Có một Hà Nội trong veo tuổi thơ tôi

Hoài Hương| 17/06/2021 08:37

Có một Hà Nội trong veo tuổi thơ tôi

1. Đã qua mấy chục năm, nhưng tôi chưa thể quên được cảm xúc ngày trở lại Hà Nội sau hơn 10 năm xa, tính từ tháng 6/1975 tôi theo ba mẹ về miền Nam. Đêm đầu tiên về phố cổ, trong một bar phòng trà đậm nét liêu trai, nghe câu hát đơn sơ mà như chất chứa bao ngăn hoài niệm trái tim tôi rung lên bồi hồi, bâng khuâng, như được trở về ký ức tuổi thơ, nơi từng con đường, từng khu phố, từng mái nhà đều gắn với một kỷ niệm nào đó với tuổi hồng ngọt như nắng mai lên 10 - 12 ngày xưa ấy.

Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng chỉ cần một ngày lang thang trên mỗi góc phố Hà Nội, những ký ức đó sẽ mãi hằn sâu trong tâm trí, lắng đọng trong tâm hồn, trở thành một ngăn hoài niệm quý giá của bất kỳ ai từng đặt chân lên mảnh đất hồn thiêng sông núi ngàn năm văn hiến này. Mà tôi, lại có hơn 10 năm tuổi thơ gắn với Hà Nội - trái tim Tổ quốc, Hà Nội của chiến tranh, Hà Nội của đêm trước ngày hòa bình thống nhất đất nước, hỏi sao mà không nhớ, nhớ thao thiết khắc khoải trong từng kỷ niệm được mang ra cuối ngày, để đi vào giấc mơ từng đêm suốt thời niên thiếu nơi phương Nam.

Và sau này, mỗi lần chạm vào Hà Nội là như chạm vào ký ức tuổi thơ, để nhẹ nhàng mở từng ngăn lộng lẫy, ngắm kỷ niệm được lưu giữ như báu vật tâm hồn.

2. Hà Nội tuổi thơ tôi, ngoài ngôi nhà ở cùng ba mẹ còn có một nơi gắn bó thân thiết và đầy ắp kỷ niệm thơ ấu trong trẻo và ngọt ngào. Đó là ngôi nhà 36 phố Lý Thái Tổ, xưa gọi là Câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội, giờ là Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ngôi nhà trong ký ức tuổi lên 10 của tôi là một thánh đường - cung điện rực rỡ, nơi ươm mầm khát vọng nghệ thuật từ ấu thơ của chúng tôi, nơi những đứa trẻ từ có năng khiếu ca - múa - nhạc - kịch và hội họa được nâng niu, được bồi dưỡng, học tập và biểu diễn. Đó cũng là một góc ký ức mà mỗi khi nhắc đến, tôi vừa có niềm tự hào, vừa hạnh phúc bởi có một tuổi thơ thật giàu có.

Còn nhớ khi ấy tôi sinh hoạt trong đội Kịch nói của câu lạc bộ. Mỗi buổi tập kịch, chúng tôi như được sống trong những khoảnh khắc thần tiên, được “hóa” thành các nhân vật trong những câu chuyện lịch sử, thần thoại đầy hấp dẫn, khi là Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Vừ A Dính, Dương Văn Nội, Kpă Klơng… lúc là em bé đánh giày, hay một du kích quân nhỏ tuổi. Trong các vở đồng thoại, khi thì chúng tôi được làm con ve suốt mùa hè ca hát, lúc thì là chị ong thợ chăm chỉ tìm phấn hoa; khi là những chú kiến mang tinh thần tập thể giúp nhau cùng xây dựng tổ, lúc lại là chú dế mèn tốt bụng, thích phiêu lưu… 

Để giúp chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp của loại hình sân khấu, các cô chú nghệ sĩ nổi tiếng như: Vũ Nguyệt Ánh, Phạm Thị Thành, Hà Văn Trọng, Đào Mộng Long ở Đoàn kịch nói Trung ương - Nhà hát kịch Việt Nam bây giờ đã “vỡ” cho chúng tôi rất nhiều bài học quý về nghệ thuật diễn xuất, nắm bắt tâm lý nhân vật. Tôi còn nhớ, ngày đó, để cho đội kịch chúng tôi cảm thụ vẻ đẹp ngôn ngữ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Phạm Hổ dẫn đường cho chúng tôi khám phá những vườn hoa thơ văn Việt Nam long lanh tuyệt đẹp…

Cho tới giờ, tôi vẫn không thể quên vị ngọt lịm mát lạnh của những cây kem Tràng Tiền, vị ngọt thơm hương trái cây của những viên kẹo Hải Châu sau những buổi tập kịch hay đi thu âm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, những vị ngọt tuổi thơ mà không bao giờ có thể tìm thấy lại sau này. Và cũng có thể vì thế, mà không lần nào ra Hà Nội, tôi không ghé ngang qua khu nhà nghệ thuật tuổi thơ này để như thăm một người bạn tri âm, ngắm diện mạo, lắng nghe những âm thanh rộn rã vọng từ ngôi nhà tròn trong khuôn viên, để như đang xuyên không thời gian thấy lại mình và các bạn đang nhảy múa ca hát diễn kịch đầy phấn khích…

3. Hà Nội tuổi thơ tôi còn lưu ký ức một không gian kỳ thú là vườn Bách thảo, một khu vườn cổ tích đầy mộng mơ và nhiều ảo diệu kỳ lạ đối với tôi và lũ trẻ. Cho đến hôm nay, mỗi khi ghé qua nơi này trong tôi vẫn y cảm giác thú vị, y như thêm một lần của ngày xưa. Giống như một không gian cho trí tưởng tượng tuổi thơ bay bổng, vườn Bách thảo với những cây cổ thụ cao như xuyên mây chạm vào mặt trời, thân cây xù xì chìm nổi những vảy vỏ loang từng mảng trắng bạc chen xanh rêu, to đến mấy vòng ôm người lớn, rễ trồi lên mặt đất lượn sóng như sống lưng rồng sắc nâu bóng, lá quanh năm xanh mướt tỏa bóng dịu mát cả khu vườn. Và trong um tùm xanh là bao nhiêu tổ chim xinh xắn, mà mỗi khi tiếng hót của chúng cất lên nghe như một đại nhạc hội nhiều cung bậc bổng trầm…

Nhưng đó cũng chưa hẳn tạo nên trí tò mò cho lũ trẻ chúng tôi ngày ấy, mà nơi kích thích mọi giác quan và cả cảm giác phiêu lưu mạo hiểm chính là leo lên đỉnh núi Nùng. Mon men khe khẽ từng bước len qua những gốc sưa cổ thụ, rồi trong cái u tịch có chút hoang vắng được bao phủ bằng hàng chùm rễ si, đa, đề buông dài, cả lũ trẻ chúng tôi nắm tay nhau rón rén, ngắm nhìn một cách kính cẩn ngôi miếu cổ thờ Huyền Thiên Hắc Đế, tương truyền là người có công giúp vua Lý Thái Tổ đánh giặc ngoại xâm, rồi sau đó lại đố nhau tại sao núi Nùng còn có tên núi Khán, núi Xuân, núi Sư, núi Sưa, núi Tiết, mà cho mãi tới hôm nay, cũng vẫn là câu hỏi lơ lửng tạo nên sự huyền bí của nơi này.

Không biết ngày hôm nay bọn trẻ Hà Nội có còn thích cây cầu nửa trắng nửa đỏ bắc ngang qua hồ Vị Danh nước xanh trong ở Bách thảo hay không, nhưng với chúng tôi ngày xưa, đây là cây cầu cổ tích dẫn đến khu vườn thần tiên được tạo bởi những kỳ hoa dị thảo rực rỡ sắc màu, tỏa hương ngát thơm, cùng những bầy chim bồ câu trắng tuyết thân thiện với bầy trẻ. 

Tôi đã trót yêu Hà Nội như mối tình đầu se kết thành tơ thành tóc trong tâm hồn trong trái tim mà luôn vương vấn quấn níu từng mái nhà xám rêu như đứng đó từ ngàn năm trước. Từng góc phố cổ bàng bạc không khí chợ “Hàng” mấy trăm năm qua, từng gánh hàng rong thong dong ngang phố như chưa bao giờ có năm có tháng đậu lại... Và mỗi khi từ phương Nam ra Hà Nội, là như được trở về với những ký ức tuổi thơ trong veo mà ngọt ngào, ngây thơ mà lộng lẫy, để nhớ để thương.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Có một Hà Nội trong veo tuổi thơ tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO