Đằng sau những tấm ảnh lịch sử vô giá

Chu Chí Thành| 30/04/2020 14:57

Cứ đến ngày 30/4 hàng năm, bạn đọc lại nhớ tới các bức ảnh nổi tiếng của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975: “Quân Giải phóng tiến vào Đại Nội cố đô Huế” và “Mẹ con ngày gặp mặt” của Lâm Hồng Long; “Quân ta làm chủ thành phố Đà Nẵng”, “Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và các chiến sĩ xe tăng 390 tại dinh Độc Lập” của Đinh Quang Thành; “Nguyễn Trung Kiên, nữ biệt động 18 tuổi hướng dẫn xe tăng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất” của Ngọc Đản; “Xe tăng chiếm dinh Độc Lập” của Trần Mai Hưởng; “Quân giải phóng

Đằng sau những tấm ảnh lịch sử vô giá
“Mẹ con ngày gặp mặt” - Ảnh: Lâm Hồng Long
Rạo rực ra trận

Mới ngày nào không xa, đầu xuân năm 1975, cả Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX)  và Phòng Thông tấn Quân sự (TTQS), Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam rộn ràng khác thường. Ban tổ chức, phòng hành chính, đội xe, Ban tin ảnh trong nước, chuẩn bị người và phương tiện thành nhiều tổ phóng viên cơ động đi từng đợt, theo bước tiến của mặt trận. Ai cũng rạo rực, háo hức đi chiến dịch, nhất là những anh chị em quê ở miền Nam. Tổ ảnh quân sự chúng tôi là đơn vị xung kích gồm một số phóng viên ảnh Phòng Thông tấn Quân sự và phóng viên Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX như: Lâm Hồng Long, Văn Bảo, Phạm Hoạt, Hữu Thứ, Xuân Lâm, Chu Chí Thành, Đoàn Tý, Hứa Kiểm, Vũ Tạo, Hồng Thụ, Hoàng Thiểm, Ngọc Đản, Nguyễn Dĩnh... Tất cả đã được thông báo có lệnh là đi. Riêng tôi, không có tên trong danh sách. Không khí ra trận sôi sục làm tôi đứng ngồi không yên. Tự nhiên tôi nhớ đến Lương Nghĩa Dũng, anh và tôi là một cặp trực chiến tại các trận địa pháo cao xạ Hà Nội, từng lăn lộn nhiều ngày trên đất lửa Khu Bốn. Không may anh đã hy sinh vào ngày 1/5/1972 khi quân ta truy kích tàn quân địch tại Cồn Trâu, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nếu còn sống, thế nào trận đánh cuối cùng này cũng có anh. Nghĩ vậy, lòng tôi nghẹn lại, thôi thúc tôi khát khao có mặt ở tiền tuyến. Tôi bèn tìm gặp anh Đỗ Phượng, Phó Tổng Biên tập trực tiếp theo dõi Ban ảnh, nhưng lúc ấy anh không có ở phòng làm việc. Tôi liền sang gặp anh Đào Tùng - Tổng Biên tập, đề nghị anh cho tham gia chiến dịch. Anh Đào Tùng không trả lời ngay, mà lại kéo anh Lê Chân - Phó Tổng Biên tập sang phòng làm việc của mình để nói chuyện. Ba người ngồi ở bàn tiếp khách, rót nước trà xong, anh Tùng lên tiếng:

- Anh Chân này, Thành đang học ngoại ngữ để sang Đức học báo chí, cậu ấy lại đề nghị đi chiến dịch, mình tính thế nào nhỉ?

Không đợi lâu, anh Lê Chân quay sang tôi nói ngay:

- Đi học cũng là nhiệm vụ, sau giải phóng, ta sẽ thiếu nhiều cán bộ. Các anh không nâng cao trình độ ngang tầm phóng viên quốc tế thì không làm việc được đâu... 

Anh Lê Chân nói nhẹ nhàng đầy tâm huyết mà cũng là mệnh lệnh, tôi không cựa vào đâu được nữa. Tôi ngờ ngợ, tại sao anh Tùng không nói ngay với tôi, mà lại để anh Chân nói. Thì ra Tổng Biên tập đang chuẩn bị ra trận, đã bàn giao lại công việc cho các Phó tổng. Vậy là tôi chỉ  biết bắt tay hai anh ra về.

 Từ hôm ấy trở đi, tôi cứ ngóng theo những bước đi của đồng nghiệp bám sát chân người lính, và  mường tượng chiến dịch qua tin tức nội bộ, qua những bức ảnh trên báo. Ngồi trong lớp học Trường Đại học Ngoại ngữ giữa cánh đồng làng Thanh Xuân mà lòng dạ không yên. Lúc giải lao, tôi lại ra góc sân trường lắng nghe tin chiến thắng từ loa truyền thanh trong làng vọng lại.

Sau chiến dịch Tây Nguyên, VNTTX liên tục tăng cường phóng viên tin, ảnh cho chiến trường. Tổ phóng viên cơ động thứ nhất xuất phát từ Hà Nội sáng ngày 23/3/1975 nhằm tăng cường cho mặt trận Huế. Ban ảnh có Lâm Hồng Long, Hoàng Thiểm, Ngọc Đản; Ban tin có Nguyễn Phác, Trần Mai Hưởng, Ngọc Quả. Ngày 26/3/1975, Huế giải phóng, họ đã kịp có mặt. Trước giải phóng Quảng Trị một hôm, ngày 25/3/1975, Tổ cơ động thứ hai, chỉ có phóng viên ảnh, gồm Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Vũ Tạo lên đường gấp từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Ngày 29/3/1975, giải phóng Đà Nẵng, ba phóng viên này đã kịp đến từ sáng sớm, chụp cảnh quân chủ lực từ đèo Hải Vân tiến vào thành phố. Cũng sáng hôm đó, Lâm Hồng Long, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm lấy 2 xe máy của Ban quân quản Huế, đèo nhau vào Đà Nẵng. Xế chiều họ tới nơi, lập tức lấy tin và chụp ảnh quân, dân ta làm chủ thành phố. 

Ngày 2/4/1975, đoàn công tác đặc biệt gồm 10 người cả phóng viên, điện báo viên và lái xe do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu đã lên đường. Đích đến là trụ sở của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) ở rừng Tây Ninh, nơi Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân đã “trấn thủ” từ hai năm trước. Ban ảnh có Văn Bảo; Ban tin có Trần Mai Hạnh, Phạm Vỵ, Lam Thanh, Nguyễn Hữu Chí đi cùng. “Chủ tướng” Thông tấn ra trận, một quyết định lịch sử táo bạo trong làng báo Việt Nam, nó khích lệ mạnh mẽ đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở  tiền phương, và toàn cơ quan ở hậu phương. Tại Hà Nội, phòng thư ký Bộ biên tập ăn ngủ tại cơ quan, túc trực suốt 24 tiếng, liên hệ với Cục tác chiến - Bộ Tổng tham mưu, và Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị để nắm tình hình mặt trận. Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng có đường giây nóng đến văn phòng  Tổng Bí thư Lê Duẩn, văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tin tức và xin ý kiến cấp trên để trực tiếp chỉ đạo các tổ phóng viên mặt trận. Nối tiếp với các phóng viên tiền phương và các phân xã trong Nam, VNTTX có hệ thống điện báo riêng, chủ yếu bằng moóc (morse), và sau khi Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân vào thì lắp đặt máy thu phát ảnh vô tuyến (telephoto) tại trụ sở TTXGP ở Tây Ninh. 

Có lẽ trong gian khổ, hy sinh mọi người dễ đồng cảm với nhau, lãnh đạo và nhân viên không có sự phân cách. Anh Đào Tùng, anh Lê Chân, anh Đỗ Phượng, anh Trần Thanh Xuân và nhiều người trong bộ máy lãnh đạo VNTTX, cũng như anh Hoàng Tư Trai, anh Lê Châu phụ trách Phân xã Nhiếp ảnh rất gần gũi với phóng viên, biên tập viên. Ê kíp ấy là những con người nhân hậu, hết mình vì công việc, có tầm nhìn chiến lược và điều hành sát sao. Họ là điểm tựa, là người tổ chức và định hướng cho đội ngũ phóng viên ảnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nhà báo, của người chép sử bằng nghệ thuật nhiếp ảnh. 

Cho đến nay, trong lĩnh vực nhiếp ảnh, cả nước có 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, thì TTXVN giành 2 giải, cả nước có 24 Giải thưởng Nhà nước thì TTXVN đoạt 12 giải, chiếm một nửa số giải thưởng toàn quốc. Đặc biệt nhà báo nhiếp ảnh - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng được 2 giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước năm 2006 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. 

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, vậy mà ngày nay, ảnh về cuộc chiến đấu thần kỳ của quân dân Việt Nam vẫn làm xao động con tim, khối óc hàng triệu người trong nước và thế giới. Những bức ảnh này cho thấy thực tế cuộc chiến là khốc liệt, khủng khiếp, là gian khổ, thương vong. Nhưng vượt lên trên sự thật đau thương ấy có một sự thật lớn lao hơn, vĩ đại hơn, đó là tinh thần yêu nước, ý chí quật cường quyết chiến, quyết thắng giành độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc ta. Đây không chỉ là những bức ảnh có giá trị thời sự thông tin kịp thời, mà còn có giá trị lịch sử lâu dài và giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật cao. Những bức ảnh vô giá đó là di sản văn hóa, có giá trị trường tồn, xứng đáng là những tác phẩm ảnh đỉnh cao của nền nghệ thuật nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.  

Hạnh phúc người tử tù và hạnh phúc người cầm máy

Đấy là giờ phút thiêng liêng của người mẹ Bến Tre Trần Thị Bính được ôm lại đứa con trai của mình, chiến sĩ Lê Văn Thức tử tù Côn Đảo trở về ngày 6/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu. Nếu không có giải phóng miền Nam, thì mẹ Bính đâu được nhìn thấy mặt con, kể cả chuyện “nhìn con lần cuối”. Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của Lâm Hồng Long thể hiện được tình mẫu tử của các bà mẹ Việt Nam trong chiến tranh. Và nó cũng nói được tâm trạng của tác giả, điều mà ít người biết đến.

Đằng sau những tấm ảnh lịch sử vô giá
“Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” -  Ảnh: Văn Bảo 

Khi Lâm Hồng Long và tổ phóng viên cơ động nhằm hướng Sài Gòn hành tiến, đến Phan Thiết, tổ trưởng Vũ Tạo đã điện ra Tổng xã đề nghị cho Lâm Hồng Long về nhà thăm mẹ. Điện của Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng trả lời đồng ý. Thế là Tổ mũi nhọn cả xe máy và ô tô đã cùng anh Long về quê, thăm mẹ. Hai mươi năm xa cách, đây là ngày sung sướng nhất, ngày hạnh phúc nhất của Lâm Hồng Long. Nhưng anh Long có nỗi khổ tâm riêng, không biết sẽ ra sao khi về nhà! Lần đi tập kết ra Bắc, anh không kịp về quê nói với người thiếu nữ mà gia đình đã có cơi trầu dạm ngõ ở Hàm Tân. 20 mươi năm không tin tức, không biết người con gái đó còn, hay mất, giờ chị ra sao? Nỗi niềm này đã khắc khoải trong tâm can anh bấy lâu, giờ đây lại càng rối bời. Anh cũng như nhiều thanh niên tập kết, lấy mốc 2 năm tạm xa cách rồi về. Vậy mà hy vọng thành ra vô vọng, từng năm, từng tháng cứ thế trôi qua. Mãi đến ngoài 40 tuổi, anh được vợ chồng phóng viên ảnh Vũ Tín chắp mối cho một nữ công nhân Nhà máy dệt 8/3. Họ yêu thương nhau nên vợ nên chồng. Hai người mới có con vài năm nay. Không ngờ ngày về quê hương lại là hôm nay! Đường xưa, lối cũ đây rồi! Ô tô đỗ trước nhà, cả đoàn lần lượt xuống xe. Đến cửa, anh Long gọi to:

- Má ơi, ba ơi, con đã về, con Long đây!

Từ trong nhà, một bà má bước ra, bà reo lên sung sướng:

- Ủa thằng Long thiệt! Ông ơi, thằng Long về thiệt!

Lâm Hồng Long thấy bố mẹ già đi nhiều, và anh thấy cả ánh mắt người phụ nữ năm xưa đang xoáy vào mình! Anh bàng hoàng nhận ra điều hệ trọng: Cô ấy vẫn đợi mình! Tự nhiên người anh gai lên, nghẹn ngào, lúng túng! Anh đến nắm tay mẹ, nắm tay bố, rồi hỏi chị có khỏe không. Chị định ôm lấy anh, nhưng nước mắt lưng tròng, linh cảm thấy điều gì đó đã cản bước anh lao tới mình, chị chạy vội vào nhà nức nở! 

Mấy anh em đi cùng đều bối rối xúc động như trời trồng, không biết xử trí nỗi éo le này ra sao. Họ cũng lóng ngóng, chẳng ai đưa máy lên mà chụp ảnh. Hứa Kiểm, Vũ Tạo là người cùng tổ ảnh quân sự với Lâm Hồng Long, biết tính anh kín đáo, trầm lắng, nên càng ngại, không dám làm gì. 

Tối hôm đó, anh em đi xe com-mang-ca ở lại nhà anh Long, ăn bữa cơm gia đình. Cụ thân sinh anh Long nói:

 - Mấy chú, mấy em, cơm không có chi, nhưng là bữa cơm ngon nhất đời tui. Ăn nghỉ cho khỏe để còn vô Sài Gòn nè.

Cả đoàn thấy ấm lòng, mừng cho anh Long đã toại nguyện.

 Còn Đinh Quang Thành, Trần Mai Hưởng, xe máy bị xịt lốp phải ở lại Cà Ná. Hôm sau hai anh mới tìm đến, cả đoàn lưu lại đây đêm nữa. Trước lúc lên đường, Hứa Kiểm người cao tuổi nhất trong đoàn, được chỉ định đến nói với chị lời chia tay. Chị ngậm ngùi bảo:

 - Thôi cũng mừng cho ảnh đã ổn định. Tôi cứ tưởng những năm đen tối nhất ở trong này, ngày trở về còn mù mịt, thì ảnh phải làm việc ấy để có chỗ nương tựa khỏi đơn côi, hay đâu đến ngày sáng sủa thì mới vậy.
 Một lời trách móc nhẹ nhàng không nước mắt mà nặng trĩu. Hứa Kiểm nhận ra chị tránh nói tới từ “ảnh cưới vợ” như tránh nỗi đau của mình. Ở trong này chị cũng tham gia cách mạng, nên cũng hiểu anh. Sau những ngày xao động ấy, chị cắt tóc lên chùa. Biết làm sao được! 

Phía trước, chiến trường đang gọi, họ bùi ngùi chia tay nhau. Các phóng viên tìm đến Quân đoàn 2 nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến. Lâm Hồng Long ở nhà hôm nữa, rồi lại lấy xe honda một mình theo bộ đội đến dinh Độc Lập đúng ngày lịch sử trưa 30/4/1975. Mấy hôm sau, anh mới xuống Vũng Tàu chụp bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt”. Dọc đường đi, những chuyện về anh Lê Văn Thức lại hiện lên trong đầu Lâm Hồng Long. Anh Thức tham gia kháng chiến, từng bị Pháp bắt giam ở nhà lao Phan Thiết, Nha Trang, rồi ở trại an trí Đà Nẵng. Người thiếu nữ ấy, đã cùng mẹ thăm nom anh trong tù. Rồi đằng đẵng Bắc Nam xa cách, thế mà vừa mới đây, cả nhà đã được đoàn tụ, sự thật này hơn cả những giấc mơ…

Giờ đây trước ống kính máy ảnh của Lâm Hồng Long là nước mắt dàn dụa của mẹ con người tử tù. Anh còn hồi hộp hơn lúc gặp mẹ của mình. Chiếc máy ảnh Rolleiflex này đã từng chụp được bức ảnh “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn”, “Pháo cao xạ Hà Nội bắn rơi máy bay Mỹ”, “Lễ ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam”... Nhưng khi chụp những bức ảnh ấy anh chỉ bấm nhiều nhất là ba, bốn kiểu, còn bây giờ, Lâm Hồng Long xúc động bấm hết cả cuộn phim 12 kiểu. 

Niềm bồi hồi xúc động của mẹ con anh Thức cũng là nỗi lòng của Lâm Hồng Long chưa nguôi ngoai. Hạnh phúc của người tử tù cũng là hạnh phúc sâu thẳm của Lâm Hồng Long vừa ập tới. Họ, những người dấn thân vào cuộc đấu tranh sinh tử này đều có hoàn cảnh như nhau, tâm trạng như nhau. Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” có căn nguyên là vậy, nó đã thăng hoa khi trái tim người chụp ảnh thổn thức. Người trong ảnh và người chụp ảnh có mối giao cảm đặc biệt và chính mối giao cảm sâu sắc ấy đã tạo nên một biểu tượng nhân văn chiến thắng có một không hai trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam.

Đằng sau những tấm ảnh lịch sử vô giá
Năm 1991, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam gửi bức ảnh này tham dự triển lãm ảnh chính thức của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) nhân Đại hội lần thứ 22 của Liên đoàn tại Tây Ban Nha. Bức ảnh được tặng bằng danh dự (Mencin honer) của FIAP. Lâm Hồng Long rất phấn khởi đã tìm đến nhà mẹ con anh Thức tặng bức ảnh này, một kỷ niệm vô giá cho gia đình anh. 

Bằng danh dự của FIAP cũng là một lá phiếu tích cực để đến năm 1996 bức ảnh bước vào vòng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một. Cuối cùng, Lâm Hồng Long là tác giả đầu tiên của TTXVN được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với hai tác phẩm: “Bác Hồ bắt nhịp Bài ca kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt”. Ông được vinh danh đợt một năm 1996, cùng với các nhà nhiếp ảnh đàn anh lừng danh Võ An Ninh, Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản. Năm ấy anh ra Hà Nội nhận giải thưởng, người gầy guộc hẳn đi, tiếng nói đã hơi khan lạc giọng. Điều trị ngoại trú hơn nửa năm trời, anh phải vào Bệnh viện Thống Nhất điều trị nội trú.

Biết tin anh Long ốm nặng, không cầm cự được nhiều ngày nữa, Lê Văn Thức bắt xe từ Bến Tre lên thăm anh. Họ nắm tay nhau hồi lâu, không nói nên lời. Thức cố nén nước mắt nhìn anh Long, thương anh nhỏ thó, nhưng đôi mắt Lâm Hồng Long vẫn sáng long lanh, đôi mắt nhà nhiếp ảnh vẫn sưởi ấm ngọn lửa thân thương. Anh nhìn Lê Văn Thức trìu mến và còn nhoẻn miệng cười, lắc nhẹ tay Thức. Ra về lúc nào người tử tù năm xưa cũng thấy đôi mắt ấy cười với mình.

Một mình một máy bay mang phim ra Hà Nội

Chụp được cảnh Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Hảo từ bậc thềm dinh Độc Lập bước ra, và cảnh Đại úy Phạm Xuân Thệ, Thiếu tá Bùi Văn Tùng kèm Dương Văn Minh lên xe để sang Đài phát thanh đọc lời đầu hàng, thì Hoàng Thiểm bàn với Ngọc Đản tìm xe con đi chụp tiếp mấy trọng điểm rồi đưa phim ra Hà Nội. Lúc đó quân lính của Phủ Tổng thống đứng, ngồi khá trật tự trên sân cỏ. Thiểm và Đản thấy một thanh niên không bận quân phục, liền nói với anh ta lấy chiếc xe Jeep cảnh sát Sài Gòn đưa đến Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, quân cảng và các đường phố chính để chụp ảnh. Người thanh niên này là Võ Cự Long, trung sĩ trong đội cảnh sát bảo vệ Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo. Xế chiều, cặp đôi Thiểm, Đản quyết định ra Hà Nội. Người lái xe nhận lời, chỉ yêu cầu qua nhà báo tin cho gia đình, vì hơn mười ngày qua anh ta phải túc trực ở dinh Tổng thống, chưa về nhà. Hoàng Thiểm đồng ý. Đến nhà Võ Cự Long, Ngọc Đản ngồi trong ô tô chờ, Hoàng Thiểm vào chung cư cùng người lái xe. Gặp gia đình xong, họ ra xe luôn. Để tránh ùn tắc, Võ Cự Long đã lái xe men theo đường làng ngoại ô, lúc trời tối hẳn, xe mới bon ra Quốc lộ 1. 

Xe đi thâu đêm 30/4 cả ngày đêm 1/5, đến rạng sáng ngày 2/5/1975 mới tới Đà Nẵng, rồi rẽ vào sân bay. Hai nhà báo đề nghị Sở chỉ huy sân bay Đà Nẵng cho máy bay mang tài liệu ra ngoài Bắc. Ban chỉ huy sân bay điện ra Hà Nội xin ý kiến, cấp trên đồng ý. Sở chỉ huy không quân khẩn trương cho kiểm tra máy bay, và chuẩn bị xăng dầu để chiếc máy bay vận tải C130 cất cánh. Thế là Võ Cự Long lại đưa Ngọc Đản vào Sài Gòn. Chưa bao giờ Hoàng Thiểm thấy uy lực của những bức ảnh chiến thắng mạnh như vậy. 18 cuộn phim đã chụp chỉ nặng hơn 1kg mà phải điều một chuyên cơ có sức chở 70 tấn hàng với hai tổ lái. Tổ lái chính là các phi công hàng binh thuộc quân đội Sài Gòn, và đi kèm là tổ lái quân đội ta. Hoàng Thiểm sướng run người, vì yên tâm phim, ảnh sẽ về Hà Nội sớm, và cũng sướng thầm trong bụng vì lần đầu được đi máy bay. Vào trong khoang máy bay rộng thênh thang, không thấy ai cả, anh hơi rờn rợn, bình thường máy bay chở hơn 90 lính dù, mà giờ đây chỉ có một mình anh. Nhưng khi động cơ máy bay rít lên, cái âm thanh trận mạc trở về khiến anh tỉnh táo. Anh thấy mình sướng hơn Đoàn Công Tính, báo Quân đội nhân dân rất nhiều, khi nhà nhiếp ảnh này đưa phim từ chiến trường Đường 9 Nam Lào năm 1971 ra Hà Nội. Hôm ấy vào buổi tối, Đoàn Công Tính vẫy xe, lái xe không cho đi, anh cứ nằn nì đòi đi. Lái xe đành nói thật: “Xe em chở xác quân ta đấy, anh đi thế nào được”, Đoàn Công Tính bảo: “Không sao, mình đang gấp, được đoạn nào hay đoạn ấy”. Ca bin có một lái xe và một chiến sĩ đi kèm. Hết chỗ! Thế là nhà báo phải lên thùng xe, ngồi chung với các tử sĩ. Đến bãi tập kết thi hài, Đoàn Công Tính xuống đường, đợi vẫy xe khác đi tiếp ra Hà Nội.

Còn giờ đây, Hoàng Thiểm đi một mạch khoảng 2 tiếng đồng hồ đã đến sân bay Gia Lâm, liền sau đó có xe đưa về số 5 Lý Thường Kiệt, rồi sang 18 Trần Hưng Đạo tráng phim, phóng ảnh, viết chú thích. Ngày hôm sau 3/5/1975 các báo Hà Nội đăng tiếp ảnh Giải phóng Sài Gòn của Hoàng Thiểm và Ngọc Đản. Nói là “đăng tiếp”, vì hôm trước, Hà Nội đã đăng ảnh telephoto của Văn Bảo và các phóng viên khác từ Tây Ninh ra, những bức ảnh ấy do chính Tổng Biên tập Đào Tùng duyệt phát. Còn ảnh của Hoàng Thiểm và Ngọc Đản ở Hà Nội lại do Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng duyệt lần cuối. Hai đầu cầu thông tấn phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng, kịp thời cung cấp ảnh cho trong nước và quốc tế. Đấy là những ngày mặt trận thông tin báo chí cũng nóng bỏng, dồn dập  như mặt trận quân sự.

Người thật, việc thật là đây, còn gì bằng để báo cáo cấp trên. Ngay hôm 3/5/1975,  Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng đã đưa Hoàng Thiểm mang một loạt ảnh mới phóng lên báo cáo Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Trưởng Ban tuyên huấn Trung ương Tố Hữu. Tối 4/5/1975, người lính, nhà nhiếp ảnh dân tộc Tày này lại được người “anh cả” quân đội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi lên hỏi chuyện tại nhà riêng, ông thân mật gọi nhà nhiếp ảnh là “chú Thiểm”. Rất vui, lúc đó có cả “chú Cư”, Đại tá Phạm Hồng Cư, Cục trưởng Cục Tuyên huấn. Ông vừa đi chuyến bay đầu tiên từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Hà Nội, cũng đến báo cáo tình hình Sài Gòn giải phóng. Hoàng Thiểm nhớ mãi câu nói vui vẻ của Đại tướng: “Tôi biết đồng chí từ Sài Gòn ra Hà Nội từ mùng 2 mà mãi bây giờ tôi mới gặp được, nên ưu tiên cho đồng chí báo cáo trước, còn đồng chí Hồng Cư ra sau báo cáo sau”. 

Chuyến đưa phim từ Sài Gòn ra Hà Nội này là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm báo của Hoàng Thiểm, cũng là sự kiện độc đáo nhất của làng báo Việt Nam. Còn hàng nghìn tấm phim ảnh khác của hơn 50 tay máy rải ở các địa phương từ Quảng Trị đến Cà Mau, nhưng giờ phút ấy, không kịp đưa ra Bắc. Tuy nhiên, tất cả phim ảnh “Mùa xuân đại thắng” đã được ghi chú đầy đủ, bảo quản cẩn thận cùng với hàng chục vạn phim, ảnh nói về cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc ta đã được lưu trong kho tư liệu vàng của Ban biên tập ảnh TTXVN. Chất lượng phim rất tốt, nó đã được báo chí trong và ngoài nước khai thác hơn 45 năm qua và hiện nay đã “số hóa” để phục vụ cho nhiều năm tới. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
  • Quận uỷ Tây Hồ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây
    Sáng 27/3, Quận ủy Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây. Chi bộ Ban Quản lý Hồ Tây phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tham mưu, giúp việc cho Quận ủy, UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
  • Quy hoạch Phong Hòa: Phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị di tích lịch sử
    Định hướng Quy hoạch phân khu xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thành lập phường đến năm 2045 và phát triển đô thị theo hướng bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử kết hợp giữ gìn cảnh quan sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích.
Đằng sau những tấm ảnh lịch sử vô giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO