''Dân sự hóa quân đội'' - mối nguy hại khôn lường

Nguyễn Tấn Tuân/Báo Quân đội Nhân dân| 29/06/2020 09:00

Gần đây, trên mạng xã hội, diễn đàn truyền thông và thậm chí ở một số nghị trường, cụm từ “dân sự hóa quân đội”, “dân sự hóa hoạt động quân sự” xuất hiện, gây ra không ít tranh luận đa chiều. Đáng lo ngại là việc nhận thức về nội hàm, bản chất của cụm từ này chưa đầy đủ, thậm chí còn sai lệch nghiêm trọng - được xem là dấu hiệu ban đầu nhưng khá rõ nét của biểu hiện “tự diễn biến” trong chính một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, chức năng và đặc thù hoạt động của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt N

''Dân sự hóa quân đội'' - mối nguy hại khôn lường
Ảnh minh họa: qdnd.vn

1. Trước hết, đó là những “hiến kế” phiến diện về việc cân đối lại ngân sách quốc gia, theo hướng giảm tỷ lệ GDP đầu tư cho hoạt động quân sự và sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các ý kiến này cho rằng, nên “dân sự hóa quân đội” theo “lối” phát huy đơn thuần các nguồn lực xã hội để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà không nên tập trung đầu tư xây dựng “đội quân chủ lực”, gây ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế.

Đây thực chất là cách nhìn thiển cận, phiến diện, chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Hơn nữa, đặt trong mối quan hệ giữa “xây dựng” và “bảo vệ” Tổ quốc, thì yếu tố bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đất nước ổn định, phát triển về kinh tế và các lĩnh vực khác. Như vậy, nếu không đầu tư chăm lo, xây dựng quân đội thì cũng đồng nghĩa với việc xem nhẹ, hạ thấp nhiệm vụ BVTQ.

Với chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ, việc sử dụng ngân sách nhà nước cho hai nhiệm vụ này được Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng, làm sao để bảo đảm trong điều kiện cụ thể có thể hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược. Trên thực tế, do những khó khăn khách quan của tài chính quốc gia, việc đầu tư xây dựng quân đội vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu tiến nhanh lên chính quy, hiện đại của quân đội.

Trong khi đó, với chủ trương chủ động phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, QĐND Việt Nam luôn sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả nhất cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Từ năm 1998 đến nay, Nhà nước đã nhiều lần công bố “Sách trắng về quốc phòng Việt Nam”. Đây là căn cứ quan trọng để nâng cao hiểu biết về quốc phòng đất nước cho công dân Việt Nam, góp phần làm cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm trong tham gia công cuộc củng cố quốc phòng, vì sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN.

Một biểu hiện “tự diễn biến” nghiêm trọng nữa là không ít cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức hời hợt, chưa đầy đủ về tính chất, yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới; chưa thấy rõ diễn biến phức tạp, mau lẹ của tình hình thế giới, khu vực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nguy hại cả tiềm tàng lẫn trực tiếp đến nhiệm vụ BVTQ. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, QĐND Việt Nam - lực lượng nòng cốt BVTQ rất cần những đầu tư tương xứng, giúp có đủ tiềm lực, thực lực và sức mạnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Ở đây, cần hiểu rất đúng, đủ về chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và đặt nhiệm vụ xây dựng quân đội - “công cụ bạo lực” bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ và nhân dân trong mối quan hệ tổng thể xây dựng 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong các lực lượng vũ trang (LLVT), xét về chiến lược cũng phải từng bước được đầu tư để hiện đại hóa, chính quy hóa, nhưng trước tiên và trên hết phải đặc biệt ưu tiên xây dựng QĐND Việt Nam trong mối quan hệ với các bộ phận, lực lượng khác của nền QPTD.

Một đội quân với chức năng là công cụ bạo lực phải nhất thiết được xây dựng theo hướng tinh nhuệ, hiện đại; có đủ năng lực xử lý các tình huống phức tạp. Đó là lý do vì sao Trung ương, Quân ủy Trung ương luôn nhất quán xây dựng quân đội “cách mạng”, nhưng đồng thời chú trọng xây dựng tiến lên “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Nghị quyết Trung ương khóa XI, XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, X đều xác định phải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng từng bước tiến lên hiện đại, ưu tiên xây dựng một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đó là mục tiêu khách quan, là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp BVTQ. Do đó, việc tập trung quan tâm, đầu tư nguồn lực cho xây dựng quân đội là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân và sự nghiệp cách mạng.

Như vậy, những nhận thức nêu trên là hoàn toàn sai lệch, gây nhiều nguy hại trong nhận thức và hành động. Đó là một cách đánh mất, hạ thấp chức năng, nhiệm vụ của quân đội, mà trước hết là chức năng đội quân chiến đấu. Không thể đánh đồng khái niệm “dân sự hóa quân đội” với chủ trương phát huy sức dân trong thực hiện nhiệm vụ BVTQ. Đây là "hướng tư duy" có nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết của một số cán bộ, đảng viên, nhưng thường bị các thế lực thù địch tận dụng, khai thác triệt để; dùng nhiều ngón đòn và các chiêu thức khác nhau, với nhiều giọng điệu khác nhau - khi thì đứng hẳn về phía đối lập ra sức và trực diện chống phá, khi thì như “người trong cuộc” thể hiện “thiện chí”, “tâm huyết” đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, cố gắng “khuyên nhủ” phải đẩy nhanh “dân sự hóa quân đội”.

2. Từ việc không nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam, một số ý kiến đưa ra lập luận, so sánh mức lương của sĩ quan quân đội và các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực quân sự với thu nhập của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung. Đáng buồn là từ những ý kiến chưa toàn diện ấy, một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin nên đã “a dua”, “cổ xúy”, “thêu dệt”… thông qua các trang mạng xã hội và tin đồn xã hội, tạo nên những luồng thông tin khó phân biệt đúng sai, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý xã hội.

Nguyên nhân của hiện tượng này trước hết bắt đầu từ việc chưa hiểu đúng về tính chất, đặc thù hoạt động quân sự gắn với tình hình đất nước và yêu cầu BVTQ ngày càng cao. Phản ứng lại ý kiến này, ngay trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã phân tích rõ đặc thù hoạt động 24/24h của cán bộ, chiến sĩ quân đội; với tính chất, cường độ ác liệt, khó khăn, thử thách con người trên nhiều phương diện; đòi hỏi sự đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi mà còn bằng máu của cán bộ, chiến sĩ. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, lương của sĩ quan quân đội chỉ là nguồn thu nhập duy nhất và mức lương ấy cũng còn quá thấp so với lương sĩ quan quân đội các nước trên thế giới, chỉ bảo đảm mức sống trung bình so với đời sống xã hội Việt Nam hiện tại.

Như vậy, vấn đề ở đây là vì không thấy hết tính chất hoạt động quân sự mà sinh ra "phủ nhận” vai trò và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm của những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ BVTQ. Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù trong điều kiện thời bình nhưng vẫn có không ít cán bộ, chiến sĩ quân đội anh dũng hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, trở thành những tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng giai đoạn mới, được xã hội và quần chúng tôn vinh, trân quý.

Trong dịp này, Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Tại đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội vinh danh hàng trăm điển hình tiên tiến - những tập thể, cá nhân ngày đêm cần mẫn hy sinh cho lợi ích quốc gia, dân tộc, BVTQ, phục vụ nhân dân. Đó là hình ảnh những con người hành quân vào vùng bão lũ cứu dân; đi ngược dòng người “tránh” đại dịch Covid-19, đến với biên cương chốt chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đó là những cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, ngày đêm bảo vệ vùng biển, vùng trời; những người phải chịu thương tật, thậm chí hy sinh khi đấu tranh với tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân và nền hòa bình cho đất nước, khu vực.

Như vậy, “đánh đồng” tính chất hoạt động quân sự với hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, công chức trên lĩnh vực dân sự là một cách tư duy hoàn toàn không đúng với thực tế, cần phải được khắc phục triệt để. Thay vào đó, cần phải thống nhất nhận thức từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ đến quần chúng về đặc thù hoạt động quân sự; cần thấu hiểu, chia sẻ và sớm có thêm những chủ trương, giải pháp mới, đồng bộ, cùng với những hành động thiết thực của toàn xã hội nhằm giúp đỡ, hỗ trợ tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ BVTQ; kịp thời động viên, quan tâm hơn nữa đến tư tưởng, tình cảm, đời sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ.

3. Các biểu hiện tư tưởng, tư duy, nhận thức nêu trên, khi vừa nghe qua, có thể giản đơn nhận định đây chỉ là những biểu hiện đơn lẻ, vô hại, nhưng xét về thực chất, nhận diện một cách sâu sắc, có thể khẳng định: Đây là một khuynh hướng sai lệch nghiêm trọng trong nhận thức và tư duy, mang lại nhiều hệ lụy và hậu quả to lớn, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội; tác động trực tiếp đến kết quả xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; chi phối nghiêm trọng đến công cuộc xây dựng nền QPTD và tiềm lực sức mạnh quân sự đủ mạnh đáp ứng yêu cầu BVTQ trong tình hình mới.

Để đẩy lùi các biểu hiện nêu trên, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần chú trọng giáo dục, tuyên truyền uốn nắn, chỉnh sửa kịp thời những nhận thức lệch lạc; quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng quân đội; kiên quyết khắc phục các hiện tượng thụ động, hoặc chỉ hô hào chung chung mà trên thực tế không đấu tranh với những lập luận “dân sự hóa quân đội” như thời gian qua. Cần vạch rõ bản chất phản khoa học và tính chất nguy hiểm, cùng những tác hại của những quan điểm nêu trên. Cần tổ chức lực lượng đấu tranh, tranh luận, đối chất, chất vấn với những cán bộ, đảng viên, quần chúng có cách suy nghĩ thiển cận; nâng cao tính Đảng, tính chiến đấu, tính khoa học, sự nhạy bén và sắc sảo trong kết hợp đấu tranh phòng, chống các xu hướng “dân sự hóa quân đội” với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính hàng ngũ cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng ở các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường quân đội chú trọng tổ chức nghiên cứu đồng bộ, toàn diện về vấn đề “dân sự hóa quân đội” một cách khách quan, toàn diện. Có thể phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trong đội ngũ, coi trọng chia sẻ tài liệu, tri thức trên các diễn đàn truyền thông, báo chí và thậm chí là ở diễn đàn nghị trường chính thức, kết hợp với phát huy tuyên truyền miệng và các hình thức tuyên truyền khác. Cần có chính sách rõ ràng, phù hợp, hợp lý cả về vật chất và tinh thần, có cơ chế xuất bản, phát hành rộng rãi những sản phẩm đấu tranh tư tưởng, lý luận, phòng, chống xu hướng này; sớm công khai, công bố rộng rãi, góp phần thống nhất nhận thức, tư duy chính thống.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ dân trí, tạo ra sự “miễn dịch” trong cộng đồng, tăng sức “đề kháng” để ngăn chặn, loại trừ sự thẩm thấu và xâm nhập của các luồng tư tưởng, tư duy sai lệch về tính chất đặc thù hoạt động quân sự; về vai trò, vị trí, chức năng của QĐND Việt Nam; tin tưởng sâu sắc vào truyền thống, bản chất của QĐND Việt Nam anh hùng và phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Làm được như vậy thì dù các thế lực thù địch có chống phá quyết liệt; âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội có thâm độc và tinh vi như thế nào chăng nữa, dù những nguy cơ và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có phức tạp, chi phối tiêu cực thì cũng sẽ bị vô hiệu hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Quận Tây Hồ: đối ngoại nhân dân góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về công tác đối ngoại của Thủ đô
    Chiều 28/3, Quận uỷ Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2024 - 2025.
  • Trấn Bình Môn Kinh thành Huế như bị lãng quên
    Trấn Bình Môn là một cổng phụ trong 13 cửa của Kinh thành Huế nhưng ít người lui tới; như bị lãng quên, xuống cấp theo thời gian và tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai di dời dân để trả lại nguyên trạng cho di tích.
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
''Dân sự hóa quân đội'' - mối nguy hại khôn lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO