặt hồ rực lên một ánh hào quang chói lọi như mơ, như thực. Quả nhiên, từ đấy ông lão kéo được rất nhiều cá. Từ nghèo khổ, ông trở nên sung túc, tiếng lành đồn xa, dân làng thấy lạ cho là chuyện thần kỳ, bèn lập miếu thờ bên đầm. Từ đấy, miếu rất linh thiêng, dân làng luôn ra miếu cầu cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa. Chuyện đến tai vua Lê, nhà vua cử quan khâm sai về miếu tế lễ và phong thần là Đông Hải Đại Vương về phối thờ ở đình. Hiện nay, miếu Đầm có cảnh quan rất đẹp. Miếu hướng đông nam, nhìn thẳng ra đầm. Quanh miếu có nhiều cây cổ thụ, trong đó có một cây sanh nhiều gốc, rễ xòe ra như ôm trọn lấy phía sau của miếu, lá cành tha thiết như bức rèm châu xanh ngát giữa cánh đồng và làn nước đầm lung linh thơ mộng, làm ngôi miếu càng tĩnh lặng và thiêng liêng. 

Vị thần thứ năm được phối thờ là Diêm La Thiên Tử, gắn liền với sự tích miếu thánh cả Đình Thôn. Thần tích cho biết, ngày xưa trên đất Mễ Trì có nhiều con  ngòi giao nhau hòa dòng. Một năm, nước sông Cái lên to, con đường cao bị vỡ, nước tràn về mênh mông. Có ba ông kéo vó ở đoạn này.  Một ông ở làng Mễ Trì kéo từ chiều đến tận khuya mà vẫn không được con cá nào. Đang lúc chán nản, ông bỗng thấy bột mảnh gỗ lững lờ trôi ngược dòng, sau đó cứ quẩn quanh trong vó. Đã mấy lần, ông dùng sào đẩy mảnh gỗ đi, nhưng lạ quá, nó vẫn cứ quẩn quanh trong vó không chịu trôi đi. Ông vội vớt mảnh gỗ, đưa lên một gò đất nhìn kỹ thì ra đó là một bài vị. Bỗng đâu, ông có một linh cảm, vội chắp tay và khấn rằng: “Chúng tôi là những người dân chài nghèo, nếu ngài có linh thiêng, xin ngài phù trợ cho chúng tôi kiếm được nhiều cá”. Khấn xong, ông vội ra kéo vó tiếp, thì lạ quá, mẻ nào cũng được nhiều cá, cá đầy thúng, đầy giỏ, trong khi đó mọi người cùng đi thì không kéo được gì. Ông ở Đình Thôn thấy vậy đến hỏi căn nguyên, ông ở làng Mễ Trì bèn thành thật kể lại về sự linh thiêng của bài vị. Ông người Đình Thôn liền đến bên tấm gỗ mà khấn rằng: “Nếu ngài có linh thiêng thì cũng cho tôi được cá, tôi xin lợp mái che nắng mưa cho bài vị”. Quả nhiên, ông ở Đình Thôn khi ra kéo vó cũng được rất nhiều cá. Còn ông thứ ba ở làng Nhân Mỹ, khi nghe kể lại cũng đến trước bài vị mà khấn rằng: “Ngài đã thương thì thương cho khắp, xin phù hộ cho tôi cũng đánh được cá, tôi xin cung tiến một bát hương”. Khấn xong, ông vội đi kéo vó thì lạ thay, cũng như hai người trước, ông cũng kéo được nhiều cá. Dân làng thấy lạ, nô nức đến xem. Lúc này bài vị đã có đủ mái che và bát hương. Trên bài vị có chữ “Diêm La Thiên Tử”. Sau đó, dân rước bài vị về phối thờ ở đình làng Mễ Trì. Từ đó, cứ đến ngày hội mùng 7 tháng Giêng, dân làng Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ mở hội tưởng niệm công đức các vị thần. Sau khi hội tế tại bãi đất rộng đầu làng, đoàn rước chia thành ba ngả. Một đoàn rước về miếu làng, một đoàn rước về Đình Thôn, một đoàn rước ra miếu Đầm. Đoàn rước sang miếu Đình Thôn có bài vị “Diêm La Thiên Tử” theo con đường giữa đồng, đến giữa ngã ba thì dừng kiệu. Lúc này đoàn rước của Nhân Mỹ cũng đã đến, trên kiệu có bát hương, rồi hòa vào đoàn rước của Mễ Trì vào miếu. Bởi theo sự tích vừa nói ở trên thì ông người Mễ Trì giữ bài vị, ông Đình Thôn có công làm mái thờ, ông người Nhân Mỹ rước bát hương, có đủ ba điều ấy mới lập nên miếu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cao Sơn Quế Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO