Cô giáo Phan Thị Thắm: Tấm gương sáng trong sự nghiệp "trồng người"

PV| 15/12/2017 20:33

“Ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim mai đây là cô giáo, kìa đôi mắt tròn xinh nhìn đàn em thơ ngây. Hôm nay tôi đứng đây trong niềm mơ ước lớn…”.

Đó là tiếng hát quen thuộc của cô Phan Thị Thắm trong ngày khai giảng năm học mới. Tiếng hát trong trẻo cùng với ánh mắt thân thương, nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi cô thắp lên niềm tin và mơ ước cho bao lớp học trò. Nhưng phía sau nụ cười rạng rỡ ấy ít ai biết rằng cô có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Cô là một tấm gương nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành trọn vẹn cả hai vai “giỏi việc trường, đảm việc nhà”. 

Cô giáo Phan Thị Thắm: Tấm gương sáng trong sự nghiệp
Cô giáo Phan Thị Thắm

Cô giáo Phan Thị Thắm sinh năm 1980, hiện đang làm công tác giảng dạy môn Tiếng Anh trường THCS Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.

Sinh ra trong một gia đình trí thức thuộc xã Công Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, ngay từ nhỏ, Phan Thị Thắm đã mơ ước được trở thành cô giáo để “đưa đò” chở các thế hệ học trò qua sông, trở thành công dân có ích cho quê hương, đất nước. Tốt nghiệp cấp III, cô thi và đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức, khoa Tiếng Anh. Ra trường được phân công giảng dạy tại trường THCS Công Liêm. Cô luôn cố gắng phấn đấu để trở thành một giáo viên dạy giỏi, yêu thương học trò, được đồng nghiệp tin yêu, học sinh quý mến. Năm 2004, cô xây dựng gia đình ở thị trấn Nông Cống. Hạnh phúc được nhân lên khi đứa con đầu lòng ra đời vào năm 2006 khoẻ mạnh, xinh xắn như tiếp thêm sức mạnh để cô phấn đấu nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người. Nhưng số phận dường như không mỉm cười với cô. Cháu bé càng lớn chân tay càng yếu chẳng đứng chẳng đi được. Cô như bị sét đánh khi bác sĩ kết luận cháu bị bệnh bại não.    


Thương con, không quản khó khăn, vất vả, tốn kém, cô đã lặn lội cùng chồng chạy chữa cho con ở khắp các bệnh viện lớn, nhỏ nhưng không có kết quả (cháu chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ). Tất cả những việc ăn uống, chăm sóc… đều phải có bàn tay của mẹ. Cuộc sống từ đó đè nặng lên đôi vai người phụ nữ chân yếu tay mềm này. Mặc dù được sự giúp đỡ của bố mẹ chồng rất nhiều nhưng cô vẫn muốn tự tay chăm sóc con nhiều hơn. Đi dạy xa nhà cách hơn 10 cây số, nên cứ ngày này qua ngày khác, 4 giờ sáng cô đã dậy để chăm lo cho con để kịp giờ lên lớp. Buổi trưa sau khi dạy xong cô nhanh chóng về nhà để chăm sóc con.  


Năm 2009 cô được chuyển về gần nhà, Trường THCS Vạn Thiện. Đến năm 2010 cô quyết định sinh bé thứ hai trong niềm hy vọng của gia đình. Mong rằng bé sẽ mang lại niềm vui cho cô, bù lại phần nào những tháng ngày vất vả đã qua. Bé thứ hai sinh ra bình thường song chậm lớn, mặt khác bị bệnh viêm phổi nên phải đi bệnh viện thường xuyên. Có thể nói hai đứa con của cô không có tháng nào không phải đi bệnh viện. Bé lớn năm nay đã sang tuổi 11 nhưng không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Để con đỡ tủi thân, thi thoảng cô đưa con đến trường một hôm nhưng rất bất tiện vì lúc nào cũng phải có người bên cạnh. Dường như bệnh viện là nhà đối với  các con của cô. 
Cô giáo Phan Thị Thắm: Tấm gương sáng trong sự nghiệp
Hai con gái của cô Phan Thị Thắm

Ngoài việc đưa con đến những bệnh viện lớn để chữa bệnh hễ nghe ai nói có thầy thuốc nào dù xa mấy cô cũng đưa con đến mong rằng “gặp thầy gặp thuốc” rồi điều “kì diệu” sẽ xảy ra; nhưng vô vọng. Hàng ngày cô luôn dành thời gian nắn chân tay, xoa bóp xương khớp cho con. Nước mắt cô lại trào ra khi nhìn con tay run run xúc thìa cơm mà không đưa được vào miệng. Ai nhìn thấy cảnh này chắc cũng không cầm lòng được. Vất vả là thế, song với ý chí nghị lực phi thường và tình yêu chồng, thương con vô bờ bến, cô đã vượt lên được tất cả.

Rồi những ngày tháng vất vả cũng nguôi ngoai, khi cô tìm được niềm vui trong công việc. Được sự động viên của gia đình, bạn bè đặc biệt cô luôn nhận được sự cảm thông sẻ chia sâu sắc với sự quan tâm giúp đỡ, khích lệ kịp thời của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Bản thân cô luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, một tấm gương về lòng yêu nghề. Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô luôn đảm bảo thời gian, nề nếp, thực hiện đúng chương trình, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và trau dồi đạo đức tác phong nhà giáo. Cô luôn  phấn đấu  đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy cũng như mọi hoạt động. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.
Cô giáo Phan Thị Thắm: Tấm gương sáng trong sự nghiệp

Tập thể giáo viên Trường THCS Vạn Thiện.

Trong công tác chuyên môn, bản thân cô không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành và ứng dụng nhạy bén công nghệ thông tin cũng như những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Trong các bài giảng, cô đã lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, để giáo dục đạo đức, giúp các em học sinh có ý hình thành được nhân cách tốt cho cuộc sống hiện tại  và cuộc sống sau này.   
Cô giáo Phan Thị Thắm: Tấm gương sáng trong sự nghiệp

Cô Phan Thị Thắm và 2 học sinh giỏi môn Tiếng Anh lớp 7  năm 2016 - 2017 xếp thư 2 toàn huyện Nông Cống.
Đặc biệt công tác ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi cô giành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Cả trường có một mình giảng dạy môn Tiếng Anh nên cô phải đảm nhiêm 3 đội tuyển lớp 7, 8 và lớp 9. Bản thân cô luôn tìm cách truyền cảm hứng cho học sinh để các em yêu thích môn học; tìm ra phương pháp dạy tốt nhất. Ngoài thời gian ôn luyện trên lớp, cuối buổi học hôm nào cô cũng ở lại ôn luyện cho các em từ 16h30 đến 18h. Chính vì sự nỗ lực này bộ môn Tiếng Anh của cô liên tục xếp tốp đầu của huyện như: Năm 2013 - 2014 Tiếng Anh 7 xếp thư 2 cấp huyện, Năm 2014 - 2015 Tiếng Anh 9 xếp thư 8 cấp huyện, Năm 2015 - 2016 Tiếng Anh 8 xếp thư 5 cấp huyện, Năm 2016 - 2017 Tiếng Anh 7 xếp thư 2 cấp huyện.

Đối với học sinh yếu kém cô hết lòng tận tuỵ với các em. Mỗi tuần cô dành một buổi kèm các em học. Để các em dễ hiểu cô thường tổ chức các hình thức trò chơi, đố vui… góp phần khích lệ các em. Tôi nhớ có một kỷ niệm cô và tất cả giáo viên trong trường không bao giờ quên. Buổi phụ đạo học sinh yếu kém hôm ấy có một em bỏ học đi chơi điện tử. Cô đã tìm đến tận nơi đưa em về lớp. Vừa động viên, vừa phân tích giảng giải cho em hiểu. Từ đó, em đi học chuyên cần và  tiến bộ rất nhanh.


Nhờ sự nỗ lực khắc phục mọi khó khăn vượt lên trên sự bất hạnh của hoàn cảnh gia đình, cô đã đạt được nhiều thành tích trong giáo dục. Kết quả cô giáo Phan Thị Thắm nhiều năm được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Năm học 2012 - 2013, cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2011 - 2012 có sáng kiến kinh nghiệm xếp loại B cấp tỉnh. Năm 2012 - 2013 được Giám đốc Sở giáo dục Thanh Hoá tặng giấy khen. 


Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Phan Thị Thắm còn kiêm nhiệm, tham gia rất nhiều các hoạt động khác. Làm Bí Thư Đoàn thanh niên, thường trực Đoàn xã năm 2010. Năm 2016 làm Chủ tịch Công Đoàn trường. Dù ở vị trí nào cô vẫn luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Ngoài ra cô luôn tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Hai không”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cô còn nhiệt tình tham gia các hoạt động bề nổi như: Văn nghệ, dẫn chương trình. Năm 2013 dự thi làm công tác khuyến học giỏi giải nhất ở xã và giải ba cấp huyện. Năm 2014 thi cán bộ công đoàn giỏi đạt giải nhì cấp huyện. Và còn nhiều thành tích khác nữa. Ở lĩnh vực này cô liên tục được huyện Đoàn và Liên Đoàn lao động huyện Nông Cống tặng giấy khen.
Cô giáo Phan Thị Thắm: Tấm gương sáng trong sự nghiệp

Cô Phan Thị Thắm (ở giữa) cùng đồng nghiệp.

Trong quan hệ với đồng nghiệp, cô là người rất hòa đồng, luôn lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Đặc biệt, cô phát động việc học tập và làm theo lời Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, cô được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến, phụ huynh tin tưởng.  


Những thành tích cô đạt được không nhỏ chút nào. Đó là kết quả của sự nỗ lực, tâm huyết, là bao nhiêu trăn trở, tìm tòi, học tập, sáng tạo và hơn hết đó trong có cả những giọt nước mắt, sự hy sinh thầm lặng của một nhà giáo dành tất cả cho sự nghiệp trồng người. Đó cũng là niềm an ủi lớn lao đối với cô. Nó tiếp thêm cho cô sức mạnh bước tiếp trên con đường dài phía trước. Cô Phan Thị Thắm xứng đáng là một tấm gương vượt khó, tận tụy, hy sinh, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp, là tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người”. Tôi luôn thầm mong một ngày gần nhất “điều kỳ diệu” sẽ đến với các con của cô. Để giọng hát, tiếng cười của cô mãi ấm áp vang vọng mãi. 
Cô giáo Phan Thị Thắm: Tấm gương sáng trong sự nghiệp
 Trường THCS Vạn Thiện
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hà Nội tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024
    Tại Hà Nội, mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 là sự kiện Hội Sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”, kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024) được tổ chức vào 09h30 ngày 17/4/2024 tại Phố Sách Hà Nội.
  • Giới thiệu 70 tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Đường lên Điện Biên”
    Nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), vào ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức khai mạc triển lãm “Đường lên Điện Biên”.
  • Lễ xuất quân hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên” của các văn nghệ sĩ
    Sáng 15/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ xuất quân đưa các văn nghệ sĩ hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên”. Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21/4/2024 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
  • Hà Nội phát động Tháng Nhân đạo 2024
    Ngày 16/4, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Ứng Hòa (Hà Nội), Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức Lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2024 với chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, phát động phong trào thi đua tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
  • Nhiều thông điệp ý nghĩa từ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba
    Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba sẽ được tổ chức vào hồi 19h00, ngày 17 tháng 4 năm 2024 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (số 58 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo Phan Thị Thắm: Tấm gương sáng trong sự nghiệp "trồng người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO