Câu chuyện của một chuyên gia cơ khí hàng đầu Việt Nam

Thanh Vũ| 03/01/2021 16:46

Ngày 10/10/1954 bộ đội ta về “tiếp quản Thủ đô”, Hà Nội bước sang trang sử mới. Nhiều thanh niên ưu tú từ mọi miền đất nước đến Hà Nội học tập, lao động… cống hiến cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thủ đô. Ngày một ngày hai, họ trở thành “công dân Thủ đô”. Một trong những thanh niên như thế là anh bộ đội Cụ Hồ người thành Vinh (Nghệ An) Trần Tuấn Thanh, năm đó 21 tuổi. Trần Tuấn Thanh học khóa 1 khoa Chế tạo máy Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, kĩ sư Trần Tuấn Thanh được giữ lại trường và bắt đầu con đường vừa tự học vừa vươn lên. Vừa giảng dạy bậc đại học, vừa tham gia các chương trình xây dựng và phát triển ngành cơ khí nước ta, ông trở thành một trong những chuyên gia có uy tín của ngành cơ khí Việt Nam, thành thạo ba thứ tiếng: Tiếng Nga, tiếng Đức và tiếng Pháp.

Câu chuyện của một chuyên gia cơ khí hàng đầu Việt Nam
Anh hùng lao động Trần Tuấn Thanh (Giám đốc đầu tiên Trung tâm cơ khí chính xác - Đại học Bách khoa Hà Nội)

Cơ khí chính xác…

Câu chuyện của chúng tôi trở về những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, khi nước ta vừa thống nhất, xây dựng lại đất nước trong hoàn cảnh bị cấm vận về nhiều mặt, trong đó có cấm vận về “sở hữu trí tuệ”, về máy móc thiết bị, phụ tùng thay thế. Một loạt các đề tài khoa học được lập để góp phần giải quyết những khó khăn. Trong đó có đề tài “Phục hồi và chế tạo bộ đôi bơm cao áp xe I-pha W50” mã số 52.01 giao cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thoạt nhìn, tưởng đề tài chỉ hạn hẹp trong một chi tiết quan trọng của động cơ Diesel nhưng thực ra liên quan đến hầu hết các thiết bị cơ khí thuỷ lực xuất hiện phổ biến trong cuộc sống.

Sau một thời gian lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa chạy vòng quanh tìm người chủ trì, cuối cùng kỹ sư Trần Tuấn Thanh, cựu sinh viên khóa 1, cán bộ giảng dạy khoa Chế tạo máy được giao chủ trì đề tài. Cũng không ít người thắc mắc Trường Đại học Bách khoa thiếu gì tiến sĩ khoa học kỹ thuật, nhiều phó tiến sĩ, sao lại giao cho một kỹ sư? Thế nhưng, thực tế chứng minh đây là sự lựa chọn sáng suốt. Thời gian đó, kỹ sư Trần Tuấn Thanh sau mấy lần lỡ dịp đi nghiên cứu sinh, đã được đi thực tập tại một số trung tâm công nghiệp cơ khí lớn của các nước: Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức và sau này là Pháp. Trong các chuyến lao động thực tế này, ông đã xắn tay áo đứng máy cùng công nhân nước bạn, khảo sát các dây chuyền sản xuất, trao đổi cùng các kỹ sư, công nhân kỹ thuật và người quản lý…

Trong tình hình thực tế Việt Nam khi ấy, ông đề xuất phương án: tận dụng các máy móc thiết bị sẵn có của các nhà máy cơ khí ở Việt Nam, với những bộ đồ gá lắp thích hợp, chia nhỏ các phần việc, đơn giản hoá thao tác… để có thể hoàn thành những sản phẩm cơ khí đòi hỏi độ chính xác đến muy-cơ-rông mà bình thường, các máy công cụ hiện có của Việt Nam không đạt được. Ông đã nhiều lần lặn lội vào các bãi (thực chất là các kho) chất đống đến han rỉ các loại máy công cụ của Liên Xô và các nước viện trợ cho Việt Nam, để tìm những cỗ máy thích hợp trang bị cho đề tài.

Câu chuyện của một chuyên gia cơ khí hàng đầu Việt Nam
Kĩ sư Trần Tuấn Thanh đưa các chuyên gia Liên Xô (đại diện khối SEV) thăm nhà máy động cơ Hà Nam Ninh.

Một loạt các nhà máy cơ khí ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… và các nhà máy quốc phòng nhận tham gia vào đề tài và tiến hành đào tạo công nhân, trang bị mới hoặc cải tiến những dây chuyền máy móc sẵn có để phục hồi và chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp.

Một đề tài như 52.01, để thực hiện hiệu quả, lại phải có những đề tài khoa học khác góp vào: Dùng thép gì làm vật liệu chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp, bột mài cao cấp lấy ở đâu, chế độ nhiệt luyện thế nào? Lò luyện ra sao, dùng dụng cụ gì để đo độ chính xác đến từng muy-cơ-rông? Từng vấn đề được gỡ dần. Bà chủ thương hiệu sơn Kova nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về đề tài bột mài cao cấp trong đề tài 52.01; Nhà máy đồng hồ Hà Nội có thời là nơi sản xuất “đồng hồ so” cho đề tài; Học viện kỹ thuật quân sự là nơi tiến hành các ứng dụng kết quả của đề tài vào việc phục hồi động cơ xe tăng, tàu chiến… Khi đề tài “Phục hồi và chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp xe I-pha W50” hoàn thành, trên thực tế trong  ngành cơ khí chế tạo máy nước ta đã hình thành một chuỗi các nhà máy cơ khí có thể làm ra các sản phẩm cơ khí đạt độ chính xác cao. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập Trung tâm cơ khí chính xác và tiến tới làm các sản phẩm cơ khí theo sự phân công của Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV) mà Việt Nam tham gia.

Với những cống hiến hết mình trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, năm 1985, kỹ sư Trần Tuấn Thanh được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Trở thành “người Hà Nội”

Kỹ sư Trần Tuấn Thanh sinh trong một gia đình giàu lòng yêu nước ở thành phố Vinh.  Cụ thân sinh anh đã từng tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Tuấn Thanh học hết chương trình cấp III ở vùng tự do, là một trong những học sinh giỏi toán nhất Liên khu 4 hồi đó. Cũng như bao thanh niên khác, anh xung phong vào quân ngũ…

Trong một lần vui chuyện, tôi hỏi: “Anh ra Hà Nội khi nào?”. Anh bồi hồi kể, cũng như bao thanh niên học sinh liên khu 4 thời ấy, khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, họ đi bộ từ miền Trung ra Hà Nội chuẩn bị thi vào Đại học. Trần Tuấn Thanh có mặt tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 15/10/1954.  Biết bao lạ lẫm và e dè… nhất là được ngắm nhìn các thiếu nữ Hà thành tha thướt trong chiếc áo dài cách tân, thanh nữ bán hàng rong trên phố duyên dáng trong bộ áo dài nâu tứ thân… Nhưng anh cũng không được ở Hà Nội lâu. Sau đó, Bộ Quốc phòng lại gọi anh “tái ngũ”, về làm giáo viên văn hóa cho một trường bổ túc bộ đội ở Kiến An, cấp tốc giảng dạy kiến thức văn hóa cho nhiều cán bộ quân đội, trong đó có những người đã nổi tiếng như Anh hùng Nguyễn Quốc Trị.

Mãi đến 1956, Trần Tuấn Thanh mới được quay lại Hà Nội, vào học khoá 1 khoa Chế tạo máy, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, anh được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy.

Tôi hỏi chuyện vì sao anh trở thành con rể của một gia đình Hà Nội gốc? “Dân xứ Nghệ có cách dạy con không giống ai. Kể từ khi tôi ra Hà Nội thì tự bươn chải mà sống. Khi đang ở trọ tại một ngõ nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo, có một người cháu gọi bố vợ tôi là chú, quý tôi mà giới thiệu. Ông cụ gặp, nhìn mặt tôi mà quý và cho phép đến nhà. Nhưng điều quan trọng là phải để con gái cụ - nữ sinh Trưng Vương, xiêu lòng. Mình thân cô, thế cô, chỉ có một tấm lòng ngay thẳng. Cũng may, gia đình nhà vợ tôi là một gia đình nền nếp, gia giáo… lại rất cởi mở và cảm thông. Anh cả hơn tôi mấy tuổi, 19 tuổi đi bộ đội, đánh trận Điện Biên. Chị thứ hai cũng tham gia hoạt động ở nội thành. Gia đình sinh hoạt theo đúng nếp xưa nhưng cũng rất cởi mở, không thích rườm rà, rất trọng người, quý người…”, anh chia sẻ.

Cho đến hôm nay, nhiều đồng nghiệp của kỹ sư Trần Tuấn Thanh vẫn lắc đầu về cái tính “nói thẳng” của anh. Khen anh nhưng có người vẫn tiếc “giá mà anh mềm mỏng hơn”… Riêng tôi, vẫn thích cái đoạn anh đối thoại với ông chủ một hãng chế tạo máy Nhật Bản. Sang Việt Nam tìm đối tác cho việc mở nhà máy ở Việt Nam, gặp anh Thanh - Giám đốc Trung tâm cơ khí chính xác Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông người Nhật hỏi: Vì sao ông muốn làm việc với chúng tôi? - “Vì chúng tôi nghèo!”, anh Thanh trả lời. “Vậy nếu các ông giàu, thì làm với ai?” - “Chúng tôi sẽ làm với người Mỹ”. Đối đáp như vậy lại thuyết phục được nhà tư bản Nhật. Công ty của ông kết hợp với Trung tâm tổ chức đào tạo mấy lứa kỹ sư Bách khoa vừa ra trường, đưa đi Nhật thực tập… để là nguồn nhân lực cho các liên doanh với Nhật sau này. Những năm 1990, Trung tâm Cơ khí chính xác Đại học Bách khoa Hà Nội có một dàn máy tính hiện đại vào loại nhất bấy giờ, trong đó có loại máy dùng để “thiết kế” các chi tiết máy, các sản phẩm cơ khí… thuộc loại “quý hiếm” lúc đó.

Kỹ sư Trần Tuấn Thanh là một chuyên gia cơ khí có nhiều đóng góp cho đất nước. Bên cạnh  vinh dự là một người Việt Nam, ông còn có niềm tự hào là đã trở thành “người Hà Nội”... 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Vì sao phân khu Tài Lộc được ví như “mỏ vàng” trên đảo Vũ Yên?
    Nằm ngay cửa ngõ của Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, lại sở hữu nhiều lợi thế hiếm nơi nào có được, phân khu Tài Lộc được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn, hội tụ đầy đủ các yếu tố đầu tư sinh lời, kinh doanh thuận lợi.
  • Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực
    Mảng xuất khẩu của Vinamilk năm 2023 tăng về cả doanh thu và số thị trường, kết quả quí I/2024 dự báo tích cực. Bên cạnh sự đóng góp lớn từ các thị trường chủ lực truyền thống, nhiều thị trường mới đã được khai phá.
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện của một chuyên gia cơ khí hàng đầu Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO