Chữa bệnh, cứu người dù ở bất cứ nơi đâu

Minh Lý| 13/03/2020 16:10

Năm 1998, theo lời mời của Chính phủ Iraq, đoàn của Bộ Y tế Việt Nam, gồm những chuyên gia đầu ngành y tế đã có chuyến đi tới Irad. Trong đoàn đó có Ông Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu (VLTL) Việt Nam hiện nay.

Từ cơ duyên với nghề đến kỹ thuật viên VLTL trẻ nhất ngành y tế được nhận bằng khen của Thủ tướng.

Ngược dòng thời gian để tìm hiểu chữ duyên với ngành VLTL của Ông Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội VLTL Việt Nam làm cho tôi không khỏi ngỡ ngàng. Đến với ngành học VLTL trong một tình thế “không còn sự lựa chọn nào khác” bởi hai lần bị từ chối nguyện vọng sau khi học hết phổ thông trung học. Ông Dần đôi chút ngậm ngùi kể lại: Lúc đầu sở thích của tôi là làm trong lĩnh vực gây mê, cứu được một người, chữa được một người là mình thấy kết quả ngay. Khi không được vào gây mê hồi sức tôi lại thích vào chẩn đoán hình ảnh, vì chụp ra hình ảnh chụp được ngay. Nhưng cả hai chuyên ngày này tôi đều không được toại nguyện bởi trường đã đủ số lượng người đăng ký. Thế là tôi “bất đắc dĩ” phải chọn theo VLTL”. “Càng học tôi càng cảm thấy hay. Rồi sau này bắt tay vào công việc cụ thể, tôi càng tường minh hơn về VLTL cũng như những lợi ích thiết thực và kỳ diệu mà nó mang lại cho tất cả mọi người. Sau này tôi mới hiểu rằng, ngành VLTL là ngành không dùng thuốc mà dùng các phương pháp vật lý. Đối tượng của vật lý trị liệu là toàn dân, bao gồm cả phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và duy trì nâng cao sức khỏe, thậm chí có những cái vượt ra khỏi ngành y đó chính là lĩnh vực thể thao. Ví dụ ngay trong khi các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viên có thể phối hợp dùng vật lý trị liệu để chống cứng khớp, tập hô hấp để chống  xẹp phổi… Người khỏe hay trẻ em tuổi học đường, tập các ngồi thẳng lưng để cột sống không bị gù vẹo, cận thị do tư thế ngồi không đúng cách. Theo thống kê quốc tế có 25 000 người già té ngã tử vong do không được phòng bệnh, VLTL sẽ giúp người già phòng té ngã để không bị tử vong, phụ nữ mang bầu và sau sinh, tập cơ sàn chậu để phòng bị rỉ tiểu, cơ khỏe hơn (phòng bệnh)… Chữa bệnh: bản chất của bác sĩ nội khoa đến khám kê đơn bản chất là dùng hóa dược hay gọi là hóa. Khi chữa mà không được điều trị ví dụ bệnh nhân có một khối u thì bác sĩ ngoại khoa sẽ can thiệp để lấy khối u, để nối lại xương…vậy bản chất của bác sĩ ngoại là dao trị liệu, của vật lý trị lý bản chất là lý, dùng các tác nhân vật lý như vận động, tập luyện, xoa bóp, các yêu tố điện trị liệu, sóng, từ trường… để giúp người ta chữa bệnh, không dùng hóa, không dùng dao, dùng lý. Một vấn đề nữa là con người cần duy trì và nâng cao sức khỏe, cần vui chơi giải trí, thể dục thể thao để thể thao đạt thành tích cao thì VLTL sẽ có những bài tập giúp vận động viên chạy nhanh hơn, bền hơn, dài hơn.”, Ông Dần bộc bạch thêm.

Kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời chữa bệnh, phục vụ nhân dân của ông là vào năm 1998. Năm đó ông Dần được chọn là một trong bốn đại diện của ngành y tế Việt Nam sang Iraq chữa bệnh cho Bộ trưởng Bộ Thể thao Iraq (chính là con trai Tổng thống Iraq Saddam Hussein). Ông Dần chia sẻ: “Được lựa chọn trong phái đoàn của Bộ Y tế Việt Nam sang Iraq đến với tôi cũng rất tình cờ. Yêu cầu bên nước bạn là đoàn Việt Nam phải gồm một bác sĩ ngoại (Giáo sư Nguyễn Đức Phúc), một bác sĩ nội thần kinh (Giáo sư Lê Đức Hinh), một bác sĩ châm cứu (Giáo sư Nguyễn Tài Thu), và một người trong ngành VLTL. Bệnh viên Bạch Mai nơi ông đang công tác được Bộ Y tế giao cho cử người đi cùng đoàn. Một trong những yêu cầu của nước bạn đó là người được chọn phải là nam giới vì bệnh nhân là nam giới và phải biết ngoại ngữ. Lúc đó tôi lại là kỹ thuật viên VLTL nam duy nhất của Bệnh viện Bạch Mai. Do vậy tôi được chọn”.

Chữa bệnh, cứu người dù ở bất cứ nơi đâu…

Ông Trần Văn Dần (thứ 4, từ trái sang phải) chụp ảnh cùng phái đoàn Việt Nam trong chuyến công tác tại Iraq năm 1998

Trước đó, con trai Tổng thống Iraq Saddam Hussein được dự đoán là bị chấn thương tủy sống. Ông Dần kể lại: “Các đoàn y tế của Nga, Pháp, Trung Quốc cũng được mời đến để điều trị nhưng bệnh nhân vẫn không tái hòa nhập được. Đi lại vẫn phải hai người dìu. Tuy nhiên, sau khi được phái đoàn y tế của Việt Nam sang, thăm khám, hội chẩn và quyết định lựa chọn phương pháp điều trị hàng ngày bao gồm hai phương pháp: châm cứu và vận động VLTL. Mỗi ngày bệnh nhân được châm cứu khoảng 30 - 45 phút do Giáo sư Nguyễn Tài Thu thực hiện, sau đó tập vận động VLTL khoảng 60 - 90 phút do tôi đảm nhiệm. Nhận thấy lực cơ của bệnh nhân vẫn khỏe, vấn đề ở chỗ không ai hướng dẫn cách để ông vận động các nhóm cơ đều lên, dáng đi như thế nào, tập luyện như thế nào cho chân, cho tay. Do đó, hàng ngày tôi kiên trì hướng dẫn và tập cùng bệnh nhân. Một kết quả ngoài mong đợi đã đến, sau một tháng bệnh nhân tự đi lại được, tự lái xe được”.

Với thành tích đặc biệt này, khi trở về nước, Ông Dần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm đó ông mới 24 tuổi. Ông còn là đại diện trẻ nhất trong ngành đại diện Bộ Y tế tham gia báo cáo điển hình toàn quốc  năm 1998.

Và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội VLTL Việt Nam

Càng gắn bó với VLTL, Ông Dần càng cảm thấy trân quý hơn cái duyên lành với nghề. Ông tâm niệm rằng, ở đâu có bệnh nhân, ở đâu có người cần cứu chữa là mình sẽ đến.

“Trời không phụ lòng người”, sau nhiều nỗ lực, ông Dần cùng các cộng sự thành lập Hội VLTL Việt Nam vào tháng 1/2019.  Ông Dần được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội VLTL Việt Nam. Hội VLTL Việt Nam chính là đứa con tinh thần, mang tâm huyết, hoài bão, trí tuệ và bản lĩnh của Chủ tịch Trần Văn Dần nói riêng và những người làm đang ngành VLTL nói chung. Sự ra đời của Hội VLTL Việt Nam đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của ngành VLTL nước nhà.Từ khi Hội VLTL Việt Nam chính thức hoạt động, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân đã biết nhiều hơn đến phương pháp điều trị bằng VLTL. “VLTL hiện trên thế giới đã trở thành xu thế chữa bệnh từ lâu như Hà Lan (Hội VLTL đã thành lập hơn 100 năm), ở Anh (Hội VLTL thế giới thành lập năm 1951, có trụ sở ở Anh), ở Mỹ (Hội VLTL đã thành lập hơn 1 thế kỷ), ở Thái Lan (1974)… Với Việt Nam, Hội VLTL Việt Nam đang cố gắng để VLTL dần đi vào đời sống của người dân. Tôi kêu gọi những người làm VLTL cùng đoàn kết, đồng lòng tích cực tự tuyên truyền, quảng bá về ngành mình. Sự thành hay bại, ngành có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực nội tại của chúng ta”. Ông Dần chia sẻ.

Có thể nói hơn 20 năm gắn bó nghề là chừng ấy thời gian ông Dần trăn trở, dành trọn tâm huyết với VLTL. Ông luôn đau đáu vì đến giờ những người làm VLTL, cụ thể là những cử nhân vẫn chưa được công nhận là bác sĩ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ không được khám bệnh và chỉ định phương pháp điều trị cho chính bệnh nhân của mình. Như vậy không những ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của bệnh nhân, đến lợi ích của nhân dân mà còn gây khó khăn không ít cho họ khi hành nghề, phục vụ nhân dân, không phát huy được giá trị tuyệt vời mà phương pháp điều trị bằng VLTL mang lại.“Việc đổi tên gọi thành bác sĩ VLTL bản chất chỉ là cách gọi để người dân dễ tiếp cận hơn, tạo niềm tin hơn cho nhân dân. Mặt khác, VLTL cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư và xây dựng ngay từ tuyến cơ sở để người dân được tiếp cận với VLTL sớm nhất, giúp phòng bệnh, giảm số ngày nằm viện, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và tiền túi của người dân”, ông Dần nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chữa bệnh, cứu người dù ở bất cứ nơi đâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO