Chung sức vì nền văn hóa đọc

Gia Phú| 23/04/2018 08:27

Vài năm trở lại đây, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã và đang diễn ra các hoạt động tích cực cổ vũ cho việc đọc sách. Sau mỗi sự kiện, hoạt động dễ dàng nhận thấy nỗ lực của cộng đồng trong việc tạo dựng văn hóa đọc đã tạo nên một làn gió mới mang đến bầu không khí trong lành trong đời sống văn hóa nước nhà.

Những không gian đọc lan tỏa tình yêu sách

Chùa Thiên Phúc, thôn Tân Hóa, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có một thư viện với hơn 5 ngàn đầu sách. Sư cô Thích nữ Quảng Phát người đã dồn nhiều tâm sức xây dựng tủ sách này chia sẻ ngay từ nhỏ đã được cha khơi gợi niềm say mê đọc sách. Sau này khi đã trở thành nhà giáo rồi xuất gia tu hành, niềm đam mê sách ấy luôn thôi thúc sư cô phải làm một điều gì đó để lan tỏa tình yêu sách đến với mọi người. Và rồi từ những cuốn sách đã sưu tầm và quyên góp được, sư cô đã biến không gian của vườn chùa thành nơi đọc sách và là nơi sinh hoạt của các nhóm, cộng đồng yêu sách như nhóm Hương mặt trời (học sinh cấp 2, cấp 3 toàn huyện Quỳnh Phụ), nhóm Kết nối trái tim thiện nguyện của Thái Bình.

Chung sức vì nền văn hóa đọc
Hội sách - Không gian lan tỏa tình yêu sách - Ảnh: Kim Thoa
Cũng với niềm đam mê sách ấy nhà giáo ưu tú Dương Lệ Nga xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình – Trưởng nhóm Kết nối trái tim thiện nguyện không chỉ xây dựng điểm đọc sách cho cộng đồng tại chính gia đình mình mà còn kết nối và xây dựng hàng nghìn tủ sách và hàng chục điểm văn hóa đọc trên cả nước. Cô giáo Nga chia sẻ, khi về hưu cô mới xây dựng tủ sách và cô cũng không nghĩ lượng độc giả nhiều đến vậy. Thư viện sách của gia đình cô giáo dần được mở rộng và trở thành một không gian văn hóa đọc ấm áp, bổ ích, “níu” chân nhiều bạn đọc không chỉ riêng ở An Dục mà còn cả ở các xã “láng giềng”. Hàng nghìn đầu sách trong không gian đọc của gia đình cô giáo Lệ Nga là những món quà ấm áp từ anh Trần Thiện Tùng, anh Nguyễn Quang Thạch rồi còn biết bao nhà hảo tâm khác trên cả nước gửi về. Để có thêm nguồn sách mới cho độc giả, cô giáo Nga còn luôn thay đổi các đầu sách bằng cách phối hợp với không gian đọc Hy vọng của bạn trẻ khuyết tật Đỗ Hà Cừ (Thái Bình) để luân chuyển, trao đổi sách.

Không chỉ riêng vùng quê lúa Thái Bình, trên cả nước cũng đã có nhiều không gian đọc khác được gây dựng bởi các cá nhân, tổ chức tâm huyết với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Có thể kể tới không gian đọc của anh Trần Thiện Tùng ở TP. Hồ Chí Minh, không gian đọc của chị Khiếu Thị Hoài ở Hội An, không gian đọc của cô giáo Huỳnh Thị Thanh Phương ở Củ Chi, không gian đọc Bồ Đề tâm 1, Bồ Đề tâm 2 ở Hà Nội... Nhờ có những không gian đọc mà các cá nhân, tổ chức xây dựng, văn hóa đọc dần lan tỏa và bén rễ sâu trong đời sống cộng đồng.

Để văn hóa đọc không chỉ là phong trào

Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam (21/4), và Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chính là những “cú hích” góp phần tích cực trong việc khuyến khích, gây dựng, phát triển văn hóa đọc ở nước ta. Trên khắp cả nước, đã có nhiều các sân chơi cho các độc giả yêu sách mà rõ nhất là các hội sách, phố sách, đường sách, các cuộc thi, diễn đàn mở rộng, kết nối từ sách. Chỉ riêng tại Hà Nội, các hội sách liên tục “gối vụ” nhau như:  Hội sách xuân, Hội sách mùa xuân, Hội sách Thiếu nhi 1/6, Hội sách mùa thu, Hội sách Hà Nội, rồi cả Hội sách cũ… Các hội sách cũng được “làm mới” với nhiều sự kiện, tọa đàm, giao lưu ra mắt sách.

Chung sức vì nền văn hóa đọc
BTC Hội sách mùa xuân 2018 trao tặng tủ sách trị giá 10 triệu đồng cho thư viện chùa Thiên Phúc (Thái Bình)
Nhìn tổng quan, thấy rõ nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các đơn vị xuất bản, phát hành sách trong việc đưa độc giả đến gần hơn với sách. Kết quả cho những nỗ lực ấy là văn hóa đọc đã và đang lan tỏa rộng trong cộng đồng và tạo được nhiều hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, những chuyển động về “lượng” ấy liệu đã đủ mạnh để tạo nên thay đổi lớn về “chất” cho văn hóa đọc hay chưa đó là một vấn đề mà nhiều người còn trăn trở. Có nhà báo đã bày tỏ sự chạnh lòng khi nhìn sang nhiều nước trên thế giới, thấy người ta say sưa đọc sách, trên tàu, xe, những nơi công cộng như một thói quen, một nhu cầu thiết yếu, còn ở nước mình gần như bất kỳ đâu cũng thấy người ngồi… "nhậu".

TS. Nguyễn Thụy Anh – Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con thì đưa ra một ví dụ cụ thể trong khán phòng của thư viện Quốc gia: “Bên trên nói về những cuốn sách đoạt giải Sách hay Việt Nam, bên dưới rất nhiều người cố chăm chú nghe mà câu được câu chăng vì những sinh viên có vẻ được “lùa” đến nói chuyện rôm rả, một số cô giáo đi theo nhóm các bạn nhỏ trung học cơ sở xoay người vào ghé ăn bim bim khe khẽ những câu chuyện ngoài lề, thi thoảng cười khúc khích…” để rồi đau đáu: “Văn hóa đọc phải được xây dựng trên phông nền văn hóa có độ sâu và bền vững, chứ như thế này chúng ta sẽ chỉ có “văn hóa đọc” theo kiểu tuyên truyền, số lượng”. 

Những con số minh chứng cho tỉ lệ người đọc sách nước ta còn quá khiêm tốn, những thư viện chỉ mở trong giờ hành chính, những cuốn sách bán chạy là những sách giải trí thông thường, sách văn học, sách nghiên cứu vẫn còn bị “lép vế”… - đó là những “góc khuất” của văn hóa đọc nước nhà. Vậy nên để cổ vũ và lan tỏa văn hóa đọc trong đời sống thì rất cần sự bền bỉ và đổi mới phương thức và đặc biệt là tránh làm theo kiểu phong trào. Mỗi gia đình phải là chiếc nôi nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách. Nhà trường và cả xã hội phải tạo dựng được những không gian để tình yêu ấy lan tỏa, có như thế mới tạo được “nền” vững chắc cho văn hóa đọc. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chung sức vì nền văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO