Chỉ còn là ký ức ?

Trần Thúy Lành| 17/05/2019 08:17

Dì Loan hơn hẳn mẹ tôi: xinh đẹp hơn, giàu có hơn và cũng thành đạt hơn. Kém mẹ hai tuổi nhưng nhìn dì trẻ hơn đến chục tuổi.

Chỉ còn là ký ức ?
Minh họa của vũ khánh

Dì Loan hơn hẳn mẹ tôi: xinh đẹp hơn, giàu có hơn và cũng thành đạt hơn. Kém mẹ hai tuổi nhưng nhìn dì trẻ hơn đến chục tuổi. Dì lấy chồng Hà Nội, ở biệt thự ba tầng, ba lần cổng khóa. Chồng dì làm cán bộ cấp quận, còn dì làm trưởng phòng một công ty liên doanh với nước ngoài chuyên sản xuất mỹ phẩm. Hai đứa con: một trai, một gái đẹp như người mẫu, diện ngất trời. Mẹ tôi làm giáo viên, bố tôi làm giáo viên, chị tôi cũng giáo viên nốt. Nhà thì bé tí tẹo nằm lọt thỏm giữa khu tập thể của trường học, bao nhiêu năm rồi cũng không có gì đổi khác. Mỗi lần về thăm, dì áy náy lắm. Thấy tôi xinh xắn, nhanh nhẹn, lại học Đại học Luật nên dì năn nỉ bố mẹ tôi đồng ý để dì xin việc cho tôi ở Hà Nội. Thật tình bố mẹ tôi chẳng mong gì hơn thế và tham vọng lớn nhất của tôi trong những năm học đại học cũng chỉ có vậy.

Nhưng Việt muốn tôi về quê. Tôi biết hoàn cảnh nhà anh cũng như nhà tôi, không thể xin việc và mua nhà cho con ở thành phố được. Tôi và anh đều được bằng khá, lại có thêm bằng Anh văn và vi tính nữa nhưng cả huyện cũng chỉ có một phòng tư pháp thôi, cùng lắm họ chỉ nhận một người. Tôi không muốn anh thất nghiệp, lại càng không muốn mình bị thất nghiệp. Tình cảm giữa chúng tôi chưa có gì sâu sắc lắm, cứ dần dần chuyển từ tình bạn sang tình yêu. Và để nhận được lương 100 đô mỗi tháng tôi sẽ phải hy sinh cái mà người ta gọi là “mối tình đầu” ấy. Việt không nói lời chia tay, tôi cũng không nói lời chia tay nhưng dường như ai cũng hiểu được điều đó. Mẹ tôi an ủi:

- Thôi con ạ! Cái duyên cái số mà.
Ra trường, tôi không còn cớ là ở ký túc xá để trao đổi bài vở cho tiện nữa. Dì Loan bắt tôi về ở nhà dì bằng được:

- Nếu không thì đừng có dì cháu nữa, nghe không?
Bố mẹ tôi phải động viên mãi:

- Con ạ! Ở nhà dì cũng như ở nhà mình. Đừng ngại!
Tôi không dám phản đối mặc dù chẳng ở đâu như nhà mình cả. Được cái tính dì Loan vô tư, thoải mái chứ không nghiêm khắc quá mức và cổ hủ như mẹ tôi: “Con gái phải dịu dàng”, “Con gái phải giỏi nữ công gia chánh”, “Con gái phải ý tứ”, “Con gái không được đi chơi tối”... nhất nhất con gái phải thế này, con gái phải thế kia. Dì Loan thì không: “Cháu thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, cứ tự do nhé. Dì thích thế”. Tôi cũng thấy dễ chịu phần nào.

Chú Phương, chồng dì thì bận đi công tác suốt, thỉnh thoảng mới có mặt ở nhà. Tôi cũng không dám hỏi chú đi đâu. Tú Anh bằng tuổi tôi, vừa học kinh tế xong, muốn ăn chơi xả láng chứ chưa muốn đi làm ngay. Nga đang học năm thứ hai nhạc viện, hôm nào cũng đi từ sáng đến tối. Dì Loan bảo: “Hôm nào cũng vậy. Ăn sáng thì ra phố. Trưa gặp đâu ăn đấy. Tối về mệt quá lại kéo nhau đi nhà hàng, cơm hộp, phở... Ai hơi đâu mà nấu. Nhà dì thế đấy. Gắng quen dần đi Lan ạ!”. Tôi: “Vâng ạ!”, nhưng không nỡ để cả nhà ăn cơm ba bữa ở đường nên buổi chiều đi làm về rẽ qua chợ mua đồ về nấu, chế biến các món thật ngon. Bữa đầu tiên Tú Anh và Nga thích lắm. Hai đứa đánh chén say sưa chẳng cần bận tâm đến ai. Dì Loan mắng:

- Từ từ thôi! Mẹ có bắt chúng mày nhịn đâu mà như con nhà chết đói thế.
Tú Anh phùng má trợn mắt:
- Mẹ có bao giờ nấu ăn như thế này đâu.
Mặt dì tối sầm lại:

- Ai đi làm cho tôi?
Chú Phương lừ Tú Anh:
- Ăn đi!
Rồi chú quay sang tôi nói đùa:

- Cháu Lan khéo tay thật. Đủ tiêu chuẩn làm dâu Hà Nội rồi đấy.
Nga hào hứng:
- Để em giới thiệu cho. Đẹp trai này! Sành điệu này. Ga lăng lắm...
- Thôi đi! - Tú Anh cắt ngang - Bạn trai của cô toàn dân nghệ sĩ, lăng nhăng bỏ xừ!
Chú Phương can:

- Thôi! Chuyện đó tính sau.
Dì Loan buông đũa bát trước cả nhà. Tôi mời dì ăn thêm nhưng dì lắc đầu. Ba bố con chú Phương im lặng. Dì ăn ít không biết vì tức giận hay giữ eo. Trông dì cũng eo ót thật. Bốn nhăm tuổi mà người như con gái.
Từ hôm sau dì Loan đưa tiền chợ cho tôi:

- Cháu thích thì nấu, bao giờ chán thì thôi!
Thế là dù đi làm về mệt tôi vẫn nấu bữa tối thật chu đáo. Chỉ tiếc là rất ít bữa đông đủ cả nhà. Hôm thì chú Phương đi họp xa, hôm thì dì Loan được mời đi nhà hàng, hôm thì Nga hoặc Tú Anh tụ tập bạn bè. Chỉ mình tôi không bữa nào vắng mặt cả. Có hôm tôi chờ cơm đến nguội ngắt và phải ngồi ăn một mình. Ngồi nhấm nháp từng hạt cơm và nhìn bàn thức ăn ngồn ngộn, lại tưởng tượng ở nhà có bố, có mẹ, có chị Liên với một đĩa cá kho và một bát rau luộc chấm nước cáy, ngon sao là ngon. Nhớ lại những bữa cơm ở ký túc xá chỉ hết mươi nghìn nhưng ồn ào và vui vẻ mà ứa nước mắt.
Đột nhiên Việt gọi điện khoe:

- Anh xin được việc rồi. Làm ở phòng tư pháp. Lương chỉ hơn hai triệu thôi.
Tim tôi đập loạn lên nhưng cố lấy giọng bình thản nhất trên đời:

- Vậy à? Thế là may rồi. Bọn lớp mình thất nghiệp đầy anh ạ!
- Còn em?
Tôi lưỡng lự nhưng cũng nói thật:

- Em làm nhân viên bán mỹ phẩm ở cửa hàng giao dịch với công ty của dì em.
Giọng Việt buồn buồn:

- Thế là em không làm đúng chuyên ngành rồi. Anh cứ tưởng...
Tôi nói vội:

- Chỉ tạm thời thôi! - Không dám nói rằng: Nhưng mà lương của em bằng cả lương của bố em, mẹ em và chị em cộng lại đấy.
Thế là tôi lại mất một đêm thức trắng để nghĩ về mối tình đầu.
***
Càng ngày tôi càng nhận thấy dì Loan rất lạ. Dì thường đi làm một mạch từ sáng đến khuya mới về. Thấy tôi ngồi chờ ở phòng khách, dì hất hàm:

- Chưa ngủ à?
Rồi không kịp nghe tôi trả lời, dì hấp tấp leo vội lên gác. Mùi nước hoa ngào ngạt vương lại khiến tôi phải chun mũi. Tôi cố nghĩ dì đang ở tuổi hồi xuân nên ăn diện và làm đẹp cũng là chuyện thường tình, nhưng dì đi đâu vào những buổi tối thì tôi chưa có dịp hỏi.

Mẹ đi thì con cũng đi. Tú Anh và Nga hiếm có tối nào chịu ở nhà. Tốt lắm thì Nga rẽ về ăn cơm với tôi và Tú Anh rồi vội vã thay đồ, trang điểm. đi. Dạo đầu nó còn nói lại với tôi một câu: “Em đi sinh nhật bạn chị Lan nhé!”, “Em đi biểu diễn ở quán ca nhạc đây”, “Em đi xem phim ở rạp quốc gia”... Về sau chỉ cụt lủn: “Em đi đây”. Tôi chỉ biểt: “Ừ!” vì tôi chẳng có quyền gì cả. Thấy tôi thui thủi ở nhà, Tú Anh rủ:

- Chị Lan có biết nhảy không? Đến vũ trường với em đi! 
Trời ơi! Tôi có biết nhảy nhót gì đâu. Rủ thế thì thà nó bảo: “Thôi! Chị ở nhà để em đi vũ trường” cho xong. Thường thì hôm nào hai đứa cũng về trước mẹ nên chưa có chuyện gì xảy ra.
Một tối bỗng dì Loan về nhà sớm:

- Chúng nó đâu cả rồi?
Tôi biết Tú Anh đến vũ trường, còn Nga thì người yêu đến đón đi chơi nhưng chỉ trả lời:
- Cháu không rõ dì ạ!
Thế là dì hầm hầm giận dữ, quẳng túi xách lên mặt bàn đi ra đi vào. Tôi dè dặt:

- Đáng lẽ dì không nên đi nhiều như thế. Nhỡ chú Phương mà biết...
- Biết gì? Ông ấy cứ đi suốt, làm toàn những việc có trời biết. Không khéo bồ bịch gái gú đầy. Suốt ngày ở nhà, dì làm sao mà chịu được.

- Nhưng cả chú và dì đều đi vắng nên hai em mới thế.
- Được rồi! Chúng nó về dì sẽ cho một trận.

Dì Loan cho Tú Anh và Nga “một trận” thật. Dì mắng sa sả một thôi một hồi rồi ra lệnh:

- Từ mai, ở nhà hết. Thằng Tú Anh thích nhảy thì bật đài lên mà nhảy. Còn con Nga, yêu đương mẹ không cấm nhưng ngồi ở phòng khách nói chuyện đàng hoàng, hiểu không?

Nói xong dì bỏ đi nằm. Hai đứa hậm hực nhìn tôi làm như tôi là người tố cáo mọi chuyện không bằng. Tôi thấy ưng ức ở cổ nhưng cứ ngồi im lặng. Giá đây là ở nhà thì tôi đã khóc òa lên rồi.

Những hôm sau đó, dì Loan vẫn không có nhà vào buổi tối nhưng chẳng đứa nào dám đi chơi nữa. Hứng lên, Tú Anh lại bật đài, đủ các loại nhạc rock, rap và nhảy thình thình trên tầng ba. Tôi ở tầng hai, ung hết cả đầu nên lò dò leo cầu thang xuống tầng một. Chợt sững lại vì bắt gặp Nga và một gã con trai đang ôm hôn nhau ở phòng khách. Ngượng quá, đành chui tọt vào nhà vệ sinh. 

Đùng một cái chú Phương có lệnh tạm bắt giữ của công an. Nhà dì loạn hết cả lên, ai cũng chạy chỗ này, chạy chỗ kia để nhờ người quen giúp đỡ nhưng về nhà là không buồn nhìn mặt nhau. Tôi thấy nặng nề quá, thỉnh thoảng lại hỏi:
- Hay là chú bị oan?

Thường thì dì không trả lời nhưng thấy tôi hỏi nhiều quá, dì gắt lên:

- Oan gì mà oan! Tiền đâu mà sắm mỗi người một chiếc xe máy. Tiện nghi trong nhà cháu thấy còn thiếu gì không?
Tôi nín bặt.

Chú Phương bị xử tù giam 5 năm vì tội tham ô. Dì Loan mất đến gần trăm triệu tiền đền bù và chạy chọt rồi lăn ra ốm. Nga khóc sưng cả mắt lên, còn Tú Anh đi đua xe vào đêm Noel bị gãy chân phải vào viện bó bột. Dì tru tréo:

- Thế này thì các người giết tôi đi. Giời ơi là giời!
Tôi đóng chặt cửa phòng, ngồi bó gối trong một cảm giác lo sợ rất mơ hồ.
 ***
Tôi rủ Nga đi thăm bố, con bé khất lần:

- Chị đi trước đi. Hôm khác em đi sau.
Thế rồi, người yêu nó đến, nó nhảy tót lên sau xe và hai đứa phóng vù đi. Trong tôi trào lên nỗi buồn không tả nổi.
Tôi mang chút hoa quả vào trại giam. Chú Phương ngạc nhiên:

- Cháu đi một mình à?
Tôi lặng lẽ gật đầu. Mới có hai tuần mà trông chú gầy xọp và già hơn rất nhiều.
Tôi buột miệng:

- Có phải chú bị oan không?
Chú cười chua chát:

- Đời người ta cũng có lúc lên voi, lúc xuống chó cháu ạ! Biết rõ làm gì, đau đầu lắm.
Tôi lặng lẽ quay về, bắt gặp một người đàn ông đứng tuổi lạ hoắc từ trong nhà đi ra rất vội vàng. Tôi không chào, chạy một mạch lên gác:

- Dì! Nhà mình vừa có khách hay... trộm?
Dì đang ngồi trước gương, không quay lại:

- Khách đấy!
Nga bị người yêu đá, phủ phục trên giường khóc tấm tức, không chịu ăn cơm. 
Tôi phải dỗ mãi nó mới chịu dậy đòi ăn phở. Vừa ăn Nga vừa không ngớt nguyền rủa:
- Bọn đàn ông đểu giả. Em sẽ trả thù cho mà xem. Trời sẽ quả báo...

Tôi thấy buồn cười, nhớ lại lần nó đòi làm mối con trai Hà Nội cho tôi. Thế mà bây giờ tôi vẫn cô đơn. 
Giáp Tết, phố phường Hà Nội tấp nập vô cùng. Mọi người đua nhau sắm sanh. Dì Loan không hề đả động chuyện mua bán. Tú Anh nằm lì trên giường không chịu tập đi. Nga vắng nhà suốt, nói là biểu diễn hát hò gì đấy. Nhà dì im ỉm suốt ngày. Tôi đã quá mệt mỏi, người rộc đi. Quần áo bắt đầu lỏng lẻo như đồ đi mượn. Không ai phát hiện ra và cũng chẳng ai nói chuyện gì với tôi cả.

Lĩnh tháng lương cuối cùng của năm, tôi đem hết đi sắm Tết cho nhà dì, còn bao nhiêu thì mua quà cho chú Phương, cho bố mẹ và chị Liên ở nhà. Dì không vui:

- Mua làm gì. Bụng dạ nào mà ăn Tết nữa.
- Thì cũng phải cúng ông bà tổ tiên chứ dì!
Mẹ gọi điện hỏi xem hôm nào tôi sẽ về:
- Để thằng Việt còn biết đường ra đón con.
Tôi giãy nảy lên:

- Đừng, mẹ!
Chẳng biết mẹ có nói gì với anh không. Đã chẳng là gì của nhau thì đưa đón làm gì cho khó nghĩ.
Tôi phải bán hàng đến tận 30 Tết mới được nghỉ. Xin phép dì Loan về quê, dì gật đầu. Tú Anh và Nga cũng không níu giữ. Chuyến tàu chiều cuối năm không đông lắm. Tôi ngồi cạnh cửa sổ và nhìn ra bên ngoài. Thành phố phồn hoa đô hội xa dần. Chẳng biết Việt có chờ đón tôi không? Hay tất cả chỉ còn là ký ức?
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chỉ còn là ký ức ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO