Cơ hội chiêm ngưỡng báu vật khảo cổ học Việt Nam

Thanh Bình| 23/04/2018 09:32

Hơn 300 hiện vật tiêu biểu cho các thời đại lịch sử Việt Nam vừa được Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu tới công chúng trong trưng bày chuyên đề mang tên “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên một trưng bày có quy mô lớn, số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam. Đáng chú ý, những bảo vật này vừa “trở về” sau 3 năm được triển lãm ở các bảo tàng lớn của Đức (từ tháng 10/2016 đến tháng 2/2018) trong hành trình quảng bá lịch sử, văn

“Báu vật khảo cổ học Việt Nam” trưng bày các hiện vật khảo cổ qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ thời tiền sử Việt Nam tới thời kỳ kim khí Việt Nam và khảo cổ học lịch sử (gồm: Báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên, Chăm pa và di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Văn hóa Óc Eo - Phù Nam, Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam).

Cơ hội chiêm ngưỡng báu vật khảo cổ học Việt Nam
Mô hình nhà bằng đất nung - Một hiện vật được giới thiệu tại trưng bày.
Ở thời tiền sử Việt Nam, hiện vật được tập trung giới thiệu gồm: công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm… được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa) và những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình như: công cụ hình đĩa, rìu ngắn; phác vật rìu di chỉ  Núi Voi (Đông Sơn - Thanh Hóa); công cụ chặt đập di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ)...

Ở thời kỳ kim khí Việt Nam, các hiện vật cũng được chia theo sự hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam, đó là: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và Văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Các hiện vật của Văn hóa Đông Sơn gồm: vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai chất liệu đá thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu; trống đồng Sao Vàng - Thanh Hóa, thạp đồng, chuông đồng; rìu đồng gót vuông, qua đồng, mũi tên đồng, lưỡi cày đồng, mai, cuốc, lưỡi hái… Các hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh gồm: chuỗi hạt bằng thủy tinh tìm thấy tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi; mộ chum có nắp khai quật tại di chỉ Đồng Cườm (Bình Định); đèn gốm, hạt chuỗi bằng thủy tinh… Khu vực trưng bày Văn hóa Đồng Nai giới thiệu một số hiện vật như nhóm hiện vật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994, nhóm hiện vật di tích Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhóm hiện vật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An). Trưng bày cũng giới thiệu một số trống đồng Đông Sơn phát hiện tại Phú Chánh (Bình Dương) thể hiện sự giao lưu rộng rãi giữa các trung tâm văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam.

Phần Báu vật khảo cổ học lịch sử giới thiệu Báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên với một số hiện vật được tìm thấy trong những ngôi mộ gạch thế kỷ I - III. Tiêu biểu là mô hình nhà, mô hình bếp lò bằng đất nung, được tìm thấy tại Thiệu Dương (Thanh Hóa), Nghi Vệ (Bắc Ninh), Cầu Giấy (Hà Nội). Báu vật của Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn giới thiệu những tác phẩm điêu khắc đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu - Quảng Nam), Tháp Mẫm - Bình Định như: sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, phù điêu tu sĩ, bia Ponaga… Văn hóa Óc Eo - Phù Nam với hiện vật gồm một số nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí vishu, mảnh vàng trang trí mặt trời… có niên đại thế kỷ III – VI.

Cơ hội chiêm ngưỡng báu vật khảo cổ học Việt Nam
Trống Sao Vàng - Một hiện vật được giới thiệu tại trưng bày
Phần Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam giới thiệu những hiện vật là những dấu tích thành cổ như: ngói trang trí uyên ương (Hoa Lư - Ninh Bình), gạch xây thành… Đặc biệt giới thiệu những hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Giới thiệu những hiện vật gốm Chu Đậu (thế kỷ XV - XVI), đồ thủy thủ đoàn… khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997 - 1999.

Được biết, trong quá trình thực hiện trưng bày này, bên cạnh việc tuyển chọn những hiện vật đẹp nhất, tiêu biểu nhất của khảo cổ học Việt Nam, các chuyên gia còn chủ ý tìm chọn những hiện vật có nguồn gốc từ các cuộc hợp tác khai quật Việt - Đức, tiêu biểu như hiện vật thuộc di chỉ Hang Hùm (Yên Bái) và di chỉ Gò Ô Chùa (Long An). TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh: “Thông qua trưng bày này chúng tôi muốn giới thiệu những thành tựu của chính các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được trong 60 năm qua, đặc biệt chú trọng giới thiệu những kết quả khảo cổ học đã đạt được bởi sự hợp tác giữa CHLB Đức và CHXHCN Việt Nam trên lĩnh vực khảo cổ. Thêm nữa trưng bày còn góp phần giới thiệu tới bạn bè quốc tế những di sản văn hóa đặc sắc, những giá trị về lịch sử văn hóa của các nền văn hóa cổ ở Việt Nam”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội chiêm ngưỡng báu vật khảo cổ học Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO