Còn một bài thơ chưa đăng của Nguyễn Bính

Nguyễn Mạnh Hà| 27/08/2018 11:24

Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Đoài làng cổ Hoàng Mai - nơi mà Nguyễn Bính về dưỡng bệnh trong những năm 1938 - 1939, nơi mà nhà văn Hoàng Tấn trong hồi ký “Nguyễn Bính - Một vì sao” xuất bản năm 1998 đã về thăm nhà thơ trên căn gác ở Hoàng Mai, lúc đó Nguyễn Bính gọi là Mộc hoa trang.

Còn một bài thơ chưa đăng của Nguyễn Bính
Nhà thơ Nguyễn Bính

Quả thực nghề chuyên môn của tôi chẳng dính dáng gì đến văn thơ nhưng trong quá trình sưu tầm viết một quyển sách về quê hương “Làng cổ Hoàng Mai – mảnh đất, con người”, xuất bản năm 2013, tôi có dịp tìm hiểu về làng, về những người con sinh ra trên mảnh đất này và cả những người đã viết về Hoàng Mai trong đó có nhà thơ Nguyễn Bính.

Thật ra tôi biết thơ Nguyễn Bính từ hồi học cấp II với bài “Lỡ bước sang ngang”, đặc biệt là bài “Nhặt nắng”, nhưng lúc đó tôi không biết nhà thơ đã viết bài thơ này và hai bài nữa trong đó có bài “Tương tư” (1939) ở Hoàng Mai quê hương tôi. Tôi đã cố tìm và nhờ bạn bè tìm giúp mà chưa thấy vì vậy trong phần thơ viết về Hoàng Mai tôi chỉ trích đăng hai bài “Nhặt nắng” và “Tương tư”. Chính nhờ có bài “Nhặt nắng”, tôi mới tìm ra địa điểm trọ của nhà thơ: đó là căn gác nhỏ của cụ bô Kình cho nhà thơ thuê, căn gác có cái cửa sổ nhìn ra cầu giếng Bô. Giếng Bô là một trong 7 giếng xây gạch cao khoảng 1,2m, cầu giếng có 10 bậc lên xuống, trên bờ có 2 cây nhãn cổ thụ. Vì giếng nằm ở ngay ranh giới giữa thôn Đoài và thôn Đông có nước rất trong nên con gái hai thôn thường đến gánh nước hoặc xách nước lên gốc nhãn giặt giũ, vì thế nhà thơ nhìn qua song cửa sổ đã mở đầu bài thơ bằng những câu thơ tuyệt tác: 

Cô gái nhà ai ở xóm Đông
Sang đây một sớm nắng vàng trong
Cùng hai cô bạn bên bờ giếng
Nhặt nắng trong cây kể chuyện lòng.

Và từ khi nhìn thấy cô gái thôn Đông thì:

Bệnh dường như khỏi, dạ như say.
Sau đó có lẽ nhà thơ đã tương tư thể hiện qua bài “Tương tư”:
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
………………………….
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?

Bẵng đi một thời gian dài tôi đã nản không còn nhiệt tình tìm kiếm nữa thì đùng một cái anh Kiều Viết Thắng ở chi bộ đưa cho tôi một bài thơ “Về ăn cưới” bảo là của Nguyễn Bính do ông Nguyễn Lân Khôi cung cấp. Để hiểu kỹ hơn bài thơ này, tôi đã cùng anh Thắng đến nhà ông Khôi, hóa ra ông Khôi là con bà Nguyễn Thị Chung – người con gái xóm Đông mà nhà thơ mơ tưởng. Theo ông Khôi kể, bài thơ được viết vào ngày 12/3/1942 khi mà Nguyễn Bính về Hoàng Mai ăn cưới mẹ ông. Nguyên văn bài thơ như sau:

Từ tôi bỏ xóm Mai vàng
Xa xôi muôn dặm lỡ làng một thân
Đã tàn biết mấy mùa xuân
Ngờ đâu tôi lại có lần qua đây
Giếng xưa nước cạn hay đầy?
Cảnh xưa lại gặp người xưa
Ngậm ngùi tôi viết bài thơ cuối cùng
Mai đây người thắm chỉ hồng
Lớp mây bốn ngả con sông đôi bờ
Người ơi dù có bao giờ 
Vô tình đọc lại bài thơ tôi làm 
Cho tôi được gọi bằng em
Được coi như bạn cho thêm thật thà
Dù gần hay ở nơi xa
Người tôi chỉ dám im mà nhớ thôi!

Lý do mối tình không thành của nhà thơ tôi có thể hiểu được, vì cô gái thôn Đông lúc đó mới 14 tuổi còn Nguyễn Bính đã 36 tuổi, chắc cụ Chưởng Chắt bố cô Chung không dễ gì chấp nhận. Nhưng vì sao nhà thơ không hé lộ một lời nào về mối tình này cho cả người bạn thân – nhà văn Hoàng Tấn khi về thăm ông ở Hoàng Mai thì tôi chịu không thể giải thích nổi. Dù sao tôi cũng đã có được bài thơ mà tôi mong muốn, nếu có dịp tái bản quyển “Làng cổ Hoàng Mai” chắc chắn tôi sẽ bổ sung vào phần thơ viết về quê hương tôi. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá ngã ba Tuần - nơi an giấc nghìn thu của 2 vua, 9 chúa nhà Nguyễn
    Khu vực ngã ba Bằng Lãng (xã Hương Thọ, TP Huế) là hợp nguồn tạo thành sông Hương với vị thế đất đặc biệt nên được các vua chúa nhà Nguyễn chọn làm nơi an nghỉ cuối đời.
  • Gần 500 lễ hội tại Hà Nội được tổ chức, đảm bảo trang trọng, lành mạnh
    Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024” chiều 28/3, từ đầu năm đến nay, gần 500 lễ hội của Thủ đô được tổ chức, đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh…
  • Có một miền chỉ một…
    Cách nay không lâu, nhà thơ Quang Hoài trải qua một cơn bạo bệnh. Rất nhiều bạn thơ lo lắng và không khỏi ái ngại cho ông. Rồi may mắn thay, ông đã “thoát hiểm”! Đó cũng là sự ngạc nhiên mà số phận dành cho ông. Càng ngạc nhiên hơn là sau đó cũng không lâu, gần như ngay lập tức, ông cho hạ sinh đứa con tinh thần thứ mười ba mang tên “Miền Hoài Phương”- một cái tên thật có ý nghĩa, lại rất lạ và hấp dẫn độc giả. Hỏi tác giả, mới hay: Đó là cái tên được kết nối, gắn kết thật khéo bởi tên ông (Hoài) cùng tên
  • Gắn biển công trình chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ lần thứ VII
    Sáng 29/3, Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBND - UBMTTQ) quận Tây Hồ tổ chức lễ gắn biển công trình nâng cấp, cải tạo Trường Trung học cơ sở (THCS) Quảng An. Đây là công trình tiêu biểu được quận lựa chọn gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ lần thứ VII - nhiệm kỳ 2024 - 2029.
  • Kỳ họp chuyên đề HĐND Thành phố Hà Nội quyết định 17 nội dung về 4 nhóm vấn đề
    “Thành phố quyết định triệu tập kỳ họp thứ 15 để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề lớn, quan trọng theo thẩm quyền liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác cán bộ kiện toàn chức danh Ủy viên UBND Thành phố, gồm 17 nội dung liên quan đến 04 nhóm vấn đề chính”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu.
Đừng bỏ lỡ
Còn một bài thơ chưa đăng của Nguyễn Bính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO