Công tác tuyên truyền góp phần khẳng định những thành tựu của đất nước và Thủ đô

Trần Chung (Thực hiện)| 31/01/2020 07:40

Năm 2019, Hà Nội ghi dấu ấn trong công tác tuyên truyền nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa như: 20 năm Hà Nội được UNESCO công nhận “Thành phố Vì hòa bình”; công tác phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Nhân dịp đầu xuân năm mới Canh Tý 2020, phóng viên báo Người Hà Nội có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về những kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền góp phần khẳng định những thành tựu của đất nước và Thủ đô
Ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực 
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

PV: Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhiệm kỳ 5 năm (2015 - 2020) Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố, Đại hội XII của Đảng, năm chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 cùng với nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước. Ông có thể điểm qua một số nội dung công tác Thành phố đã triển khai tuyên truyền về các ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị trong năm qua?

Ông Phạm Thanh Học: Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ban hành các hướng dẫn và gửi đề cương tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị như: mừng xuân Kỷ Hợi 2019, kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2019); 70 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (3/3/1949 - 3/3/2019), 20 năm Thành phố Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" (16/7/1999 - 16/7/2019)...

Trong đó, tập trung tuyên truyền xung quanh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ban hành 2 công văn chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân biết về sự kiện quan trọng này; để mỗi người dân Thủ đô thực sự là đại sứ của hòa bình và đóng góp vào sự thành công của hội nghị. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành Hướng dẫn tuyên truyền việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã; tổ chức thành công Tọa đàm khoa học chuyên đề: Đánh giá công tác tư tưởng, tuyên giáo và công tác dân vận của Đảng bộ Hà Nội giai đoạn 2015 đến 2025, tầm nhìn 2030; tổ chức hội nghị họp bàn thống nhất nội dung kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng năm 2020. 

PV: Cụ thể về vấn đề tuyên truyền nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Thủ đô năm qua đã được Thành phố thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Học: Năm qua, công tác phối hợp tuyên truyền giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy với UBND các cấp được triển khai có hiệu quả. Trên cơ sở ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền năm 2019 giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy và UBND Thành phố, hệ thống tuyên giáo các quận, huyện, thị chủ động ký kết kế hoạch phối hợp công tác năm 2019 với cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân (Long Biên, Phú Xuyên, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Trì, Hoàn Kiếm). 

Năm 2019, Thành phố xuất bản và phát hành hàng ngàn tài liệu tuyên truyền đến cấp cơ sở: "Thủ đô Hà Nội 10 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ; "Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình - Thành tựu và cơ hội"; "Thủ đô Hà Nội 10 năm xây dựng nông thôn mới"; tài liệu "Những điều cần biết về công tác thông tin đối ngoại"; "Thủ đô Hà Nội 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển"; "Một số điều cần biết về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ".

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính để đạt được những kết quả đó?

Ông Phạm Thanh Học: Một trong những nguyên nhân thực hiện thành công những kết quả đó là do có những thuận lợi, cụ thể: Thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, đặc biệt tạo bước đột phá trong một số lĩnh vực như khởi nghiệp sáng tạo, du lịch, thành công trong nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa của quốc gia và quốc tế.

Kinh tế thế giới tiếp tục trên đà phục hồi, tăng trưởng với những tín hiệu tích cực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư mang lại nhiều cơ hội. Xu thế toàn cầu hóa vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh vì tiến bộ chung vẫn là chủ đạo; Châu Á, khu vực Đông Nam Á được đánh giá có tăng trưởng tích cực.

Ở trong nước, tình hình chính trị xã hội ổn định, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh, nhất là công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng ngày càng được củng cố và tăng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao (Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020). 

PV: Với vai trò là Thủ đô của cả nước nên Hà Nội thường xuyên diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa của quốc gia và quốc tế... Đây có thể coi là điều kiện thuận lợi để Hà Nội tổ chức triển khai tốt các nội dung, hoạt động của công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, điều đó cũng mang lại không ít thách thức đan xen. Theo ông, công tác tuyên truyền đang gặp phải những khó khăn gì và ngành Tuyên giáo Thủ đô đã làm gì để vượt qua trở ngại đó?. 

Ông Phạm Thanh Học: Đúng vậy! Bên cạnh những mặt thuận lợi cũng còn một số khó khăn như, tình hình khu vực và thế giới do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung và các yếu tố rủi ro có tính chất chu kỳ, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu thấp hơn so với năm 2018 và dự báo còn có thể tiếp tục suy giảm trong năm 2020. Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập gây nhiều bức xúc dư luận xã hội; sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp; xu hướng xa rời lý tưởng và giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lối sống vô cảm đang tồn tại trong một bộ phận nhân dân, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Ngành Nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Bốn vấn đề bức xúc nhất hiện nay về an toàn mạng, an toàn giao thông, an toàn môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm đang là những vấn đề “nóng” của xã hội, tác động tiêu cực đến tư tưởng và chất lượng cuộc sống của người dân. Việc triển khai các dự án lớn còn chậm tiến độ, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất xen kẹt, các vụ, việc tranh chấp, đình công, bãi công trong công nhân, khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương vẫn diễn ra; tình trạng ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông; tệ nạn xã hội, đạo đức nghề nghiệp xuống cấp… gây lo lắng, bất an trong nhân dân ở một số nơi. Việc lén lút tuyên truyền trái phép “Pháp luân công”; tuyên truyền đạo Tin lành “Đức Chúa trời” qua mạng xã hội, ngày càng gây tác động xấu đến truyền thống xã hội. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và những vấn đề chính trị xã hội nhạy cảm trong nước để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ chống phá Đảng, Nhà nước; vụ cháy tại Công ty Cổ phần phích nước Rạng Đông; tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước sạch,… 

Trong bối cảnh nêu trên, bám sát chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiệm vụ chính trị của Thành phố, với tinh thần chủ động, sáng tạo, hệ thống tuyên giáo các cấp từ thành phố đến cơ sở đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Thủ đô năm 2019.

PV: 2020 là năm có nhiều sự kiện quan trọng, như: Đăng cai tổ chức Hội nghị thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN lần thứ 8; Hà Nội chính thức được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO... Xin ông cho biết một số định hướng về công tác tuyên truyền trong năm mới?

Ông Phạm Thanh Học: Sang năm mới 2020 Thành phố sẽ triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú thông qua các cơ quan báo đài Trung ương và Hà Nội, các đội thông tin lưu động, báo cáo viên, các hoạt động giáo dục truyền thống, tuyên truyền trực quan (panô, áp phích, băng rôn, cờ, khẩu hiệu, bảng tin...), tuyên truyền lưu động và tổ chức triển lãm phục vụ các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Nội dung tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, văn hiến và anh hùng của Đảng, của nhân dân ta, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng hòa bình của dân tộc. Ý nghĩa văn hóa linh thiêng của ngày Tết cổ truyền trong xã hội hiện đại. Quảng bá hình ảnh của văn hóa Hà Nội, thành tựu phát triển kinh tế, và các nét đặc sắc của văn hóa Hà thành xưa và nay.

Bên cạnh đó Thành phố cũng mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các nội dung phù hợp với đợt kỷ niệm năm chẵn quan trọng trên các phương tiện thông tin, truyền thông của Trung ương và Thành phố Hà Nội, tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt  Nam, Tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

PV: Nhân dịp năm mới, ông có nhắn nhủ gì tới đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô?

Ông Phạm Thanh Học: Nhân dịp đầu xuân Canh Tý, tôi xin chúc đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô một năm dồi dào sức khỏe có thêm nhiều tác phẩm có giá trị góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chúc tập thể cán bộ, phóng viên báo Người Hà Nội mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Công tác tuyên truyền góp phần khẳng định những thành tựu của đất nước và Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO