Con chòe lửa

Bùi Việt Phương| 04/06/2020 10:52

Từ lúc con bé Hiếu tặng cái cây phong thủy, phòng làm việc của tôi đâm ra còn chật hơn. Mỗi khi có cơn gió thổi từ cái cửa sổ nhỏ phía Đông vào, cả người và cây đều ngoi lên hít lấy, hít để.

Con chòe lửa
Minh họa của Vũ Khánh
Từ lúc con bé Hiếu tặng cái cây phong thủy, phòng làm việc của tôi đâm ra còn chật hơn. Mỗi khi có cơn gió thổi từ cái cửa sổ nhỏ phía Đông vào, cả người và cây đều ngoi lên hít lấy, hít để.

Ấy thế mà từ đầu tháng, bên văn phòng còn “nhét” thêm vào phòng tôi một thằng cu lái xe người thấp, béo tròn. Hỏi qua, đáp lại, “ông chẳng, bà chuộc” một lúc thì hóa ra tôi học cùng lứa với cả ông ngoại nó. 

Thằng cu tên Đạt mà chẳng thi đậu trường nào. Nó bảo nhỏ: “Cả cái bằng lái xe của con cũng phải chạy đấy bác”. Thằng này cũng không thuộc dạng khôn khéo, giỏi nịnh như mấy đứa khác, lắm khi tôi còn phải pha trà mời tận miệng nó. Được cái, nó toàn hỏi những câu thật sướng tai.

Thực ra thì biên chế phòng tôi còn có đến hai nàng chân dài nữa. Một nàng tên Thảo xinh xắn và toàn dùng đồ hiệu. Thảo chỉ coi cơ quan là chỗ gửi xe miễn phí và tập kết hàng để bán online. Nàng thứ hai tên Thoan thì chẳng đời nào chịu ngồi cùng chỗ với tôi. Nàng ở bên kia cái vách ngăn bằng kính vì “đặc thù công việc”. Có lần, thằng Đạt hỏi:

- Thế tóm lại, chị Thoan làm gì mà phải ngăn đôi phòng ra hả bác? 

Cặp kính lão của tôi bỗng tuột xuống giữa sống mũi. Trước mặt tôi lúc này là một thằng cu lọt thỏm giữa một đám đầy bằng cấp, danh hiệu. Nó lại tiếp:

- Cháu thấy lúc đi làm thì mắt chị ấy ngước lên trần nhà, còn lúc đi tắm biển thì mặt lại cúi gằm xuống. 

Tôi nghiêm mặt bảo cho nó hiểu rằng khi cái gì đập vào mắt thì người nhìn xa, trông rộng sẽ tính đến những nguy cơ còn tiềm ẩn. Còn khi mọi người mải hóng cái xa, người tinh ý lại phải cẩn trọng từng bước chân mình… Nó gật gù vỡ vạc đôi chút. 

Một sáng, gió mùa về, hai bác cháu vét được nắm vụn trà cóc két vừa bỏ vào ấm thì Thoan chạy sang. Phải nói là lâu lắm rồi, có khi còn thưa hơn những dịp khách ở trên về cơ quan tôi, nàng mới ghé vào phòng tôi. Thành thử, cả ba mươi mét vuông đều bừng sáng trước màu váy đỏ. Mùi nước hoa như xộc vào từng ngõ ngách bụi bặm, hôi hám để làm nhiệt độ trong phòng tăng vùn vụt. Ấy thế mà, dẫu tỏ ra điềm tĩnh, nàng vẫn không giấu được vẻ lo lắng.

- Anh Khoa, anh giúp em lập cái biểu!

- Ok, hết tuần trà anh sẽ làm rồi gửi sang cho em.

- Ấy không (với ai trong cơ quan này, được nàng nhờ tức là phải nhận lệnh), anh sang làm ở máy em cơ.

Thằng Đạt nháy mắt nhìn tôi. Có hôm nó từng khoe đã từng dẫn được bạn gái hơn mấy tuổi vào nhà nghỉ, chắc nó đang nghĩ đến chuyện ấm ớ gì đó, nhưng nàng đã tiếp:

- Anh sang ngay nhé, em chạy ra ngoài có tí việc gấp, lát em còn kịp nộp cho sếp phó.

Sếp phó là thằng cha Tuấn, trước  tôi còn phải kèm cặp mãi. Tôi chả lạ gì cái cặp đôi “nịnh trên nạt dưới” ấy. Tôi rủ thằng Đạt sang phòng nàng. Đúng là một căn phòng gọn gàng, thơm tho đến cả cái khăn lau bàn. Lịch làm việc ghi chi chít các nội dung nhưng nhìn kĩ toàn là nhờ vả người khác. Trên tường, đến con tò vò khôn khéo nhất cũng không lách vào được giữa những khung kính lồng giấy khen, ảnh lưu niệm chụp nàng ở các sự kiện lớn với các VIP... 

Tôi hí hoáy làm, thằng Đạt ngồi yên được lúc thì ngứa ngáy, bắt đầu ngó nghiêng các góc, dù được tôi cảnh báo chủ nhân là một người kĩ tính thế nào. Bỗng dưng, “vù” một cái, một con chim đã lạc vào phòng từ bao giờ đang cố sức chạy trốn. Tôi đã mở rộng cửa để nó có thể thoát ra theo một cách tự nhiên nhưng có lẽ - như sau này thằng Đạt giải thích là vì tấm gương trong phòng quá to, cộng thêm những mùi hương sực nức, bởi màu sắc sặc sỡ đã làm nó choáng váng. Cuối cùng, nó rúc được vào khe hở của ống dẫn cục máy điều hòa, có lẽ đấy là chỗ khiếm khuyết duy nhất trong căn phòng này. Những sợi lông tội nghiệp của nó rớt xuống nền gạch men bóng làm tôi thấy ớn lạnh. Sự im lặng lì lợm của con vật hoang dã cuối cùng làm tôi nóng ruột. Hai bác cháu ném vèo con vật bay qua cửa sổ như người ta thả một cánh diều, nó lao đi chấp chới.

Nhưng hôm sau, con chim tội nghiệp lại lạc vào phòng một chị kế toán. Hôm sau nữa là phòng một anh kĩ thuật viên, một chị phòng thanh tra… Những người vốn lo sợ bệnh dịch thường tìm cách lừa một đứa trẻ nhận lấy cái trách nhiệm cao cả là trẻ khỏe, nhanh nhẹn. Mỗi lần bắt rồi thả con chim ra như thế, thằng Đạt lại làm mất thêm những sợi lông xơ xác trên thân thể nó. 

Thật lạ, phải đến hôm ấy, một ngày cuối tuần nó mới hạ cố đến căn phòng chật chội, bức bí của tôi. Nó không tìm chỗ chui rúc nữa mà đậu ở góc phòng với dáng mệt mỏi, một bên cánh như bị sã xuống. Những năm tuổi trẻ còn lang thang đi xẻ gỗ, đào gốc cây quý trong rừng, tôi từng được uống thứ rượu ngâm từ một trăm cặp chân chim rồi say nằm vật trên cỏ. Tôi mơ màng thấy những cánh chim bay ngang qua bầu trời. Chúng cứ bay mãi, không phải là cuộc thiên di nữa mà hình như cả đàn đều bị cắt cụt đôi chân, không thể đậu xuống nơi nào. Chúng cứ bay mãi đến mòn vẹt thân hình phía cuối trời. Thằng Đạt bảo đây là con chim được ai đó nuôi từ bé, nó chỉ biết quanh quẩn bên người chứ không thể bay vút về phía núi rừng để tự lo liệu cho mình. Những gã bợm trợn, những người giàu có nâng niu giống này lắm, nó được bao cấp, được chiều trong nhịp sống thị trường này, sao ở đây người ta lại sợ nó?

Từ hôm về ở với tôi, sau một thời gian, con chim đã nhanh nhẹn hẳn và bắt đầu đỏm dáng. Những sợi lông của nó ánh lên sắc lửa. Cái đuôi dài, ra dáng một chàng quý tộc cổ điển, tiếng hót dần chiếm lĩnh cả khu vườn vốn trầm buồn.

Có nó trong nhà, như phải chăm bẵm đứa trẻ, tôi bắt đầu đi muộn, về sớm sao nhãng công việc hơn trước, trong khi nó cất tiếng hót rất đều đặn. Cuối năm ấy, cơ quan tôi xảy ra khối việc lùm xùm, người ta bắt đầu dựng lên các “thuyết âm mưu” về “chim sa, cá nhảy”, họ kháo nhau đủ những cái kết về cuộc đời chú chim. 
Chị kế toán bảo: Con chim ấy sau khi bị ném khỏi phòng chị liền bay xuống trú ngụ ở một nhà phía bên kia hồ. Hôm vừa rồi, cả nhà đó đều bị thương khi chiếc xe bị lật ở một đoạn đường không có đèo dốc. Ghê không? Chị phòng thanh tra thì quả quyết: sáng thứ bảy tuần vừa qua, khi một mình đi bộ qua công viên, chị đã thấy nó nằm chết trên phiến đá cẩm thạch. Nhận ra con chim hôm trước, chính chị đã tự tay moi đất, chôn cất nó dưới một gốc cây nhỏ trước mặt hồ điều hòa. Chị là người mộ đạo Phật, chị tin linh hồn của con vật đáng thương sẽ siêu thoát bởi sự thanh khiết, bao dung  của thiên nhiên và lòng người.

Riêng cậu kĩ thuật viên thì khăng khăng là nó vẫn còn sống. Theo các thông tin trên mạng mà cậu nắm được thì con chim mang một bệnh dịch do đi qua nhiều vùng trước khi ghé đến xứ này (dù dưới vỉa hè kia đứa trẻ nào cũng biết chích chòe là giống chim chỉ quanh quẩn ở một vùng). Cậu có thể ước đoán được vòng đời của nó, có thể giờ nó đang xuôi về vùng các quần đảo Đông Nam Á hoặc xa hơn bằng cách cư ngụ trên những con tàu biển…

Còn chừng hơn tháng nữa trước lúc tôi được nghỉ hưu, phòng hành chính bắt đầu cho dọn bớt những đống tài liệu và sửa sang lại phòng tôi. Công việc dự kiến chỉ diễn ra trong đôi tuần nhưng rồi kéo dài cho đến ngày cuối cùng trước khi tôi bàn giao công việc. Chiếc xe dream thì tôi đã đồng ý để lại giá rẻ cho Đạt, căn nhà bán rẻ cho gã hàng xóm. Tôi chỉ mang theo ít quần áo, tư trang mấy cuốn sách lên chuyến bay về quê hương xa xôi. Tôi đã một mình từ đó ra đi, và hôm nay lại được trở về một mình. Con chòe lửa đành phải ở lại. Tôi sợ đến vùng đất mới không hợp với nó. Với cả, nó còn một phần đời lang bạt dang dở ở đây, biết đâu một ngày người chủ thực sự của nó tìm tới.

Sáng nay, tôi đến cơ quan lần cuối cùng. Tất cả đều chùng chình như mọi sáng, cái cổng sắt cơ quan vẫn cọt kẹt mở ra một ngày bình lặng. Tôi mang theo con chòe lửa. Không như mọi khi ra công viên hay đến hội chơi chim, nó tỏ ra lo âu đu mình trên nan lồng. Thoan đi loáng qua, hất tóc như không nhìn thấy cả tôi và nó. Mấy người khác cũng như không thể thấy hai kẻ vô hình này. Khi tất cả đã đông đủ, tôi nhìn căn phòng mới được mở thông sang với phòng Thoan thật khang trang. Chắc hẳn, sẽ có một cương vị mới.

Liếc nhìn đồng hồ, đã mười một giờ kém mười lăm phút, chắc thủ trưởng chỉ phát biểu đôi câu rồi cả cơ quan sẽ ra nhà hàng đánh chén một bữa, tiễn tôi về với cuộc đời tỉ phú thời gian. 

Sau những lời phát biểu của lãnh đạo cơ quan, tất cả đã im bặt. Họ đang đợi người sắp không còn cùng hội cùng thuyền nói lời của kẻ yếu thế. Tôi không nói gì. Tôi lặng lẽ bước ra hiên, tháo chiếc lồng đang treo con chòe lửa xuống. Bàn tay tôi khe khẽ mở chiếc áo lồng màu đỏ, con chim ngước lên nhìn tôi rồi nhìn đám đông, nhảy nhót đôi chút rồi lại chúi mỏ vào cóng thức ăn. Nó bình thản hơn tôi rất nhiều. Tôi mở cửa lồng, đặt nó lên tay, sắc đẹp của nó làm tất cả ồ lên xôn xao. Bất giác, cái không khí rưng rưng có phần ảm đạm của buổi  chia tay được hâm nóng bởi con chòe lửa còn hơn cả chiếc váy đỏ đắt tiền bó sát bên ngoài bộ đồ lót được nịt gọn gàng để níu lại tuổi xuân của Thoan dưới kia. Giờ tôi mới để ý, năm nay Thoan già đi hẳn. Một núi không thể có hai hổ, Thoan đứng dậy phủi váy nói bâng quơ “chim với chả cò, đang vội…” rồi bước ra khỏi phòng. Con chòe lửa càng ngạo nghễ. Tôi nâng bàn chân lên, bàn chân tôi nặng như đeo chì, tôi đạp lên chiếc lồng, chiếc lồng bẹp rúm, con chòe lửa sà xuống ngơ ngác. Rồi nó đậu trên mặt bàn, trên song cửa sổ, rồi như mọi khi, nó lượn bay đi khá xa. 

***
Sau khi đã ổn định cuộc sống mới ở quê, một hôm khi đang ngồi trên chiếc máy bay Airbus sơn đỏ trong chuyến du lịch, tôi bỗng thấy mình như đang lạc giữa bầu trời. Đôi cánh dang rộng mãi, lao vào cõi mù mờ, bâng khuâng vô định. Xuống sân bay, bật máy điện thoại lên, tôi nhận được một tin nhắn dài như một truyện ngắn của con bé Hiếu. Nó kể lại những ngày tháng cuối cùng của con chim xấu số. Từ những lần nó bay khắp các phòng tìm tôi, bị bắt đem nhốt trong chiếc lồng ọp ẹp dưới phòng bảo vệ, đến lúc con mèo hoang phá nát chiếc lồng vần vò nó cho đến chết rồi ăn mất xác. Tất cả những gì con bé Hiếu tìm được chỉ còn những sợi lông màu đỏ vấy máu. Hiếu đem đốt thành tro rồi rắc lên mặt nước chỗ hòn non bộ trước sảnh cơ quan. Nhưng kì lạ một nỗi, từ hôm ấy, mỗi lần đi qua, Hiếu lại cứ nghe thấy văng vẳng tiếng chim chòe lửa hót quanh mấy hòn đá lởm chởm ấy. Nó còn kể đâu như Thoan đi làm đẹp bị dị ứng toàn thân. Thảo thì xin đóng bảo hiểm để ra ngoài làm, phòng tôi bị sáp nhập và không còn tên gọi nữa…

Tôi nhìn ra cánh máy bay và bâng khuâng nghĩ, không biết giờ này cái thị xã miền đồi ấy đang thức dậy dưới nắng mai như thế nào nhỉ? Trong đầu tôi lóe lên một sắc nắng đỏ bầm như thể vầng mặt trời hôm ấy cũng thấy mình có lỗi… 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Triển lãm kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa
    Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), sáng 19/4/2024, đơn vị sẽ tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất” nhân kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).
  • Trường Tiểu học Nam Thành Công tổ chức mô hình điểm Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên"
    Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” là đợt sinh hoạt truyền thống lịch sử, nhằm tạo nên bầu không khí thi đua học tập tốt, rèn luyện chăm sôi nổi trong toàn liên đội; qua đó biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội.
  • MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng trong năm 2024
    Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo MB đã chia sẻ những mục tiêu kinh doanh trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ngân hàng (04/11/1994 – 04/11/2024) cùng nhiều nội dung nổi bật khác.
Đừng bỏ lỡ
Con chòe lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO