Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Tương lai nào cho báo chí văn nghệ?

Bùi Việt Thắng| 21/06/2018 08:33

Theo quan điểm duy vật biện chứng thì vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định tinh thần xã hội. Văn hóa phát triển không theo chiều tỷ lệ thuận với nền tảng kinh tế xã hội. Nó có quy luật nội tại và có tính độc lập tương đối với cơ sở hạ tầng. Lịch sử nhân loại đã chứng minh quy luật này.

Quy luật nội tại 

Theo quan điểm duy vật biện chứng thì vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định tinh thần xã hội. Văn hóa phát triển không theo chiều tỷ lệ thuận với nền tảng kinh tế xã hội. Nó có quy luật nội tại và có tính độc lập tương đối với cơ sở hạ tầng. Lịch sử nhân loại đã chứng minh quy luật này.

Từ thực tiễn xã hội Việt Nam hơn 30 năm sau Đổi mới (1986), tăng trưởng kinh tế đáng lạc quan, thu nhập bình quân đầu người hơn 2000 USD/ năm (2017), là con số biết nói. Nhìn bề ngoài đời sống của người dân có nhiều thay đổi khi nơi nơi khu đô thị mới mọc lên, hàng triệu ô tô đắt tiền được nhập khẩu, người người đi du lịch và chữa bệnh nước ngoài, sắm điện thoại thông minh... Tuy nhiên, nhìn sâu vào thì vẫn còn đó biết bao nỗi băn khoăn trước những hiện tượng văn hóa, giáo dục, đạo đức, môi trường đang xuống cấp trầm trọng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Tương lai nào cho báo chí văn nghệ?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Tương lai nào cho báo chí văn nghệ?
Cách nay cả 700 năm, khi đó chắc chắn nền kinh tế Việt Nam có thể còn chưa “đỉnh” nhưng văn hiến - văn minh - văn hóa - văn chương lại ở điểm cực thịnh. Trong Đại cáo bình ngô Nguyễn Trãi đã hào sảng viết “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Những truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp cha ông từng căn cơ xây dựng hàng nghìn năm dường như đang bị giảm thiểu trầm trọng, đáng báo động. Tham nhũng thực sự đang là nạn “nội xâm”, cùng với nguy cơ ngoại xâm rình rập khiến cho cuộc sống của hơn 90 triệu người dân mới chỉ có hòa bình nhưng chưa có thanh bình. Tăng trưởng kinh tế bằng mọi cách khiến cho văn hóa, đặc biệt môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Văn hóa không còn được coi là “tay phanh”, trong khi “tay ga” (kinh tế) thì tăng liên hồi kỳ trận. Vậy nên cuộc cách mạng 4.0 với những cơ hội và thách thức của nó có thể tạo ra nhiều hệ lụy xã hội như nạn thất nghiệp sẽ tăng cấp số nhân khi “cách mạng số” thượng phong. Nhiều thách thức có tính toàn cầu, đặc biệt Việt Nam vốn có ưu thế đã tỏ ra thất thế với nguồn lực lao động dồi dào, trẻ và rẻ đang cần sắp xếp lại. Nhưng cần nhớ một quy luật “Văn hóa soi đường quốc dân” (lời Hồ Chủ tịch) chứ không phải nhất nhất kinh tế soi đường quốc dân.

Trong số hơn 800 ấn phẩm báo chí hiện nay của Việt Nam, số trực diện làm văn nghệ không nhiều (chỉ khoảng 1/10), nhưng số liên quan đến văn nghệ thì chiếm đa số. Sẽ có không ít người băn khoăn về tương lai của báo chí văn nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Con người vẫn là trung tâm thế giới

“Văn học là nhân học”, suy rộng ra “Văn hóa - văn nghệ là nhân học”. Nêu lại định đề này chắc có không ít người cho rằng “xưa rồi Diễm ơi!”. Kỹ thuật, máy móc, số hóa, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo... nghĩa là tất cả những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đưa con người tới những hành tinh mới ngoài hệ mặt trời, có thể làm chủ đại dương bao la, có thế chinh phục Bắc cực, có thể làm nên nhiều kỳ tích khoa học - kỹ thuật chưa từng thấy, có thể tạo ra của cải dư thừa cho cả hành tinh hơn 7 tỷ người. 

Nhưng “thức ăn tinh thần” cho con người thì luôn luôn thiếu, cung không bao giờ đủ cầu. Văn học nghệ thuật mãi mãi là một cuộc khám phá bất tận của con người về tự nhiên và chính bản thân. Lẽ sống của con người từ xưa tới nay là tự do - bình đẳng - bác ái. Con người không bao giờ thôi khao khát đạt tới Chân - Thiện - Mỹ. Văn hóa - văn nghệ đi tìm cái đẹp trong đời sống. Phê bình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật - văn chương.

Sách văn nghệ đến với công chúng chậm hơn báo chí văn nghệ một nhịp, có khi hơn một. Nhưng dù chậm hay nhanh nếu xét về tiến độ, tốc độ, nhịp độ thì cả sách, cả báo chí văn nghệ đều phụng sự một nhiệm vụ cao cả - giúp con người nhận thức chân lý và tự hoàn thiện mình. Song chân lý thì chỉ có thể tiệm cận. Vì thế sách, báo văn nghệ phải luôn luôn kiên trì sứ mệnh thiêng liêng của mình - thượng tôn sự thật, cái đẹp, lẽ công bằng, tình bác ái và tự do cho con người (Tự do - hai tiếng ngọt ngào).

Internet, mạng xã hội đang ngự trị trong đời sống xã hội. Thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh, điện thoại thông minh... không thể thay thế được trí thông minh của con người trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Bởi vì con người, dù chỉ là “cây sậy yếu đuối biết suy nghĩ” nhưng có trái tim, tâm hồn, tâm linh. Máy móc dù hiện đại đến hơn cả thời cách mạng công nghiệp 4.0 cũng bó tay trước con  người. Hai tiếng CON NGƯỜI vang lên mới tự hào và kiêu hãnh làm sao. Chữ CON NGƯỜI viết hoa máy móc không thể tạo ra.

Nếu ai đó lo lắng rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến cho báo chí văn nghệ rơi vào thế tụt hậu, lép vế, thúc thủ thì có lẽ chưa thấu triệt bản chất của các hoạt động tinh thần của con người, trong đó sáng tạo văn hóa - văn nghệ là hoạt động tinh thần cao nhất, tinh hoa nhất, linh diệu nhất. Không có bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào có thể tạo nên Kinh Thánh Truyện Kiều (như là “Kinh Thánh của người Việt”, ít nhất hơn 200 năm nay). Máy phát hiện nói dối của Mỹ chế ra cách nay đã lâu tỏ ra bất lực trước con người. Con người mãi mãi là một ẩn số mà máy móc không thể nào giải mã. Chỉ có văn hóa - văn nghệ tinh hoa, đỉnh cao mới khai mở được bí mật tâm hồn con người. Báo chí văn nghệ trong thế trận chung của văn hóa, như tôi hiểu, là người lính xung kích, trinh sát viên luôn đi đầu, luôn đứng mũi chịu sào, tiếp cận đối tượng (con người và cuộc sống) nhanh nhất, trực diện, nhạy bén, nhạy cảm nhất, hiệu quả nhất. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng như hai chuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, báo chí văn nghệ đã xứng đáng đứng vào hàng ngũ những người lính tiên phong, đem ngòi bút chính nghĩa của mình phò chính trừ tà, phát hiện vẻ đẹp của con người trong hoàn cảnh sống khốc liệt.

Văn hóa của người Việt và chất lượng báo chí văn nghệ 

Vì sao có tình trạng báo chí văn nghệ bị coi là tụt hậu, lạc nhịp, bị công chúng quay lưng, thờ ơ? Có nhiều nguyên nhân. Trước hết, phải thẳng thắn thừa nhận rằng không ít người viết ỉ vào internet, mạng xã hội, nên đã tự giam mình trong “tháp ngà”. Không ít người “chui sâu leo cao” vào facebook (một ngày những mấy giờ liền) nên những gì họ viết ra đều thuộc thế giới “ảo”. Nghĩa là thiếu chất sống, thiếu hơi thở đời sống. Cái phương châm “sống đã rồi hãy viết” bị coi là lạc hậu. Không ít người viết coi sáng tác văn nghệ (trong đó có văn chương) là một “trò chơi vô tăm tích”. Không ít người đắm đuối với những bộ xiêm áo mới nhập cảng (hậu hiện đại là một ví dụ). Không ít người gác trang/ mục văn hóa văn nghệ trên các báo chí nhưng không được đào tạo cơ bản, thường làm tay ngang. Một tờ báo sống được là nhờ cộng tác viên “ruột”, trung thành, đôi khi đến mức “tuẫn tiết”. Nhưng hiện nay tình trạng “ăn đong” diễn ra khó khắc phục. Báo chí văn nghệ với cơ chế hiện nay đang mất công chúng, đang mất cộng tác viên giỏi mà không có cách cứu vãn.

Còn lại không nhiều người trụ hạng với với báo chí văn nghệ. Nhưng chính họ cũng thiếu thốn đủ thứ. Cái thiếu lớn nhất là căn cốt văn hóa. Một tờ báo nọ gần đây có bài viết ca ngợi hoa hậu chuyển giới Việt Nam đăng quang trong  một cuộc thi ở Thái Lan. Tác giả bài báo là người của bản báo. Nhiều độc giả ngạc nhiên khi hoa hậu chuyển giới được phóng viên văn nghệ báo X ca tụng như là hiện tượng/ thành tựu văn hóa dân tộc (?!). Viết thế nên có người hài hước mà nói rằng từ nay xin bỏ nghề phóng viên văn hóa - văn nghệ để chuyển sang làm phóng viên kinh tế (!?). Trong sự thiếu thốn căn cốt văn hóa của không ít người làm phóng viên văn hóa  - văn nghệ báo chí hiện nay là khả năng làm chủ tiếng Việt. Cái gì khó là họ nhờ “Ông GU - GỒ”. Nhưng nên nhớ “ông” này nhiều khi cũng sai (vì vẫn phải nhờ một người nào đó soạn thảo). Nếu ứng xử như một phương diện của văn hóa thì ứng xử với tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - cũng là một thước đo văn hóa của người viết.

Suy cho cùng chất lượng báo chí văn nghệ tùy thuộc vào văn hóa của người viết. Văn hóa của người viết cao hay thấp không tùy thuộc tuyệt đối vào thành tựu của “ÔNG 4.0”. Nếu quá kỳ vọng vào số hóa, tự động hóa, một ngày nào đó văn hóa - văn nghệ sẽ như một cánh đồng khô hạn, thiếu nước ngọt. Tức thiếu con người có trái tim, tâm hồn, tâm linh, số phận... 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Tương lai nào cho báo chí văn nghệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO