Chuyện về cụ sinh viên già nhất Việt Nam

Minh Thụy| 15/04/2020 11:03

Ở tuổi 87, cụ Cao Nhất Linh (Cổ Nhuế, Hà Nội) mới là sinh viên năm thứ 4, chuyên ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Đông Đô. Đây là sinh viên già nhất Việt Nam hiện nay.

Chuyện về cụ sinh viên già nhất Việt Nam
Cụ Cao Nhất Linh tại giảng đường trường Đại học Đông Đô

80 tuổi mới ôn thi đại học

Hỏi cụ về điều này cụ bảo: “Từ nhỏ tôi đã rất ham học và học đại học là niềm khát khao cháy bỏng của tôi. Nhưng do điều kiện gia đình nên tôi đã phải gác lại ước mơ ấy để lao vào cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền. Đến lúc già mới có điều kiện đi học bạn ạ”. Được biết, cụ từng trải qua khá nhiều nghề: làm công nhân, rồi thợ nề, thợ mộc...

Nói về những ngày gian khó đó cụ Linh kể: Những ngày không được đến trường tôi toàn mua sách vở về tự học. Thế rồi, trong thời gian làm công nhân, từ năm 1956, dù ở tận nơi rừng núi của tỉnh Sơn La, cứ lúc rảnh rỗi buổi tối là tôi mang sách ra học. Năm 1968, tôi về Hà Nội đăng ký thi chứng chỉ tốt nghiệp cấp ba hệ bổ túc văn hóa với tư cách là thí sinh tự do.

Ngừng một lát, mở tủ lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp ba được ép plastic cẩn thận, đưa cho chúng tôi xem, cụ bảo: “Đây là cái “visa” để tôi tiếp tục việc học sau này”.

Khi cuộc sống khấm khá hơn, con cái trưởng thành, có điều kiện về kinh tế và thời gian để theo đuổi việc học, thì cụ Linh lại đã ở tuổi bát tuần.

Tuổi tác, sức khỏe và bao thứ khác là tấm rào cản đã bị ước mơ từ thời thơ ấu của cụ “xé nát”. Rồi một ngày cụ đạp chiếc xe đạp cũ kỹ của mình đi học để hoàn thành hoài bão thủa nào...

80 tuổi, cụ mới bắt đầu ôn thi đại học cùng các học sinh mười tám đôi mươi…

Năm 2015, cụ đăng ký học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chuyên ngành Báo in Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 2017, cụ dự thi hệ văn bằng hai Đại học Luật Hà Nội và đạt 11 điểm, chỉ thiếu đúng một điểm so với điểm chuẩn của trường. Bị trượt, nhưng cụ không nản chí mà vẫn miệt mài ôn tập.

Cũng trong năm 2017, cụ tiếp tục dự thi vào ngành Luật Kinh tế Đại học Đông Đô, hệ chính quy và đỗ.

“Khi biết mình đỗ Đại học Đông Đô, tôi đã vui sướng đến trào nước mắt vì ước mơ cả cuộc đời mình đã trở thành sự thật!”- cụ Linh xúc động nói. Vì theo cụ bất hạnh lớn nhất ở cuộc đời là lúc trẻ cụ không được đi học.

Chuyện về cụ sinh viên già nhất Việt Nam
Cụ Linh chào vợ trước khi đến giảng đường.

Đến trường là niềm vui

Học cùng lớp với những “bạn” chỉ bằng tuổi cháu mình, nhưng cụ Linh không cho đó là một môi trường không phù hợp với mình mà ngược lại, chính môi trường ấy là nơi mang đến bao niềm vui giúp cụ trẻ lại.

"Các bạn trẻ rất thông minh lại rất vui tính nên tôi lại thấy mình trẻ ra khi trò chuyện với họ”- cụ Linh vui vẻ nói.

Năm 2021 cụ mới có thể tốt nghiệp, trong khi năm nay cụ đã 87 tuổi. Chia sẻ về điều này cụ bảo: “Tôi chỉ mong sao mình khỏe mạnh để cái sự học không bị ngắt quãng cho đến ngày khoác áo cử nhân, đội mũ ô sa và nhận tấm bằng đại học”. Rồi cụ đọc câu thơ của mình: “Từ thời thơ ấu xa xôi/ Đã mang mơ ước chân trời học cao/ Được làm một đốm sáng sao/ Được vào đại học phong trào quốc gia”.

Cô bạn cùng đi với tôi bảo, cụ là nhà thơ sao lại chọn học luật? Có một tỷ phú 100 tuổi vẫn đi làm và người thọ kỷ lục thế giới bây giờ là 141 tuổi, thế khi có bằng đại học rồi cụ sẽ làm gì? Cụ Linh trả lời ngay: “Tôi chọn luật là để khi học xong sẽ “ứng cử” vào một công việc nào đấy chống tham nhũng”.

Nhiều sinh viên trong lớp cho biết, cụ Cao Nhất Linh là một trong những sinh viên chăm chỉ nhất lớp, dù đi xe đạp đến trường nhưng cụ luôn đến đúng giờ và chăm chú nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ. Họ còn bảo, không biết những hôm tắc đường cụ có kế gì mà vẫn đến trường đúng giờ được, tài thật.

Còn cụ thì bảo, đi học, mỗi bài giảng của thầy cô, làm cụ thấy nhiều điều mới lạ, và hiểu ra được nhiều vấn đề mà trước đây còn không biết thế nào là chính xác nhất, nên cụ càng khỏe để không phải bỏ buổi học nào.

Với cụ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì theo cụ, được trò chuyện với thế hệ trẻ, các “bạn” sinh viên trong lớp, thấy mình được trẻ lại. Và các bạn trẻ ngày nay rất thông minh, nhanh nhẹn thời đại công nghệ thông tin nên họ “dính” vào điện thoại hơi nhiều. Nhưng rất nhiều điều, cụ thấy cần phải học hỏi ở các bạn ấy.

Chị giáo vụ ở Đại học Đông Đô cho hay, cụ Linh rất chăm chỉ, hôm nào cũng đến trường sớm. Trong mấy năm học, cụ chỉ xin nghỉ hai buổi vì lịch họp Hội thơ Đường.

Rồi chị bảo, chúng tôi muốn xưng bác - cháu khi giao tiếp, nhưng cụ luôn nhất nhất xưng cô - trò. Trên lớp cụ làm bài kiểm tra bình thường, có những môn điểm cao, điểm thấp. Thường các môn điểm cao của cụ thiên về viết lách…

Còn các bạn trong lớp cụ Nhất Linh cho hay, cụ hay giơ tay phát biểu những môn về luật. Nhờ có cụ mà các hoạt động ca nhạc, văn nghệ chào mừng của lớp luôn tưng bừng sôi động.

“Tôi đi học lúc đầu chỉ có vợ và cô con gái biết, mãi đến khi tôi lên đọc thơ trong buổi lễ khai giảng của trường hai anh con trai và các cháu mới biết vì có người đưa lên mạng. Rồi bao bạn già biết, họ gọi điện thăm hỏi chúc mừng vui quá là vui”- cụ Linh chia sẻ.

Ở tuổi 87, cụ Linh không chỉ là một sinh viên mà còn là Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Đường Việt Nam, chi hội Bắc Từ Liêm, Hà Nội. “Kho tàng” mà cụ sáng tác đã khoảng hơn 3.000 bài thơ.

Nhiều người dự buổi lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 trường Đại học Đông Đô cứ nhắc mãi về cụ sinh viên với bài thơ “Chào mừng năm học mới” do chính cụ sáng tác và đọc tại buổi lễ:

Hôm nay ngày đẹp tựu trường
Một năm học mới khai trương rộn ràng
Chân trời mới rất mênh mang
Học trò đón lấy một tràng pháo tay…
Kính chúc toàn thể Cô - Thầy
Dồi dào sức khỏe tháng ngày xông pha
Gia đình hạnh phúc chan hòa
Dạy trò tài giỏi nở hoa văn bài…
Chúc các bạn đẹp tương lai
Thi đua học giỏi dẻo dai kiên cường
Luật sư - Quản trị - Thị trường
Vẫy chào các bạn hướng đường tiến xa…
Chúc nền Giáo dục Quốc gia
Sánh vai các nước bao la toàn cầu
Việt Nam xứng đáng con tàu
Kỷ nguyên ánh sáng hàng đầu ước mơ
Kính chúc Đại học Đông Đô
Phát huy thế mạnh thời cơ tự hào
Góp công xây dựng phong trào
Đào tạo trí thức cấp cao nước nhà Việt Nam

Ngưỡng mộ sự ham học của cụ Cao Nhất Linh, Ban Giám hiệu trường Đại học Đông Đô đã quyết định giảm 50% học phí cho cụ.

“Học chẳng bao giờ thừa”…

Cụ Linh ở một mình trong căn phòng rộng chừng 30m2, ngay đầu con ngõ 145, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Khắp phòng cụ la liệt sách vở, vợ và các con cháu cụ ở các phòng xung quanh. Vợ cụ năm nay đã 90 tuổi.

Cụ từng phải cắt bỏ 2/3 dạ dày nên ăn được rất ít, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tuy nhiên đôi mắt cụ thì sáng lạ thường, cụ vẫn đọc sách, viết lách mà không phải đeo kính. Thấy tôi chú ý tới những cuốn sách nằm trên tấm phản - nơi hàng đêm cụ chong đèn ngồi học. Cụ bảo, đi học và đọc sách giúp tôi sống vui hơn, khỏe hơn, minh mẫn hơn.

Rồi cụ bảo, học đi… Cổ Nhuế xưa khổ lắm một nửa làng toàn làm nghề ra phố… hai vai hai túi, hai tay hai bao cực khổ lắm…

Dừng một lúc, cụ bảo, đêm nào tôi cũng thức dậy 2 lần để ngồi học và làm thơ rồi sáng ra là đạp xe đi học. Mình tự đạp xe đi học cho khỏe. Cụ tặng chúng tôi tập thơ mới trong đó có bài thơ “Lý giải” vì sao cụ xưng em với cô, không để mọi người gọi ông xưng cháu vì với cụ hạnh phúc lớn nhất là được đến giảng đường đại học!

Trò chuyện với cụ sinh viên 87 tuổi, cứ làm tôi nhớ tới câu “Giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất mà con người có thể dùng để thay đổi thế giới” của Nelson Mandela ghi ở cổng trường Đại học Nam Phi và "Tôi thấy học chẳng bao giờ thừa vì vậy còn khỏe ngày nào tôi còn đến trường ngày đó…” của cụ sinh viên già nhất thế giới Laszlo Kubinyi, 92 tuổi, trường Đại học Luật Pazmany Peter Catholic trên AFP bởi “Không kho báu nào quý bằng học thức, hãy tích lũy lấy nó, lúc bạn còn đủ sức.” 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về cụ sinh viên già nhất Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO