Con chó ba chân

Nguyễn Ngân Kim| 24/10/2018 09:25

Thế là nó còn ba chân! Lão chủ vô tình cắt phứt một chân của nó khi cắt cỏ. Lão mắng khi thoa thuốc băng vết thương cho nó: - Cha mày, tại mày lo giỡn lao bừa vào chớ tao có cố ý cắt chân mày đâu mà la.

Con chó ba chân
Minh hoạ của Phạm Nghĩa
Nó cụp tai ráng nhịn đau không dám rên nữa. Ai bảo số nó xui, hai đứa quần nhau giỡn mà chỉ mình nó bị cụt chân còn thằng Vàng chả bị gì sất. Tức ơi là tức! Cũng tại thằng Vàng rủ nó chơi quần nhau mà nó còn có ba chân. Nó đâm hận thằng Vàng, hễ thấy bóng dáng thằng Vàng đâu là nó gầm ghè chực lao vào cắn. Thằng Vàng thấy nó là cụp đuôi bỏ chạy. “Cái thằng to xác mà nhát cáy, hạng như nó nuôi chỉ mập thây chứ giữ gì được nhà” – Nó thầm rủa trong lòng khi thấy ông chủ có vẻ nựng nịu thằng Vàng ra mặt.

Kể từ khi cụt chân Trắng đâm ra đổi tính đổi nết. Nó chỉ nằm một chỗ liếm cái chân đau, nhác thấy bóng dáng con chó nào là nó nhe răng đe dọa sẽ nhào vào cắn. Thói đời là thế, khi người ta thua thiệt, người ta đâm ra hận tất cả những kẻ lành lặn hơn mình. Kể cả khi có người tỏ ra thương hại mà hỏi thăm thì kẻ thiệt thòi lại càng cho rằng người ta đang cười nhạo mình mà uất hận thêm. Bởi thế mấy lần Vàng lân la lại gần định hỏi thăm cái chân đã đỡ đau chưa thì Trắng lại xông vào cắn Vàng. Thằng Vàng không cắn lại không phải vì nó sợ thằng Trắng, mà chỉ vì nó thương thằng Trắng, dù gì đó cũng là đàn anh của nó, chung một mẹ chỉ khác lứa. Vả chăng một kẻ lành lặn mà cắn thắng một thằng tàn tật thì có gì đáng rạng mày rạng mặt. Bởi vậy nên mỗi khi chủ cho ăn, Vàng ngồi một bên để cho Trắng ăn trước, khi thằng anh đã no nê Vàng mới lại liếm láp phần cơm còn lại.

Nhưng cây muốn lặng mà gió chiều lòng đâu. Thằng Vàng càng nhịn, thằng Trắng càng lấn tới. Nhiều hôm nó ráng sức ăn bằng hết hai phần thức ăn ông chủ cho. Tối đó Vàng đói lả phải chạy qua nhà hàng xóm tìm cơm thừa rồi bị lão hàng xóm vác xà leng (cái cuốc) đi lùa. Vàng nhanh chân vẫn bị giá cho một giá chảy máu cổ. Thằng Trắng thấy vậy thì hớn hở ra mặt. Nó thầm nhủ: “Nó bị thế là còn may đó, lẽ ra nó phải cụt một cái chân như mình thì mới đáng”. Hai hôm sau Trắng vẫn giành ăn hết phần cơm chủ cho, Vàng tóp lại vì đói, bụng lồi hai dãy xương sườn, bộ lông xác xơ. Lão chủ hình như thấy được việc làm của Trắng nên đến bữa cơm ngồi canh hai con chó. Lão thấy thằng Vàng cứ đứng phía xa nhìn thằng Trắng ăn thì mang cái tô lại cho nó. Lão thầm thì điều gì đó với nó, còn vuốt đầu nó có vẻ âu yếm lắm. Thằng Vàng ăn ngon lành, có lẽ là đói quá. Thằng Trắng thì vừa ăn vừa ấm ức trong lòng, đôi mắt ranh mãnh lóe lên sáng quắc như loài sói hoang.

Sáng nay, lão chủ xem xét vết thương của Trắng. Chân đã lành hẳn như một sự diệu kỳ của tạo hóa. Lão không tưởng được rằng cái chân của con chó lại kéo da non được. Lão ôm đầu nó mắng yêu:

- Phúc nhà mày đấy con ạ, tao tưởng mày toi rồi chứ.

Thằng Trắng liếm láp tay lão tỏ vẻ hiểu lời lão nói. Lão đem khoe chuyện con chó lành hẳn cái chân cắt cụt kia cho mấy người hàng xóm. Ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Thế là trong cữ nhậu thằng Trắng được ưu ái cho một mớ xương. Trắng lấy làm ngạc nhiên, té ra mất cái chân cũng không phải là điều gì to tát lắm, có khi nó lại sướng hơn khi có ba chân cũng nên. Bởi mỗi lần lão chủ nhậu, nó chỉ cần nằm gần đấy rên ư ử giơ cái chân đau lên là thế nào cũng được một mớ xương. Rồi mỗi khi chủ đi cắt cỏ, nó lại lọt tọt cò ba chân chạy theo, khi về thể nào lão chủ cũng cho một phần cơm cá ngon lành. Nó phát tướng thấy rõ. Cái chân cụt phì to ra, trông cứ như cái đùi gà đóng hộp bán trong siêu thị vậy.

Từ khi được lão chủ ưu ái, thằng Trắng đâm dễ dãi với thằng Vàng. Đôi khi nó chỉ ăn hết phần thịt cá, còn lại cơm vất đấy cho Vàng ăn. Thằng Vàng tuy thấy thằng Trắng dễ dãi nhưng cũng không dám lại gần, nó chỉ đứng ở xa nhìn Trắng, và chơi với mấy con chó hàng xóm. Thằng Trắng chẳng cần chơi với đứa nào cả, nó chỉ cần chủ khen và cho ăn no là được. Nó đâm làm biếng, thấy người lạ đến nhà chỉ giương mắt nhìn để cho Vàng sủa một mình. Thế đấy, khi người ta tự dưng được ưu ái, người ta chẳng cần phải làm siêng để làm gì. Cần gì phải làm khi có người chu cấp cho cái ăn, dù đó là vì lòng thương hại đi chăng nữa! Đôi khi lòng thương lại làm hại người ta là vậy đó, thương không đúng cách cứ như tiếp tay cho người ta hư! Thằng Trắng chẳng ý thức được việc đó. Lão chủ cũng chẳng nghĩ ngợi quá về chuyện thiên vị con chó ba chân. Thế là con chó ba chân càng làm biếng hơn, bất cứ việc gì cũng viện có “ba chân” ra để bao biện.

Chỉ tội thằng Vàng, từ khi thằng Trắng nằm dài ăn rồi sưởi nắng, nó phải ra sức coi ngó nhà cửa. Nào là canh những con chó hàng xóm vào phá vườn rau của ông chủ, nào là canh đàn bò vào ban đêm, nào là canh nhà ban ngày khi chủ đi làm, vân vân và vân vân. Cả tá việc không tên khiến nó lăng xăng cả ngày. Rồi nó đâm quen, chẳng mảy may so bì công chuyện với thằng Trắng. Ngày nào cũng cần mẫn với nhiệm vụ được giao, vậy mà đến bữa ăn vẫn phải đợi thằng Trắng ăn hết cá thịt bỏ đi nằm rồi mới dám ăn phần cơm thừa! Ai bảo nó ngu, sống ở đời thành thật chỉ tổ thiệt thòi mà thôi, còn những kẻ ranh mãnh lọc lừa lại sung sướng nhàn nhã. Lão chủ đôi khi ngồi nhậu cũng than vãn như thế là gì, người mà còn như thế huống chi chó. Cuộc đời mà công bằng thì đâu còn là cuộc đời!

Một hôm nọ có một gã mua chó đến. Gã cứ gạ lão chủ bán phắt con chó ba chân mập nù đi, chó ba chân mà nuôi để làm gì! Lão chủ không chịu bán, lão bảo tội nó, cũng một phần lỗi của lão mà nó mới ba chân. Thế nhưng gã mua chó cứ ngồi kỳ kèo mãi. Gã phân tích cho lão chủ thấy nuôi một con chó ba chân bất lợi như thế nào. Này nhé chó ba chân thì chỉ chạy cà tọt, chạy thế thì làm sao mà bắt trộm, hơn nữa giống chó phải có bốn chân, chó mà có ba chân là xui lắm làm ăn lụm bại. Không có con chó này thì xin con chó khác, thiếu gì chó con mà xin. Chó chứ có phải người đâu mà tội, chỉ khéo vẽ chuyện. Mà làm thịt nó là hóa kiếp cho nó, chứ cứ bắt nó sống kiếp ba chân hoài tội lắm. 

Trước những lý luận của gã bán chó lão chủ cũng gật gù suy nghĩ. Thấy điệu bộ của lão chủ con Trắng lo ngay ngáy. Nó ngó lão chủ không chớp mắt. Khi thấy lão chủ kêu lại vuốt ve, nó cố liếm tay lão nịnh nhưng hai bàn tay lão kìm chặt họng nó lại. Lão bảo nó rằng lão không muốn nhưng phải bán nó đi để hóa kiếp cho nó. Nó rên ư ử trong họng. Cái thòng lọng dài và con dao bầu bén ngót hiện ra trước mắt nó. Khóe mắt nó rỉ nước. Nó sợ. Đúng lúc đó con Vàng xộc tới. Nó xôm tới cắn quần gã mua chó lôi đi sền sệt. Gã hét lên vì sợ hãi. Lão chủ buông con Trắng ra để đánh đuổi con Vàng. Chỉ chờ có thế con Trắng co chân cụt lên lò tò chạy mất. Con Vàng đuổi theo nó, vừa đuổi theo vừa quay lại gầm gừ canh chừng hai con người định bắt thằng anh ba chân của nó.

Ra mãi đến cánh đồng trống, con Trắng mới dừng lại thở hồng hộc. Con Vàng liếm láp lông nó an ủi. Trắng nhìn Vàng ư ử hỏi thế mày không hận tao à. Vàng chẳng màng đáp chỉ liếm láp cái chân cụt của thằng anh dỗ dành. Đến bây giờ con Trắng mới hiểu ra được rằng chỉ có tình thương anh em ruột thịt mới là quan trọng nhất, chứ cái tình chủ tớ nhạt lắm, có khi còn nhạt hơn nước ốc nữa là… 
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Con chó ba chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO