Cuộc gặp muộn

Lê Hoài Nam| 15/05/2019 16:37

Cuộc gặp muộn

Rong ruổi hỏi han mãi rồi Chương cũng tìm đến được ngôi nhà ấy. Giữa vùng ngoại ô của một thành phố tỉnh đồng bằng, căn nhà cấp bốn lợp fibro xi măng ấy hòa lẫn vào những dãy nhà lô nhô cao thấp, xạm màu nắng mưa. Nó chỉ có sự khác biệt bởi một vườn hoa trước cửa. Chủ khu vườn là một thiếu phụ đang bứng những cây cúc đại đóa, thược dược vào những cái chậu sứ. Chương đứng chờ đầu ngõ, lặng lẽ quan sát. Như linh tính báo có người đứng phía sau, thiếu phụ ngẩng lên nhìn Chương bằng cái nhìn không cảm xúc, hỏi: “Anh cần hỏi nhà ai?”. “Cô là Nhàn, con bác Kha đúng không?” - Chương nói. Gương mặt xinh đẹp nhưng giá lạnh của người thiếu phụ bắt đầu biểu lộ cảm xúc, một trạng thái cảm xúc hoài nghi, cừu hận mà Chương đã đoán trước nó sẽ diễn ra. “Anh biết bố tôi sao? Anh định nói về bố tôi điều gì?”. “Tôi ở cùng tiểu đội với bố cô hồi ở chiến trường Quảng Trị. Tôi chứng kiến cái ngày bố cô hy sinh...”. “Bố tôi hy sinh ư? Anh nói thật đấy chứ?”. “Chuyện này không thể đùa được!”. “Trời ơi, vậy hóa ra bố tôi là liệt sĩ, chứ không phải…?”. Nhàn dừng câu nói ở đó rồi mời Chương vào sân, chỉ cho ông ngồi xuống nơi có bộ bàn ghế đúc bằng xi măng. Nhàn súc ấm pha trà mà chân tay bủn rủn, hết đánh vỡ vung ấm lại đánh đổ chén nước. Chương phải nhắc: “Cô cứ bình tĩnh, tôi sẽ kể cho cô nghe…”

…Đêm ấy, một đêm mùa thu năm 1972, đơn vị tân binh của Chương vừa hành quân từ Bắc vào đến vùng chiến sự Quảng Trị, chưa kịp nghỉ ngơi thì đã nhận lệnh bổ sung về tiểu đoàn Một, đại đội Một, trung đội Một, tiểu đội Một. Người chính trị viên phó đại đội dẫn Chương, Học, Tảo, Quế đi qua một bãi cát với những lùm cây lúp xúp bị bom đạn cày xới nham nhở tới một căn hầm với hai nhánh giao thông hào tõe ra như hình râu tôm ẩn dưới một lùm cây thấp, xơ xác. Nghe tiếng chính trị viên phó phát tín hiệu, một cái đầu đội mũ tai bèo từ dưới giao thông hào nhô lên hỏi: “Tiểu đội tôi được bổ sung mấy người hả anh?”. “Bốn! Mang theo hai B40, một AK, một trung liên, lựu đạn hai mươi quả, cơ số đạn các loại cũng đủ dùng cho một trận đánh lớn đấy!”. Người dưới hầm bước lên hẳn thành hào, nghiêng ngó cái mặt lấm lem đất cát soi mói nhìn bốn chàng tân binh với những súng ống đạn dược đeo kín người, tỏ vẻ hài lòng, liền ra hiệu cho chính trị viên phó quay về đại đội, còn anh ta thì bảo bốn người lính: “Các cậu xuống hầm đi! Nghỉ một lát cho lại sức, nhưng nếu có tín hiệu địch phản công thì phải theo sự hướng dẫn của tớ, triển khai đội hình chiến đấu ngay!”. Chương, Học, Tảo, Quế hạ ba lô, súng đạn, ngồi tựa vào thành hào. Người lính cũ nhìn lướt bốn gương mặt trẻ măng, nói: “Tớ là Kha. Bốn cậu đều là sinh viên đúng không? Lần lượt khai vắn tắt vài dòng trích ngang nghe nào?”. Chương nói: “Em là Chương, quê Hà Nội, sinh viên đại học kinh tế. Học và Tảo là sinh viên Đại học tổng hợp. Học quê Hà Tĩnh. Tảo quê Nam Định. Còn Quế ở Bắc Ninh, sinh viên sư phạm”. “Tớ cũng là sinh viên đại học nông nghiệp. Nhưng tớ là cán bộ huyện rồi mới đi học. Học năm thứ ba thì có lệnh nhập ngũ. Tớ cũng chỉ mới vào đây trước các cậu một tháng thôi! Nhưng một tháng ở chiến trường cũng đã có vô khối kinh nghiệm chiến đấu để truyền cho các cậu đấy. Các cậu chỉ cần đụng độ một trận thôi là sẽ tin lời tớ nói”. “Ở chốt này chỉ có một mình anh thôi sao?” - Quế hỏi. “Trước kia thì có bảy người. Nhưng trong trận đánh chiếm cảng Cửa Việt, ba người đã hy sinh, ba người bị thương nặng phải đưa về tuyến sau, còn trật khấc ra mình tớ. Có lẽ vì thế mà cấp trên bổ nhiệm tớ làm tiểu đội trưởng phụ trách các cậu!”

Nhận thấy bốn chiến sĩ ngồi nép vào nhau, như bốn chú gà con đang cầu cứu sự che chở của gà mẹ, Kha dơ tay vỗ vỗ vào vai từng người, nói: “Nghe thế nhưng đừng sợ. Kinh nghiệm của tớ cho thấy thằng nào càng hay sợ càng dễ dính đạn. Hơn nữa nhiệm vụ của chúng ta bây giờ nhẹ hơn: không phải chiến đấu để chiếm lấy cảng nữa mà giữ cảng! Chiếm được cảng rồi thì phải giữ lấy nó chứ! Phía bên kia chúng đang toan tính tìm cách chiếm lại cảng. Vì hải cảng này vô cùng quan trọng với chúng. Không có cảng thì tàu chiến của chúng cập vào đâu! Cho nên ta giữ được cảng nghĩa là đã đẩy lui địch về phía tuyến sau rồi đấy. Nhưng dù đánh chiếm hay đánh để giữ thì cái chốt tiền tiêu này cùng không chấp nhận sự hèn nhát, các cậu nhớ lấy”. “Rõ! - Chương, Học, Tảo, Quế không ai ra hiệu cho ai, đều hô lên thể hiện quyết tâm”.

Tiểu đội trưởng Kha hướng dẫn cho họ triển khai đội hình chiến đấu, sau đó anh phân công một nửa trực chiến, một nửa tựa lưng vào thành hầm mà ngủ.

Sáng dậy, bốn người lính tân binh quan sát, nhận ra: cảng Cửa Việt hiện ra ngay trước mắt, chỉ trong tầm đạn tiểu liên của tiểu đội. Những người lính còn nhìn rõ những vết đạn găm vào cây cần cẩu và những tấm bê tông trên cảng. Họ cũng nhận ra căn hầm hào của tiểu đội được thiết lập trên một cái gò có lùm cây lúp xúp, nơi đầu một thôn làng, gần sát đường số 4, con đường nối cảng Cửa Việt với Thành Cổ. Cả một vùng đất cát phía sau cảng bị bom đạn cày xới, chỉ còn thấp thoáng những lùm cây trơ trọi dưới nắng chang chang. Lốc cát thổi thông thốc, bãi cát trắng luôn di chuyển cuốn dần vào các thôn làng bên trong. Cát tràn vào hầm hào của tiểu đội. Mở phong lương khô hay nắm cơm, Kha phải hướng dẫn cho những người lính mới ngồi xoay lưng về hướng gió mà ăn để tránh cát.

Những ngày sau đó bốn người lính mới đã phải đối mặt, làm quen dần với các loại vũ khí: B52 ném bom rải thảm; các loại pháo 175 ly 105 ly được mệnh danh là “vua chiến trường”, pháo hạm từ ngoài biển câu vào. Chúng đánh phá suốt ngày đêm. Trời lúc nào cũng ám khói. Đất lắc lư rung chuyển từng chặp. Dưới đất sợ nhất là thằng pháo khoan, bắn theo giàn hàng loạt, không cấp tập, tiếng đạn nổ chỉ kêu đánh “ục” một cái nhưng đất rung lên bần bật, mảnh đạn sát thương rất dầy. Giàn đạn nào trúng chốt thì coi như báo tử đồng loạt. Trên không, ngoài lão “bố già” B52 thì đáng sợ không kém là thằng A37, nó bổ nhào ném bom dai như đỉa. Từng loạt bom lao xuống xé gió như đóng đinh vào óc. Kẻ nào yếu bóng vía, tuy không dính bom, chỉ nghe tiếng xé gió dai dẳng hàng giờ là đầu óc choáng váng, đau buốt, thân thể tê cứng. Lần đầu dính bom thằng A37, tai Chương ù đặc cả ngày, còn Học thì mặt cắt không còn tí máu, Tảo thì cứ ôm lấy vách hào kêu “ối mẹ ơi”. Chỉ có Quế, tuy là dân sư phạm nhưng khá lì lợm, vẫn ôm cây AK theo tiểu đội trưởng Kha luồn lách dưới hầm hào quan sát mục tiêu. Phía địch cả quân hỗn hợp và xe tăng M48 cứ thậm thụt sau trảng cát phía nam. Mỗi khi có đợt yểm trợ của các loại bom pháo, chúng lại thập thò toan nống lên chiếm lại cảng; nhưng cứ mỗi lần như thế cây súng bắn tỉa của Kha và cây AK bang gấp của Quế lại phát huy tác dụng, làm chúng khựng lại. Kha hướng dẫn cho Quế: phải lợi dụng lúc bom, pháo của chúng đánh phá khốc liệt, chúng tập trung vào chỗ bom đạn nổ, còn mình thì tỉa, chúng mới không phát hiện mình ở chỗ nào. Cứ thằng nào nhô đầu lên khỏi trảng cát hoặc thò mặt ra khỏi xe tăng M48 là tỉa! Kha tỉa bằng loại súng trường chuyên dụng. Quế tỉa bằng AK, cứ điểm xạ hai viên một. Nếu địch cụm lại đông, ở quá tầm súng của Kha và Quế thì khẩu trung kiên của Chương phát huy tác dụng. Mỗi loạt đạn Chương lia đổ hàng chục tên. Bọn địch kinh hoàng, có thằng phát điên vì cái kiểu tỉa này của quân giải phóng. Tảo và Học thì vẫn ôm B40 chờ đợi, chỉ khi nào tăng M48 nống tới đúng tầm và có lệnh của Kha mới được khạc lửa.

Một buổi tối khá yên tĩnh, ngồi nhai lương khô, Kha bảo: “Cái chốt tiền tiêu của chúng ta khá lợi hại. Chúng ta phải thật khôn ngoan, tỉnh táo, để không bị chúng bẫy. Chỉ qua ít ngày chiến đấu, tôi nhận thấy anh em trưởng thành dầy dạn lên rất nhanh. Đúng là những cái đầu sinh viên, khá thông minh. Chúng ta chiến đấu bên nhau rất nhịp nhàng ăn ý. Hy vọng đừng ai vội hy sinh. Nhưng chiến tranh, không thể loại trừ chuyện mất mát. Nếu ai trong chúng ta hy sinh thì những người còn sống hãy nhớ nơi chôn cất, đánh dấu mộ để sau này mà tìm.”

Thấy mọi người im lặng có vẻ thụ lý, Kha tiếp: “Nếu tôi hy sinh, các cậu chôn cất tôi thế nào cũng được. Trong chiến tranh, tử trận, thân vùi trong đất cát hay phơi trên đồng cỏ, như trong thơ hịch của cụ Trần Hưng Đạo, là chuyện bình thường. Nếu có một chút gọi là tâm tư thì lúc này đây, tôi đang rất nhớ hai đứa con của tôi. Thằng lớn được sinh ra trong khi tôi còn đang làm cán bộ ở huyện. Nhưng con bé thì sinh vào đúng cái ngày tôi rời miền Bắc hành quân đi chiến trường nên tôi chưa biết mặt nó…”. Kha vừa nói đến đó thì bỗng có tiếng “cắc oành” của đạn M79, nhìn qua thành hào đã thấy tám chiếc xe tăng M48 đang tiến vào đội hình của tiểu đoàn. Đạn M79 nổ đằng trước “dọn đường”, cho xe tăng M48 đi sau. Chúng di chuyển có vẻ thận trọng, vừa đi vừa dùng pháo và 12 ly 8 bắn yểm hộ cho bộ binh lấn dũi lên. Những vị trí nghi vấn đều bị xe tăng nã pháo tan tành. Khi hai chiếc xe tăng đi ngang qua vị trí chốt tiền tiêu của tiểu đội Một, lợi dụng khói mù mịt, Kha và Quế liền tỉa cho hai tên vừa thò đầu lên khỏi thành xe, hai cái đầu đội mũ sắt nghẹo xuống, khiến hai chiếc xe khựng lại. Nhưng có lẽ do bị hối thúc mạnh, cả xe tăng và bộ binh của chúng lại ào lên tấn công. Hai chiếc tăng đang đi thẳng bỗng quay ngang tiến về phía trận địa của tiểu đội chốt tiền tiêu. Khi cái xe đi trước chỉ còn cách hào của tiểu đội khoảng 40 mét, Kha ra lệnh cho Học và Tảo đưa B40 vào vị trí để chuẩn bị tấn công. Học và Tảo ôm B40 di chuyển mỗi người một hướng trong giao thông hào “râu tôm”. Học để lưng nhô lên hơi cao, bị chiếc M48 đi đầu phát hiện. Khẩu pháo trên xe nhằm trúng chỗ Học đang di chuyển, hướng bắn thẳng quá gần, đạn nổ... Học hy sinh. Khẩu B40 của Học cũng bay đâu mất. Phía ngách hào “râu tôm” bên kia, Tảo bắn phát B40 vào chiếc xe vừa bắn Học. Một tiếng nổ kinh hoàng. Chiếc xe bốc cháy. Thấy hai bên tai Tảo đã bị chảy máu vì sức ép của đạn B40, Chương giao khẩu trung liên cho Kha, giật lấy khẩu B40, rồi nhằm chiếc xe thứ hai nhả đạn. Chiếc xe này bùng lên một khối lửa cháy rần rật. 

Chương dùng B40 chưa quen, nằm lên thành hầm bắn vội không để ý, lửa thuốc phóng phụt ra phía sau đốt cháy xém một gót chân, buốt đến tận ruột gan. Bắn xong Chương đi tập tễnh. Kha thì xả hết ba băng trung liên vào đám bộ binh phía sau xe. Nhìn sang phía trận địa của các trung đội tiểu đội bên cạnh thấy bị địch tấn công dữ dội, Kha ra lệnh: “Tranh thủ lúc địch đang luống cuống, Quế lên đưa thi thể của Học đưa về tuyến sau. Tảo điếc tai rồi, cũng rút về, giúp Quế chôn cất Học. Tôi và Chương ở lại tiếp tục chiến đấu”. Khi hai chiếc xe tăng M48 bị cháy, tụi bộ binh phía sau co cụm lại. Khẩu trung liên của Chương lại xả tiếp đạn về phía ấy. Khẩu súng bắn tỉa của Kha cứ mỗi lần tắc bụp lại một tên lính bỏ mạng. Rồi sau những giấy phút hoảng loạn, những chiếc xe tăng còn lại quay ngang tiến về phía tiểu đội chốt. “Tình hình này chúng ta tạm phải rút, bẫy chúng vào trận đồ bát quái để xe tăng của ta tiêu diệt. Nhưng phải rút từng người một để tránh lộ mục tiêu. Chương, cậu rút trước đi, tôi rút sau!” -Kha ra lệnh.

Chương vác trung liên cứ chạy một đoạn lại nằm xuống nghe ngóng. Hết trảng cát với những lùm cây lúp xúp lại đến đồng cỏ xâm xấp nước. Cỏ cứ cuốn chặt lấy giầy làm Chương mấy lần ngã dúi dụi. Hai phát đạn M79 bắn đuổi theo Chương nhưng không trúng. Chợt nghe tiếng nổ lớn phía sau, Chương quay lại nhìn. Quả đạn M79 nổ ngay chỗ hầm chốt tiền tiêu. Có lẽ anh Kha đã hy sinh? Chương phỏng đoán, toan quay lại tìm Kha, nhưng bộ binh địch đang nống ra rất đông, các loại súng bắn rát rạt khiến Chương phải lui về tuyến sau.

Phải một tuần trôi đi, tiểu đoàn được bổ sung quân, có cả những chiếc xe tăng T34 tăng cường, ta mới đẩy lùi được lữ đoàn thủy quân lục chiến địch, chiếm lại cảng. Chỉ huy đại đội lệnh cho tiểu đội  tiền tiêu phải quay ra chốt tìm Kha. Quân số trong tiểu đội lúc này đã vơi đi quá nửa. Học đã hy sinh. Cái hôm đưa thi thể Học đi chôn, lúc quay về Quế dính mìn. Mất cả hai chân, phải đưa về trạm phẫu phía sau. Chương bị lửa B40 phụt vào gót chân, nay sưng tấy, phải chống gậy đi bằng một chân. Chỉ còn Tảo, tai bị điếc, giờ đã bình phục. Chương bảo Tảo: “Cấp trên đã lệnh thì phải chấp hành, nào, tớ với câu đi tìm anh Kha!”. “Nhưng chân cậu đang tập tễnh…?”. “Tớ sẽ cố, Tiểu đội chỉ tớ với cậu là còn khả năng làm việc này thôi!” - Chương nói.

Chuẩn bị đủ cơ số đạn, Chương đau chân thì ưu tiên giữ khẩu AK báng gấp cho nhẹ. Tảo thì mang khẩu trung liên của Chương. Hết lội trên đồng cỏ lại trườn trên bãi cát. Đi được một lát, cái chân đau của Chương bị cỏ chà xát tụt băng, trật ra cái gót phồng rộp, tứa máu. Tảo dìu Chương được một đoạn, mệt quá không đi tiếp được nữa. Tảo kéo thêm Chương một đoạn đến chỗ lùm cây lúp xúp, rồi nói: “Cậu không đi nổi nữa đâu. Thôi nằm tạm ở đây. Để mình tôi đi tìm anh Kha. Lát nữa tôi quay lại đón”. Tảo trườn đi. Khoảng hai mươi phút sau quay lại nói với Chương: “Tìm được anh Kha rồi! Bọn địch lấp xác anh ấy ngay dưới căn hầm của tiểu đội. Chúng lấp cát rồi đậy bên trên một tấm gỗ hòm đạn. Tớ vừa gỡ tấm gỗ lên thì nhìn thấy bàn tay đeo chiếc đồng hồ Pôn-jot của anh ấy còn thò lên bên trên mộ. Nặng mùi không thể chịu được. Tớ đành để anh ấy nằm lại. Bốc đất đắp lên mộ cho cánh tay khỏi thò lên… Tình trạng như thế, nếu tớ có ra cũng không làm gì được. Thôi đành chấp nhận. Nhưng phải báo cáo với đại đội sao đây?”. “Tớ nghĩ, cứ báo cáo anh Kha mất tích là thượng sách! Anh Kha cũng đã từng nói, trong chiến tranh, nếu người lính như anh ấy tử trận thì vùi thân trong đất cát hay vùi trong nội cỏ cũng là chuyện bình thường đó sao!”

Trở về gặp chỉ huy đại đội, Chương và Tảo báo cáo rằng họ không tìm thấy Kha. Cái gót chân bị lửa B40 đốt cháy rất khó chữa, Chương phải về quân y viện tuyến sau chữa trị. Tảo được trở lại đội hình chiến đấu của trung đội Một. Có mấy người lính bị thương nặng khiêng ra nằm viện với Chương kể lại, Tảo đã hy sinh…
***

Lúc đầu nghe Chương kể chuyện của bố, Nhàn không có biểu hiện cảm xúc gì. Chỉ đến đoạn Chương và Tảo không lấy được thi hài Kha, Nhàn mới bật khóc. Tiếng khóc khan, không có lời, nhưng toàn thân rung lên, một biểu hiện những khi con người ta cực kì thống khổ. “Lúc nãy mới nhìn thấy chú, cháu gọi chú bằng anh - Nhàn nói trong nước mắt - Bây giờ biết chú là bạn chiến đấu với bố cháu, cháu coi chú như người cha thứ hai của cháu vậy…”. “Nhưng tôi là người rất có lỗi…”. “Vâng, nghe chú kể thế thì đúng là chú và chú Tảo có lỗi với bố cháu thật. Nhưng cái bồng bột của tuổi trẻ, người ta cũng dễ thể tất thôi, chú ạ. Bây giờ chú tìm về đây nói ra sự thật ấy thì lỗi của chú đã vơi nhẹ đi rất nhiều”. “Nhưng cái lỗi lớn nhất là nhiều năm nay, đôi lúc chú vẫn nhớ đến bố cháu, cũng mang ý định tìm gặp những người thân yêu của bố cháu, nhưng rồi… nhưng rồi… lại bị cái hoàn cảnh cơm áo khó khăn nó níu kéo, nó làm cho vô cảm, lần nữa, lần nữa mãi, cho tới hôm nay…”. “Cháu hiểu được mà! - Nhìn thấy hai dòng lệ lăn hai bên gò má Chương, Nhàn nói, giọng nhẹ nhàng như an ủi lại Chương - Chú biết không, ngày giải phóng miền Nam, anh Hải cháu mới sáu tuổi, còn cháu lên ba, nhìn những chú bộ đội từ miền Nam trở về mà không thấy bố cháu, ngày nào mẹ cháu cũng đạp xe lai hai anh em cháu lên ga tàu hỏa đón những chuyến tàu từ phía trong ra, hy vọng gặp bố cháu. Một hôm, có một ông trên xã vỗ vào vai mẹ cháu bảo: “Cô đừng ra ga đợi tàu nữa mất công. Anh ấy chiêu hồi đứng về phía địch rồi!”. Mẹ cháu không tin. Đêm ngủ, mẹ cháu vẫn nằm mơ thấy bố cháu chiến đấu rồi bị thương, máu me đầy người. Sáng tỉnh dậy, mẹ cháu cho rằng chắc bố cháu phải điều trị lâu nên về chậm. Mẹ cháu vẫn chờ. Anh Hải và cháu đi vui trung thu với bọn trẻ cùng xóm, bị chúng nó dè bửu, xa lánh, bảo chúng cháu là con của kẻ ăn phải đũa của địch, xỏ nhầm giầy! Anh Hải cháu cay quá, đang học lớp chín đã bỏ nhà ra đi. Anh ấy bảo phải tìm bằng được bố cháu mới trở về. Từ bấy đến nay, đã 28 năm, chẳng thấy anh ấy trở về, cũng không một lá thư. Mẹ cháu chờ chồng, chờ con trai lâu quá, mòn mỏi, suy nhược, rồi chết vì xuất huyết não cách đây mấy năm. Còn cháu, tốt nghiệp đại học sư phạm, nhưng đi xin việc nơi nào cũng từ chối không nhận. Mấy người đàn ông yêu cháu, nhưng cứ đến khi cháu nói về bố cháu, họ lại lặng lẽ bỏ đi. Rồi đến một hôm, có một anh thợ điện kéo đường dây qua ngõ nhà cháu, anh ấy làm quen, rồi tìm hiểu cháu. Anh ấy bảo: “Em cứ ở cái làng này thì sẽ không tìm thấy hạnh phúc đâu! Nếu đồng ý lấy anh thì anh sẽ đưa em về quê anh để sống! Quê anh là một làng ven thành phố. Con người ở đấy có cái nhìn thoáng đãng hơn…”. Thế là cháu đồng ý làm vợ anh ấy. Về đây, anh ấy bày cho cháu nghề trồng hoa. Còn anh ấy thì vẫn đi làm thợ điện…

“Vợ chồng cháu có mấy con?”

“Dạ, hai đứa ạ. Cháu lớn là gái, vừa thi đỗ vào đại học bách khoa năm nay. Cháu bé là trai, học lớp chọn văn trường phổ thông chuyên của tỉnh. Cháu đi học suốt ngày, tối mới về. Chú ạ, cháu rất lo cho tương lai của hai đứa con cháu. Đến tận cái lúc chú bước vào ngõ nhà cháu, cháu vẫn còn lo. Lo rằng, không biết số phận của chúng có bị lặp lại số phận của cháu không! Cháu nội của một kẻ chiêu hồi mà! Nhưng từ lúc chú nói về bố cháu, nỗi lo của cháu đã vợi đi rồi!”.
“Đúng thế, cháu đừng quá lo lắng phiền muộn nữa - Chương nói - Chú sẽ có nhiệm vụ làm rõ việc này trước những cơ quan có trách nhiệm. Ngay ngày mai…”.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cuộc gặp muộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO