Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: Kỳ IV Tâm thế du ngoạn

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn| 03/07/2020 13:21

Trong công trình Du lịch Việt Nam - Từ lý thuyết đến thực tiễn (*), hai nhà nghiên cứu Phan Huy Xu - Võ Văn Thành đặc biệt nhấn mạnh vai trò “Văn hóa biển Việt Nam và phát triển văn hóa du lịch biển đảo” xác định: “Chúng tôi cho rằng, văn hóa biển cùng với văn hóa núi và văn hóa đồng bằng là ba trụ cột hợp thành văn hóa Việt Nam như kiềng ba chân… Văn hóa biển ở Việt Nam có nhiều cấp độ, nhiều dạng thức như trên bờ, biển ven bờ, biển lộng, biển khơi, biển bãi ngang, biển bãi dọc, biển đại dương… Đặc biệt, v

Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: Kỳ IV Tâm thế du ngoạn
Những chuyến du ngoạn biển đảo bao giờ cũng gắn với việc ĐI và XEM
Ghi lại trong nhiều tác phẩm

Trong bước đi ban đầu, sự xuất hiện, định hình và phát triển hoạt động du lịch giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX gắn liền với mối quan hệ Đông - Tây (cụ thể là mối quan hệ Việt - Pháp). Qua một thời gian không dài, người Pháp đã truyền bá, tạo lập được sở thích, thói quen, nhu cầu tinh thần và cơ sở nền tảng vật chất của hoạt động du lịch ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Theo thời gian, ngày càng xuất hiện nhiều điểm du lịch biển đảo nổi tiếng như Phú Quốc, Hòn Tre, Côn Lôn, Mũi Né, Vũng Tàu, Nha Trang, Mỹ Khê, Cửa Lò, Sầm Sơn, Đồ Sơn, Hạ Long… Rất tiếc do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều biệt thự, nhà nghỉ dưỡng đẹp nổi tiếng một thời (đặc biệt ở miền Bắc) đã bị phá hủy ngay vào đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1946... Trải qua nhiều biến động, có thể nói cho đến nay, hầu hết các địa điểm danh lam thắng cảnh, nơi du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng xuất hiện từ đầu thế kỷ XX về cơ bản đã được khai thác, khôi phục, duy trì, xây dựng lại, mở rộng và phát triển. 

Trong xu thế hiện đại hóa, từ đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều công trình giao thông hiện đại, nâng cấp đường thiên lý quốc lộ và xây dựng nhiều cảng biển, tuyến đường thủy nội địa và đường biển Bắc Nam đã tác động và mở đường cho nhiều hình thức du lịch hiện đại… Có thể định lượng các chuyến đi, các cách thức du ngoạn xa gần liên quan đến tâm thế du lịch và tổ chức hoạt động du lịch đường biển được ghi lại trong nhiều tác phẩm du ký: chuyến đi đường trường trong nước như Phạm Quỳnh in trên Nam phong tạp chí có Mười ngày ở Huế (1918), Một tháng ở Nam kỳ (1918-1919)...; đi thăm di tích lịch sử như Đào Hùng: Thăm cửa biển Thị Nại, lên núi Hoành Sơn, viếng mộ Tây Sơn - Phụ nữ tân văn, (1930)…; đi thăm nơi danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng như Nguyễn Trọng Thuật (Nam du đến Ngũ Hành Sơn - Nam phong tạp chí, 1933)…; du ngoạn đến các vùng biển đảo như Đông Hồ (Thăm đảo Phú Quốc - Nam phong tạp chí, 1927), Phan Thị Nga (Ra Cù Lao Yến - Ngày nay, 1935)…; du ký công vụ đường biển như Vĩnh Phúc với Một tuần ở đảo Trường Sa (Tràng An báo, 1938), Khuông Việt với Tôi ăn Tết ở Côn Lôn (Nam Kỳ tuần báo, 1944)…; các chuyến viễn du vượt trùng khơi như Phạm Quỳnh in trên Nam phong tạp chí có Pháp du hành trình nhật ký (1922 - 1925), Thuật chuyện du lịch ở Paris (1922), Vân Anh Đào Trinh Nhất có Sang Tây - Mười tháng ở Pháp (Phụ nữ tân văn, 1929-1930), Nguyễn Công Tiễu có Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseilie - Đấu xảo quốc tế Paris (Tạp chí Khoa học, 1937 - 1940)...

Chuyên nghiệp ngay từ đầu

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng xuất hiện các cơ sở kinh doanh, tổ chức lữ hành, hiệp hội và cách thức thông tin, quảng cáo du lịch mới mẻ, hiện đại… Vì tầm quan trọng của tư liệu du lịch biển đảo, xin trích dẫn quảng cáo Một cuộc du lịch từ Nam chí Bắc xưa nay ít ai tổ chức của thương gia Nguyễn Khắc Nương ở 98 rue Lagrandière (Sài Gòn): “Xin mau viết thơ ghi tên gấp, đủ 40 người khóa sổ. Giá tiền: 64p00. Lúc đăng tên xin đóng 10p00, còn bao nhiêu bữa đi đóng tất, tiền đóng trước nếu bận việc nhà sẽ trả lại, song phải cho hay trước ba ngày. Người giúp việc nhà nước hoặc các sở được hưởng remise 10 lần, cha mẹ, vợ chồng đi chung cũng được remise song không quá hai phần… Ở Thanh Hóa (…). Quí khách lại được xem đền thờ đức Lê Lợi, núi Hòn Ngọc và cầu Hàm Rồng là cầu không trụ duy có treo ngang sông như võng vậy thôi. Bữa sau, sáng sớm lại đi tắm biển Sầm Sơn, là bãi biển đẹp nhứt ở Đông Pháp, không thua gì Coobe d’Azer, xin đem đồ tắm theo. Tại Sầm Sơn lại được xem đền thờ thần Độc Cước…Đến Hà Nội đi viếng mấy chỗ xa như dưới đây: Đi xem Vịnh Hạ Long, sáng 4 giờ đi Hải Phòng, nghỉ tại Hải Phòng một giờ, đặng quý khách thong thả xem châu thành, rồi đi Uông Bí, ra Hồng Gay mướn ghe ra xem hang Đầu Gỗ (Grottes de merveilies) và hang Thuồng Luồng, bận về đi ngõ Đông Triều ghé bảy chùa (Kiếp Bạc), viếng đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo rồi về Bắc Ninh, Hà Nội (…). Xin quý ông, quý bà xét lại coi từ xưa đến nay có ai tổ chức dẫn quí ông, quí bà đi khắp nơi như vậy chăng. Đã vậy, tôi còn tính giá nhẹ là quyết giúp cho quý ông, quý bà đi chơi. Việc ăn, ngủ, tôi lo điều đình không dám sơ sót, và tôi sẽ làm sao cho quí ông, quí bà luôn luôn nhớ tới quyền lợi của mình, những quyền lợi ấy là: vui vẻ, viếng đủ các điều hay, được người tổ chức lo lắng từng chút” (Công luận, số 7983, ra ngày 29/4/1939)… Chỉ qua cách thức quảng bá như trên cũng cho thấy tính chất chuyên nghiệp của hoạt động du lịch ngay từ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Kích thích và khơi dẫn

Trên thực tế, chính hoạt động du lịch phát triển đã tác động, kích thích, khơi dẫn cho sự ra đời đội ngũ hùng hậu các nhà viết du ký. Nhìn chung, các tác phẩm du ký thường có sự đan xen, giao thoa giữa những quan sát, thưởng ngoạn trực tiếp với những phác thảo, tổng thuật, tường thuật về các nhân vật, sự kiện lịch sử có liên quan; thường có cả những ghi chép với những đoạn trữ tình ngoại đề, có cả văn xuôi và thơ ca, cả cảm xúc, hồi ức, kỷ niệm và những liên hệ, so sánh với các điểm di tích và các vùng miền văn hóa khác… Đó cũng chính là niềm vui của những cuộc du ngoạn, những cuộc khám phá, kiếm tìm, vẫy gọi bước chân du khách. Đọc qua các tác phẩm du ký nửa đầu thế kỷ XX có thể thấy được phần nào cách thức tổ chức, quản lý, kinh doanh của ngành “công nghiệp không khói” đang dần định hình và phát triển. 

Các tác giả du ký trên tư cách người đi du lịch, qua thăm các di tích lịch sử, thiên nhiên, sinh thái và nghỉ dưỡng vùng văn hóa biển đảo đã ghi chép và bày tỏ nhiều cảm tưởng, suy nghĩ, giúp cho người đọc “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”, gián tiếp quảng cáo, thúc đẩy họ tham gia vào các cuộc du hành… Từ đây có thể thấy rõ hơn tính mục đích của những chuyến du ngoạn biển đảo bao giờ cũng gắn với việc ĐI và XEM, góp phần nâng cao ý thức chủ quyền dân tộc, đưa lại vốn kiến thức cũng như niềm vui cho mỗi tác giả - nhà du lịch. Chính tính mục đích của mỗi chuyến du ngoạn biển đảo này sẽ xác định cách đi, cách lựa chọn phương tiện, thời gian, mùa vụ, số người, điểm đến, số ngày lưu trú, cơ sở vật chất và các mối quan hệ xã hội khác. Cần nhấn mạnh thêm, các chủ thể càng giảm bớt tính mục đích công vụ, công việc, càng gia tăng tính “vị nghệ thuật” của các chuyến du ngoạn thì họ càng có cơ trở thành một nhà du lịch đích thực…

Đón đọc kỳ tới: 
Du ký biển đảo 
và tinh thần liên lập 
Nam - Pháp…
.............................................
(*) Phan Huy Xu - Võ Văn Thành (2018), Du lịch Việt Nam - Từ lý thuyết đến thực tiễn - Nxb Tổng hợp 
Thành phố Hồ Chí Minh, tr.80.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Đảm bảo việc cung ứng điện an toàn, ổn định trên địa bàn Thủ đô trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 677/UBND-KTN, chỉ đạo các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố; Tổng Công ty Điện lực Thành phố về việc đảm bảo cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
  • Hà Nội có 8 học sinh tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia
    Chiều 18/3, Sở GD&ĐT tổ chức gặp mặt 8 học sinh, tác giả của 4 dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023 – 2024.
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: Kỳ IV Tâm thế du ngoạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO