Chính sách 'khoan giản an lạc' trong 'Tam Khúc chúa'

Miên Thảo| 11/01/2021 11:48

Tối ngày 19/12/2020, vở tuồng “Tam Khúc chúa” sẽ được Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn tại rạp Hồng Hà, 51A Đường Thành, Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là dịp để khán giả Thủ đô được đắm mình trong câu chuyện lịch sử cùng chính sách “khoan giản an lạc” của ba vị chúa họ Khúc cách đây hơn 1000 năm.

Chính sách
Vở tuồng “Tam Khúc chúa” không chỉ ngợi ca công lao đặt viên gạch tự chủ đầu tiên mà còn làm sáng rõ chính sách đối ngoại “khoan giản an lạc” của ba vị chúa họ Khúc. Ảnh: HT

Là vở diễn sân khấu đầu tiên kể về 23 năm tự chủ của họ Khúc (905 - 938), trong đêm biểu diễn tổng duyệt mới đây, vở tuồng “Tam Khúc chúa” (kịch bản được Lê Thế Song chuyển thể từ tiểu thuyết “Khúc gia trang dậy sóng trời Nam” của TS Khúc Minh Tuấn, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) đã đem đến cho khán giả hôm nay nhiều cảm xúc lắng đọng. Đó là một Khúc tiên chúa - hào phú Khúc Thừa Dụ ở Hồng Châu (nay là Hải Dương) sống khoan hòa, thương người nên được nhiều người kính phục và suy tôn là Tiết độ sứ cai trị Giao Châu nhân khi trong châu có loạn. Chỉ bằng một lát cắt, Khúc tiên chúa hiện lên thật nhân từ, được dân chúng trong vùng kính trọng, tin yêu cùng theo về làm ăn sinh sống. Không chỉ thế, vở diễn còn làm sáng tỏ khát vọng tự chủ của Khúc tiên chúa khi dành phân cảnh dài hơn 10 phút bộc bạch nỗi lòng lúc ông nhận tấm áo gia phong chức Đồng bình Chương sự của nhà Đường. Từ ẩn dụ sân khấu mà đạo diễn khéo léo sắp đặt, khán giả được thấy Khúc tiên chúa trăn trở cùng khát vọng: “Ta muốn người Việt được mặc áo của chính mình” để “Giao Châu tự chủ”.

Khát vọng mãnh liệt là thế nhưng vì ở buổi đầu tự chủ và hiểu được nội lực của mình, Khúc tiên chúa luôn dùng chính sách đối ngoại  “khoan giả an lạc”, không thích gây hấn được thể hiện ở không ít tình tiết: Khúc tiên chúa dùng kế hoãn binh hay ôn hòa đứng tiếp nhận chiếu chỉ phong chức của nhà Đường… 

Chính sách “khoan giản an lạc” này của Khúc tiên chúa được người con Khúc Hạo - Khúc trung chúa tiếp nối để có thể giữ vững sự tự chủ của Giao Châu. Như khi Khúc Hạo thay cha cai quản Giao Châu, một mặt ông tích cực khoan giản sức dân, cải cách hành chính mặt khác ông thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, trung lập trước hai nước Nam Hán và Hậu Lương. Điểm nhấn trong chính sách này là lúc ông phải lựa chọn việc cử con trai duy nhất Khúc Thừa Mỹ đi sứ với bề ngoài để “kết mối hòa hiếu” nhưng bề trong là xem xét tình hình hư thực của địch.

Dẫu bên ngoài tỏ vẻ mềm mỏng nhưng kỳ thực bề trong ba vị chúa họ Khúc vẫn tích cực tăng cường binh lực, hậu cần để tự chủ mọi quyết sách cũng như chờ cơ hội phản công… Và, tinh thần đó luôn ngời sáng nên ngay cả khi bị uy hiếp không chỉ Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ không chịu quỳ gối khuất phục mà cả những người con gái liễu yếu đào tơ như nàng Khúc Thị Ngọc (con gái Khúc Thừa Dụ), nàng Yến Nhi (vợ Khúc Thừa Mỹ) cũng quyết xả thân vì giang sơn. Tinh thần này được đặc biệt nhấn mạnh vào lớp diễn Khúc Thừa Mỹ đi sứ. Đó là, thay vì cống nạp châu báu, ngọc ngà, Khúc Thừa Mỹ đã cống nạp vũ điệu múa guốc mang hình thái múa cùng âm hưởng âm nhạc của múa xoan thuần Việt. 

“Qua nghiên cứu tài liệu sử sách, tôi đọc được nhiều chi tiết thể hiện tinh thần tự chủ của ba vị chúa họ Khúc. Như chi tiết Khúc tiên chủ nhận áo phong quan của nhà Đường song ông chỉ treo ngoài cửa được TS. Khúc Minh Tuấn viết trong tiểu thuyết “Khúc gia trang dậy sóng trời Nam”. Hay chi tiết Khúc Hạo múa võ, hát xoan đón sứ giả, được một số sách ghi… Từ những chi tiết rất đắt giá ấy tôi dành nhiều tâm sức để sáng tạo các lớp diễn làm sao nổi bật được khát vọng tự chủ của các vị chúa” - Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.  

Thưởng thức đêm công diễn, tác giả Hoàng Thanh Du đã đánh giá cao cách kể chuyện vừa đậm nghệ thuật tuồng truyền thống vừa sáng tạo, tươi mới của đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai. “Với “chiêu” múa guốc mộc,  rồi cách xử lý khi Khúc Hạo hấp hối mơ gặp cha và em về đón rất hiện đại hay nàng Yến Nhi bơi trên sông về với quê hương... đẩy người xem vỡ òa cảm xúc...” - tác giả Hoàng Thanh Du nhận xét.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, sau buổi công diễn đến khán giả Hà Nội, vở tuồng “Tam Khúc chúa” sẽ tiếp tục biểu diễn tại đền thờ Khúc Thừa Dụ ở Kiến Quốc, Ninh Giang, Hải Dương theo lời mời của Hội đồng gia tộc họ Khúc vào tối ngày 25/12/2020. “Lần đầu tiên nhà hát dàn dựng vở diễn có yếu tố xã hội hóa rất hiệu quả. Dự kiến vở diễn còn đến với khán giả nhiều tỉnh thành như Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên…” - ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chính sách 'khoan giản an lạc' trong 'Tam Khúc chúa'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO