CLB Ong Chăm: Gieo duyên trên miền sơn cước

Thanh Bình| 02/04/2020 09:03

Hơn 5 năm qua, ngôi nhà trong con ngõ nhỏ ở phố Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội) và trang Facebook cá nhân của bà Phan Vũ Diễm Hằng đã trở thành điểm hẹn của những tấm lòng nhân ái. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, vùng miền… tất cả cùng nhau kết nối và lan tỏa yêu thương qua những hoạt động đầy ý nghĩa của nhóm thiện nguyện Ong Chăm

CLB Ong Chăm: Gieo duyên trên miền sơn cước
Khu nhà lưu trú học sinh ở xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang - quà tặng ý nghĩa của nhóm thiện nguyện Ong Chăm.
Nhóm lửa yêu thương
Năm 1996, khi thôi công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bà Phan Vũ Diễm Hằng bắt đầu tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ và phát triển cộng đồng của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ. Những chuyến đi khắp các vùng miền, những cảnh đời đã gặp trong suốt những ngày tháng nay đây mai đó ấy luôn ám ảnh và thôi thúc bà phải làm gì đó. Nghĩ là làm, bà Phan Vũ Diễm Hằng cùng nhóm bạn thân thiết bắt đầu triển khai các hoạt động từ thiện bằng việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 và ở Bệnh viện phong da liễu Văn Môn, Thái Bình; quyên góp sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho các cháu nhỏ nơi vùng sâu vùng xa. Năm 2015 nhóm Ong Chăm “ra đời”, cứ đều đặn một tháng một lần các thành viên trong nhóm mang những chiếc khăn, mũ len do mình tự đan đến nhà bà Hằng. Cùng với chăn đệm, sách vở, đồ chơi, những chuyến hàng được chở đi tới các bản làng, nơi vùng cao, vùng sâu vùng xa… đã mang theo bao yêu thương của nhóm Ong Chăm.

Nhớ lại thuở ban đầu trong hành trình thiện nguyện cùng nhóm Ong Chăm, chị Nguyễn Thu Hương chia sẻ, chị tham gia nhóm Ong Chăm từ cuối năm 2016, với việc nhận đỡ đầu 1 trẻ mồ côi, rồi giới thiệu nhiều bạn bè tham gia. Không chỉ đóng góp tiền gây quỹ Ong Chăm, chị còn tự nhân giống cây bán lấy tiền góp quỹ, đan mũ đa năng gửi cho trẻ vùng cao, rồi cùng nhóm bạn đan các sản phẩm len bán lấy tiền góp quỹ. 

Chị Hà Thị Thu Hằng gắn bó với Ong Chăm gần 4 năm cho hay, khi đến với Ong Chăm dù điều kiện không dư giả nhiều, lại cũng không thể tham gia những chuyến đi thực địa cùng nhóm, nhưng dù chỉ là đan những chiếc khăn, chiếc mũ cho tặng các cháu chị cũng đã cảm thấy ấm lòng. “Mỗi khi thấy facebook của bác Diễm Hằng đăng hình ảnh của các con được đội những chiếc mũ do chính mình đan, mặc những chiếc áo ấm mà nhóm mình gửi lên, nhìn ánh mắt trong veo của các con dường như mọi muộn phiền trong tôi lại tan biến” - chị Hằng bộc bạch.

Nhiều thành viên của nhóm Ong Chăm chia sẻ, sở dĩ họ gắn bó với Ong Chăm ngoài tình yêu thương với con trẻ, mong muốn được chung sức với bà con khó khăn vùng miền núi, còn bởi họ rất kính trọng, tin tưởng người “thuyền trưởng” Phan Vũ Diễm Hằng. “Chính cách thức tổ chức, triển khai công việc hết sức khoa học và hiệu quả, sự khách quan, minh bạch trong chi tiêu và những lợi ích thiết thực đối với trẻ em vùng cao của bà Hằng đã cảm mến và lan tỏa tình yêu thương tới những ong thợ chúng tôi. Chẳng có chuyến đi nào của Ong Chăm mà không có sự góp mặt của “ong chúa” Phan Vũ Diễm Hằng. Cũng bởi vậy mà Ong Chăm đã nhận được sự đồng hành của rất nhiều các tổ chức, cá nhân.” - Bà Đặng Thị Lan Phương, một thành viên của Ong Chăm chia sẻ.

CLB Ong Chăm: Gieo duyên trên miền sơn cước
Bà Phan Vũ Diễm Hằng (ngoài cùng bên trái) cùng một số thành viên của Ong Chăm đan khăn làm quà tặng cho các cháu nhỏ vùng cao.

“Có cơ hội giúp người khác đó là phúc báu mà chúng ta được hưởng” - cũng chính bởi tâm niệm ấy, mà dù mang trong mình căn bệnh ung thư bà Phan Vũ Diễm Hằng vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Bà thường xuyên kết nối với Phòng giáo dục, các thầy cô ở các huyện miền núi để rồi “nơi nào khó cũng có Ong Chăm”. 

Gieo duyên từ thiện trên vùng sơn cước
Hơn 5 năm sau khi ra đời, từ hơn chục thành viên thuở ban đầu đến nay Ong Chăm đã có tới hàng trăm thành viên. Không chỉ dừng lại ở những món quà như áo ấm, chăn đệm, mũ đa năng… Ong Chăm còn quyên góp xây 7 căn nhà bán trú cho các điểm trường vùng cao của tỉnh Hà Giang, đỡ đầu cho hơn 300 trẻ em mồ côi ở Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa. Ngoài ra, Ong Chăm còn tặng cho một số trạm biên phòng với các phần quà hết sức thiết thực như ti vi, quạt cây, dây điện, hệ thống nước nóng Thái Dương năng và ắc quy; chuyển tiền xây nhà vệ sinh cho một số điểm trường mẫu giáo ở Nậm Pồ; đưa các cháu khuyết tật đi khám chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Như Hằng - một thành viên của nhóm Ong Chăm nhớ lại: “Lần đầu tiên đến Nậm Khòa, Hoàng Su Phì ở Hà Giang để trao quà cho các cháu nhỏ thấy điều kiện sống của các cháu thiếu thốn quá, “thủ lĩnh” của Ong Chăm đã nhận lời giúp thầy cô xây nhà lưu trú cho các con. Số tiền vài trăm triệu chứ đâu có ít, nhưng Diễm Hằng chẳng ngại ngần, mà “giao khoán” ngay cho thành viên trong đoàn mỗi người chịu trách nhiệm vận động một ít, rồi lại tiếp tục kêu gọi các thành viên của Ong Chăm. Vậy mà chẳng bao lâu số tiền quyên góp cũng đủ và cùng với kinh phí của tỉnh hỗ trợ thêm nhà lưu trú Nậm Khòa cũng đã xây xong. Ngày khánh thành nhà lưu trú, chứng kiến các con có chỗ ở tươm tất mọi thành viên của Ong Chăm đều rưng rưng xúc động”.

Nói về quyết định nhanh chóng ấy, bà Hằng lý giải: “Có một nhu cầu chúng tôi nhận thấy rõ rệt, đó là nơi ăn chốn ở cho giáo viên và học sinh ở vùng cao. Học sinh ở đây thường phải ở lại trường trong suốt tuần vì điều kiện đi lại khó khăn. Chúng tôi đã đến thăm nhiều “ký túc xá” (nhà lưu trú) mà ở đó, 24 - 28 học sinh sống chen chúc trên các giường tầng trong một căn phòng cấp 4 chỉ rộng khoảng 18m2 đã xuống cấp, thiếu không khí và ánh sáng. Vì thế, chúng tôi đã quyết định xây một số nhà lưu trú kiên cố, 2 tầng, mỗi tầng rộng từ 180 – 240m2 cho các cháu ở Hoàng Su Phì và Đồng Văn (Hà Giang), theo mô hình phù hợp với bản sắc dân tộc của địa phương. Việc xây ký túc xá này giải quyết được một cách căn bản nhu cầu sinh hoạt của thầy cô giáo và học sinh, giúp xóa bỏ được nhiều điểm trường nhỏ lẻ, đem lại điều kiện ăn ở văn minh cho học sinh mà qua đó các cháu học được thêm nhiều kỹ năng mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học”.

Cũng bởi những việc làm thiết thực ý nghĩa này mà bà Hằng cùng nhóm Ong Chăm thường xuyên nhận được thư cảm ơn của lãnh đạo, các địa phương, các thầy cô và rất nhiều các cháu nhỏ… Tất cả sự yêu thương, trân trọng đó như một liều thuốc tinh thần giúp bà Hằng vượt qua những đau đớn của bệnh tật. Bà Hằng bảo bà coi những đứa trẻ vùng cao ấy chính là những đứa cháu ngoại của mình và luôn dõi theo, lo lắng quan tâm và cố gắng hết sức để có thể đem lại những điều tốt đẹp nhất cho các cháu. 

Tiếp tục hành trình lan tỏa
Chia sẻ về hoạt động tới đây của Ong Chăm, bà Phan Vũ Diễm Hằng cho hay, ngoài những dự án nhỏ với các đồn/ trạm biên phòng cụ thể, nhóm thiện nguyện Ong Chăm còn có chương trình chung tay với bộ đội biên phòng bằng việc cung cấp các sản phẩm của mình (mũ đa năng, áo ấm) cho Bộ Tư lệnh Biên phòng để chuyển đến các đồn biên phòng cho các chiến sĩ làm công tác dân vận bảo vệ biên cương. Hiện nay những thành viên của Ong Chăm cũng đã lên kế hoạch thực hiện dự án nhỏ với Bộ đội Biên phòng. Theo đó, dự án đầu tiên năm 2020 của Ong Chăm sẽ cung cấp 4 ti vi cho 4 chốt biên phòng ở vùng đồng bào Vân Kiều (Huế). 

Ngoài ra, trong năm 2020 này Ong Chăm cũng tiếp tục nỗ lực mở chương trình để giúp đỡ các cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Bảo Yên, Lào Cai để các em không bị lỡ bước đến trường. Nhóm cũng bắt đầu triển khai mô hình ký túc xá cho thầy cô giáo mà trước mắt là xây 1 khu nhà 2 tầng với diện tích mỗi tầng khoảng 200m2 cho giáo viên trường liên cấp 1-2 ở Vần Chải (Đồng Văn), Hà Giang. “Nhu cầu ký túc xá của các trường vùng cao còn rất lớn. Chúng tôi cho rằng các đơn vị và các nhóm từ thiện nên tập trung vào việc này, để đem lại tác động lớn hơn cho giáo dục của vùng cao” - bà Hằng bày tỏ.

Còn nhiều, còn nhiều nữa những dự định, mong muốn mà nhóm thiện nguyện Ong Chăm vẫn đang ấp ủ và cùng nhau lan tỏa. Với họ cho đi cũng là nhận lại, và gieo duyên từ thiện cũng là một cách để họ chung sức với cộng đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
CLB Ong Chăm: Gieo duyên trên miền sơn cước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO