Chuyện về Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội

Gia Phú| 02/10/2018 13:40

“So công đức ai bằng quan họ Đặng Nhà Bắc Nam gặp hội thanh bình Vâng ơn trên ra tỉnh Hà thành Người đại hiến mọi bề then khóa... ...Tay miếu đường ra sức kinh luân Lừng danh hát cam đường ông Thiệu bát Miếu công hạ di nhân tự thích Chén thuần giao cùng minh nguyệt thanh phong Rằng quan Thượng Đặng minh công...” Quan Thượng Đặng minh công mà những câu ca từng phổ biến ở Hà thành một thuở ấy nhắc tới chính là Đại thần Đặng Văn Hòa - vị Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội. Mới đây, trong cuộc hội thảo khoa học về Đạ

Dân gian truyền tụng, tiếng thơm lưu truyền

Theo sử sách ghi chép, Đặng Văn Hòa hiệu Lễ Trai (1791- 1856), người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một “Nguyên lão tứ triều”, trải qua 4 triều vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), lần lượt giữ chức Thượng thư cả 5 Bộ (Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Ngoài ra, ông còn giữ chức Tổng đốc các tỉnh Nam Định – Hưng Yên – Hà Nội – Ninh Bình – Bình Định – Phú Yên – Gia Định – Biên Hòa. Ông được cử làm Kinh diên giảng quan (giảng sách cho vua Tự Đức), sung chức Tổng vựng cùng làm Bộ “Đại Nam hội điển sự lệ”, sưu tầm thơ dân gian, làm sách “Nam thổ anh hoa lục”. Từ năm 1853 đến khi qua đời (1956), ông được cử làm Tổng tài Quốc sử quán, được vua Tự Đức truy tặng danh hiệu Văn Minh điện Đại học sĩ, ban cho tên thụy là Văn Nghị. Đặng Văn Hòa nổi tiếng là vị quan rất mực thanh liêm, hết lòng vì nước vì dân và được dân chúng kính yêu. 

Chuyện về Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội
Gần 40 năm làm quan trong kinh ngoài tỉnh, ông đã có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế nông nghiệp, đê điều, thủy lợi, hình luật đến văn hóa, giáo dục, đối ngoại… Trong “Nhĩ Hoàng di ái lục” (yêu thương để lại vùng đất có sông Nhĩ Hà và sông Hoàng), nhà canh tân đời Nguyễn Đặng Huy Trứ (cháu ruột Đặng Văn Hòa) kể rằng: “Hồi phụ trách việc binh ở Bắc Thành, hàng ngày bác tôi định thời gian luyện tập cho quân thủy, quân bộ. Đơn vị nào lơ là, người lập tức trách cứ, đánh đòn người chỉ huy. Trong hàng ngũ có ai tỏ ra am hiểu võ nghệ, người chú ý khích lệ…”. Đặng Văn Hòa cũng có những sáng tạo khoa học phục vụ cho quân sự như chế tạo đạn lan can và đạn liên châu.

Hai lần làm Thượng thư bộ Hình trong thời gian 9 năm, Đặng Văn Hòa đã cho xét lại hình án các tỉnh lưu cữu chồng chất; xin ân xá cho nhiều tội nhân bị án xử tử, xin bỏ xiềng xích cho những người bị đi đầy, xin cho nhiều tù nhân ở kinh về nhà ăn Tết 15 ngày; trừng phạt bọn nha lại cân đong gian xảo, xin ban điều lệ cấm hút thuốc phiện. Trong việc xử án ông cũng rất thận trọng. 

Chuyện về Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội
Hội thảo về Đại thần Đặng Văn Hòa - Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội
Trong lĩnh vực giáo dục, Đặng Văn Hòa từng làm chủ khảo các kỳ thi Hương, chấm kỳ thi điện chọn tiến sĩ, làm kinh diên giảng quan, giảng sách cho vua Tự Đức. Ông tìm mọi cách để giản tiện việc thi cử, có lợi cho sĩ tử. Trong thời gian kinh đô chuyển vào Huế, đứng bên cạnh các danh sĩ Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu... ông cũng góp phần vào việc chấn hưng nền giáo dục, văn hóa Thăng Long. Ngoài ra ông còn có công rất lớn trong việc phục hồi, tôn tạo và xây mới các công trình mang tính tôn giáo như: Nhà thờ họ, Văn Miếu, miếu thờ, đền, chùa, lăng tẩm...

Về đối ngoại: Đặng Văn Hòa đã có những đối sách kịp thời trong việc đối phó với âm mưu đúc tiền giả, mang thuốc phiện sang bán ở nước ta của nhà Thanh. Ông đã lập nên chiến công lẫy lừng ở miền biên viễn; Về nông nghiệp: Đặng Văn Hòa từng làm Khâm sai đại thần đi kinh lý Bình Định, để chia lại ruộng đất công có lợi cho dân nghèo, chống lại việc cường hào chiếm ruộng công màu mỡ…    
Đánh giá đóng góp của Đặng Văn Hòa trong lĩnh vực sử học, TS. Nguyễn Hữu Tâm – Viện Sử học Việt Nam nhận định: “Đặng Văn Hòa trên cương vị là Tổng tài Quốc Sử quán đã hoàn thành trọn vẹn công việc của mình, xứng đáng với trọng chức mà triều Nguyễn giao phó. Đạo đức, phẩm hạnh cùng tài năng, học thức của ông đã được sử sách ghi nhận và ca ngợi. Trong thành tựu chung về văn hóa, sử học của Quốc sử quán triều Nguyễn có đóng góp tích cực của Tổng tài Đặng Văn Hòa”. 

Duyên nợ đặc biệt với Hà Nội

Theo nhà nghiên cứu Phùng Hoàng Anh, Hội VNDG Hà Nội, từ năm thứ 9 đời vua Minh Mạng, Đại thần Đặng Văn Hòa đã có duyên nợ đặc biệt với Hà Nội, lúc bấy giờ mang tên Bắc Thành. Ông làm Tổng đốc Hà Nội trong 14 năm với hai nhiệm kỳ 1835 - 1839 và 1846 - 1847, có nhiều cống hiến quan trọng cho vùng đất Kinh đô ngàn năm văn hiến. 

Ngay sau khi nhậm chức Tổng đốc Hà Nội, ông đã cho vẽ ngay bản đồ Hà Nội, mở rộng đường thiên lý Hà Nội - Phú Xuyên và dựng trường thi Hà Nội ở khu vực Thư viện Quốc gia ngày nay. Đặc biệt ông còn dồn nhiều tâm huyết với các di tích trên đất Thăng Long. Năm 1837, ông cho sửa Khuê Văn Các ở Văn Miếu. Năm 1838, trước cảnh chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) đổ nát, ông quyên góp tiền thập phương và giao cho con trai là Ngự y Đặng Tá trông nom sửa chữa tiền đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan chùa. Ông còn khuyến khích việc khai phá đất hoang, mở ruộng tịch điền, khám đạc ao hồ...

Chuyện xưa truyền lại, ngày ấy phố phường Hà Nội dân cư đông đúc, đường xá chật hẹp, nhà cửa làm toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá… dễ gây hỏa hoạn. Mỗi lần như thế, Tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hòa lại cưỡi voi, đốc thúc binh lính và nhân dân đi dập lửa… Người ông bị ám khói đen sì, chỉ còn hai con mắt là linh lợi. Cứu hỏa xong, ông còn cứu trợ ngay cho gia đình bị nạn, để họ sớm ổn định cuộc sống. Muốn nhắc nhở dân chúng nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng giặc lửa, năm 1838, ông lập miếu thờ Hỏa Thần ở thôn Yên Nội (nay là 30 phố Hàng Điếu), sớm, chiều thỉnh chuông, có lưu bút tích tại đền là “Vị dân chí kế”; rồi hằng năm cứ vào mùa xuân, mùa thu, đền lại tổ chức tế lễ Hỏa Thần. Ông còn vẽ bản đồ, quy hoạch lại đường sá, nhà cửa ở Hà Nội thông thoáng, dễ tiếp cận vị trí khi xảy ra sự cố. Nhân dân Hà Nội yêu quý ông gọi ông là “Thánh đồng đen” – Thần cứu hỏa duy nhất của Việt Nam.

Từ khi thành lập tỉnh Hà Nội, triều đình đã bỏ chức Đê chính, nhưng ông vẫn quan tâm đặc biệt đến đê điều, có kế hoạch giao từng đoạn đê cho các địa phương duy tu bảo vệ. Vào mùa nước lên, ông sai làm cột thủy chí theo dõi mực nước, sáng chiều báo lên quan trên kịp thời đối phó. Ông cho tu bổ đê tại các hạt Từ Liêm, Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Nam Xang, Thanh Liêm, Bình Lục…

Theo TS. Đinh Công Vỹ (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) thì từ khi có thuật ngữ Hà Nội ở cấp tỉnh, thành phố đến nay, chưa có một vị quan đầu tỉnh, đầu thành phố nào gây ấn tượng sâu sắc, bền bỉ được dân yêu mến thực sự, đã thành thơ, thành ca, thành nhạc tác vào năm tháng như Đặng Văn Hòa. Đặng Văn Hòa đã gây ấn tượng tốt đẹp như vậy với sĩ phu và dân chúng Bắc Thành ngay khi làm chánh chủ khảo thi Hương ở đây. Càng về sau, ấn tượng ấy càng được củng cố sau khi ông chính thức được bổ nhiệm làm trọng thần trấn trị ở Hà Nội và các vùng đất xa gần liên đới, có đủ quyền uy, chức trách để lập nên những kỳ tích ích nước lợi dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO