Có một Hà Nội như thế

Lệ Quyên| 10/10/2019 15:01

“Dù người ta hay nói rằng Hà Nội giờ đổi thay nhiều lắm, hiện đại với những cao ốc chọc trời. Riêng tôi vẫn thấy một Hà Nội không ồn ã, không bon chen như vẻ ngoài của nó mà vẫn bình yên, sâu lắng đến lạ kỳ. Nhưng không phải ai cũng thấy thế, mà mỗi người đều có một cảm nhận riêng về sự đổi thay của Hà Nội”. Đó là một trong nhiều ý kiến cảm nhận về Thủ đô Hà Nội hiện nay. Nhân dịp kỷ niệm 65 Năm ngày Giải phóng Thủ đô, những người dân đang sống, gắn bó và yêu Hà Nội đã chia sẻ với báo Người Hà Nội về sự đổi

Có một Hà Nội như thế
Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao
Bà Nguyễn Thị Hạnh 
(82 tuổi, quận Hai Bà Trưng)
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, với tôi Hà Nội không chỉ là quê hương mà còn là tình yêu không thể thay thế. Cả cuộc đời tôi gắn liền với Hà Nội, tôi thấy Hà Nội của chúng ta thay đổi từng ngày, từng giờ. Hà Nội giờ khác xưa nhiều quá, thay đổi nhiều không nói xuể. Nhà cao tầng mọc lên san sát, đường sá to rộng thuận tiện cho việc đi lại, cây xanh được phủ rộng khắp các tuyến đường, dân số ngày càng tăng, mọi thứ dường như đều hiện đại, tiện lợi. Ví như các dịch vụ thiết yếu như điện, nước đã ngày một phát triển để phục vụ nhu cầu của người dân. Cách đây khoảng hơn 20, 30 năm nằm trên dọc các tuyến phố, các khu tập thể của người dân vẫn còn hình ảnh như chúng ta hay nói là “cột đèn - máy nước” đấy nghĩa là người dân trong cùng 1 khu phải dùng chung nhau 1 - 2 cái vòi máy nước công cộng, chia nhau giờ ra để lấy nước về tích trữ tại các thùng phuy, xô, chậu của gia đình mình. Những buổi sáng sớm đi qua các trụ máy nước sẽ thấy hình ảnh những người Hà Nội khăn mặt vắt vai, tay cầm bàn chải, tay cầm ca nước cùng nhau đánh răng, trò chuyện mỗi sáng. Thì nay những đường ống nước sạch đã được lắp đặt vào đến từng hộ gia đình. Đúng là Hà Nội giờ thay đổi, phát triển to đẹp hơn, xứng đáng là đầu tàu của cả nước. 

Chị Nguyễn Hồng Tâm 
(30 tuổi, quận Hoàn Kiếm)
Là một công dân trẻ của Thủ đô, tôi cảm nhận được một cách rõ ràng những thay đổi của Hà Nội trong những năm qua, Hà Nội vẫn luôn đổi mới, thay đổi để hòa nhập với thế giới, tuy nhiên nét văn hóa của Thủ đô vẫn còn nguyên giá trị. Những con đường mới với các tòa nhà cao tầng mọc lên cho thấy Thủ đô của chúng ta đang được hiện đại hóa từng ngày. Nhiều dịch vụ ngày một phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dân. Người dân đã ngày càng có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nếu như khoảng hơn chục năm về trước đi trên đường thỉnh thoảng bắt gặp những đống rác bên lề đường thì nay thành phố đã đầu tư nhiều thùng rác hơn, sạch sẽ hơn và người dân có trách nhiệm hơn trong việc đổ rác đúng giờ, đúng quy định. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó thì bản thân tôi cũng có những điều băn khoăn. Đó là với tốc độ phát triển như thế, những tòa nhà chung cư cao tầng mọc lên ngày càng nhiều thì liệu rằng việc quy hoạch đô thị chúng ta có đáp ứng được? Nhưng dù sao, với tôi, Hà Nội vẫn luôn đẹp, luôn thân thương, cổ kính và mến khách.
Ông Đào Văn Thắng
(46 tuổi, quận Hà Đông)
Nếu so Hà Nội bây với Hà Nội của 20, 30 năm về trước thì khác quá nhiều. Hà Nội xưa nay vẫn đẹp, vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng vẫn có gì đó kiêu kỳ. Hà Nội đẹp là bởi tháng nào cũng có hoa, 12 tháng là 12 mùa hoa. Vậy nên ngày nào cũng vậy, những bông hoa sẽ theo đôi quang gánh hay những vòng xe đạp mà len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, từ phố nhỏ ra đường lớn, để kéo lòng người về miền ký ức xa xôi đầy kỷ niệm, và để nhắc ai đó hãy sống chậm lại, đừng vội vã trôi theo những xô bồ, bon chen ngoài kia. Còn giờ Hà Nội thay đổi quá nhiều, bên cạnh những nét cổ kính, mộc mạc xen vào đó là sự hiện đại của những công trình cao tầng, của giao thông công cộng. Tôi nhớ lại năm 1997, lúc bấy giờ ở Hà Nội khách sạn Deawoo đã được coi là công trình cao tầng vào bậc nhất Thủ đô. Nhưng giờ thì nhà cao tầng quá nhiều, đếm không xuể. Người dân như chúng tôi thấy rất mừng vì Hà Nội ngày càng phát triển, xứng tầm là trái tim của cả nước. Nhưng bên cạnh sự phát triển đó cũng kéo theo một số hệ lụy như ô nhiễm môi trường sống, nguồn nước, không khí. Một số những hạn chế trong quản lý đất đai và quy hoạch đô thị. 

Chị Hồng Hạnh 
(40 tuổi, quận Hoàng Mai)
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong tâm tưởng vẫn nhớ tiếng tàu điện leng keng, nhớ những phiên chợ Mơ với các bà, các mẹ vẫn thường mang rau vườn ra bán. Nhớ cả phiên chợ hoa Tết chiều muộn tối 30. Hà Nội giờ đẹp lên nhiều, cây xanh được trồng theo quy hoạch. Những con đường được mở rộng sạch đẹp và văn minh. Nhiều nhà máy ô nhiễm cũng đã được chuyển ra khỏi Thủ đô. Sự chuyển mình của Hà Nội đã và đang hướng tới một thành phố đáng sống. Không ồn ào náo nhiệt như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội dường như chậm lại một chút, cho những người dân Hà Nội cảm nhận sự bình yên. Dù vậy, Hà Nội vẫn đang trong quá trình đô thị hóa. Tình trạng bụi, ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. Đô thị hóa khiến những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội bị pha trộn thậm chí dần phai mờ. Tuy thế, những nét xưa cũ của Hà Nội giờ dường như vẫn còn đâu đó trong những con ngõ nhỏ, những mái ngói rêu phong, những gánh hàng hoa mỗi buổi chợ sớm mai, những quán cóc liêu xiêu vỉa hè. Nhiều lúc, chúng tôi cứ nói đùa với nhau, muốn tìm lại một Hà Nội của ngày xưa, tìm lại một đêm được đạp xe trở lại phố Bà Triệu. Giữa đường phố vắng vẻ, mở căng lồng ngực hít một hơi thật sâu để “nuốt trọn” những ký ức một thời. 

Ông Đặng Đức Đàm 
(80 tuổi, quận Nam Từ Liêm)
Để mà nói về Hà Nội đổi thay thế nào thì chắc tôi nói cả ngày không hết, sự thay đổi ấy diễn ra trong từng con phố, từng ngôi nhà. Chỗ tôi đang ở hiện tại, cách đây khoảng hơn 20 năm là mênh mông đồng ruộng, ao chuôm. Đường đi vào làng, vào thôn chỉ là những con đường đất nhỏ. Nhưng giờ thì khác hoàn toàn, nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường đất được thay thế bằng những con đường bê tông rộng. Mọi thứ đều trở nên tiện lợi, trường học, trạm xá, nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Con cháu chúng tôi được tiếp cận với nhiều thứ văn minh, hiện đại. Không thể phủ nhận rằng Hà Nội ngày càng giàu đẹp. Mễ Trì chúng tôi chuyển từ làng lên phường, đánh dấu một sự phát triển mới. Nhưng chúng tôi vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của một vùng cốm nổi tiếng của Hà Nội, vẫn giữ được nét văn hóa làng xã đó là luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người trong khu phố mỗi khi họ cần. Thay đổi gì thì thay đổi chứ tình người thì vẫn còn nguyên và phải luôn giữ được như thế.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Có một Hà Nội như thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO