Chuyện về cây phướn ngàn năm tuổi của làng ''bốn bà vợ vua''

Nông Tử Lệnh Anh| 09/03/2021 08:44

Chuyện về cây phướn ngàn năm tuổi của làng
Thạch Sàng - nơi Sư Khâu Đà Na nghỉ sau mỗi ngày hành đạo.

Đó là một “thứ cây”chỉ riêng làng Nành – ngôi làng cổ từng sinh ra “bốn bà vợ vua” (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) mới có. Danh xưng ngôi làng “bốn bà vợ vua”được cư dân xứ Kinh Bắc đặt cho làng Nành vào thời đầu vua Gia Long đặt tên nước Việt Nam. Cây “mọc” vào mỗi mùa xuân khi làng mở hội. Dân làng “bốn bà vợ vua” dù đi làm ăn tứ xứ, nhưng khi Tết đến và mùa xuân về đã tề tựu đầy đủ, hòa với cả làng mở hội xuân, cùng chiêm ngưỡng “thứ cây báu vật” của quê mình… 

Hội làng mở suốt 3 ngày, từ mồng 4 đến mồng 6 tháng Hai âm lịch. Lễ hội được dân gian xứ Kinh Bắc xếp vào loại to nhất vùng. Khách thập phương trẩy hội Nành - hội “bốn bà vợ vua” - nườm nượp. Phần lễ có đọc kinh Giảng Báng, có Lục Cúng… Phần hội có biểu diễn chèo tuồng, hát trống quân; có vật, chọi gà… Đặc biệt nhất là màn rước từ các thôn của cả hàng tổng lên chùa Cả và màn rước chung quanh cây phướn ở giữa sân chùa.

Cây phướn là “loại cây” đặc biệt không có rễ, không có lá, đã mọc lên ngàn năm nay - chỉ riêng làng Nành mới có. Cây được “trồng” giữa sân chùa. Từ trước lễ hội cả tháng trời, các cụ cao niên làng Nành đã đi “rẻo” khắp các lũy tre vùng quê Nành, đặng kiếm bằng được cây tre to nhất và phải cao nhất để làm nên cây phướn. Cách hội vài ngày, cây tre được cho là to nhất, cao nhất làng được đem về sân chùa. Nhà sư trụ trì cùng các cụ bô lão tự tay đính vào ngọn tre hình con quạ ngậm giải lụa trắng có chiều dài khoảng 2/3 cây tre. Tốp trai làng theo lệnh nhà sư “dựng cây” này lên. 

Cây tre cao có con quạ ngậm dải lụa gặp gió mùa xuân bay tung trên bầu trời sân chùa, thật uy nghi, đẹp mắt… Cây phướn của làng “bốn bà vợ vua”a được mọc lên như vậy. Theo cố GS. Trần Quốc Vượng, không có làng xã thứ hai nào ở Việt Nam có cây phướn - loại cây này chỉ có ở làng Nành và đã gắn bó với dân Nành khoảng thời gian tính bằng ngàn năm! Cây phướn làng Nành gắn với một huyền thoại thật đẹp và cảm động về “cái tâm” trong hồn người…

Huyền thoại còn lưu lại khắp vùng quê Nành rằng: Từ hồi rất xa – khi ấy đạo Phật mới đặt những viên gạch đầu tiên ở vài vùng trên dải đất Đại Việt, thì ở làng Nành đã có một ngôi chùa nhỏ. Vị Khâu Đà La từ Ấn Độ đã chọn chùa Nành làm nơi dừng chân khi sang truyền đạo ở vùng Hà Nội - Bắc Ninh bây giờ. Ngày ngày ngài thắp hương giảng đạo ở chùa hoặc đi truyền đạo trong vùng, tối về nghỉ ở giường đá (Thạch Sàng) bên chùa. Hiện nay chùa Nành còn lưu giữ đôi câu đối được phục chế từ đầu thế kỉ trước của cụ Đồ Trung (Nguyễn Tiến Trung) - vị túc nho của làng - nhắc nhở dân làng về sự kiện đó như sau:

Trúc quốc Khâu Sư linh pháp chú
Nam Giao Học Tổ ngộ huyền cơ
Nghĩa là: 
Sư Khâu Đà La của nước Phật đầy phép mầu nhiệm 
Vị Tổ Học ở cõi Nam thấu hiểu cỗ máy của trời

Ở khoảng thời gian rất xa đó, ngôi chùa Nành với quy mô còn đơn sơ nhưng đã đến kỳ trùng tu. Dân làng bảo nhau đóng góp và tỏa đi khắp vùng quyên giáo. Bên khúc sông Thiên Đức chảy qua cuối làng có một người quê Nành độc thân làm nghề đánh cá. Khi đoàn người quyên giáo qua sông, người dân chài nọ xin được chở quá giang không lấy tiền công, nhưng trong lòng vẫn cứ không yên vì không có chút tiền bạc nào góp cho công việc đại sự của chùa làng. 

Toàn bộ tài sản của người dân chài thực sự chẳng có gì ngoài con đò cũ nát và hai mảnh khố, chiếc khố rách đang đóng trên mình, còn chiếc lành thì vẫn để dành. Suy nghĩ mãi không biết làm sao để đóng góp, từ đáy lòng người dân chài nghèo bỗng vụt lên tia sáng thật thà đôn hậu, là dùng ngay chiếc khố lành của mình cho việc cung tiến. Chiếc khố được thành tâm trao cho đoàn quyên giáo. Đoàn người quyên giáo đã vô cùng ngạc nhiên về món đồ bất kính kia và tỏ rõ thái độ bằng lời lẽ chê bai khinh thường mặc cho người dân chài nghèo cầu xin giãi bày tấm lòng thành chân chất của mình. Sau đó, cả đoàn quyên giáo không những đã thẳng thừng từ chối món đồ của người dân chài mà còn không xuống đò sang sông và quyết định quay về vì cho rằng chuyến đi đã bị người dân chài kia “bôi bẩn”.

Đã mấy ngày nhịn đói vì không được con cá nào, muốn giúp người ta qua sông - không được chấp nhận, muốn cung tiến tài sản quý giá nhất của mình lại bị khinh rẻ và thẳng thừng từ chối, người dân chài nghèo đã chọn cách tự mổ bụng, moi hết ruột gan bày ra cho dân làng thấu hiểu tấm lòng thành thực của mình. 

Sự việc người dân chài nghèo tự rạch bụng đã xảy ra trong tích tắc làm đoàn người đi quyên giáo và sau đó nữa là cả dân làng Nành bàng hoàng sợ hãi. Trong lúc mọi người đang hoảng hốt thất kinh, bỗng nhiên có hai con quạ từ trên trời hiện xuống cắp đi toàn bộ ruột gan của người dân chài rồi bay thẳng về hướng chùa Nành. Khi bay đến cây đa cổ thụ che giường đá Thạch Sàng-nơi nghỉ của vị Khâu Đà La, hai con quạ đã thả bộ lòng gan xuống đó, cùng kêu to lên ba tiếng kinh động cả vùng quê Nành và nhanh chóng thẳng hướng bay mất hút về phía mặt trời lặn…

Chứng kiến sự việc, vị Khâu Đà La trụ trì chùa Nành liền vừa chắp tay về hướng quạ bay, vừa lần tràng hạt, miệng không ngớt tụng niệm kinh Bồ Tát… Rồi liền đó ngài cho tìm cây tre cao nhất làng dựng ở giữa sân chùa. Trên đỉnh ngọn cây tre tạo hình con quạ ngậm dải lụa dài - tượng trưng cho tấm lòng trong sáng thành kính của người dân chài nghèo quê Nành hướng về cõi Phật… Đồng thời lại cho dựng hai cây tre khác thấp hơn ở bên bờ ao Rối trước chùa, trên ngọn tre treo hai dải lụa ngắn tượng trưng cho hai cái khố của người đã khuất…

Từ đó đã thành thông lệ , hội Nành bao giờ cũng có cây phướn được dựng lên giữa sân chùa có hình con quạ cắp dải lụa buông dài, nhắn gửi một thông điệp cho các thế hệ người dân quê Nành và cả trăm vùng đất nước trẩy hội chùa Nành về một tấm lòng đã thành truyền thống quý báu của vùng quê có tầm vóc văn hóa tính bằng thiên niên kỉ… 

Câu chuyện chiếc khố của người dân chài xứ Nành cũng có phần đồng điệu với truyền thuyết về tấm lòng thơm thảo của bà lão nghèo xứ Huế cung tiến chiếc khuy bấm - tài sản duy nhất của mình - cho việc đúc chuông chùa Thiên Mụ. Cả hai đều chứa đựng vẻ đẹp lung linh bi tráng nhắc nhở chúng ta hướng tới thứ cần hướng tới – đó là cái tâm trong sáng của từng cá thể cũng như của cả cộng đồng – còn quý gấp bội phần bạc vàng trên cõi đời này…

Nơi cửa Phật và nói chung trong cõi tâm linh và cả trong đời sống con người, chữ “Tâm” sáng giá xiết bao!
Ngẫm chuyện thời nay, không ít người đến nơi cửa Phật, cố tình trưng lên loảng xoảng kim tiền trên khay trên đĩa, cùng với mâm cao cỗ đầy, nhưng lại thiếu từ tâm thường nhật - thực sự họ đã hành động trái với Phật đạo. Nhiều người đã tìm lại được chữ “Tâm” cho chính mình khi đến với lễ hội làng Nành có cây phướn độc đáo. Vậy nên, cây phướn làng Nành đã tỏa sáng và có sức cuốn hút tâm linh viễn khách thập phương chẩy về lễ hội quê Nành. Truyền thuyết đẹp về thứ cây có nguồn gốc tự làng Nành - ngôi làng sinh ra “bốn bà vợ vua” bên bờ Thăng Long - Hà Nội đã góp phần làm giàu thêm kho tàng huyền thoại tuyệt vời xứ Kinh Bắc của đất kinh kỳ trong những mùa hội Tết đến xuân về… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Hà Nội xử phạt người bán hàng rong bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài
    UBND phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) đã xử phạt người bán hàng rong liên quan tới sự việc 'chặt chém' 200.000 đồng một túi táo nhỏ đối với hai du khách Tây.
  • Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp và trí tuệ nhân tạo
    Chiều 18/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta công bố chương trình “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về cây phướn ngàn năm tuổi của làng ''bốn bà vợ vua''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO