Cầu thủ Phạm Hải Yến Cô gái vàng của Hà Nội

Nguyễn Đăng Chung| 11/09/2020 21:38

Phút 92 trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30 với Thái Lan, từ tình huống tạt bóng bên cánh trái, Hải Yến băng vào với pha đánh đầu dũng mãnh, bóng bay tung lưới thủ thành người Thái. Bàn thắng quý như vàng của cô gái mang áo số 12 đã đem về tấm Huy chương Vàng cao quý, đồng thời đưa Đội tuyển nữ Việt Nam lần thứ 6 lên ngôi ở khu vực, góp phần làm nên một mùa SEA Games đại thành công của thể thao Việt Nam...

Cầu thủ Phạm Hải Yến Cô gái vàng của Hà Nội
Hải Yến bên tấm huy chương Vàng cao quý của SEA Games 30.

Tuổi thơ gian khó

Phạm Hải Yến sinh ngày 9/11/1994 ở thôn Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên, huyện thường Tín, TP. Hà Nội), trong một gia đình có hai chị em, bố mẹ làm nông nghiệp nghèo khó. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dường như định mệnh đã đưa đẩy Hải Yến đến với trái bóng. Bởi từ sân làng Nghiêm Xá, ông thầy Dương Khắc Kiểm - “người đặc biệt” của những học trò nơi đây đã dẫn lối cho Hải Yến bước vào con đường cầu thủ. 

Bố của Hải Yến ông Phạm Văn Mười nhớ lại: “Yến sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn không được như nhiều đứa trẻ bây giờ. Cô chỉ nặng 2,8kg lúc chào đời nên người nhỏ, da bụng mỏng như xuyên đến ruột. Hơn nữa, mẹ không có sữa nên toàn phải ăn sữa ngoài. Yến trước hay ho lắm, phải uống nhiều thuốc. Nhưng con rất mạnh mẽ, thuốc gì cũng nhai nuốt được hết…”.

Hải Yến lên 4 tuổi, ngày đó phong trào bóng đá nữ ở Nghiêm Xá phát triển khá mạnh. Tại đây có một đội bóng đá nữ do ông Dương Khắc Kiểm huấn luyện. Ngày nào, Hải Yến cũng ra sân vận động cách nhà 100 - 200m học theo thầy Kiểm dạy các chị lớn. Hải Yến lên lớp 4 thì trường cấp 2 (THCS Nghiêm Xuyên) tổ chức bóng đá nữ, Hải Yến đã được ưu tiên tham gia cùng những anh chị lớn. 

Thời gian đầu thấy con ham mê bóng đá, vợ chồng ông Mười đã quyết định ngăn cản vì bộ môn này rất vất vả, hơn nữa gia đình lại khó khăn. Ông khuyên con ở nhà cắt cỏ cho cá đỡ đần bố mẹ rồi chịu khó học hành cho đến nơi đến chốn. Tuy nhiên vì ham mê bóng đá nên cứ trưa đến Yến tranh thủ đi cắt cỏ, thậm chí đi bắt cua về bán rồi chiều đến lại ra sân vận động học bóng đá. 

Ngày nào cũng vậy, cô bé Yến đã biết cách vừa giúp đỡ bố mẹ, lại vừa có thể thực hiện niềm đam mê của mình. Sau này thấy con ham mê quá, cứ tranh thủ giữa trưa nắng nôi đi cắt cỏ, bắt cua để có thời gian chiều tập bóng, ông Mười đã quyết định cho con toàn tâm toàn ý với sở thích này.

Đi tìm khát vọng

Năm 2008, Hải Yến đang học lớp 9 thì tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) tuyển chọn cầu thủ bóng đá. Sau khi được thầy Kiểm giới thiệu, Yến đã thi đỗ và bắt đầu cuộc sống tự lập theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Cuộc sống xa gia đình Yến phải một mình lo liệu rất nhiều dù chỉ mới có 13 tuổi. “Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù được trợ cấp mấy trăm nghìn mỗi tháng nhưng chỉ khi nào không xoay xở được tiền sinh hoạt em mới xin bố mẹ để thêm tiền đóng học, điện nước ở trường…” - Hải Yến cho biết.

Mảnh mai, trắng trẻo và xinh xắn, đó không phải là những từ ngữ dùng để mô tả một nữ cầu thủ. Tuy nhiên Hải Yến lại là một người như thế. Và trái ngược với vẻ ngoài rất nữ tính ấy là hình ảnh một nữ cầu thủ thực sự mạnh mẽ, quyết liệt và đầy cá tính. Kể từ khi lên đội I của Hà Nội, Hải Yến luôn chứng minh được năng lực của mình. Tiền đạo có chiều cao 1m62 này chơi không tốn sức nhưng hiệu quả, đặc biệt là sở hữu khả năng di chuyển, chọn vị trí và ghi bàn cũng như chơi tốt luôn trong vai trò tổ chức. Chẳng có gì lạ khi cô luôn là chân sút hàng đầu của đội bóng nữ Hà Nội I tại giải vô địch quốc gia.

Hải Yến được ví như “cánh én nhỏ” của đội tuyển nữ Việt Nam, bởi dù vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng cô gái này lại mang trong mình một ý chí chiến đấu đầy mạnh mẽ. Cô gái trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Hà Nội, gây ấn tượng với người hâm mộ bằng lối chơi thông minh, sáng tạo và kỹ năng đi bóng ấn tượng. Năm 2019 có thể xem là năm ấn tượng của Hải Yến khi cô có nhiều đóng góp vào vị trí á quân của CLB Hà Nội ở giải vô địch quốc gia với 17 bàn thắng, giành luôn giải vua phá lưới. Ở cấp độ đội tuyển, Hải Yến cũng góp công không nhỏ trong chức vô địch Đông Nam Á 2019 với 6 pha lập công.

Chia sẻ về quan niệm sống của mình, Hải Yến cho biết cô luôn “Sống hết mình và cháy với đam mê”. Nữ tuyển thủ người Hà Nội nói thêm, nếu có đam mê thì sẽ có động lực, có mục tiêu để thúc giục bản thân cần nỗ lực hơn nữa. Trong cuộc sống thì gia đình, bạn bè đồng nghiệp và bóng đá chính là ba điều quan trọng nhất với Hải Yến. “Gia đình luôn là điểm tựa tinh thần để em theo đuổi đam mê. Còn bóng đá là lẽ sống, bởi niềm mơ ước lớn nhất chính là được trở thành một thành viên của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, được góp sức của mình để đem vinh quang về cho Tổ quốc…”, Hải Yến nhấn mạnh.

Tấm gương sáng

Trở lại với trận chung kết SEA Games 30 gặp tuyển nữ Thái Lan (8/12/2029), Hai đội khi đó đang cùng có thành tích 5 lần vô địch giải đấu này, do đó nếu thắng trận này một trong 2 đội sẽ lần thứ 6 lên ngôi Hậu. Đặc biệt, nữ Việt Nam sẽ bảo vệ thành công chức vô địch của mình. Vào sân ở phút 63 thay cho Nguyễn Thị Vạn, Hải Yến thi đấu tập trung, quyết tâm và cống hiến hết mình. Tuy nhiên, thời gian trận đấu trôi dần về những phút cuối mà không có bàn thắng nào được ghi cho cả 2 đội. 

Bước vào 2 hiệp phụ với thể lực bị bào mòn khiến nhiều vị trí của cả 2 đội đã xuống sức, bị chuột rút và liên tục phải nằm ra sân. Tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi của tất cả các cầu thủ, trong đó những hình ảnh về thủ môn Kim Thanh, Chương Thị Kiều với những bước chân tập tễnh; những pha đi bóng quyết tâm của Huỳnh Như, Hải Yến, Bích Thùy, Tuyết Dung... khiến hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá Việt Nam không khỏi xúc động.

Đúng lúc khó khăn nhất, phút 92 của hiệp phụ thứ nhất, từ pha đá phạt của Tuyết Dung, bóng được số 17 của nữ Thái Lan phá ra, nhanh như cắt Hải Yến băng vào đánh đầu dũng mãnh, bóng bay vào lưới với sự tuyệt vọng của thủ thành người Thái, cả sân Binan (Philippines) vỡ òa cảm xúc, hàng triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam ở quê nhà vui sướng. Tỉ số 1 - 0 được giữ cho đến hết 120 phút. Chung cuộc đội tuyển nữ Việt Nam chính thức bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games 30. 

Nhớ lại những ngày thi đấu SEA Games 30 của con gái, ông Phạm Văn Mười và bà Phạm Thị Phương cho biết, nhìn thấy con trưởng thành, nhìn thấy những vinh quang, tự hào con gái mang về cho bố mẹ và cho đất nước, ông bà lại rớm nước mắt vì xót… “Trong trận chung kết SEA Games 30 vừa rồi, nhìn con đau nằm lăn trên sân vợ chồng tôi rơi nước mắt vì thương con...”, ông Mười tâm sự. 

Nói về câu nói của Yến sau khi giành HCV “Thành công này em muốn dành tặng cho bà ngoại của em. Bà đã mất mà em không kịp về”, ông Mười tâm sự, bà là người gắn bó với Yến từ tấm bé. Khi bà mất cũng là lúc Yến vừa tập huấn ở Nhật về và đang chuẩn bị cho SEA Games, không thể về được nên Yến đã rất buồn. Dường như hiểu được tâm lý của con ảnh hưởng vì bà mất nên trước trận đấu chung kết với Thái Lan ông đã gọi điện động viên. Và đúng như những gì ông dự đoán, mong đợi, Yến đã làm nên chiến thắng cho đội tuyển nữ Việt Nam.

“Hải Yến vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Thường Tín… khen thưởng. Người dân Nghiêm Xuyên tự hào về người con quê hương Phạm Hải Yến. Với đức tính chăm ngoan, vươn lên trong thi đấu và học tập, Phạm Hải Yến là tấm gương sáng để thế trẻ Nghiêm Xuyên học tập và noi theo…” - Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Hoàng Xuân Hữu chia sẻ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cầu thủ Phạm Hải Yến Cô gái vàng của Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO