Cầu nghỉ mát Canh Nậu

Minh Nhương| 08/06/2018 08:00

Trong tích chèo cổ Tấm Cám, đoạn chàng hoàng tử bâng khuâng trên đường về quê giỗ vợ (Tấm) hát câu: “Em ơi trăm quán nghìn cầu/ Chân đi bước mỏi dạ sầu khôn nguôi/ Làng quê đã tới nơi rồi…”. Đó là hình ảnh của những chiếc cầu nghỉ mát cho người lao động, quán dừng chân của khách bộ hành từ xa xưa. May thay, nay còn nguyên vẹn một chiếc cầu ở đầu làng Canh Nậu, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.

Cầu nghỉ mát Canh Nậu
 Mặt chính hướng vào làng Canh Nậu. Ảnh: Minh Nhương
Cầu nghỉ mát Canh Nậu xưa có tên là cầu Hóp, thuộc kẻ Núc, một vùng quê nông nghiệp thuần túy và sản xuất cày bừa. Ca dao cổ truyền rằng: “Mùng tám tháng tư có mưa, mẹ con kẻ Núc đi sớm về trưa mặc lòng”. Chiếc cầu hiện hữu đến ngày nay đã trải qua hàng mấy trăm năm, tọa lạc ở khu đất cao đầu làng. Nhìn từ xa cầu như một ngôi nhà truyền thống ba gian hai dĩ. Bốn mái uốn cong về bốn phía Nam - Bắc - Tây - Đông. Đến gần là ngôi nhà trống trải thoáng rộng đón gió bốn phương. Không có cửa, không có ban thờ, nền nhà theo tam cấp xây gạch Bát Tràng sạch sẽ. Đặc biệt có 12 cột bằng đá xanh nguyên khối. Hai cột giữa hình vuông, cột xung quanh hình tròn, tạo độ vững chắc cho chiếc cầu đã “Trơ gan cùng tuế nguyệt”. Một cây muỗm cổ thụ mấy người ôm, che mát cả sân và một phần mái ngói, ba cây đa đang độ đổi lá nảy chồi non… Khoảng sân rộng về phía làng đủ chỗ cho hàng trăm người hưởng trăng thanh gió mát. Chiếc cầu đã qua nhiều lần tu sửa, hàng cột đá vẫn đứng nguyên khớp với những mộng gỗ, phần mái dựng theo kiểu “Thượng gia hạ bẩy”. Hai cột đá chính giữa nổi bật câu đối cổ chữ khá đẹp, tạm dịch: 

“Bóng mát xưa và chiếc cầu để lại hàng trăm đời nay
Nền móng mới vững chắc cùng nhau lưu giữ ngàn năm sau”. 

Những chân cột đặt trên một cối đá úp bền vững, hai con chó đá bên cạnh canh giữ, tượng chó đá hơi giống mặt người, tư thế ngồi xổm sẵn sàng lao về phía trước, ngăn ngừa điều xấu, bảo vệ việc tốt lành. Ý thức của cổ nhân xây dựng và tu bổ cầu thật sâu sắc và nhân văn.

Cầu nghỉ mát Canh Nậu là nơi người dân nông nghiệp cổ truyền tránh nắng, trú mưa khi trời hè oi ả, lúc mưa giông. Họ dừng chân nghỉ ngơi chuyện trò uống bát nước chè xanh, ngụm nước vối mát lành. Khách bộ hành tạm dừng chân nghỉ ngơi lấy lại sức. Không gian ở đây như một chiếc “điều hòa” khổng lồ. Cảnh vật thơ mộng của hương đồng gió nội, lũy tre xanh, dòng mương phù sa tưới mát. Xa xa những tháp nhà thờ, những ngôi chùa cổ ngân nga tiếng chuông, cả vi vu tiếng diều sáo…

Cầu nghỉ mát Canh Nậu không có tín ngưỡng thờ cúng, chỉ có những ngày lễ hội trong làng các cụ vãi nấu cháo mang ra đổ vào những chiếc lá đa khoanh tròn cắm xuống thảm cỏ hoặc vãi một ít gạo cho những vong hồn chúng sinh, người không nơi thờ cúng. Đó cũng là nét nhân văn đáng trân trọng với những linh hồn bơ vơ.

Thời quân chủ, đây còn là nơi nghênh đón các sĩ tử lều chõng đi thi nơi kinh kỳ và đón rước quan trạng “Vinh quy bái tổ”. Kiểu như quán Nghinh Hương của xã Hương Ngải cách đó chừng 3km.

Thời chống Pháp, cầu là nơi liên lạc của cán bộ Việt Minh, dân quân du kích hoạt động bí mật, địa điểm tụ tập của dân chúng biểu tình giành chính quyền. Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước nơi đây diễn ra những buổi tiễn đưa con em ra tiền tuyến đánh giặc. Bộ phim truyền hình dài tập “Đất và người” đã lấy bối cảnh này để quay và rất thành công.

Ngày nay, cầu nghỉ mát Canh Nậu là “điểm nhấn” lý tưởng ở một làng quê đang xây dựng nông thôn mới của huyện Thạch Thất. Chiếc cầu trở thành những địa danh nối mạch nguồn “Chân – Thiện – Mỹ” tô đẹp cảnh quan của mảnh đất xứ Đoài yêu dấu. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đó, hi vọng di tích này sẽ sớm được TP. Hà Nội công nhận là Di tích văn hóa. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Triển lãm kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa
    Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), sáng 19/4/2024, đơn vị sẽ tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất” nhân kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).
  • Trường Tiểu học Nam Thành Công tổ chức mô hình điểm Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
    Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” là đợt sinh hoạt truyền thống lịch sử, nhằm tạo nên bầu không khí thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm sôi nổi trong toàn liên đội; qua đó biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
  • MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng trong năm 2024
    Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo MB đã chia sẻ những mục tiêu kinh doanh trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ngân hàng (04/11/1994 – 04/11/2024) cùng nhiều nội dung nổi bật khác.
Đừng bỏ lỡ
Cầu nghỉ mát Canh Nậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO