Chợ và hương vị Tết Hà Nội

Song Hà| 04/02/2019 12:18

Chợ và hương vị Tết Hà Nội.

Chợ và hương vị Tết Hà Nội
Chợ xưa được họp quanh hồ Gươm (Ảnh tư liệu)
Đi chợ Tết

Hà Nội xưa được gọi là Kẻ Chợ (danh từ Kẻ Chợ vốn dùng để gọi bất cứ thành thị nào, vì “kẻ” là một từ cổ, mà một trong những nghĩa là nơi, chốn, vùng). Đi chợ Tết là bước chuẩn bị cho cái sự ăn sự uống trong ba ngày Tết. Ngày trước trong các gia đình có người vợ đảm đương thì họ đi chợ Tết từ đầu tháng Chạp “Người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ đi chợ để bắt đầu mua các thứ đồ nấu cất sẵn ở một chỗ vì sợ để đến rằm tháng Chạp mới mua thì đã kém ngon mà lại đắt” (Vũ Bằng - Thương nhớ mười hai). Cái sự đi chợ Tết bây giờ dĩ nhiên khác trước vì “dịch vụ xã hội”, “thương mại điện tử” khiến cho nhà nhà không phải lo tích trữ mọi thứ như ngày trước. Hệ thống siêu thị, phương thức bán hàng qua điện thoại, qua mạng đã giúp các “nội tướng” tốn ít thời gian hơn cho chuyện chợ búa ngày Tết.

Nhưng đi chợ Tết rất có thể vẫn là một thú vui không dễ bỏ. Là vì trong đời sống xã hội hễ có người là có chợ. Chợ là bộ mặt đời sống kinh tế - văn hóa của một vùng, là cái “nhiệt kế thị trường” nhìn vào đó sẽ thấy tăng trưởng hay khủng hoảng. Hà Nội không thiếu chợ, nhiều là đằng khác. Theo quan sát của nhà văn Tô Hoài thì trước tháng 12/1995, Hà Nội có tất cả 135 chợ (chưa kể loại “chợ xanh”, “chợ cóc”...). Hà Nội có rất nhiều chợ nổi tiếng như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Bưởi, chợ Cửa Nam... Nhưng có lẽ điển hình nhất là chợ Đồng Xuân. Thạch Lam gọi chợ Đồng Xuân là “cái bụng của thành phố”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quốc Vượng có lí do khi  viết “chợ Đồng Xuân là biểu tượng của văn hoá ẩm thực Hà Nội cũng như chợ Đông Ba là biểu tượng văn hóa ẩm thực Huế, chợ Bến Thành là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Sài Gòn...”.

Nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) vì nhiệm vụ của tổ chức cách mạng giao phó mà phải “sắm vai” di cư vào miền Nam, sống và viết văn, làm báo để tạo vỏ bọc hoạt động tình báo. Người đã khôn nguôi nỗi niềm “thương nhớ mười hai” và rạo rực khi nhớ về “miếng ngon Hà Nội”. Nhà văn nhớ đến chợ Đồng Xuân “Ôi nhớ biết mấy, cảm biết mấy! Tả làm sao được những cảm giác nhẹ nhàng và tế nhị của những buổi sáng chủ nhật lên chợ Đồng Xuân (...) - Thật là “trên thì trời, dưới thì hàng quà” (Miếng ngon Hà Nội).

Đi chợ Tết không có nghĩa chỉ là đi sắm, đi mua sản vật lương thực, thực phẩm mà còn đi mua câu đối, xin chữ và đi chợ hoa. Bây giờ thì chợ hoa tràn ra khắp Hà Nội không chỉ 36 phố phường mà cả trăm, chợ hoa có mặt khắp mọi nơi. Còn ngày trước đi chợ hoa Tết là đến đúng chỗ quy định. Người nào có tiền và sành điệu thì lên Nhật Tân mua đào, lên Quảng Bá mua hoa tươi. Hà Nội có một “con đường đào quất” từ Nghi Tàm, Quảng Bá, Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng... Trong nội đô thì hoa và đào, quất được bán ở các phố cũ, xoay xoay quanh chợ Đồng Xuân. Gần đây người Hà Nội thích chơi mai vàng của miền Nam (nhưng giá khá mắc). Lại có người thích hoa giấy vì chơi được lâu và cũng đẹp, cũng “bắt mắt” chẳng kém gì hoa thật. Cũng có khi ngẫu hứng, ta đi chợ Tết mà chẳng mua bán gì, chỉ để ngắm nhìn thiên hạ hồ hởi, hân hoan đi sắm Tết mà thôi. Nhìn người khác sung sướng cũng là một niềm vui sướng của con người ta.
Hương vị Tết

Bây giờ hình như người Hà Nội “tạp” hơn trong ẩm thực. Những hình ảnh đẹp về Tết “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” xem ra cũng nhạt nhòa dần vì nhiều lẽ. Trước hết, bánh chưng bây giờ đa số các gia đình đặt mua ngoài hàng (một đến vài cặp để thắp hương là chính). Thịt mỡ trên mâm Tết bây giờ thì vắng bóng hẳn vì nhiều người muốn chống bệnh béo phì và mỡ máu... Nghĩa là cái màu, cái mùi, cái vị, cái âm thanh Tết bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. 

Chợ và hương vị Tết Hà Nội
Chợ hoa phố Hàng Lược những năm 1990 (Ảnh tư liệu)

Ở Hà Nội xưa, trong các nhà khá giả có món trứng đen được ưa dùng trong ngày Tết: người ta dùng chè mạn loại ngon, đun lấy nước đặc, rồi đem tôi vôi, cho thêm một ít đinh hương, hoa hồi và quế chi. Sau đó nước này đem đun sôi, rồi thả từng quả trứng gà (hay vịt) vào, tiếp tục đun sôi vài phút và lần lượt vớt trứng ra. Tiếp theo, xếp trứng vào hũ, đậy kín, để cạnh bếp, rồi mỗi ngày xoay hũ vài ba lần cho nhiệt độ trong hũ ấm đều. Sau độ 20 ngày thì có thể ăn được. Món trứng đen là món ăn quý trong ngày Tết của người Hà Nội xưa (nó có chất bùi ngậy của trứng, vị thơm lạ của chè và gia vị, mùi nồng đậm của vôi. Nhờ có chất vôi ngấm trong trứng làm cho người ăn chóng tiêu, tạo cảm giác ngon miệng, không bị ngấy vì thịt mỡ ăn nhiều trong ngày Tết). Một ví dụ nhỏ như thế cũng đã thấy cái “nét ăn” của người Hà Nội hôm nay ít cầu kì hơn trước và rõ ràng cũng kém sành điệu hơn.

Sự uống trong dịp Tết cũng khác xưa nhiều. Người Thăng Long - Hà Nội xưa uống rượu là chính trong dịp năm mới. Hà Nội có rượu Kẻ Mơ ngon nổi tiếng qua câu ca “Em là con gái Kẻ Mơ/ Em đi bán rượu tình cờ gặp anh/ Rượu ngon chẳng quản be sành....”. 

Nguyễn Trãi trong sách Dư địa chí (1435) đã ghi nhận phường Thụy Chương của Thăng Long - Đông Kinh (nay là Thụy Khê) nấu rượu ngon nổi tiếng và ở đó cho đến thời Trạng Quỳnh (Lê - Trịnh) vẫn còn tượng “Phật say” (theo Trần Quốc Vượng trong sách Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm). Thời bao cấp, ngày Tết trên mâm cỗ của mọi nhà có chai rượu màu (mùi) do nhà máy rượu quốc doanh sản xuất, bán phân phối theo tem phiếu. Thời mở cửa, kinh tế khá giả, người ta uống bia (chai hoặc lon) trong dịp Tết. Mấy năm gần đây kinh tế khá giả người Hà Nội chuyển sang dùng rượu vang trong dịp Tết (vang Pháp, Ý, Úc, Chi Lê, Mỹ, Tây Ban Nha...). Nếu túi tiền mỏng hơn thì thực khách dùng vang Đà Lạt theo tinh thần yêu nước “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Tại sao không (!?) 
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chợ và hương vị Tết Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO